Trại hè là một trong những hoạt động không chỉ được các Bé yêu thích mà còn được Ba Mẹ ưa chọn nhằm giúp Bé phát triển sự tự lập và hòa nhập cộng đồng. Độ tuổi nhỏ nhất có thể tham gia trại hè là 6 tuổi, thế nhưng không phải Bé nào cũng có đủ kỹ năng và tinh thần để tham gia một cách trọn vẹn ở tuổi đó. Mời Ba Mẹ tham khảo qua những kỹ năng cơ bản bên dưới để giúp Bé hoàn thiện, tạo điều kiện tốt cho Bé được sớm tham gia các hoạt động tự lập sau này.

1. Tự ăn – Tự rửa

Tại trại hè, các khâu ăn uống đều phải tự lập. Bé cần tự lấy tô, chén, tự lấy thức ăn, tự ăn hết khẩu phần rồi tự rửa tô, chén và dọn sạch chỗ ăn của mình. Ba Mẹ có thể chuẩn bị kỹ năng này cho Bé bằng cách nhờ Bé phụ sắp xếp bàn ăn trước bữa và lau dọn bàn sau bữa. Cùng đó, Ba Mẹ có thể tập cho Bé tự lấy khẩu phần của mình sao cho vừa sức ăn, để Bé có thể ăn vừa đủ no và không bỏ thừa thức ăn.

2. Tự vệ sinh cá nhân

Vệ sinh cá nhân bao gồm những việc cơ bản như: đánh răng, rửa mặt, tắm gội, thay quần áo, phân biệt quần áo sạch để gấp gọn và quần áo dơ để mang đi giặt. Bé cần thành thạo những hoạt động cơ bản ấy để có thể sống tự lập và sạch sẽ trong môi trường trại hè. Bên cạnh đó, Ba Mẹ có thể hướng dẫn Bé về các tác phong chỉn chu hơn như: gấp mền, dọn giường, đảm bảo vệ sinh toilet sau khi sử dụng, đặt đồ vật lại vào đúng chỗ sau khi sử dụng….

3. Chủ động ngủ

Khi tham gia trại hè, Bé sẽ có giờ giới nghiêm và được ngủ cùng các bạn. Tuy nhiên, cảm giác xa nhà, không có người thân bên cạnh sẽ khiến Bé cảm thấy lo sợ. Bên cạnh đó, những hoạt động vui chơi và sự hiện diện của bạn bè cũng sẽ khiến Bé ham vui, quên ngủ. Vì vậy, thỉnh thoảng Ba Mẹ hãy tập cho Bé thói quen ngủ xa để giúp Bé mạnh dạn, tự tin và tự chủ hơn. Ngủ xa không nhất thiết là phải ngủ một mình ở phòng riêng, mà có thể là ngủ cùng một người quen khác như anh chị em hoặc ông bà.

4. Hỏi ý kiến và yêu cầu giúp đỡ

Đến một nơi xa và gặp nhiều điều mới lạ sẽ mang lại nhiều thú vị và cả bỡ ngỡ cho Bé. Để chuẩn bị cho Bé một sự tự tin và khả năng hòa nhập, Ba Mẹ hãy tập cho Bé thói quen hỏi ý kiến và yêu cầu giúp đỡ. Hỏi ý kiến cho Bé biết được điều gì được làm và điều gì không, giúp Bé hạn chế tò mò hay hành động quá giới hạn cho phép. Yêu cầu giúp đỡ giúp Bé kết nối và nâng cao niềm tin với cộng đồng, hạn chế sự tự ti, thu mình vì giới hạn của bản thân. Bộ đôi kỹ năng này sẽ giúp Bé hòa nhập với môi trường mới một cách tự tin và an toàn.

5. Ngưng làm điều không phù hợp

Song song với kỹ năng hỏi ý kiến và yêu cầu giúp đỡ, khả năng nhận biết và ngưng làm điều không phù hợp cũng vô cùng quan trọng. Người lớn có thể khiến các Bé ngưng làm những hành động gây phiền toái bằng những biện pháp giáo dục hợp lý, nhưng giữa các Bé với nhau thường chưa có những biện pháp như vậy. Vì vậy, để Bé có thể kết bạn và vui chơi một cách lành mạnh, hạn chế những xô xác không cần thiết, Ba Mẹ hãy từng bước hướng dẫn Bé cách quan sát để nhận biết những dấu hiệu không hài lòng, những hành động phản đối và dạy Bé ngưng làm những điều gây ra sự bất đồng đó.

Trại hè tuy là một môi trường thực tế, thú vị giúp Bé trải nghiệm sự tự lập, nhưng vẫn là một hoạt động ngắn hạn, đòi hỏi sự sẵn sàng của Bé, cũng như sự can đảm và kiên nhẫn của Ba Mẹ. Vì vậy, Ba Mẹ hãy luôn vững vàng, bình tĩnh để đồng hành trên con đường phát triển của Bé nhé.

Daisy Home Preschool

“Con đâu có làm đổ bình nước đâu”… 

Trong khi ba mẹ nhìn thấy từ xa con vừa làm đổ xong. Nói dối phản ánh một cột mốc quan trọng trong phát triển nhận thức của trẻ. Vậy cách xử lý trẻ nói dối như thế nào hiệu quả nhất? 

Trẻ có thể học nói dối từ lúc 3 tuổi, đó là thời điểm trẻ nhận ra ba mẹ không thể đọc được suy nghĩ của các bé. Vì vậy, trẻ có thể nói những thứ không đúng sự thật khi mà chúng nhận ra rằng ba mẹ không biết về những thứ đó. Giai đoạn từ 4-6 tuổi là giai đoạn trẻ nói dối nhiều hơn. Lúc này, trẻ biết cách điều chỉnh các biểu cảm trên khuôn mặt và giọng nói sao cho phù hợp với những gì chúng đang nói. Khi trẻ ở độ tuổi đến trường thì khả năng nói dối sẽ trở nên điêu luyện hơn. Trẻ được bổ sung về từ vựng nên những lời nói dối sẽ ngày càng phức tạp. Hơn nữa, trẻ hiểu được suy nghĩ của người khác như thế nào nên sẽ nói dối thường xuyên hơn. Trẻ nói dối do nhiều nguyên nhân khác nhau. Daisy Home sẽ liệt kê 5 nguyên nhân phổ biến nhất kèm với cách xử lý trẻ nói dối cụ thể trong từng tình huống. Ba mẹ cùng tham khảo nhé.

