Hành trình nuôi dạy các Bé luôn đầy thách thức và niềm vui. Mỗi đứa trẻ đều là một cá nhân độc đáo với sở thích, tính cách và ước mơ riêng. Đôi khi, Ba Mẹ sẽ gặp tình huống các Bé phát triển một sở thích mà mình không mong muốn. Đó có thể là sở thích mà Ba Mẹ không hiểu được hoặc sở thích đó có thể gây ảnh hưởng đến Bé. Vậy Ba Mẹ nên giải quyết thế nào khi gặp trường hợp này? Daisy Home xin gợi ý một số cách để Ba Mẹ có thể tham khảo.

🌻Sự hỗ trợ và đồng hành của Ba Mẹ luôn có sức ảnh hưởng to lớn với các Bé. Hãy luôn ủng hộ Bé và lắng nghe ngay cả khi Bé có sở thích mà Ba Mẹ không mong muốn. Chính sự hỗ trợ này sẽ giúp Bé tự tin hơn để khám phá thế giới này.

🌻Điều cần ưu tiên nhất là lắng nghe và thấu hiểu các Bé. Mỗi Bé điều có lý do riêng và chỉ khi lắng nghe thật kỹ thì Ba Mẹ mới tìm được tiếng nói chung với Bé. Trước tiên, Ba Mẹ và Bé có thể ngồi lại với nhau, trò chuyện về sở thích của Bé. Hãy thử khơi gợi cho Bé chia sẻ lý do tại sao con thích làm điều này.

🌻Ví dụ Bé thích chơi game, Ba Mẹ cũng không cần vội phán xét hay phản ứng quá mạnh mẽ. Phản ứng tiêu cực sẽ làm Bé lo sợ và mất kết nối với Ba Mẹ. Thay vào đó, Ba Mẹ hãy thử cố gắng nhìn nhận vấn đề từ góc độ của Bé. Trong ví dụ trên, Bé thích chơi game điện tử có thể là vì cảm giác thành tựu hay kết nối với bạn bè. Nếu chơi ở mức độ vừa phải, chơi game còn giúp Bé tăng phản xạ và khả năng xử lý tình huống. Như vậy, không phải cứ chơi game điện tử là không tốt cho Bé.

🌻Nếu một sở thích có thể ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc sự phát triển toàn diện của Bé, Ba Mẹ nên đặt ra những giới hạn hợp lý. Điều này cần thực hiện một cách nhẹ nhàng và giải thích rõ lý do cho Bé hiểu. Nếu Bé thích chơi game điện tử, Ba Mẹ hãy đặt ra quy định về thời gian chơi game mỗi ngày. Đồng thời, đừng quên nói cho Bé hiểu rằng chơi game quá lâu sẽ gây hại cho mắt hoặc làm Bé sao lãng việc học.

🌻Bên cạnh đó, Ba Mẹ có thể khuyến khích Bé thử nghiệm đa dạng các sở thích mới. Điều này sẽ giúp Bé mở rộng tầm nhìn và phát triển nhiều kỹ năng hơn. Thông qua việc thử và làm, Bé sẽ dễ dàng tìm thấy niềm đam mê mới và không quá tập trung vào 1 sở thích duy nhất. Ví dụ nếu Bé ở nhà xem tivi quá nhiều, Ba Mẹ có thể dẫn Bé đi ngoại khóa khám phá thiên nhiên.

🌻Một cách khác để Bé bắt đầu sở thích mới là Ba Mẹ hãy làm gương cho con. Nếu muốn Bé thích đọc sách, hãy dành thời gian đọc sách cho Bé nghe. Nếu muốn yêu thích việc rèn luyện sức khỏe, hãy dắt Bé cùng đi chạy bộ với Ba Mẹ. Ngoài ra, một môi trường cung cấp đầy đủ tài nguyên và công cụ phù hợp cũng giúp Bé tò mò với điều mới hơn. Ba Mẹ có thể đặt sách tranh hay dụng cụ vẽ trong tầm với để Bé dễ tiếp cận và khám phá.

Mỗi sở thích là cầu nối cho Bé hiểu hơn về chính mình và đi tìm đam mê thật sự. Hy vọng với những chia sẻ trên đây, Ba Mẹ sẽ có thể giúp Bé phát triển sở thích một cách lành mạnh và hạnh phúc.

Daisy Home Preschool

“Con muốn làm diễn giả”, “con muốn làm nhà sáng tạo nội dung”, “con muốn quay video”… Thời đại công nghệ mới đã mở ra cho Bé rất nhiều lựa chọn về ngành nghề khác với các hướng đi truyền thống. Để Bé có góc nhìn bao quát hết, Ba mẹ có thể bắt đầu bằng việc giới thiệu cho Bé 11 lĩnh vực quan trọng dưới đây.

👩‍🌾Nông – lâm – ngư nghiệp

Nông lâm ngư nghiệp là viết tắt của tổ hợp ba nhóm ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp. Nông nghiệp là trồng trọt, chăn nuôi tạo ra lương thực, thực phẩm. Ngư nghiệp phụ trách nuôi trồng, khai thác hải sản. Còn lâm nghiệp tập trung phát triển, quản lý và bảo vệ rừng, chế biến lâm sản.

🧑‍⚕️Sức khỏe, y tế

Nhóm ngành sức khỏe, y tế bao gồm bác sĩ, y tá,… chuyên điều trị và chăm sóc sức khỏe con người. Điển hình công việc hàng ngày của các bác sĩ là khám chữa bệnh và kê đơn thuốc để giúp mọi người khỏi ốm. Nhờ đó, mọi người sẽ luôn có sức khỏe để vui chơi, học tập và làm việc. 

🧑‍💻 Công nghệ – thông tin

Công nghệ thông tin (IT) là lĩnh vực sử dụng máy tính, phần mềm và internet để quản lý, bảo vệ và khai thác các thông tin, dữ liệu. Nhóm ngành này đang phát triển mạnh mẽ với các chuyên ngành như Khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, Robotics,… Ba Mẹ có thể lấy ví dụ về một trò chơi trên điện thoại để Bé dễ hình dung hơn. 

