Dọa ma trẻ con là việc không còn quá xa lạ trong các gia đình Việt Nam. Người lớn thường lấy hình ảnh ông ba bị, ông ngáo ộp để hù dọa cho vui hay làm “vũ khí” để bắt Bé ngoan ngoãn nghe lời.


👉Thậm khí, có một khoảng thời gian, trò đùa dọa ma này còn rầm rộ trên mạng xã hội TikTok. Các Bé bị bắt xem những thước phim kinh dị hay nghe âm thanh rùng rợn đến nỗi phải la hét, bật khóc. Người quay nghĩ phản ứng của các Bé là trò đùa vui vô hại. Nhưng với các Bé, đây chính là nỗi ám ảnh kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.

👉Trẻ em đa phần chưa phân biệt được đâu là thế giới thực, đâu là tưởng tượng. Vì thế, những thước phim kinh dị hay trò đùa không hợp độ tuổi sẽ khiến Bé dễ gặp các vấn đề về tâm lý. Trong ngắn hạn, Ba Mẹ có thể nhận thấy các biểu hiện ở Bé như trống ngực đập liên hồi, toát mồ hôi, khó thở, buồn nôn,… Thậm chí, có Bé còn đau đầu, sốt cao, vừa khóc vừa run rẩy nói mớ.

👉Những thước phim kinh dị còn là nỗi sợ dai dẳng đeo bám giấc ngủ và sinh hoạt. Bé có thể thấy khó vào giấc hơn, luôn tưởng tượng ra đủ thứ kinh dị, sợ bóng tối, sợ ở một mình. Nếu nặng hơn, các Bé thường xuyên gặp ác mộng nhiều tuần liên tiếp. Điều này sẽ làm gián đoạn giấc ngủ của Bé và càng tăng thêm tâm lý hoảng loạn. Tình trạng thiếu ngủ kéo dài dễ dẫn đến tình trạng sụt cân, suy giảm thể chất ở Bé.

👉Không chỉ vậy, việc khơi dậy nỗi sợ hãi quá mức ở trẻ em còn gây ra những sang chấn về tâm lý lâu dài. Trò đùa dọa ma tưởng chừng vô hại nhưng lại là tác nhân dễ gây ám ảnh, rối loạn lo âu, rối loạn căng thẳng sau chấn thương và các cơn hoảng loạn. Một số người lớn lên vẫn ôm nỗi sợ bóng tối, sợ những thứ vô hình không có thật.

👉 Trong đời sống thường ngày, nỗi ám ảnh kéo dài còn làm thay đổi hành vi hay tính cách của Bé. Một số Bé sẽ sinh ra tâm lý không an toàn, luôn quấy khóc, bám Ba Mẹ quá mức. Bé dần có khuynh hướng thu mình, nhút nhát, khó phát triển kỹ năng giao tiếp với người khác. Ngày qua ngày, sự tự tin và độc lập ở Bé dần biến mất và ảnh hưởng đến cả cuộc sống tương lai. Một số Bé bướng hơn lại bắt chước những hành động trên phim hay trên mạng, dọa nạt bạn bè xung quanh.

🌱Để Bé phát triển với tâm lý lành mạnh, các hành vi dọa ma nên dẹp bỏ hoàn toàn. Các hành vi này không mang lại điều gì hữu ích ngoại trừ nỗi sợ cho Bé. Thay vì hù dọa, Ba Mẹ có thể nuôi dạy con bằng cách phương pháp tích cực như chia sẻ và lắng nghe hay cùng con chơi các trò chơi lành mạnh.

🎬Ba Mẹ nên cân nhắc cho con xem phim có yếu tố “kinh dị” nhẹ nhàng – phim có nhãn G (General Audiences) dành cho mọi lứa tuổi. Ba Mẹ có thể bắt đầu cho Bé xem một số bộ phim hoạt hình như Công Ty Quái Vật, Vùng Đất Linh Hồn… Ngoài ra, rủ bạn bè của Bé cùng xem cũng là một ý hay. Hoạt động xem phim cùng nhau vừa nâng cao sự thú vị, vừa tạo tâm lý an toàn cho Bé.

Ngoài ra, trong thời đại mạng xã hội phát triển, những trào lưu độc hại luôn ẩn nấp trong những nội dung vui vẻ, hấp dẫn, tích cực khác. Điều quan trọng nhất là rèn luyện cho Bé ý thức tránh xa những nội dung kinh dị không lành mạnh. Ba Mẹ nên giáo dục Bé hiểu tác hại của những nội dung không phù hợp lứa tuổi. Đồng thời, hãy giới hạn thời gian cho Bé sử dụng điện thoại, TV từ 30 phút – 1 tiếng mỗi ngày. Ba Mẹ có thể cho Bé thoải mái xem các chương trình vui vẻ, phù hợp với lứa tuổi. Hãy cùng Bé tận hưởng những phút giây giải trí vui vẻ và bổ ích nhé.