1. Trẻ nói dối để tránh rắc rối

Bé nói dối vì bé muốn tránh phản ứng tiêu cực từ ba mẹ như thất vọng, giận dữ. Đứa trẻ nào cũng sợ bị phạt nên chúng thường chọn cách nói dối để không ai biết chuyện đó. Cách tốt nhất trong trường hợp này là ba mẹ nên giữ bình tĩnh, không nên gay gắt làm trẻ sợ. Sau đó, ba mẹ hãy khuyến khích trẻ nói lên sự thật và giải thích cho trẻ hiểu rằng con người ai cũng mắc sai lầm, điều quan trọng nhất đó chính là dũng cảm chịu trách nhiệm trước những hành động của mình.

• Cách xử lý khi trẻ nói dối

Trường hợp bé làm đổ sữa, mẹ hãy nói “Mẹ thấy sữa bị đổ rồi nè, mẹ con mình cùng dọn dẹp nha”. Đây cũng là một cách để cho bé hiểu hậu quả hành động của bé. Ngược lại, khi mẹ hỏi có phải bé làm không thì bé sẽ càng có xu hướng nói dối. Mẹ mà giận lên thì đáng sợ lắm và có thể bé lại tiếp tục nói dối hơn. Nếu bé tự thừa nhận, mẹ hãy khen thưởng rồi ôm bé nha. 

2. Trẻ nói dối để xem phản ứng của ba mẹ

Trẻ con thường có trí tưởng tượng rất phong phú, khả năng tưởng tượng của trẻ phát triển đến mức đôi khi trẻ nghĩ rằng những gì mình nghĩ là sự thật như một chú cá đang bay trên bầu trời, công chúa ngồi trên cửa sổ, mục đích trẻ nói dối là để xem phản ứng của ba mẹ như thế nào, muốn được người lớn quan tâm hơn.

• Cách xử lý khi trẻ nói dối

Nếu bé kể một câu chuyện không thật, mẹ nói hùa theo câu chuyện của bé luôn “Wow, câu chuyện con kể thú vị ghê, mẹ con mình phải ghi lại để sau này xuất bản sách.” Như vậy, bố mẹ vẫn đang động viên sự sáng tạo nhưng không thể hiện khuyến khích cho sự nói dối của con mình. Thỉnh thoảng, ba mẹ cũng có thể nhắc lại một cách hóm hỉnh “con cá biết bay sao rồi? Dạo này con có hay nói chuyện với bạn ấy không? Ba mẹ và con, cả nhà mình có chủ đề để trò chuyện với nhau rồi phải không ạ? Ba mẹ cũng hãy thư giãn xíu, cho trí tưởng tượng của mình được dịp bay cao, áp lực sẽ trôi nhẹ hơn đó ạ.

3. Trẻ nói dối để được chú ý

Một số trẻ có tâm lý hiếu thắng luôn muốn mình được mọi người chú ý nhiều hơn nên đã tìm cách nói dối. 

• Cách xử lý khi trẻ nói dối

Khi bé nói dối để nhận được sự ngưỡng mộ từ người khác, mẹ hãy cố gắng khen trẻ nhiều hơn, ví dụ khi bé học cái gì mới, từ ngữ bé dùng rất sinh động, điều con vừa nói khiến mẹ nghĩ ngợi đến câu chuyện là …. Như vậy sẽ khiến bé tự tin hơn và xây dựng lòng tự trọng ở bé và dần dần điều chỉnh hành vi. Nói với bé rằng ba mẹ thương bé rất nhiều.

4. Để đạt được những gì bé muốn

Trẻ nói dối có mục đích cho thấy trẻ nhận thức được hành vi của mình làm sai nhưng cố gắng nói dối để bảo vệ mình không bị ba mẹ la mắng. Nếu ba mẹ phản ứng tiêu cực sẽ làm cho bé cảm thấy rằng cần phải nói dối hết lần này đến lần khác khi làm một việc gì đó sai trái.

• Cách xử lý khi trẻ nói dối

Ba mẹ hãy nói nhẹ nhàng cho bé biết rằng không nên nói dối, giải thích vì sao và hãy nghiêm túc cho bé biết rằng ba mẹ có thể sẽ hoài nghi con ở lần tới và như thế thì rất buồn. Mẹ cũng có thể tạo ra hệ thống khen thưởng. Nếu bé làm giỏi cái gì đó thì sẽ được mẹ thưởng món đồ vật bé đang muốn. Sau khi thử hết các cách trên, nếu bé còn nói dối “chuyên nghiệp” hơn, ba mẹ hãy đọc truyện khuyến khích sự chân thật, nên có luật lệ và hậu quả của các hành vi nào chấp nhận được trong nhà. Tối kị nhất là bố mẹ nghĩ và gán cho bé là kẻ nói dối. Điều này cực kỳ không tốt cho lòng tự trọng của bé và còn dẫn tới nhiều sự việc thiếu chân thật nhiều hơn.

5. Trẻ nói dối do môi trường sống

Trẻ hình thành thói quen nói dối do sống trong một môi trường toàn những lời nói dối. Ví dụ ba mẹ nói dối qua điện thoại với người khác làm trẻ cảm thấy khó hiểu khi luôn được dạy phải trung thực. Trẻ thấy ba mẹ nói dối có bị làm sao đâu nên bắt đầu hình thành thói quen nói dối là chuyện bình thường.

• Cách xử lý khi trẻ nói dối

Để trẻ không nói dối, ba mẹ phải là người làm gương cho trẻ để trẻ noi theo. Trẻ còn nhỏ nên rất hay học theo những gì người lớn làm, vì vậy ba mẹ không nên nói dối trước mặt trẻ hoặc nói dối với chính trẻ nhé. Trong một vài trường hợp phải đối phó với tình huống khiến ba mẹ khó nói thật nhưng lại trong tầm nghe, nhìn của con, hãy giải thích thật cặn kẽ nguyên do và mong bé hiểu đó là thế giới người lớn có những điều rất cần sự thông cảm của trẻ em.

Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp bố mẹ biết được trẻ nói dối phải làm sao, cách xử lý trẻ nói dối như thế nào để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý non nớt của trẻ. Ba mẹ biết cách xử lý khi con mình nói dối sẽ giúp con mình hiểu sớm và bỏ thói quen xấu này. Daisy Home chúc ba mẹ thành công nhé.

Daisy Home Preschool

Chăm sóc và dạy dỗ bé là hành trình vất vả, nhưng có lẽ đó cũng là niềm hạnh phúc mà chỉ ba mẹ hiểu được. Dù vậy, ngay tại giai đoạn vàng, ba mẹ cần tìm cách cân bằng giữa chăm sóc, giúp đỡ bé và để cho bé độc lập để tạo bước đệm cho sự độc lập của bé sau này.

Cùng DAISY HOME tham khảo 7 gợi ý giúp ba mẹ ủng hộ bé độc lập hơn nhé.

1. Giao cho bé công việc nhà mỗi ngày

Trong giai đoạn vàng, ba mẹ không cần phải giao hẳn một việc nhà cụ thể. Thay vào đó, hãy cho bé làm một đầu việc nhỏ, nhẹ nhàng, lặp lại mỗi ngày. Công việc có thể chỉ đơn giản là đặt chính tô, chén của bé vào bồn rửa ngay sau khi ăn.

Ba mẹ không cần phải khen thưởng bé sau những lần hoàn thành công việc nhà này, để tránh trường hợp bé hình thành tư duy chỉ làm việc để được nhận khen thưởng. Daisy Home khuyến khích ba mẹ nói lời cảm ơn bé vì những điều này.

2. Dạy bé có trách nhiệm với phòng riêng và khu vực chơi

Khi để bé tự chịu trách nhiệm với phòng riêng hay khu vực chơi, rất có thể những nơi ấy sẽ bừa bộn, không theo ý ba mẹ. Tuy nhiên, ba mẹ hãy kiên nhẫn để hướng dẫn bé, thay vì sửa lại thành quả hay làm thay nhiệm vụ của bé. Nếu bé ở chung, chơi chung với anh chị em của mình, ba mẹ hãy hướng dẫn các bé cách phân công và hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Về việc bé vẫn chưa sắp xếp được gọn gàng, ba mẹ có thể chỉ cho bé thấy chỗ nào chưa ổn, hướng dẫn bé một lần và dành một thời gian nhất định để quan sát, nhắc nhở. Hãy luôn kiên nhẫn với bé nhé!

3. Để bé tự sắp xếp cặp đi học

Bé cần hiểu rằng, mọi thứ không tự nhiên xuất hiện trong cặp. Việc tự sắp xếp cặp của mình sẽ giúp bé rèn luyện kỹ năng lên kế hoạch, chuẩn bị cho hôm sau, đây cũng là một bước đệm tốt cho sự độc lập sau này của bé. Việc ba mẹ chuẩn bị cặp cho bé thường xuyên sẽ tạo thành một thói quen mà khi bé lớn hơn, nó sẽ khó thay đổi. 

4. Không giúp bé làm những việc bé có thể tự làm

Khi bé đã có thể tự làm một số việc nhất định như mặc đồ, đánh răng, hãy để bé tự làm, dù có hơi vụng về và chậm chạp. Bằng cách tự làm những việc ấy, bé sẽ ngày càng thuận thục, và tốc độ sẽ ngày càng tối ưu hơn.

5. Cho bé quyền lựa chọn

Bé cần được học kỹ năng cân nhắc và đưa ra quyết định từ sớm, thay vì lúc nào cũng được yêu cầu làm gì và làm như thế nào. Đó là một phần quan trọng cho hành trình độc lập sau này. Vì vậy, thay vì phải đặt ra hàng đống luật lệ, hay những đợt phản hồi được và không được, hãy cho bé được lựa chọn. Ba mẹ hãy hỏi con về lý do lựa chọn và cảm xúc của con khi quyết định nữa nhé. Gật gù hưởng ứng và nêu quan điểm, suy nghĩ của ba mẹ là điều rất nên làm lúc này đó ạ. 

6. Trò chuyện và hỏi ý kiến của bé

Độc lập không chỉ nằm ở việc hành động mà còn ở cách suy nghĩ. Ba mẹ có thể rèn luyện cho bé suy nghĩ từ sớm bằng cách thường xuyên trò chuyện, hỏi ý kiến của bé và phản hồi một cách tích cực khi bé chia sẻ.

7. Để bé tự giải quyết xung đột của chính mình

Một kỹ năng quan trọng khác để độc lập hơn, đó là quản lý cảm xúc, cách phản ứng với các mối quan hệ xung quanh. Trải nghiệm đầu tiên bé sẽ gặp là trải qua xung đột với bạn bè đồng trang lứa, hay anh chị em trong gia đình. Những lúc như thế này, ba mẹ sẽ dễ tham gia vào để giải quyết tình huống ngay. Tuy nhiên, ba mẹ hãy bình tĩnh để bé giải quyết theo cách của mình trước. Dĩ nhiên, những lần đầu tiên sẽ vụng về và không thấu đáo, ba mẹ sẽ cần hỗ trợ bé nhiều, nhưng hãy để kỹ năng này được phát triển thông qua mỗi lần bé chủ động giải quyết nhé.

Daisy Home Preschool

Bố mẹ nên làm gì khi trẻ không tập trung học tập? 

cô dạy trẻ học

Cần có phương pháp dạy trẻ không tập trung một cách hiệu quả hơn

  1. Khi trẻ ở nhà 

Điều đầu tiên, ba mẹ có thể làm là đảm bảo bé ngủ đủ giấc. Hầu hết trẻ em ở độ tuổi tiểu học vẫn cần ngủ từ 10 – 11 tiếng mỗi ngày. Các bé thường sẽ được cho đi ngủ từ 8 – 9 giờ tối và thức dậy vào lúc 6 – 7 giờ sáng. 