🎬 Báo chí truyền thông 

Báo chí truyền thông là lĩnh vực đưa  các thông tin xã hội, khoa học, giải trí… đến cho người đọc, người xem. Thông tin truyền đạt qua nhiều cách như văn bản, hình ảnh, video hay podcast. Khi lựa chọn lĩnh vực này, Bé có thể là phóng viên, biên tập viên, MC hay người sáng tạo nội dung. 

👩‍💼 Kinh doanh 

Lĩnh vực kinh doanh gồm các ngành nghề liên quan đến mua bán và cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Ba Mẹ có thể kể cho Bé nghe về các nghề liên quan đến kinh doanh phổ biến như nhân viên bán hàng, marketing, kế toán,… 

🎨 Nghệ thuật – sáng tạo – đồ họa 

Lĩnh vực nghệ thuật, sáng tạo chia thành 3 nhánh lớn: nghệ thuật thị giác, nghệ thuật văn học và nghệ thuật trình diễn. Trong đó, có rất nhiều hoạt động cụ thể như vẽ tranh, điêu khắc, nhiếp ảnh, âm nhạc, đồ họa, viết kịch bản… 

👩‍🏫 Sư phạm

“Thầy giáo, cô giáo” luôn là những tên gọi thân thương và đầy kính trọng của mọi người dành cho những ai theo ngành Sư phạm. Đây là ngành giúp giảng dạy, đào tạo kiến thức và kỹ năng cho cho các thế hệ trẻ. Hiện tại, xã hội có nhiều chuyên ngành giáo dục như sư phạm mầm non, tiểu học, chuyên ngành,…

👷 Kiến trúc và xây dựng

Ngành xây dựng – kiến trúc liên quan đến việc thiết kế và tạo nên các công trình nhà ở, trường học, khu vui chơi, văn phòng… Các nghề nghiệp phổ biến có thể kể đến là kiến trúc sư, kỹ sư, thợ xây…

🎯 Sản xuất và chế biến

Từng hộp sữa, từng chiếc áo, từng đôi giày đều là sản phẩm đến từ nhóm ngành sản xuất và chế biến. Những người làm trong lĩnh vực này sẽ có nhiệm vụ kiểm soát, quản lý và tham gia vào quá trình chế biến, chế tạo ra sản phẩm. Các ngành nghề quen thuộc gồm công nghệ thực phẩm, dệt may, da giày, chế biến thủy sản… 

👮‍♀️ An ninh – Quốc phòng

Khi Bé có hứng thú muốn làm công an, Ba Mẹ có thể giới thiệu cho Bé biết nhiều hơn về an ninh, quốc phòng. Những người công tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng là các chú công an, cảnh sát, bộ đội. Họ sẽ giúp giữ gìn trật tự xã hội và bảo vệ Tổ quốc thân yêu. 

📖 Nhân văn

Đây là nhóm ngành dành cho các bạn yêu thích ngôn ngữ và khám phá văn hóa các nước. Người trong lĩnh vực này sẽ được đào tạo chuyên sâu về ngoại ngữ và văn hóa một nước nào đó. Nhớ thế, họ có thể làm các vị trí biên phiên dịch, nhân viên quan hệ quốc tế hay nhân viên tại các lãnh sự quán.

Trên đây là 11 lĩnh vực ngành nghề phổ biến cho Bé thỏa sức khám phá. Việc tìm hiểu đa dạng lĩnh vực sẽ cho Bé nhiều sự lựa chọn và dễ dàng tìm ra đam mê của mình. Ba Mẹ có thể dùng hình ảnh hoặc đoạn clip liên quan đến nghề nghiệp để giúp Bé hiểu rõ hơn nhé. 

Daisy Home Preschool

“Thương cho roi cho vọt” luôn là hình thức dạy con quen thuộc được áp dụng cho tới ngày nay. Đòn roi trở thành công cụ để Ba Mẹ răn đe khi các Bé mắc lỗi sai. Tuy nhiên, liệu việc đánh thật đau có thật sự giúp Bé nhận ra lỗi sai và sửa sai? Hãy cùng Daisy Home phân tích ngay dưới đây.

Trên thực tế, các Bé dưới 12 tuổi thường chưa thành thạo việc hiểu và xử lý các phản hồi tiêu cực. Cho nên khi Bé bị đánh, Bé thường không hiểu được tại sao mình bị Ba Mẹ phạt. Lỗi sai của Bé có gây ra hậu quả thế nào. Bé chỉ nhận lỗi vì sợ hãi và quên đi ngay sau đó. Điều này có thể gây trở ngại cho quá trình phát triển khả năng tự nhận thức và tự điều chỉnh hành vi của Bé.

Việc đánh thật đau dễ dàng làm Bé nghe lời nhưng cũng dễ làm mai một dũng khí của Bé. Nhiều Ba Mẹ thấy hình phạt đòn roi rất hiệu quả vì chỉ cần giơ roi lên là con không dám làm gì. Tuy nhiên, đây lại là điều đáng lo hơn đáng mừng. Tâm lý các Bé mầm non thường rất non nớt và dễ trở nên nhút nhát khi bị đánh. Trong tương lai Bé có thể sẽ không dám thử điều mình thích và khó có chủ kiến trong cuộc sống.

Ngoài ra, trẻ em thường bắt chước hành vi của người lớn. Khi bị đánh, Bé sẽ nghĩ đòn roi là cách giải quyết vấn đề. Điều này làm cho tính cách của Bé có xu hướng trở nên hung hăng hơn, dễ tức giận hơn. Như vậy, việc Ba Mẹ đánh đòn không giúp giải quyết vấn đề mà còn nảy sinh nhiều vấn đề khác. Chưa kể đến, biện pháp này chỉ là tạm thời và sẽ mất dần hiệu quả theo thời gian.

Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để kiểm tra hiệu quả của việc dùng đòn roi khi giáo dục trẻ em. Một nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA) đã chỉ ra rằng đánh đòn không mang lại hiệu quả trong việc giúp Bé nhận ra lỗi sai và có thể gây ra nhiều vấn đề tâm lý​ (Psyche Hive)​. Nghiên cứu khác của Viện Nghiên cứu Gia đình Mỹ (IFS) cũng cho thấy rằng trẻ em bị kỷ luật đòn roi thường có mối quan hệ không tốt với Ba Mẹ. Chính vì thế, Ba Mẹ nên tìm hiểu và áp dụng các phương pháp không đòn roi để giúp Bé phát triển tốt hơn.