Daisy Home Preschool

Trong thời tiết nắng nóng này, cơ thể các Bé dễ bị mất nước do đổ nhiều mồ hôi. Tuy nhiên, đôi khi các Bé ham chơi, quên uống nước dễ gặp phải tình trạng thiếu nước. Điều này có thể khiến cho Bé cảm thấy khô miệng, mệt mỏi. Vậy nên, hãy cùng Daisy Home tìm cách bổ sung thêm nước để Bé luôn tràn đầy năng lượng vui chơi khỏe mạnh trong những ngày hè nắng nóng này nhé.

☁️Khi trời nóng, Bé sẽ cần bổ sung nước nhiều hơn bình thường. Ba Mẹ có thể tạo thói quen uống nước cho Bé bằng cách đặt lịch cố định. Nên lựa chọn thời điểm phù hợp và tốt cho sức khỏe. Chẳng hạn cho Bé uống nước ngay sau khi thức dậy giúp Bé tỉnh táo và thúc đẩy trao đổi chất. Hoặc cho Bé uống 1 ly sau khi ăn 10 phút để cơ thể Bé dễ dàng hấp thụ chất dinh dưỡng hơn.

✅Sử dụng bình đựng nước độc đáo cũng là cách tăng thêm hứng thú uống nước cho Bé. Màu sắc tươi vui, hình vẽ hoạt hình đáng yêu sẽ thu hút Bé hơn bao giờ hết. Đặc biệt, những nhân vật hoạt hình yêu thích còn giúp Ba Mẹ đối phó với việc Bé lười uống nước. Ví dụ, nếu Bé thích siêu nhân, Ba Mẹ có thể bảo Bé: “Nếu uống đủ nước, con sẽ tràn đầy sức mạnh như siêu nhân” để khuyến khích Bé bổ sung nước.

✅Nước lọc bình thường có vị nhạt khiến cho Bé không mấy yêu thích. Do đó, Ba Mẹ có thể chuẩn bị các loại nước ép trái cây cho Bé để tăng thêm hương vị. Một số loại nước ép thơm ngon, giàu khoáng chất có thể cho Bé uống như: dưa hấu, cam, dâu tây, táo, ổi, cà rốt… Mặc dù nước ép có thể tăng cường sức khỏe nhưng Ba Mẹ không nên thay thế hoàn toàn cho nước lọc hay rau củ. Bởi vì nước ép có thể gây no hoặc làm dư thừa lượng đường trong cơ thể Bé.

✅Bên cạnh đó, các Bé thường có thói quen nhịn khát vì lười đi lấy nước. Vì vậy, Ba Mẹ có thể để sẵn nước cho Bé ở những vị trí dễ thấy và dễ lấy. Còn khi dẫn trẻ ra ngoài, Ba Mẹ đừng quên chuẩn bị sẵn bình nước theo cánh cho Bé nhé.

✅Ngoài ra, ngày hè nắng nóng, các Bé thường uống nhiều nước lạnh để giải tỏa cơn khát. Tuy nhiên, nước đá lạnh có thể gây ra viêm họng, rối loạn tiêu hóa. Vì thế, Ba Mẹ chỉ nên cho Bé uống nước mát vừa phải (khoảng 20 độ C). Đồng thời, cho Bé uống từ từ từng ngụm, hạn chế đồ uống có gas hay nhiều đường.

💬Với thời tiết nóng 30-40 độ C, việc bổ sung đủ nước cho Bé là hết sức cần thiết. Daisy Home mong rằng với những gợi ý trên đây, Ba Mẹ sẽ giúp Bé tạo thói quen uống nước ngay từ nhỏ. Nhờ đó, bảo vệ sức khỏe và phát triển toàn diện cho Bé.

Daisy Home Preschool

Tháng 6 – Tháng Tự Hào của cộng đồng LGBTQ+. Bé có rất nhiều câu hỏi, đặc biệt, trong sự phát triển thông tin hiện nay, những câu hỏi của Bé càng đa dạng và sâu sắc. Ba Mẹ đã biết cách trả lời như thế nào khi Bé có thắc mắc về cộng đồng LGBTQ+ chưa?