Tiếp theo, ba mẹ cần kiểm tra xem chế độ dinh dưỡng hằng ngày của bé có đủ chất dinh dưỡng hay chưa, nên hạn chế đồ ăn vặt ít béo và ăn ít đường. 

Cuối cùng, hãy dành thời gian nói chuyện với bé về thời gian sử dụng điện thoại hoặc máy tính bảng. Ba mẹ cần đặt một giới hạn để bé không dùng đồ điện tử quá nhiều. 

  1. Khi bé ở trường

Ba mẹ có thể thảo luận với giáo viên để giúp trẻ không tập trung học có điều kiện để cải thiện, ví dụ: 

  • Cho bé ngồi ở đầu lớp học 
  • Đặt bé ngồi cạnh bạn yên lặng, không làm phân tâm 
  • Yêu cầu bé thể hiện kỹ năng mà chúng học trong lớp, giúp trẻ tự tin hơn và có lòng tự trọng.
  • Cho trẻ thêm thời gian hoàn thành công việc và giảm bớt lượng bài tập về nhà nếu chúng đang gặp khó khăn về khả năng tập trung
  • Khi trẻ gặp khó khăn, cô giáo cung cấp cho trẻ sự giúp đỡ trực tiếp càng nhiều càng tốt. 

Điều quan trọng nhất là cần phải xây dựng lòng tự trọng, sự tự tin và bồi dưỡng các kỹ năng xã hội tích cực cho những trẻ cảm thấy việc tập trung học ở trường là một cuộc đấu tranh. 

Khi trẻ sợ việc học thì nó sẽ tự cô lập với các bạn, mất tự tin vào khả năng của bản thân và không sẵn sàng học kiến thức mới. 

Bài tập cải thiện cho trẻ không tập trung 

Khó tập trung là một thách thức với trẻ trong ngắn hạn và dài hạn. Dù thế nào, nó cũng khiến việc học của trẻ trở nên khó khăn hơn và tác động nhiều đến cuộc sống hằng ngày. 

Nếu bố mẹ không biết làm thế nào để trẻ không tập trung thì có thể áp dụng các chiến lược sau: 

  1. Chỉ làm 1 việc một lúc 

Những trẻ khó tập trung học thì ba mẹ không nên cho bé làm nhiều việc cùng một lúc, mỗi thời điểm chỉ nên cho bé làm 1 việc duy nhất. Bé sẽ tập được thói quen tập trung tâm trí, suy nghĩ vào 1 việc thay vì phải nghĩ về nhiều việc khác nhau cùng một lúc. 

Ví dụ: thay vì bảo bé dọn phòng, bố mẹ nên nói: “Đầu tiên, con nhặt tất cả đồ chơi trên sàn bỏ vào giỏ, sau đó mẹ con mình sẽ làm việc tiếp theo”

  1. Chia nhỏ việc lớn thành nhiều việc nhỏ 

Khi trẻ gặp khó khăn sẽ nhanh chóng bỏ cuộc. Lúc này, ba mẹ nên chia nhỏ nhiệm vụ lớn thành nhiều nhiệm vụ nhỏ để trẻ rèn luyện được khả năng tập trung. Khi chia nhỏ nhiệm vụ, bé sẽ biết được mình cần phải làm gì, không bị mất tập trung vào quá nhiều việc. 

Hơn nữa, chia nhỏ giúp tạo động lực rất lớn cho bé khi hoàn thành một công việc, bé sẽ có hứng thú hoàn thành nhiệm vụ lớn hơn. 

  1. Tập cho bé thói quen lập danh sách công việc

Nhiều trường hợp bé khó tập trung do bé không biết nên ưu tiên việc nào để làm trước. Vì thế, trước khi bắt đầu một bài học, ba mẹ nên tập bé thói quen liệt kê các mục cần phải làm. Ví dụ, mục tiêu hôm nay của con là ôn lại bài chương 1 và hoàn thành 3 bài tập về nhà. 

Khi bé hoàn thành việc trong danh sách, ba mẹ có thể động viên, khích lệ con để tạo cho bé sự hứng khởi. Hơn nữa, ba mẹ nên cho bé nghỉ ngơi một chút để não bộ được thư giãn trước khi thực hiện nhiệm vụ mới. 

  1. Đặt hẹn giờ

Đặt hẹn giờ là phương pháp dạy trẻ không tập trung học được rất nhiều ba mẹ áp dụng hiện nay. Trẻ biết có giới hạn về thời gian nên chúng sẽ phải tập trung hơn để hoàn thành.

Khi thấy bé bắt đầu quen dần, bạn có thể tăng thời gian từng chút một để bé rèn luyện khả năng tập trung tốt hơn.

Tạo môi trường làm việc có tổ chức cho bé

  1. Tạo một góc học tập gọn gàng cho bé

Một không gian bừa bộn, quá nhiều đồ đạc sẽ làm trẻ không tập trung học tập tốt được. Do đó, ba mẹ hãy tạo một không gian học tập chỉ gồm những vật dụng cần thiết cho con trong buổi học. Hãy hạn chế tối đa những vật dụng thừa như đồ chơi, truyện tranh,… xuất hiện cùng lúc trên mặt bàn học khi con đang tập trung.

  1. Thiết lập thời gian học tập cho con

Thói quen chính là nền tảng của thành công. Chính vì thế, ba mẹ  con lên một kế hoạch học tập cho bé để chúng dễ dàng làm theo, từ đó hình thành nên thói quen học và làm bài tập đúng giờ.

  1. Luôn có thời gian nghỉ ngơi và đi ngủ đúng giờ

Bên cạnh thời gian học, ba mẹ nên tập cho trẻ nghỉ ngơi, không nên bắt trẻ ngồi học và làm bài tập hàng giờ liền. Mỗi khi bé học 45-60 phút, bố mẹ có thể cho con thư giãn để lấy lại năng lượng và không bị quá tải.

Trẻ ngủ đúng giờ và đủ giấc cũng giúp tăng khả năng tập trung vào ngày hôm sau. Ba mẹ nên giúp bé tạo thói quen đi ngủ sớm giống nhau vào tất cả các ngày, tránh tình trạng trẻ mê điện thoại mà bỏ bê giấc ngủ.

Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho não bộ của trẻ

Omega 3 là axit béo thiết yếu giúp nuôi não và giữ cho não khỏe mạnh. Omega 3 là một phần của quá trình xây dựng tế bào mới, chìa khóa để phát triển hệ thần kinh trung ương, tim mạch, thị giác,…

Cơ thể trẻ không thể tạo ra Omega 3, nên chúng ta chỉ có thể bổ sung thông qua chế độ dinh dưỡng hằng ngày. DHA và EPA có nhiều trong cá. ALA có nhiều trong đậu nành và dầu hạt cải, hạt lanh và quả óc chó.

Ngoài ra, ba mẹ nên bổ sung cho trẻ Vitamin nhóm B như B1, B6, B9 và B12 cần thiết cho sự phát triển của não bộ, tăng cường trí nhớ, giúp duy trì kết nối thần kinh và chức năng của não bộ. Ba mẹ cũng có thể bổ sung vitamin nhóm B thông qua các loại thực phẩm như thịt bò, bơ, chuối, hải sản, các loại rau có lá xanh thẫm, khoai lang,…

Hy vọng với những chia sẻ về tình trạng trẻ khó tập trung sẽ giúp bố mẹ hiểu rõ hơn và có những cách khắc phục hiệu quả. Đừng quên khen ngợi sự chăm chỉ cải thiện của trẻ để tăng sự tập trung. Bố mẹ nên chỉ ra các tiến bộ từ nhỏ nhất của bé để bé biết rằng khả năng tập trung ngày một tốt hơn.

Daisy Home Preschool

Sự mất tập trung ở bé không phải lúc nào cũng do ADHD. Nó có thể đến từ việc trẻ bị mệt mỏi, căng thẳng, thiếu ngủ, ảnh hưởng từ gia đình… 

Thời gian khiến trẻ chú ý thường rất ngắn nếu các bé đang làm những việc tẻ nhạt, biểu hiện rõ rệt ở những trẻ mất hứng thú nhanh chóng. Thế nên, đôi khi người lớn dùng tiêu chí của người trưởng thành và kỳ vọng trẻ phải biết tập trung hơn. Daisy Home cho rằng, trước tiên, ba mẹ hãy nên kiên nhẫn, chậm rãi với tình trạng này của con, sau đó, chúng ta cùng tìm hiểu thêm một số nguyên nhân bên ngoài nữa, ba mẹ nhé. 

Giúp bé con tập trung

Cùng Daisy Home điểm qua 08 nguyên nhân chính gây ra các vấn đề về tập trung ở trẻ nhé.

1. Trẻ bị mệt mỏi 

Trẻ không tập trung có thể kết quả của sự mệt mỏi, đây là điều mà nhiều trẻ và bậc phụ huynh thường mắc trong cuộc sống thường ngày. 

Mệt mỏi ở trẻ có thể đén từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Ở những trẻ bị thừa cân hoặc có tuyến amidan quá lớn sẽ gặp tình trạng rối loạn nhịp thở khi ngủ (SDB) gây mệt mỏi sau mỗi buổi sáng thức dậy. Trẻ bị suy tuyến giáp cũng thường xuyên gặp tình trạng mệt mỏi và không tập trung. 

Cảm giác mệt mỏi cũng có thể do thói quen ngủ không đều. Do đó, bố mẹ nên thường xuyên theo dõi giấc ngủ của trẻ để đánh giá toàn diện nhất nhé!

2. Trẻ bị khiếm khuyết trí tuệ

Trẻ không tập trung học tập và khiếm khuyết trí tuệ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Trẻ em mắc chứng khó đọc hoặc chứng khó thở khi chưa chuẩn đoán có thể sử dụng sự không tập trung làm cơ chế đối phó. Hãy luôn luôn tìm đến đánh giá khoa học của các chuyên gia về bất kỳ vấn đề nào của con mình. Đừng vội kết luận và phán xét!

3. Trẻ bị phân tâm các yếu tố bên ngoài 

Bé không tập trung học tập từ những cảnh vật bên ngoài cửa sổ, từ những người bạn trong lớp đến những âm thanh ở khu vực gần đó. Nếu bé có khả năng tập trung kém thì những thứ này sẽ gây xao nhãng việc chú ý đến bài học là điều dễ hiểu. 

Ba mẹ cần đảm bảo trước khi bé tập trung làm gì đó, nơi đó không có những thứ “làm phiền” việc học của bé. 

4. Trẻ ngủ không đủ giấc 

Ngủ là một phần quan trọng trong thói quen hằng ngày của mỗi đứa trẻ. Một giấc ngủ ngon có thể làm nên những điều kỳ diệu ngay cả với người lớn, và trẻ em cũng có tầm quan trọng riêng của nó. 

Giấc ngủ giúp cơ thể nạp năng lượng, tạo điều kiện cho não bộ thực hiện các kết nối tế bào thần kinh, phục hồi cơ bắp và đào thải độc tố. 

Duy trì thời gian ngủ nghỉ điều độ rất cần thiết. Vì vậy ba mẹ hãy đảm bảo bé ngủ đủ giấc mỗi ngày và ngủ đúng giờ nhé!

5. Trẻ bị thiếu dinh dưỡng 

Sự phát triển của não bộ phụ thuộc vào dinh dưỡng mà cơ thể nạp vào hằng ngày. Trẻ được bổ sung đầy đủ DHA, EPA, Vitamin và khoáng chất thường phát triển toàn diện về trí não lẫn thể chất. 

Nếu một chế độ ăn chứa nhiều chất béo bão hòa và đường sẽ làm giảm khả năng tập trung và ghi nhớ của trẻ. 

6. Phong cách học tập không phù hợp

Mỗi học sinh sẽ có phong cách học tập khác nhau, một số trẻ học tốt bằng cách nhìn, một số khác lại thích cách nghe và một số trẻ lại thích làm hơn nghe và nhìn. 