Khi Bé mắc phải lỗi sai, Ba Mẹ nên dành thời gian để giúp Bé hiểu tại sao hành vi đó sai, hành vi đó dẫn đến hậu quả như thế nào. Hành vi đó không tốt vì làm người khác buồn, đau hay khó chịu. Ví dụ như vì Bé làm vỡ lọ hoa nên mẹ rất buồn. Khi hiểu ra nguyên nhân và hệ quả của lỗi sai, các Bé có thể tự điều chỉnh hành vi của mình một cách hiệu quả hơn.

Để Bé nhớ về lỗi sai của mình, cách tốt nhất là để Bé chịu trách nhiệm cho hành vi đó. Khi đánh rơi lọ hoa của Mẹ, Bé nên xin lỗi mẹ và cùng mẹ (hoặc tự bản thân) dọn dẹp, vệ sinh lại nơi đó. Thông qua việc sửa chữa sai lầm, các Bé sẽ tiếp thu thêm kỹ năng mới và học cách giải quyết các vấn đề.

Bên cạnh đó, phần thưởng và khen ngợi cũng là phương pháp tích cực để giáo dục cho các Bé. Khi Bé làm điều tốt, Ba mẹ có thể dành cho các lời khen hay phần quà nho nhỏ nào đó. Phần thưởng và lời động viên tích cực sẽ giúp Bé tự hào và muốn tiếp tục hành vi đó. Các Bé được khen thưởng, cổ vũ thường xuyên cùng sẽ tự tin hơn so với việc bị răn dạy bằng đòn roi.

Việc đưa ra các hình phạt không phải để làm tổn thương Bé mà để các Bé có thể nhận ra lỗi sai và sửa chữa. Chính vì thế, việc đánh thật đau không thật sự phù hợp và giúp ích như nhiều người vẫn tưởng. Thay vào đó, Ba Mẹ có thể cân nhắc những phương pháp không đòn roi mà vẫn đủ kỷ luật, giúp Bé phát triển nhận thức, rèn luyện kỹ năng xử lý vấn đề và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa Ba Mẹ và Bé.

Daisy Home Preschool

Theo đuổi một sở thích sẽ mang đến nhiều giá trị và động lực tích cực cho sự phát triển của Bé. Đây chính là lý do nhiều Ba Mẹ cho các Bé thử sức với nhiều môn năng khiếu như vẽ, đàn piano, múa, tập võ… Tuy nhiên, không phải môn năng khiếu nào Bé cũng thật sự thích và mong muốn theo đuổi. Việc đi ngược lại sở thích của Bé có thể lấy đi sự sáng tạo và đam mê khám phá bên trong Bé.

Chính vì thế, Ba Mẹ nên tìm hiểu các phản ứng khi Bé cảm thấy không thích định hướng của Ba Mẹ. Nhờ đó, Ba Mẹ có thể điều chỉnh phù hợp, giúp Bé khám phá và đào sâu vào sở thích của mình. Hãy cùng Daisy Home tìm hiểu ngay dưới đây.

💥Phản ứng thường thấy là Bé phản đối và từ chối một cách rõ ràng. Bé có thể đơn giản chỉ bỏ qua mong muốn của Ba Mẹ và tiếp tục tập trung cho những gì Bé thích. Khi Ba Mẹ bắt ép hoặc không ủng hộ sở thích của mình, Bé dễ thấy bực bội và tức giận hoặc thậm chí là la hét, cãi vã.

💥Ngược lại, đôi khi, thỏa hiệp và cố gắng chấp nhận chính là cách Bé phản ứng trước mong muốn của Ba Mẹ. Khi theo đuổi một điều đi ngược lại sở thích của mình, Bé sẽ dễ mất đi sự hứng thú và cam kết thực sự. Về lâu dài, điều này dần lấy đi sự sáng tạo và sự tự do trong quá trình phát triển của Bé.

💥Nếu Ba Mẹ liên tục phản đối sở thích của Bé, Bé có thể bắt đầu nghi ngờ bản thân và khả năng của mình. Bé dễ cảm thấy bất an và lo lắng khi đưa ra bất kỳ quyết định nào. Bên cạnh đó, việc không nhận được sự ủng hộ của Ba Mẹ sẽ làm cho Bé nhìn nhận bản thân chưa đủ tốt. Vì nguyên nhân này, Bé dần đánh mất đi sự tự tin, trở nên thu mình và ít nói hơn.

💥Ngoài ra, Bé có thể cố gắng che giấu sở thích của mình vì sợ Ba Mẹ không vui, sợ Ba Mẹ không hài lòng. Đấy chính là khởi đầu cho những lời nói dối của Bé, có thể là về những gì Bé đang làm hay giữ bí mật về khoảng thời gian dành cho sở thích của riêng mình. Dần dần, Ba Mẹ sẽ khó thấu hiểu hoàn toàn về Bé hay Bé cảm thấy khó chia sẻ với Ba Mẹ.

🌟Tuy nhiên, không phải Bé lúc nào cũng sẽ phản ứng tiêu cực khi gặp tình huống này. Các Bé vẫn có thể chia sẻ cởi mở về suy nghĩ của mình khi được Ba Mẹ khuyến khích, như việc tại sao Bé thích tập võ mà không thích học múa. Từ đó, Ba Mẹ và Bé có thể đàm phán với nhau bằng cách đưa ra những giải pháp thay thế.

Daisy Home Preschool

Những món ăn ngọt ngào như bánh kẹo, kem, nước có ga… luôn có sức hấp dẫn với tất cả trẻ em. Tuy nhiên, ta đều biết rằng ăn quá nhiều đường có thể gây sâu răng hay nhiều vấn đề sức khỏe cho Bé. Chính vì thế, người Thụy Điển đã luôn duy trì truyền thống “Ngày thứ bảy kẹo ngọt” trong suốt hơn 50 năm qua. Đây là ngày cho phép các Bé có thể ăn đồ ngọt tự do, thỏa thích mà không hạn chế về số lượng. Vậy tại sao một ngày tự do ăn kẹo có tác dụng cho Bé kiêng đường?