🏳️‍🌈Cộng đồng LGBTQ+ luôn tô điểm nhiều sắc màu trong bức tranh đa dạng của xã hội hiện đại. Họ định hình bản thân với muôn dạng bản sắc, vượt ra khỏi khuôn mẫu nam – nữ. Họ cá tính, tự tin và đầy tài năng nhưng họ cũng gặp rất nhiều thử thách, đặc biệt là công nhận hoàn toàn từ xã hội.

🏳️‍🌈Trong tháng Pride Month này, Daisy Home mong muốn được cùng Ba Mẹ tìm hiểu về sự đa dạng giới nhờ mô hình “Bánh gừng giới”. Thông qua sự thấu hiểu, ta sẽ có góc nhìn cởi mở hơn, tôn trọng hơn về cộng đồng LGBT, mà không đóng khung trong định kiến: “Chỉ là nam hay chỉ là nữ”. Từ đó, Ba Mẹ sẽ dễ dàng giải thích cho Bé hơn.

Mô hình “Bánh gừng giới” phân tích qua 4 khía cạnh sau: Giới tính sinh học, xu hướng t.í.n.h d.ụ.c, bản dạng giới và thể hiện giới. Chi tiết từng khía cạnh được giải thích cụ thể dưới đây:

1️⃣ GIỚI TÍNH SINH HỌC:
Giới tính sinh học được xác định dựa trên các đặc điểm sinh học như nhiễm sắc thể, cơ quan sinh dục, hormone… Giới tính sinh học bao gồm nam giới, nữ giới và liên giới tính. Trong đó, liên giới tính (Intersex) là người có đặc điểm giới tính không thuộc những tính trạng tiêu biểu của nam giới hay nữ giới.

2️⃣ BẢN DẠNG GIỚI:
Bản dạng giới là cách mỗi người tự nhận thức về giới tính của bản thân, không phụ thuộc vào giới tính lúc sinh. Thời điểm nhận thức bản dạng giới sớm hay muộn ở mỗi người là khác nhau. Điều này tùy thuộc vào trải nghiệm tình cảm và mức độ cởi mở của hoàn cảnh sống.

Bản dạng giới bao gồm: Nam, nữ, phi nhị giới. Có 3 trường hợp biểu hiện bản dạng giới phổ biến:

  • Người chuyển giới (Transgender) là người nhận thức được sự không tương thích với giới tính sinh học của mình.
  • Người hợp giới (Cisgender) là người có bản dạng giới hoàn toàn phù hợp với giới tính sinh học của bản thân.
  • Phi nhị giới (Non-binary) là người không thấy bản thân thuộc về giới nào. Họ có thể tự nhìn nhận mình là một bản dạng giới riêng biệt ngoài nam và nữ. Hoặc họ có thể thấy mình lúc là nam, lúc là nữ.

3️⃣ XU HƯỚNG TÍNH DỤC:
Xu hướng tính dục liên quan đến cảm xúc hay sự hấp dẫn lâu dài với một giới bất kỳ. Yếu tố này thường liên quan đến bản dạng giới mà không phụ thuộc vào giới tính sinh học.

Các trường hợp phổ biến của xu hướng tính dục:

  • Dị tính: Có hấp dẫn với người có giới khác với mình, ví dụ như nam thích nữ, nữ thích nam.
  • Đồng tính nữ (Lesbian): Là người nữ bị thu hút bởi người nữ khác
  • Đồng tính nam (Gay): Là người nam bị hấp dẫn bởi người cùng giới khác.
  • Song tính (Bisexual): Là người cảm thấy bị hấp dẫn bởi cả nam và nữ.
  • Vô tính (Asexual): Không hoặc ít cảm thấy hấp dẫn về mặt tình dục với bất kỳ giới tính hay bản dạng giới nào.
  • Toàn tính (Pansexual): Là người bị thu hút bởi tất cả bản dạng giới. Hay nói cách khác, giới và giới tính không phải là yếu tố quyết định hấp dẫn tình cảm/ tính dục của họ với người khác.

4️⃣ THỂ HIỆN GIỚI:
Thể hiện giới là cách mỗi người bộc lộ giới tính thông qua ngoại hình, quần áo, cử chỉ, điệu bộ và giao tiếp. Một người có thể hiện giới theo những gì xã hội đã định ra. Hoặc họ thể hiện giới không theo khuôn mẫu nào, nhằm để truyền tải con người thật của mình.