Nếu cách dạy hiện tại không phù hợp với phong cách học tập của trẻ sẽ làm trẻ không tập trung học tập trên lớp, dẫn đến kết quả không bằng bạn bằng bè. 

7. Bé bị căng thẳng 

Bé không tập trung có thể đến từ việc tâm lý bị căng thẳng hoặc buồn phiền về vấn đề gì đó. Căng thẳng có thể đến từ việc phải làm bài tập quá nhiều, kết quả học tập không như ý muốn hoặc cảm giác thua thiệt bạn bè. 

Yếu tố tâm lý còn đến từ những bất ổn trong cuộc sống gia đình như bố mẹ cãi nhau, bố mẹ hay quát tháo trẻ… cũng góp phần làm bé khó tập trung. 

8. Trẻ muốn được bố mẹ quan tâm nhiều hơn

Trẻ em luôn khao khát được quan tâm, đặc biệt từ cha mẹ. Đôi khi, trẻ kém tập trung là để thu hút sự chú ý của bố mẹ dành cho mình. Vì vậy, ba mẹ hãy đảm bảo gắn kết với con mình ngay khi có thể. Không quan trọng 10 phút hay 60 phút, bố mẹ hãy cho bé thấy bản thân được quan tâm nhé!

Trên đây là những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng trẻ không tập trung học trên lớp và ở nhà. Vậy bé không tập trung phải làm sao? Ba Mẹ hãy theo dõi Daisy Home Preschool để cùng đọc thêm bài viết ở phần tiếp theo nhé. 

(Còn tiếp) 

Daisy Home Preschool

Trẻ không tập trung sẽ ảnh hưởng nhiều đến những kết quả sau này, đặc biệt trong việc học. Với bài viết này, Daisy Home sẽ giúp ba mẹ hiểu hơn về tình trạng không tập ở bé và giải pháp tốt nhất cho tình trạng này nhé.

Giúp bé con tập trung

1. Trẻ không tập trung là bệnh gì? 

Không tập trung là tình trạng trẻ khó tập trung suy nghĩ về một sự kiện hoặc tình huống nhất định. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở độ tuổi đi học, ảnh hưởng nhiều đến quá trình học tập và phát triển não bộ của bé. 

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ khó tập trung. Trong số đó, chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một khả năng. Thế nhưng, để có được kết luận khoa học và khách quan, ba mẹ hãy tìm đến sự thăm khám và hướng dẫn chăm sóc từ các chuyên gia tâm lý về trẻ em. 

2. Biểu hiện bé khó tập trung 

Bé khó khăn với sự tập trung không có nghĩa là trẻ có “vấn đề”. Nhưng chắc chắn nó có thể gây ra các ảnh hưởng khác trong trường học và cuộc sống hằng ngày của bé. Ví dụ:

  • Bé có thể đi học muộn, không hoàn thành bài tập hoặc khó hoàn thành bài tập về nhà theo yêu cầu của thầy cô. 
  • Không thể tập trung lâu vào một việc 
  • Bé không thể ngồi yên lúc ăn cơm, khi gia đình cùng trò chuyện và chơi một trò đòi hỏi sự tập trung, yên tĩnh, …
  • Dễ bị phân tâm bởi các tiếng động như phim, cuộc trò chuyện của người lớn …
  • Bé không nghe theo chỉ dẫn của giáo viên và phụ huynh 
  • Khó hòa nhập với bạn bè 
  • Vụng về hoặc kỹ năng vận động, … 

Vậy nguyên nhân khiến bé khó tập trung là do đâu? Ba Mẹ hãy theo dõi Daisy Home Preschool để cùng đọc thêm bài viết ở phần tiếp theo nhé.

(Còn tiếp) 

Daisy Home Preschool

Các môn thể thao hay các hoạt động ngoài trời mang lại cho bé nhiều lợi ích về tư duy và kỹ năng vận động. Tuy nhiên, trong giai đoạn vàng, các bộ môn cần được giản lược lại sao cho bé hiểu và rèn luyện được ngay.

6-hoat-dong-the-thao-cho-giai-doan-vang

Trong bài viết này, DAISY HOME sẽ gợi ý 6 hoạt động thể thao phù hợp để Ba Mẹ hướng dẫn và cùng chơi với bé.

1. Vượt chướng ngại vật

Trong giai đoạn vàng, việc điều khiển cơ thể của bé vẫn chưa khéo léo. Ba Mẹ có thể đặt ra những vật cản bằng xô, thùng, hoặc bất cứ vật dụng nào và thử thách bé đi qua mà không chạm vào vật cản. Thử thách có thể được nâng lên bằng cách, thay vì luồn lách, hãy cho bé nhảy qua mà không chạm vật.

2. Đèn xanh – Đèn đỏ

Đèn xanh – Đèn đỏ (hay Ngựa gỗ) là một trò chơi hoạt động đơn giản giúp bé rèn luyện kỹ năng vận động và phản xạ. Ba Mẹ hãy là người ra tín hiệu Đèn xanh hoặc Đèn đỏ, với Đèn xanh là được di chuyển, Đèn đỏ là đứng yên.

3. Bắt và ném bóng

Ba Mẹ có thể giúp bé rèn luyện kỹ năng kết hợp giữa tay và mắt bằng cách lăn hoặc ném nhẹ một quả bóng về phía bé, thử thách bé bắt lấy và chuyền lại. Có thể nâng thử thách lên bằng cách cho bé tự ném bóng vào tường rồi bắt khi bóng bật ngược lại.

4.Ném bóng vào rổ

Ném bóng vào rổ giúp bé rèn luyện kỹ năng tập trung vào mục tiêu và ghi bàn. Ba Mẹ có thể bắt đầu từ loại rổ đặt trên nền đất, rồi nâng dần độ cao về sau.

5.Cầu lông đơn giản

Bộ môn cầu lông có nhiều luật lệ, tuy nhiên, với phiên bản giản lược, Ba Mẹ chỉ cần chuẩn bị cho bé 1 cặp vợt, trái cầu lông và cùng bé tung hứng lâu nhất có thể.

6.Đá banh

Với Giai đoạn vàng, bộ môn Đá banh có thể được giản lược thành chuyền banh bằng chân, hoặc chuyền banh vào khung thành giả lập.