Trên thực tế, “Ngày thứ bảy kẹo ngọt” có cơ chế tương tự như “cheat day” của người lớn. Vào các ngày trong tuần, Ba Mẹ sẽ hạn chế cho Bé ăn bánh kẹo hay đồ ngọt để thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh. Còn ngày thứ bảy sẽ được xem như phần thưởng đặc biệt cho chuỗi ngày rất cố gắng của Bé. Bé sẽ được tự do thưởng thức vô số bánh kẹo hấp dẫn mà hầu như không bị giới hạn gì.

Một em bé đi chọn kẹo trong ngày Lördagsgodis. Ảnh: SARTUDAY SWEETS

🍬 Khi áp dụng “Ngày thứ bảy kẹo ngọt” thành công, Ba Mẹ sẽ giúp Bé giảm lượng đường tiêu thụ mà vẫn không làm mất đi niềm vui của Bé. Một bữa kẹo “xả láng” vào thứ bảy chính là dịp cho Bé “xả hơi” và giải tỏa cảm giác thèm ăn ngọt. Sau đó, Bé sẽ có thêm động lực để tiếp tục chu kỳ kiêng đường trong 6 ngày tới. Ngoài ra, ngày kẹo ngọt còn tránh việc lạm dụng chế độ kiêng đường quá mức. Nếu để Bé nhịn ngọt hoàn toàn, Bé sẽ rất dễ cáu gắt, căng thẳng và buồn chán.

🍬Vậy làm sao để áp dụng “Ngày thứ bảy kẹo ngọt” hiệu quả cho các Bé ở nhà? Ở giai đoạn đầu tiên, Ba Mẹ không cần cắt ngay lượng đường trong tất cả các ngày của Bé. Thay vào đó, Ba Mẹ có thể thử quy tắc ăn uống 90/10 đối với bữa ăn hàng ngày. Điều đó có nghĩa là 90% chế độ ăn uống chỉ bao gồm thực phẩm lành mạnh, 10% còn lại có thể “ăn gian” bằng thực phẩm vị ngọt tự nhiên như trái cây, mật ong,… Như vậy, các Bé vẫn kiêng đường trong các ngày trong tuần mà không cảm thấy quá khó chịu.

🌈 Đến ngày thứ bảy hàng tuần, Ba Mẹ có thể cho Bé một ngân sách nhất định để mua toàn bộ bánh kẹo, đồ ngọt yêu thích. Hãy vui vẻ tận thưởng cùng các Bé vì đã có 1 tuần rất nỗ lực từ chối mọi món ăn vặt hấp dẫn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Ba Mẹ cho Bé ăn kẹo ngọt cả ngày thứ bảy. Việc ăn đường thả ga không mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ngược lại, còn có thể làm cho Bé cảm thấy chán ăn, bỏ bữa trong những ngày tới.

Do đó, Ba Mẹ và Bé nên quy ước trước về ngân sách và khoảng thời gian ăn kẹo trong ngày thứ bảy. Bé cần phải ăn đầy đủ các bữa chính, sau đó mới được ăn vặt. Các thời điểm tốt nhất mà Bé có thể ăn kẹo là sau bữa trưa hoặc sau bữa ăn tối. Lúc này, các Bé có thể tự do ăn theo ý muốn mà không sợ bỏ bữa, thiếu chất nữa. Còn ngân sách mua bánh kẹo thì chỉ trong giới hạn vừa đủ, nếu hết tiền thì sẽ không cho thêm nữa.

🌟 Trong trường hợp, Bé chưa đã thèm với ngày thứ bảy và vẫn muốn đòi ăn kẹo trong những ngày khác trong tuần. Ba Mẹ có thể đánh lạc hướng bằng cách dụ Bé bằng món đồ chơi yêu thích hoặc bát sữa chua hoa quả đầy màu sắc. Tuy nhiên, cách này thường chỉ có tác dụng với bé dưới 4 tuổi.

🌟 Đối với bé từ 4 tuổi trở lên, Ba Mẹ có thể đánh vào tâm lý tò mò, ham học hỏi và hay đặt câu hỏi của Bé. Ba Mẹ có thể nhân ngày thứ bảy để trò chuyện và giải thích về lý do tại sao không nên ăn nhiều đồ ngọt. Đây là lúc Bé cảm thấy vui vẻ nên sẽ dễ tiếp thu hơn. Ba Mẹ có thể nói cho Bé rằng Ba Mẹ sẽ không cấm con ăn kẹo nhưng sẽ có quy định về số lượng và thời gian. Ngoài ra, Ba Mẹ có thể tạo liên tưởng gần gũi như nhắc về bạn bè hay anh em của Bé từng bị đau răng; hay nhắc về cảm giác khi nhức răng, cho dù con ăn đồ ngọt cũng không thấy ngon mà chỉ thấy đau.

Không chỉ giúp Bé kiêng đường, “Ngày thứ bảy kẹo ngọt” còn là món quà tinh thần, gắn kết mọi thành viên trong gia đình lại với nhau. Cả nhà sẽ có dịp tự thưởng cho mình bữa tiệc kẹo ngọt ngào sau một tuần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Mỗi cuối tuần, hãy thêm chút ngọt ngào để Bé thêm phấn khởi cho chu kỳ kiêng đường tiếp theo nhé.

Daisy Home Preschool

💁‍♀️Yêu thương, chăm sóc con cái luôn là bản năng của mỗi người làm cha, làm mẹ. Tuy nhiên, ranh giới của việc quan tâm và nuông chiều các Bé nhỏ thường không quá rạch ròi. Đôi khi Ba Mẹ vì xót con nên sẽ muốn thỏa mãn Bé vô điều kiện, không nỡ để Bé phải thiếu thốn bất cứ điều gì. Hoặc một số trường hợp Ba Mẹ quá bận rộn, lại dùng vật chất bù đắp khi không ở có thời gian ở bên Bé.