Giới và tính dục của con người có nhiều khía cạnh khác nhau. Cùng với đó, tình yêu cũng hiện lên với đủ hình thái đa dạng. Mỗi cá nhân dù là giới tính nào, họ cũng xứng đáng có quyền yêu và được yêu. Hy vọng chiếc “Bánh gừng giới” sẽ giúp Ba Mẹ thấu hiểu hơn về cộng đồng LGBTQ+. Thông qua đó, Ba Mẹ có thể gợi mở góc nhìn rộng hơn về xã hội cho các Bé từ khi còn nhỏ.

Daisy Home Preschool

Môi trường là nơi bắt đầu của sự sống, là nơi nuôi dưỡng con lớn lên, là nơi con được gắn kết với từng cành cây, từng tia nắng, từng cơn mưa. Trong suốt quá trình chào đời và lớn lên, ai cũng có mối liên hệ bền chặt với thiên nhiên. Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng hiện đại, tình trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường càng thêm nghiêm trọng. Bao điều tự nhiên quý giá trên hành tinh này cũng dần biến mất trong cuộc sống của Bé.

Để giữ gìn một Trái Đất luôn tươi đẹp, Ba Mẹ hãy cùng Daisy Home vun đắp tình yêu thiên nhiên cho Bé từ giai đoạn đầu đời. Đây cũng là lúc Bé có khả năng tiếp thu rất nhanh và đang định hình tính cách. Nếu được giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, Bé sẽ dần thích nghi tốt với lối sống “xanh” và giữ mãi thói quen này đến lớn.

🌿Mỗi một hành trình đều khởi động từ bước đi đầu tiên. Đối với Daisy Home, việc dạy Bé bảo vệ môi trường nên bắt đầu từ việc hiểu và trân trọng. Ba Mẹ có thể dạy Bé hiểu tầm quan trọng của những điều xung quanh. Ví dụ như không khí con thở, nguồn nước con uống, cây xanh, động vật… đều đến từ môi trường. Môi trường hay trái đất này là ngôi nhà chung giúp cho Bé con sống an toàn, khỏe mạnh và đầy niềm vui. Nếu một ngày những điều này biến mất, khí hậu sẽ nóng lên, động vật, thực vật dần biến mất. Và chính sức khỏe và cuộc sống của con người cũng sẽ bị đe dọa.

🌊Đầu tiên, điều quan trọng nhất là dạy Bé giữ gìn những tài nguyên quý giá như điện và nước. Ba Mẹ hãy giúp Bé hiểu rằng, nguồn nước sạch và nguồn điện đều có giới hạn. Nếu tiêu xài phung phí, nguồn tài nguyên này sẽ dần trở nên khan hiếm và cạn kiệt. Khi Bé đã hiểu vấn đề này, Ba Mẹ có thể dặn dò Bé chỉ lấy lượng nước đủ sử dụng, nhớ tắt vòi nước khi không dùng. Đồng thời, Ba Mẹ cũng nên tạo thói quen cho Bé tắt đèn, tắt quạt, tắt TV khi ra khỏi phòng.

🌿Tiếp theo là dạy Bé phân loại rác. Để dễ tiếp thu hơn, Ba Mẹ có thể sử dụng các đoạn video, tranh ảnh minh họa sinh động về cách phân loại, tái chế rác thải. Trước tiên, hãy trang bị cho Bé kiến thức về 3 nhóm rác cơ bản:

  • Rác hữu cơ là các loại rác dễ phân hủy trong điều kiện tự nhiên như thức ăn thừa; vỏ trái cây,….
  • Rác thải tái chế là các loại rác có thể tái chế, tái sử dụng như giấy, thủy tinh, nhựa, kim loại,…
  • Rác thải còn lại các loại rác không tái chế được như quần áo cũ, thủy tinh vỡ, vỏ sò, vỏ ốc, đồ cao su…
    Sau đó, Ba Mẹ nên giao nhiệm vụ cho Bé tự phân loại kèm vài phần quà nhỏ hay “tiền công” xứng đáng. Cứ tập dần hàng ngày, Bé sẽ ghi nhớ và xem việc phân loại rác tự nhiên như một thói quen.

🌿Sau khi phân loại rác, Ba Mẹ hãy cùng Bé phát huy tính sáng tạo cùng trò chơi tái chế siêu thú vị sau đây:
Đối với rác hữu cơ, Ba Mẹ có thể bảo Bé đem chúng làm phân bón cho cây trồng tại nhà
Đối với rác thải tái chế, Ba Mẹ nên khuyến khích Bé thu gom lại và bán. Như vậy, Bé vừa có thêm tiền tiêu vặt, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đối với rác thải không thể tái chế như vật dụng nhựa khó phân hủy, Ba Mẹ và Bé có thể cùng nhau biến chúng trở thành món đồ chơi hay đồ trang trí xinh xắn.
Hy vọng Bé sẽ có thêm nhiều trải nghiệm mới trên hành trình giữ gìn hành tinh xanh.