Tại DAISY HOME, chúng tôi hướng đến sự phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất và tinh thần. Chính vì thế, ngay cả những trò chơi, hoạt động ngoài trời cũng được thiết kế cẩn thận, tối ưu. Mời Ba Mẹ tham khảo thêm thông tin tại website của DAISY để có thêm lựa chọn trong hành trình nuôi dạy Bé.

Daisy Home Preschool

Trong Giai đoạn vàng, bé sẽ không hiểu hết những luật lệ phức tạp của các môn thể thao, cũng như cơ thể vẫn còn giới hạn cho nhiều kỹ thuật. Tuy nhiên, khi hoạt động, bé vẫn sẽ nhận được những lợi ích tuyệt vời, ngay cả khi các môn thể thao đã được giản lược, hay đơn giản chỉ là những hoạt động ngoài trời.

hoat-dong-the-thao-trong-giai-doan-vang

Sau đây là 3 lợi ích mà bé nhận được khi tham gia thể thao từ giai đoạn vàng:

1. Thể thao giản lược dạy trẻ những kỹ năng cốt yếu của những bộ môn chính thống, điều mà bé sẽ cần khi lớn lên

Các phiên bản giản lược, mặc dù bỏ qua nhiều luật lệ nhưng vẫn giúp bé rèn luyện những kỹ năng vận động quan trọng của cơ thể. Chính vì vậy, việc luyện tập phiên bản giản lược của những bộ môn thể thao thông dụng là một bước đệm tốt cho bé, đặc biệt là khi bé hứng thú tiếp nối hướng phát triển ấy vào giai đoạn đi học chính thức, hay khi tham gia các câu lạc bộ.

2. Thể thao giản lược giúp trẻ học về tính cạnh tranh lành mạnh

Thể thao mang lại cho bé môi trường để rèn luyện về tình đồng đội và tính cạnh tranh lành mạnh. Qua các buổi chơi, bé sẽ học được cách phối hợp với đồng đội để giải quyết vấn đề, cách tôn trọng đối thủ và tiếp tục chơi đến cùng.

Đặc biệt, khi sinh hoạt cùng bạn bè đồng trang lứa, nơi những lỗi sai xảy ra từ những cá thể phát triển cùng tốc độ, bé sẽ học được rằng, nếu kết quả không như mình mong đợi thì cũng chẳng sao cả.

3. Thể thao giúp nâng cao sức khỏe, hoàn thiện chức năng của cơ thể

Sự phát triển lành mạnh về chức năng vận động là một trong những lợi ích nổi bật khi bé được chơi thể thao, hay tham gia các hoạt động ngoài trời. Ngay cả khi bé chỉ thích chơi những môn bé cảm thấy hứng thú, và tiếp tục rèn luyện chỉ một bộ môn nhất định, thì những kỹ năng cùng thời gian rèn luyện ấy vẫn mang lại hiệu quả lâu dài cho sức khỏe của bé.

Vì những lý do ấy, và để khơi cảm hứng cho những hoạt động thể thao về sau, Ba Mẹ hãy tạo điều kiện để bé được hoạt động mà không cần phải quá hiểu về luật lệ nhé!

Hãy theo dõi DAISY HOME Preschool để tham khảo các môn thể thao phù hợp trong giai đoạn vàng tại bài viết sau nhé.

Daisy Home Preschool

Không ít ba mẹ nói rằng họ cảm thấy khó khi kết nối với con, đặc biệt khi bé bước vào lứa tuổi dậy thì. Thực chất, không phải sự thay đổi tâm lý của con ở tuổi dậy thì là nguyên nhân dẫn đến khó khăn này, mà chính mối quan hệ, thể hiện qua giao tiếp hằng ngày trong gia đình đã chưa được thiết lập vững chắc khi con còn bé. Ba mẹ hãy đặc biệt quan tâm đến xây dựng cho con cái của mình sự tin tưởng. Hãy cùng Daisy Home tìm hiểu một số gợi ý cho điều này thông qua hoạt động giao tiếp đơn giản nhé.

xay-dung-long-tin-cho-con

1. Đáp ứng nhu cầu cảm xúc của con

Công nhận cảm xúc không có nghĩa là ba mẹ đồng tình với những hành động bé đang thể hiện. Công nhận cảm xúc chỉ đơn giản là thừa nhận bé đang có cảm xúc đó. Ví dụ như: “Có vẻ con rất buồn. Nếu là mẹ, mẹ cũng rất buồn.” hoặc “Nếu bị bố mẹ giằng lấy đồ chơi khi mình đang chơi thì mẹ nghĩ ai cũng sẽ rất tức giận.”

Việc chúng ta công nhận cảm xúc của con sẽ giúp các con cảm thấy ba mẹ là đồng đội của mình. Trong nhiều trường hợp, trẻ chỉ cần được công nhận cảm xúc và mong muốn của mình là đã cảm thấy thỏa mãn và dừng việc ăn vạ, khóc lóc. Như vậy, ba mẹ cũng đỡ đau đầu phải tìm cách kỷ luật con.

2. Giữ lời hứa

Những người cho rằng bọn trẻ còn nhỏ, có hứa rồi chúng cũng sẽ quên. Nhưng ba mẹ lại quên mất rằng, trẻ cũng là một con người, có não bộ, có tư duy và hoàn toàn có nhận thức. Khi ba mẹ thất hứa, tức là tự chúng ta đánh mất cơ hội trở thành người đáng tin tưởng nhất trong mắt con cái. Khi ba mẹ thất hứa, mối quan hệ  con tồn tại mà thiếu đi niềm tin lẫn nhau. Ba mẹ cũng cần chắc chắn đó là những lời hứa hoàn toàn có thể thực hiện. Nên nhớ, lời hứa không phải là sự “dụ dỗ”.

3. Tin tưởng con

“Mẹ tin lời hứa của con, mẹ tin con sẽ làm được!” là những câu mà ba mẹ nên nói và làm với con khi con đã hứa điều gì đấy. 