💁‍♀️Biểu hiện nuông chiều Bé quá mức dễ nhận thấy nhất ở 3 khía cạnh. Một là cho Bé mọi thứ Bé muốn bao gồm đồ chơi, quần áo đắt tiền. Hai là không để Bé phải làm bất kỳ việc gì như làm bài tập, phụ giúp việc nhà hay tự vệ sinh cá nhân. Ba là không xây dựng kỷ luật cho Bé, điển hình là trường hợp cho Bé chơi điện thoại suốt cả ngày. Bất kể khía cạnh nào, chính sự nuông chiều quá mức của Ba mẹ sẽ vô tình ảnh hưởng không tốt đến tính cách của Bé.

📌Nếu Ba Mẹ mua tất cả món đồ chơi Bé muốn, Bé sẽ nhận ra mọi thứ có được quá dễ dàng. Bé có ngay món đồ mình yêu thích mà không cần bất kỳ nỗ lực nào. Dần dần, Bé sẽ bỏ quên bản năng cố gắng hết sức vì một điều gì đó. Khi cuộc sống có điều không như ý, Bé rất dễ suy sụp bởi khả năng chịu đựng áp lực kém. Khi lớn lên, Bé cũng dễ nản lòng bỏ cuộc trước những mục tiêu của cuộc đời mình.

📌Bên cạnh đó, nhiều Ba Mẹ có thói quen dùng vật chất bù đắp cho thời gian bận rộn không thể ở bên con. Điều này làm cho Bé nghĩ rằng hạnh phúc bắt nguồn từ của cải vật chất. Các Bé sẽ lớn lên với quan niệm tài sản, tiền bạc là tất cả những gì Bé cần để có cuộc sống thỏa mãn hơn. Tuy nhiên nếu chỉ chú trọng vật chất, Bé sẽ dễ bỏ lỡ những niềm vui thật sự khi ở bên gia đình và bạn bè.

📌Về khía cạnh cuộc sống, việc Ba Mẹ làm hết mọi việc cho Bé cũng lấy đi khả năng tự lập của Bé. Ví dụ như nhiều Bé lớn lên vẫn không biết rửa chén, quét nhà hay tự chăm lo sinh hoạt hàng ngày của mình. Điều này khiến Bé bị thiếu các kỹ năng cần thiết để sống tự lập khi lớn lên. Nhiều Bé dễ trở nên khép mình, tự ti và khó đưa ra quyết định khi thiếu vắng hình bóng của Ba Mẹ.

📌Không chỉ vậy, quá trình học kỹ năng sống cũng là quá trình rèn luyện khả năng hòa nhập cho Bé. Việc Ba Mẹ quá bao bọc con sẽ khiến cho Bé không biết cách ứng xử trong cuộc sống hàng ngày. Bé dễ trở nên tự cao và không quan tâm cảm xúc của mọi người xung quanh. Với tính cách này, Bé rất khó hòa nhập với bạn bè và không thể xây dựng mối quan hệ bền chắc.

📌Một điều nữa là khi Bé được đáp ứng mọi mong muốn, Bé có thể đánh mất sự đồng cảm và thấu hiểu với người khác. Bé luôn nghĩ rằng việc hưởng thụ là điều hiển nhiên và vô tâm trước sự yêu thương quan tâm của Ba Mẹ.

📌Ngoài ra, thiếu kỷ luật trong gia đình cũng là một đặc điểm thường thấy của việc quá nuông chiều con. Các quy tắc ở nhà là bước đầu để rèn luyện tính cách của Bé. Nếu thiếu đi các quy tắc này, Bé sẽ khó phân định đúng, sai và thiếu trách nhiệm với các hành động của mình. Ngoài ra, nếu không được rèn luyện tính kỷ luật, Bé sẽ khó từ chối cám dỗ và không thể quản lý cuộc sống trong tương lai. Việc đặt ra ranh giới mới có thể giúp Bé hình thành tính cách quyết đoán và kỷ luật, cho phép Bé vững vàng bước ra thế giới.

️🎯Để một đứa trẻ lớn lên độc lập, tự do và hạnh phúc, giáo dục của gia đình luôn là gốc rễ quan trọng nhất. Vừa đủ quan tâm sẽ giúp Bé tự tin đón nhận mọi yêu thương. Vừa đủ kỷ luật sẽ cho Bé sự quyết đoán và mạnh mẽ trước mọi hành trình. Việc Ba Mẹ từ chối việc nuông chiều Bé quá mức là bước khởi đầu cho Bé con trưởng thành mai sau.

Daisy Home Preschool

Đồ chơi đối với các Bé chưa bao giờ là đủ. Chú gấu xinh xinh của bạn bè hay chiếc xe mô hình trong siêu thị đều có sức hấp dẫn khó cưỡng lại được. Chính vì thế, các Bé nhỏ thường năn nỉ, mè nheo hay khóc lóc, ăn vạ để đòi Ba Mẹ mua đồ chơi cho. Nếu món đồ đó vượt kế hoạch chi tiêu của gia đình, liệu Ba Mẹ xử lý như thế nào là phù hợp nhất? Hãy để Daisy Home gợi ý cho Ba Mẹ một số cách xử hiệu quả dưới đây nhé.

🌟Bản tính các Bé rất ngây thơ, vô tư nên chỉ muốn có được thứ mới lạ cho thỏa trí tò mò. Rất nhanh sau đó, Bé sẽ cảm thấy nhàm chán và không còn trân trọng, giữ gìn món đồ chơi của mình. Do đó, Ba Mẹ có thể thử đánh lạc hướng qua thứ Bé thích mà không tốn nhiều chi phí. Ví dụ như nhắc về món đồ chơi đã có sẵn ở nhà: “Con có nhớ búp bê công chúa mới mua tuần trước không? Mình mua đồ nhanh rồi về trang điểm, làm tóc cho công chúa nhé!” Hoặc đề xuất một hoạt động thú vị mà Bé có thể làm khi về nhà như thử bộ quần áo mới, vẽ nàng Elsa hay đến nhà bạn bè chơi. Như vậy, Bé vừa vui vẻ chơi đùa, vừa quên đi món đồ muốn đòi ban đầu.