🌿Cuối cùng là cùng Bé vun đắp tình yêu thiên nhiên bằng cách trồng cây. Từ những hạt mầm nhỏ xíu lớn lên thành cây lá sum suê… quá trình lớn lên của một cái cây sẽ giúp Bé trân trọng sự sống và thế giới tự nhiên bao la. Để dạy Bé trồng cây, trước tiên Ba Mẹ cần trang bị cho Bé những dụng cụ làm vườn mini và chậu cây nhỏ hình dáng đáng yêu. Hạt giống nên chọn loại cây nhỏ, nảy mầm nhanh và dễ chăm sóc. Sau đó, Ba Mẹ có thể tổ chức 1 buổi trồng cây và hướng dẫn tận tay Bé. Sẽ rất thú vị nếu cả nhà cùng thi đua xem cây của Ba Mẹ hay cây của Bé sẽ phát triển nhanh hơn đấy.

Trái Đất này luôn mang đến những món quà kỳ diệu cho Bé, cho Ba Mẹ và cho tất cả mọi người. Ba Mẹ và Bé đã sẵn sàng cùng Daisy Home bảo vệ những điều kỳ diệu này và gieo mầm xanh cho tương lai chưa? Chúng ta hãy bắt đầu ngay hôm nay với những hành động hết sức đơn giản và thiết thực nhé!

Daisy Home Preschool

Trẻ biếng ăn khiến cho không ít Ba Mẹ lo lắng trong quá trình chăm sóc con. Quan trọng hơn, tình trạng biếng ăn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về tầm vóc và trí tuệ của Bé. Lúc này, việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ biếng ăn cũng vất vả, khó khăn hơn. Vậy Bé biếng ăn phải làm sao? 

Trong phần trước, Daisy Home đã đưa ra những gợi ý giúp Ba Mẹ xác định nguyên nhân Bé biếng ăn. Hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những cách khắc phục giúp Bé ăn ngon miệng, khỏe mạnh mỗi ngày nhé. 

✅ Nạp đủ dinh dưỡng cho Bé: Mỗi loại thực phẩm khác nhau sẽ cung cấp một lượng năng lượng khác nhau. Do đó, Ba Mẹ nên bổ sung đa dạng các loại thực phẩm cho Bé. Thay vì chỉ một vài nguyên liệu lặp lại sẽ khiến cho Bé chán ăn và thiếu dinh dưỡng cần thiết. Thực đơn của Bé luôn phải đảm bảo 4 nhóm thực phẩm chính:

– Tinh bột: Cơm, bún, mì, nui…

– Đạm: Thịt, trứng, cá…

– Chất béo: Dầu thực vật, các loại đậu…

– Vitamin và khoáng chất: rau củ tươi, trái cây tươi…

Bổ sung đầy đủ các nhóm chất trên là điều kiện tiên quyết để Bé hấp thu tốt, tiêu hóa khỏe và luôn ăn ngon miệng. 

✅ Cho Bé ăn chỉ khi thực sự đói: Các Bé thường mè nheo không chịu ăn vì chưa thực sự cảm thấy đói. Vì thế, Ba Mẹ không cần phải quá thúc ép, hãy gợi ý cho Bé chủ động đòi ăn khi thực sự đói. Ba Mẹ có thể thử trong vài ngày liên tục không ép Bé ăn. Hãy đợi đến khi tự Bé phải nhắc đến bữa ăn của mình. Cách này sẽ giúp Ba Mẹ xác định “thời gian biểu đói bụng” của con. Những bữa ăn sau, Ba Mẹ chỉ cần cho Bé ăn vào những khung giờ cố định đó. Khi đó, Ba Mẹ sẽ không phải mất hàng giờ để bắt ép con ăn và Bé cũng không áp lực khi ăn uống nữa.

✅ Cho Bé ăn thức ăn phù hợp với lứa tuổi: Từ lúc Bé được 6 tháng tuổi, Ba Mẹ có thể bắt đầu cho Bé tập ăn dặm những loại thực phẩm cần thiết theo khuyến cáo của chuyên gia dinh dưỡng. Khi Bé được 8 – 12 tháng tuổi, Bé bắt đầu mọc răng. Lúc này, Ba Mẹ nên cho Bé tập ăn những thức ăn đặc hơn như cháo, nui, bún, phở, cơm nát… giúp Bé phát triển khả năng nhai nuốt. Bé cũng sẽ ít từ chối nếu được thử món ăn mới ở lần sau.