Ngược lại, nếu khi nào con không giữ lời thì bố mẹ có thể nói với con như: “Nếu mẹ không giữ lời hứa, con có buồn không? Vậy con thấy đấy, con không giữ lời hứa mẹ cũng không vui. Mẹ sẽ phải nghiêm khắc hơn rất nhiều cho những việc trong tương lại, con đồng ý chứ?”

4. Lắng nghe con

Ba mẹ phải cho con thấy bố mẹ quan tâm và lắng nghe mỗi khi nói chuyện với con, chúng ta nên ngồi xuống ngang tầm mắt của con để trò chuyện. Hãy cố gắng nhìn vào mắt con, gật gù tán đồng những điều con kể để con thấy rằng ba mẹ rất tôn trọng và quan tâm đến những điều con nói.

5. Khen ngợi, khích lệ con

Ba mẹ hãy khen ngợi những việc cụ thể con làm được và đừng “khiêm tốn” mà khen chung chung nhé. Ví dụ như: “Con cố gắng lắm, đã tự bê được sách mà không cần nhờ gì mẹ cả, giỏi ghê!”. Khen ngợi con vừa là cách để động viên, khích lệ các ba mẹ ấy làm việc tốt lại vừa là cách để người lớn tạo dựng mối quan hệ tin tưởng với trẻ đấy 

6. Thường xuyên nói “Ba mẹ yêu con”

Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Sydney (Australia) từng chỉ ra, sự tự tin đóng vai trò nền tảng trong cuộc đời của một đứa trẻ, bao gồm các thành tích học tập, kỹ năng giao tiếp, chỉ số EQ… Do đó, sức mạnh của lời nói yêu con, không chỉ mang tính thời điểm, mà còn hun đúc sự tự tin mạnh mẽ, giúp trẻ cả chặng đường đời.

7. Nói lời xin lỗi khi ba mẹ có lỗi

Khi chúng ta xin lỗi trẻ, trẻ sẽ hiểu một điều đơn giản rằng chúng ta không thể luôn luôn làm đúng, việc thi thoảng phạm sai lầm là bình thường. Nhưng chúng ta phải xin lỗi và khắc phục hậu quả, dám nhận trách nhiệm về phía mình. 

Nhưng liệu việc chúng ta xin lỗi trẻ có khiến chúng ta mất uy với trẻ, khiến chúng không nghe lời chúng ta không? Câu trả lời là ngược lại. Khi trẻ hiểu ba mẹ cũng có lúc sai lầm, trẻ sẽ cảm thấy ba mẹ gần gũi hơn, tin tưởng hơn và có thể cảm giác tức giận lúc bị la mắng sẽ giảm trong khi lòng bao dung được tăng lên. 

Hy vọng những thông tin hữu ích trên, Daisy Home có thể giúp bố mẹ cùng con tạo dựng mối quan hệ tin tưởng và gắn kết với nhau nhiều hơn nữa nha.

Daisy Home Preschool

Ba Mẹ có biết, giao tiếp không chỉ đơn thuần là âm thanh, từ ngữ và điệu bộ?

Giao tiếp là một kỹ năng phức tạp, đòi hỏi nhiều hơn thế. Chúng được kết hợp từ các kỹ năng con khác như: nghe, nói, đọc, viết, ngôn ngữ cơ thể và cả việc nắm rõ bối cảnh văn hóa – xã hội. 

4-goi-y-giup-ba-me-day-be-giao-tiep-tot-hon

Cùng Daisy Home xem qua 4 gợi ý giúp Ba Mẹ dạy bé giao tiếp hiệu quả hơn nhé:

1. Hãy là tấm gương để bé noi theo

Trẻ em học hỏi từ chính môi trường sống và kinh nghiệm tiếp xúc hàng ngày cùng mọi người. Chính vì vậy, ba mẹ cần ý thức trong việc dùng từ ngữ, điệu bộ khi giao tiếp.

Ba Mẹ hãy lựa chọn từ ngữ đơn giản, sáng nghĩa và nói những câu ngắn, đơn giản để giúp bé dễ nắm và hiểu ý hơn. Ngoài ra, hãy để ý cả những lúc nói chuyện với người khác trước mặt bé để tránh gián tiếp dạy bé những từ ngữ xấu!

2.Đừng quá tập trung vào việc sửa lỗi

Mắc lỗi là một phần quan trọng trên hành trình học điều mới. Ba Mẹ quá tập trung vào việc sửa lỗi sai sẽ khiến các bé lo sợ và e dè nói ra điều mình mong muốn. Thay vào đó, hãy lặp đi lặp lại cách nói đúng trong những tình huống liên quan, phù hợp để trẻ dễ bắt chước và tự sửa lỗi sai. Hầu hết các bé đều có khả năng tự sửa lỗi sai về từ ngữ, phát âm sau khi quan sát người lớn giao tiếp trong những bối cảnh liên quan.

3.Dạy bé cách lắng nghe

Lắng nghe là kỹ năng quan trọng cho một cuộc giao tiếp hiệu quả. Bằng cách chú tâm lắng nghe, bé sẽ dễ dàng nắm và hiểu ý, từ đó có thể phản ứng, trả lời một cách phù hợp nhất.

Ba Mẹ có thể làm mẫu cho bé học theo nhằm phát triển khả năng lắng nghe bằng cách dành thời gian tập trung, lắng nghe bé nhiều như cách Ba Mẹ muốn nhận được. Hãy nhìn vào mắt bé khi trò chuyện, điều đó giúp bé tự tin hơn. Ngoài ra, hãy luôn để bé được tự do đặt câu hỏi, bình luận trên những điều Ba Mẹ đã nói.

4.Phát triển thói quen, sở thích đọc sách

Bằng cách đọc qua nhiều chủ đề và thể loại sách, bé sẽ học được nhiều từ vựng và cấu trúc ngữ pháp mới để áp dụng vào cuộc sống. Bên cạnh đó, những kiến thức tổng quan từ sách cũng sẽ giúp bé gia tăng sự tự tin.

Hãy sắp xếp cho bé thời gian đọc thường xuyên để giúp bé nâng dần vốn từ vựng và sự vững vàng khi giao tiếp.

Daisy Home Preschool