🌟Để tránh việc Bé mỗi ngày đều đòi mua đồ chơi, Ba Mẹ có thể đưa ra một vài thỏa thuận với Bé như chỉ mua 1 món đồ chơi mỗi tháng. Lúc này, Bé sẽ được tự do lựa chọn món đồ chơi yêu thích và đương nhiên là phù hợp ngân sách Ba Mẹ cho. Nếu món đồ Bé thích quá số tiền cố định, hãy khuyên Bé thử cân nhắc món đồ khác hoặc tiết kiệm số tiền này để mua.

🌟Bên cạnh đó, Ba Mẹ có thể gợi ý Bé mang theo đồ chơi và trao đổi với các bạn. Mỗi Bé đều có kho tàng đồ chơi độc nhất của riêng mình. Các Bé thường thấy đồ chơi của bạn sao lúc nào cũng hấp dẫn hơn đồ chơi của mình. Việc chia sẻ sẽ giúp Bé ít đòi mua đồ chơi mới hơn. Đặc biệt, việc chơi chung với nhau còn tạo cơ hội cho Bé dễ kết bạn, có nhiều niềm vui hơn và giao tiếp tốt hơn.

🌟Lúc Bé đòi đồ chơi cũng là cơ hội để Ba Mẹ dạy con hiểu về công sức lao động. Ba Mẹ hãy đưa ra một “bảng niêm yết” thù lao cho mỗi việc vặt mà Bé phụ giúp gia đình. Ví dụ giúp mẹ rửa chén sẽ được 10.000 đồng, lau nhà 20.000 đồng. Thù lao sẽ được Ba Mẹ cho vào ống heo tiết kiệm, từ đó, Bé sẽ có chi phí để mua đồ chơi. Đồng thời, Bé còn trân trọng sức lao động của mình và giữ gìn món đồ chơi mua được bằng rất nhiều sự cố gắng.

🌟Trong trường hợp đi siêu thị, các Bé rất dễ bị hấp dẫn bởi các món đồ chơi đang được nhiều bạn nhỏ yêu thích. Do đó, Ba Mẹ nên nói trước với Bé về kế hoạch hôm nay mua gì và tổng số tiền mang theo. Sau đó, có thể đề xuất cho Bé là người phụ trách mua hàng dưới sự hỗ trợ của Ba Mẹ. Khi muốn mua đồ chơi, Bé sẽ tự biết được là có đủ tiền hay không. Nếu không đủ, Ba Mẹ có thể gợi ý Bé ghi lại và để dành lần sau mua.

Việc các Bé đòi mua đồ chơi là điều hết sức bình thường. Ở độ tuổi còn nhỏ, các Bé sẽ chưa hiểu được về tiền, về kế hoạch chi tiêu hay cách kiểm soát cảm xúc của mình. Vì thế, Ba Mẹ không cần phải quá gay gắt. Thay vào đó, có thể tạo điều kiện cho Bé mua đồ chơi bằng cách tạo động lực tiết kiệm hay lao động. Đây chính là thời điểm tốt nhất để giúp Bé trưởng thành hơn về cảm xúc của mình.

Daisy Home Preschool

Ăn vạ là hành động thường thấy khi các Bé đang tức giận hay muốn đòi một thứ gì đó. Giai đoạn Bé ăn vạ nhiều nhất vào khoảng 1-3 tuổi. Đây là độ tuổi Bé đối mặt với nhiều biến đổi về tâm sinh lý. Tuy nhiên, Bé sẽ gặp nhiều khó khăn khi chưa thể diễn đạt ý mình rành mạch như người lớn. Do đó, Bé sẽ thường xuyên hờn dỗi, gào khóc để truyền đạt nhu cầu và cảm xúc của mình.

💁‍♀️Vậy Ba Mẹ làm sao để xử lý hiệu quả mà nhẹ nhàng khi Bé hay ăn vạ? Hãy cùng Daisy Home tham khảo một số phương pháp sau đây.

🌼 Xoa dịu cảm xúc của Bé
Mỗi khi Bé khóc lóc, tức giận là lúc Bé cần sự thấu hiểu và đồng cảm nhất từ người lớn. Trong lúc đó, nếu Ba Mẹ răn đe con bằng những lời cấm đoán như “Nín ngay”, “Mẹ cấm nghe chưa?”… chỉ càng làm Bé tổn thương và giận dữ hơn. Thay vào đó, Ba Mẹ hãy cho Bé chút thời gian và dùng lời nói nhẹ nhàng đoán cảm xúc của Bé như “Con không thích cái này đúng không nào?” Việc này sẽ giúp Bé cảm thấy được lắng nghe và dễ dàng chia sẻ ước muốn của mình.
Nếu Bé khó ngừng cơn khóc lại, Ba Mẹ hãy đưa Bé vào một không gian riêng tư làm Bé thấy an toàn như phòng ngủ, phòng của Bé… Sau đó, ôm lấy Bé và nhẹ nhàng xoa lưng để Bé từ từ dịu lại. Nếu Bé không muốn ôm thì Ba Mẹ chỉ cần ngồi cùng Bé để Bé biết mình không đơn độc.

🌼Thấu hiểu và cảm thông lý do Bé ăn vạ
Để gỡ được khúc mắc, trước tiên Ba Mẹ nên chậm lại, quan sát toàn bộ sự việc và tìm ra nguyên nhân làm Bé quấy khóc. Có thể Bé đang khó chịu hay Bé đang muốn điều gì đó mà không nói ra được. Việc trao đổi thẳng thắn sẽ giúp Bé cảm thấy được an ủi, được yêu thương hơn. Đồng thời, còn xây dựng niềm tin cũng như gắn kết tình cảm giữa Ba Mẹ và con cái.