✅ Khuyến khích Bé đề xuất món ăn: Sau khi kết thúc mỗi bữa ăn, Ba Mẹ có thể hỏi Bé xem bữa sau con muốn ăn gì. Hãy lắng nghe sở thích của con và chuẩn bị món đó vào buổi ăn tiếp theo. Khi đó, Bé sẽ hào hứng chờ đợi bữa ăn hơn và ăn nhiều món khác nhau. Dần dần, chứng biếng ăn sẽ dần được cải thiện. 

Vậy, nếu làm sao khi Bé không thích những thực phẩm bổ dưỡng? Ba Mẹ có thể đổi “chiến thuật” một chút, ví dụ, thay vì cho ăn thịt với cơm, hãy cho Bé ăn thử Hamburger kẹp thịt. Nếu Bé không thích rau củ, Ba Mẹ có thể cho Bé ăn trái cây hoặc uống nước ép để bổ sung chất xơ. Những sự biến tấu nho nhỏ sẽ khiến Bé hứng thú hơn với bữa ăn. 

✅ Hạn chế các thói quen gây xao nhãng: Khi đã bắt đầu bữa ăn, Ba Mẹ không nên cho Bé xem tivi, điện thoại, ipad,… vì sẽ làm Bé mất tập trung. Nếu bé xem trong khi ăn sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, Bé không nhai kỹ hoặc ngậm đồ ăn, dẫn đến chán ăn. Thay vào đó, Ba Mẹ có thể tạo hứng thú cho Bé bằng cách trang trí món ăn đầy màu sắc. Hoặc trò chuyện khuyến khích Bé khám phá món ăn và trao đổi cảm nghĩ của Bé về món ăn đó.  

Để bữa ăn cùng Bé dễ dàng hơn, Ba Mẹ hãy thử áp dụng những kinh nghiệm hữu ích trên đây nhé. Nếu tình trạng biếng ăn kéo dài, Ba Mẹ có thể tham khảo ý kiến từ người có chuyên môn. Chúc các Bé luôn ăn ngon và Ba Mẹ nuôi con nhàn tênh nha.

Daisy Home Preschool

Biếng ăn là tình trạng thường gặp ở các Bé từ 1- 6 tuổi. Bé thường ăn ít hơn bình thường hoặc nặng hơn là Bé sẽ không muốn ăn, khóc quấy khi ăn, khiến cho Ba Mẹ phải “bó tay”, đau đầu. Tình trạng biếng ăn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của Bé. Cùng Daisy Home đi tìm nguyên nhân làm cho Bé biếng ăn để tìm cách khắc phục tốt nhất nhé.

✅Có nhiều yếu tố làm ảnh hưởng đến việc ăn uống của Bé. Trong đó, yếu tố phổ biến nhất là do thói quen mà Ba Mẹ vô tình tạo ra, như cho Bé chơi điện thoại trong giờ ăn hay dùng đồ chơi để dỗ Bé ăn. Những điều này này sẽ làm Bé mất tập trung, quên đi cảm giác thèm ăn. Lâu dài sẽ gây ra hiện tượng ngang bụng, Bé không muốn ăn dù chỉ mới ăn ít.

✅Một yếu tố khác là do khẩu phần ăn thiếu cân đối. Nhiều Ba Mẹ thường chuẩn bị bữa ăn chỉ thiên lệch về 1 nhóm thực phẩm hoặc bổ sung không đủ 4 nhóm thực phẩm chính gồm protein, chất béo, tinh bột và khoáng chất. Việc này dễ dẫn đến Bé bị thiếu chất, chậm tăng cân.

✅Nguyên nhân tiếp theo làm cho Bé biếng ăn là yếu tố tâm lý. Các Bé trong độ tuổi này rất nhạy cảm với cảm xúc của người lớn. Nếu Ba Mẹ mất kiên nhẫn, thúc ép con ăn, Bé sẽ thấy lo sợ, sinh ra biếng ăn. Trên thực tế, cảm giác đói của Bé thường không rõ ràng. Do đó, Ba Mẹ không nên thúc ép Bé ăn khi Bé chưa thực sự đói. Bên cạnh đó, gia đình cũng không nên cho Bé ăn riêng một mình. Bé sẽ dễ cảm thấy đơn độc, hờn dỗi và ăn rất ít nếu không được quan tâm.

✅Cho Bé ăn dặm quá sớm hay quá muộn cũng dẫn đến tình trạng biếng ăn. Các Bé luôn cần thời gian để từ từ làm quen với thức ăn dạng bột hay dạng cứng có hương vị, kết cấu khác hoàn toàn với sữa. Nếu Ba Mẹ tập cho Bé ăn dặm quá sớm, Bé sẽ khó nuốt, khó tiêu hóa và không muốn ăn món đó. Ngược lại, Bé ăn dặm muộn thường gặp tình trạng nhai nuốt kém. Một số Bé còn nuốt chửng, ảnh hướng đến hệ tiêu hóa và từ chối ăn.

✅Bên cạnh đó, những thay đổi về sinh lý cũng ảnh hưởng đến khả năng ăn uống của Bé. Trong quá trình phát triển, Bé sẽ trải qua nhiều thay đổi về cơ thể, tâm trí và cảm xúc. Đặc biệt là các cột mốc phát triển thể chất như mọc răng, tập lẫy, tập đi… đều có thể khiến Bé lười ăn. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ kéo dài thời gian ngắn và Bé sẽ nhanh chóng thích nghi trở lại bình thường.

✅Cuối cùng là các vấn đề về sức khỏe của Bé. Cũng như người lớn, các Bé cũng sẽ biếng ăn nếu cơ thể Bé đang khó chịu. Ở độ tuổi 0-6 tuổi, hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa của các Bé vẫn chưa phát triển toàn diện. Do đó, Bé dễ nhiễm bệnh do virus, vi khuẩn hoặc gặp các vấn đề rối loạn tiêu hoá, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón… dẫn đến tình trạng biếng ăn. Ngoài ra, các Bé ở tuổi này còn thường xuyên gặp vấn đề về răng miệng như sưng nướu răng, sâu răng, nhức răng gây cảm giác đau đớn, khó chịu khi ăn uống.

👉Việc tìm hiểu nguyên nhân Bé biếng ăn đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn và quan sát từ Ba Mẹ. Ba Mẹ có thể thử nghiệm nhiều thực đơn, nhiều nguyên liệu khác nhau để khám phá khẩu vị của Bé. Đồng thời, xây dựng cho Bé thói quen ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng. Nếu muốn biết thêm về các giải pháp giúp Bé ăn ngon, hãy theo dõi Daisy Home để cập nhật những thông tin hữu ích trong thời gian tới nhé.

Daisy Home Preschool

Hình thành ý thức và thói quen vệ sinh răng miệng cho Bé mầm non là điều vô cùng cần thiết. Vào độ tuổi lên ba, các Bé đã mọc gần đủ 20 chiếc răng sữa trên cung hàm. Những chiếc răng đầu đời luôn cần được chăm sóc cẩn thận, nhằm ngăn chặn các vấn đề răng miệng có thể làm Bé biếng ăn, mất ngủ, sụt cân. Hơn thế nữa, việc sở hữu hàm răng trắng sáng, khỏe mạnh cũng giúp Bé thêm phần tự tin. 

💁‍♀️ Các Bé từ 3 tuổi đã có khả năng học hỏi và tự chăm sóc bản thân. Ba Mẹ hãy cùng Daisy Home hướng dẫn Bé phương pháp chăm sóc răng miệng đúng cách qua 7 bước sau:

1. Chuẩn bị 1 ly nước nhỏ, bàn chải đánh răng trẻ em có sợi mềm 

2. Cho lượng kem đánh răng bằng 1 hạt đậu lên bàn chải

3. Cho Bé súc miệng với nước để làm sạch sơ khoang miệng

4. Đứng phía sau hoặc đứng song song với Bé để Ba Mẹ có thể dễ dàng minh họa cho Bé tập theo. Ba Mẹ và Bé có thể đứng trước gương để dễ quan sát. 

5. Bắt đầu hướng dẫn Bé di chuyển bàn chải theo vòng tròn hoặc từ trên xuống, chải đều cả mặt trong và mặt ngoài răng. Sau đó, chải nhẹ đều hết mặt nhai. Khi chải răng, bàn chải cần lệch nghiêng một góc 45 độ để tránh gây tổn thương nướu

6. Ba Mẹ hãy tập cho Bé vệ sinh cả phần lưỡi bằng dụng cụ vệ sinh chuyên dụng. Nếu Bé cảm thấy hơi buồn nôn, Ba Mẹ hãy trấn an để Bé từ từ làm quen ở những lần tiếp theo. 