🌼 Đưa ra hướng giải quyết và giải thích cho Bé hiểu
Ba Mẹ sẽ luôn mong muốn đem đến điều tốt đẹp nhất cho con. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Ba Mẹ đáp ứng mọi yêu cầu của Bé. Việc quá chiều chuộng chỉ làm cho Bé dễ cáu gắt hơn.
Tuy nhiên, thuyết phục Bé hiểu cho quyết định của Ba Mẹ là điều không dễ dàng, đặc biệt là khi Bé đang tức giận. Ba Mẹ cần khéo léo giải thích rằng ăn vạ không phải là cách đạt được điều con muốn. Chỉ khi mong muốn của Bé là hợp lý và Bé cố gắng diễn đạt điều mình muốn một cách nhẹ nhàng và bình tĩnh thì mới được mọi người đáp ứng.

🌼Gợi ý cho Bé hoạt động thú vị khác
Ba Mẹ không thể có đủ điều kiện đáp ứng mọi mong muốn của Bé. Do đó, Ba Mẹ có thể dùng cách “đánh lạc hướng” để Bé quên đi mục tiêu ban đầu. Ví dụ như “Hôm nay trời mưa. Mẹ không dắt con đi công viên được, nhưng Mẹ nhớ con có bộ tranh vẽ đẹp lắm. Mẹ con mình cùng nhau tô màu nhé.” Bằng cách đó, Bé có thể vui vẻ trở lại với sở thích khác của mình.

🌼 Đưa cho Bé sự lựa chọn
Thay vì lựa chọn Có hoặc Không, Ba Mẹ hoàn toàn có thể cho Bé nhiều sự lựa chọn. Các Bé không chỉ dứt cơn khóc mà còn thấy được tôn trọng khi tự đưa ra quyết định. Dưới đây là một số ví dụ cụ thể:

  • Bé khóc quấy khi ăn: Ba Mẹ có thể thảo luận và cho Bé chọn thực đơn cho bữa sau
  • Bé ăn vạ khi không được chơi điện thoại: Ba Mẹ có thể cho Bé lựa chọn giữa việc chơi điện thoại thêm 1 tiếng và việc không được đi công viên chơi.
  • Bé ăn vạ khi không mua được đồ chơi: Ba Mẹ có thể dỗ Bé tạm thời bằng một que kem hoặc động viên Bé để dành tiền tiêu vặt để tự mua.

Mỗi tình huống cụ thể có thể đòi hỏi các phương pháp giải quyết khác nhau. Nhưng điều quan trọng nhất là các Bé luôn cần sự lắng nghe và thấu hiểu từ Ba Mẹ. Đôi khi Bé không cố tình quấy khóc mà chỉ vì cảm xúc tủi thân, hờn dỗi bộc phát. Quá trình xử lý khéo léo khi Bé ăn vạ sẽ giúp Bé quản lý cảm xúc tốt hơn. Do đó, Ba Mẹ hãy luôn đồng hành và dẫn dắt Bé trở thành phiên bản tốt nhất của chính Bé nhé.

Daisy Home Preschool

Trong quá trình lớn lên, các Bé sẽ được tiếp xúc với rất nhiều người khác nhau, từ xuất thân, tôn giáo đến giới tính và văn hóa. Khi Bé mở lòng đón nhận bao điều thú vị, Bé sẽ có thêm cơ hội tìm hiểu về thế giới và tự tin hơn vào chính mình. Vậy nên, Ba Mẹ hãy cùng Daisy Home xây dựng một môi trường giúp Bé cởi mở và tôn trọng sự khác biệt của người khác nhé.

🌟 Tôn trọng sự khác biệt có thể hiểu là việc chấp nhận những điều khác với sự hiểu biết của mình giữa các cá nhân, văn hóa, tôn giáo, giới tính, quốc gia,… Thay vì phán xét “Sao bạn A học không giỏi?”, Bé sẽ có cái nhìn độc đáo hơn về mỗi cá thể. Chẳng hạn, “Bạn A tuy học chưa tốt như mong đợi nhưng lại rất tốt bụng và thường giúp đỡ bạn bè.”

🍀Niềm tin và nhận thức của trẻ em được hình thành ngay từ khi còn rất nhỏ. Điều đó có nghĩa là Ba Mẹ nên dạy cho Bé về sự đa dạng và hòa nhập càng sớm càng tốt. Ba Mẹ có thể cho Bé đọc sách hoặc xem thước phim ngắn về những nền văn hóa xa lạ. Những mảng kiến thức thú vị nhất sẽ dần xây đắp nên một thế giới đa dạng trong mắt Bé. Sau này khi gặp người bạn từ quốc gia khác, có màu da khác, Bé cũng sẽ luôn sẵn sàng kết nối với họ.

🍀Tiếp theo, hãy để cho Bé hiểu rằng: “Khác biệt là một điều bình thường.” Mỗi cá thể chúng ta không ai giống ai hoàn toàn. Ba Mẹ có thể lấy ví dụ gần gũi trong gia đình. Dù sống cùng nhau, ăn cùng nhau, Ba Mẹ và Bé vẫn có sở thích khác nhau. Ba thích thể thao, mẹ lại thích khiêu vũ, còn Bé thì thích hát. Chính sự đa dạng tích cực này sẽ làm cho thế giới trở nên vui tươi và sinh động hơn.

Khi có thời gian, Ba Mẹ có thể cùng Bé lên kế hoạch cho những chuyến đi để gặp gỡ những người bạn mới. Ở vùng đất mới, Bé sẽ được tìm hiểu về giọng địa phương, về văn hóa, về ẩm thực nơi đó. Khi quan sát thấy Ba Mẹ dễ dàng tiếp thu, Bé cũng sẽ vui vẻ làm quen với nhiều điều mới lạ.

🍀Tôn trọng sự khác biệt còn thể hiện ở sự đồng cảm. Bên ngoài kia vẫn còn nhiều người bị đánh giá, phán xét vì giới tính, ngoại hình hay giọng nói của họ. Điều đó chẳng hề dễ chịu đối với bất kỳ ai. Do đó, Ba Mẹ có thể động viên Bé chuyện trò để lắng nghe vấn đề của mọi người. Hãy khuyến khích Bé thử tưởng tượng bản thân trong hoàn cảnh của người khác, để hiểu cho họ và lên tiếng bảo vệ họ khi cần thiết.

🍀Cuối cùng là dạy Bé chấp nhận sự khác biệt từ chính mình. Đôi khi do quan sát của Bé hoặc tác động bên ngoài, Bé sẽ tự so sánh bản thân với các bạn đồng trang lứa: “Tại sao mình không giống bạn A, bạn B, bạn C?” Đây chính là lúc cần Ba Mẹ giúp Bé hiểu hơn về giá trị của bản thân. Các bạn có ưu điểm của các bạn, con cũng có ưu điểm của riêng mình. Dù không vẽ giỏi nhưng con rất giỏi ghi nhớ đồ vật. Khi bạn hát hay, con có thể cổ vũ thật nhiệt tình. Ba Mẹ có thể giúp Bé hiểu, chấp nhận và yêu thương chính sự khác biệt của Bé.

Thế giới ngày càng đa dạng và muôn màu. Bản thân mỗi chúng ta cũng là một phần của cuộc sống phong phú ngoài kia. Việc dạy Bé tôn trọng sự khác biệt cũng giúp Bé mở cánh cửa khám phá thế giới rộng lớn. Khi mở lòng đón nhận mọi người, Bé sẽ có nhiều cơ hội kết bạn hơn. Đồng thời, Bé cũng có thêm tự tin khi thể hiện sự khác biệt của mình.

Daisy Home Preschool

Dọa ma trẻ con là việc không còn quá xa lạ trong các gia đình Việt Nam. Người lớn thường lấy hình ảnh ông ba bị, ông ngáo ộp để hù dọa cho vui hay làm “vũ khí” để bắt Bé ngoan ngoãn nghe lời.


👉Thậm khí, có một khoảng thời gian, trò đùa dọa ma này còn rầm rộ trên mạng xã hội TikTok. Các Bé bị bắt xem những thước phim kinh dị hay nghe âm thanh rùng rợn đến nỗi phải la hét, bật khóc. Người quay nghĩ phản ứng của các Bé là trò đùa vui vô hại. Nhưng với các Bé, đây chính là nỗi ám ảnh kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.

👉Trẻ em đa phần chưa phân biệt được đâu là thế giới thực, đâu là tưởng tượng. Vì thế, những thước phim kinh dị hay trò đùa không hợp độ tuổi sẽ khiến Bé dễ gặp các vấn đề về tâm lý. Trong ngắn hạn, Ba Mẹ có thể nhận thấy các biểu hiện ở Bé như trống ngực đập liên hồi, toát mồ hôi, khó thở, buồn nôn,… Thậm chí, có Bé còn đau đầu, sốt cao, vừa khóc vừa run rẩy nói mớ.

👉Những thước phim kinh dị còn là nỗi sợ dai dẳng đeo bám giấc ngủ và sinh hoạt. Bé có thể thấy khó vào giấc hơn, luôn tưởng tượng ra đủ thứ kinh dị, sợ bóng tối, sợ ở một mình. Nếu nặng hơn, các Bé thường xuyên gặp ác mộng nhiều tuần liên tiếp. Điều này sẽ làm gián đoạn giấc ngủ của Bé và càng tăng thêm tâm lý hoảng loạn. Tình trạng thiếu ngủ kéo dài dễ dẫn đến tình trạng sụt cân, suy giảm thể chất ở Bé.

👉Không chỉ vậy, việc khơi dậy nỗi sợ hãi quá mức ở trẻ em còn gây ra những sang chấn về tâm lý lâu dài. Trò đùa dọa ma tưởng chừng vô hại nhưng lại là tác nhân dễ gây ám ảnh, rối loạn lo âu, rối loạn căng thẳng sau chấn thương và các cơn hoảng loạn. Một số người lớn lên vẫn ôm nỗi sợ bóng tối, sợ những thứ vô hình không có thật.

👉 Trong đời sống thường ngày, nỗi ám ảnh kéo dài còn làm thay đổi hành vi hay tính cách của Bé. Một số Bé sẽ sinh ra tâm lý không an toàn, luôn quấy khóc, bám Ba Mẹ quá mức. Bé dần có khuynh hướng thu mình, nhút nhát, khó phát triển kỹ năng giao tiếp với người khác. Ngày qua ngày, sự tự tin và độc lập ở Bé dần biến mất và ảnh hưởng đến cả cuộc sống tương lai. Một số Bé bướng hơn lại bắt chước những hành động trên phim hay trên mạng, dọa nạt bạn bè xung quanh.

🌱Để Bé phát triển với tâm lý lành mạnh, các hành vi dọa ma nên dẹp bỏ hoàn toàn. Các hành vi này không mang lại điều gì hữu ích ngoại trừ nỗi sợ cho Bé. Thay vì hù dọa, Ba Mẹ có thể nuôi dạy con bằng cách phương pháp tích cực như chia sẻ và lắng nghe hay cùng con chơi các trò chơi lành mạnh.

🎬Ba Mẹ nên cân nhắc cho con xem phim có yếu tố “kinh dị” nhẹ nhàng – phim có nhãn G (General Audiences) dành cho mọi lứa tuổi. Ba Mẹ có thể bắt đầu cho Bé xem một số bộ phim hoạt hình như Công Ty Quái Vật, Vùng Đất Linh Hồn… Ngoài ra, rủ bạn bè của Bé cùng xem cũng là một ý hay. Hoạt động xem phim cùng nhau vừa nâng cao sự thú vị, vừa tạo tâm lý an toàn cho Bé.

Ngoài ra, trong thời đại mạng xã hội phát triển, những trào lưu độc hại luôn ẩn nấp trong những nội dung vui vẻ, hấp dẫn, tích cực khác. Điều quan trọng nhất là rèn luyện cho Bé ý thức tránh xa những nội dung kinh dị không lành mạnh. Ba Mẹ nên giáo dục Bé hiểu tác hại của những nội dung không phù hợp lứa tuổi. Đồng thời, hãy giới hạn thời gian cho Bé sử dụng điện thoại, TV từ 30 phút – 1 tiếng mỗi ngày. Ba Mẹ có thể cho Bé thoải mái xem các chương trình vui vẻ, phù hợp với lứa tuổi. Hãy cùng Bé tận hưởng những phút giây giải trí vui vẻ và bổ ích nhé.

Daisy Home Preschool