7. Bảo Bé nhổ bọt kem ra ngoài, súc lại bằng nước lọc cho đến khi hết bọt 

👍 Ba Mẹ nên vừa thực hiện, vừa hướng dẫn để Bé dễ quan sát và làm theo. Sau khi đã tập cho Bé đánh răng đúng cách, tiếp theo Ba Mẹ cần dạy Bé nắm thêm các quy tắc giữ răng miệng trắng khỏe dài lâu:

–  Sau khi đánh răng xong, hãy bảo Bé cắm bàn chải sao cho phần đầu hướng lên trên, tránh cho vi khuẩn xâm nhập. 

– Tập cho Bé đánh răng 2 lần mỗi ngày, sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ

– Khi Bé chưa quen, Ba Mẹ cần theo sát và kiểm tra để đảm bảo Bé chải răng đúng cách và không lười biếng

– Để tăng thêm hứng thú cho Bé, Ba Mẹ nên chọn loại kem đánh răng dành cho trẻ em với hương thơm trái cây. 

– Thay bàn chải đánh răng định kỳ 3 tháng/lần 

– Khi Bé đã thành thạo hơn, Ba Mẹ có thể tập cho Bé dùng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám trong kẽ răng

👇 Ngoài ra, Ba Mẹ có thể bổ sung thêm các thực phẩm có khả năng trung hòa axit mạnh, cung cấp khoáng chất và vitamin nhằm gia cố men răng và tăng hoạt động của tuyến nước bọt như gợi ý dưới đây:  

– Bổ sung thực phẩm nhiều canxi, vitamin D như thịt, cá, trứng, sữa,… giúp Bé phát triển toàn diện và mọc răng chắc khỏe hơn 

– Uống nhiều nước lọc để tránh cho vi khuẩn phát triển khi khoang miệng bị khô 

– Kiểm soát lượng đường, đồ ngọt mà Bé ăn hàng ngày vì đây là những tác nhân gây sâu răng hàng đầu cho Bé

– Răng sữa của Bé còn yếu nên cần hạn chế đồ ăn quá cứng, quá chua vì có thể làm hỏng men răng 

Ngoài tập cho Bé tự vệ sinh, Ba Mẹ cũng nên tập cho Bé từ bỏ 2 thói quen xấu gây hại răng miệng như: 

❌ Bú bình quá lứa tuổi trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ sâu răng, sún răng hàng loạt

❌ Thói quen mút tay, cắn tay, cắn dị vật, chống cằm, nghiến răng dễ gây lệch khớp cắn, răng mọc lệch hay tạo áp lực khiến răng yếu đi

Trên đây là những chia sẻ của Daisy Home về vấn đề chăm sóc răng miệng cho Bé mầm non từ 3-6 tuổi. Ngoài những gợi ý trên, Ba Mẹ cũng nên đưa Bé thăm khám nha khoa định kỳ 6 tháng/lần để nha sĩ theo dõi sức khỏe răng miệng của Bé. Điều này cũng giúp phát hiện và điều trị sớm các vấn đề răng miệng kịp thời.

Daisy Home Preschool

Khi chưa hình thành tư duy ngôn ngữ đầy đủ thì hội họa chính là cách để Bé bộc lộ những cảm nhận và suy nghĩ của mình. Do đó trong giai đoạn này, Ba Mẹ sẽ không ít lần bắt gặp những tác phẩm đầy màu sắc của Bé con trên tường nhà mình. Những lúc như vậy, Ba mẹ khoan vội la rầy hay cấm cản vì hoạt động sáng tạo này giúp ích rất nhiều cho quá trình phát triển toàn diện của Bé.


Hội họa như một vùng đất màu mỡ để các Bé gieo mầm cho những ước mơ tươi đẹp và những ý tưởng rực rỡ nhất. Trong quá trình vẽ, Bé sẽ liên tục quan sát, ghi nhớ chi tiết của sự vật. Dần dần, Bé sẽ hình dung trước trong não những sự vật Bé muốn thể hiện. Nhờ đó, có thể rèn luyện trí tưởng tượng, óc sáng tạo và khả năng cảm thụ cái đẹp.

Tuy nhiên, việc dọn dẹp các tác phẩm trên tường cũng mất khá nhiều thời gian. Vậy làm sao để tạo động lực cho Bé sáng tạo mà vẫn tiết kiệm công sức thu dọn cho Ba Mẹ? Hãy cùng Daisy Home khám phá những gợi ý dưới đây.

✅ Dán giấy vẽ khổ lớn trên tường
Bé con có thói quen vẽ lên tường thường không phải muốn nghịch phá. Thật ra, Bé chỉ muốn thoải mái phác họa ý tưởng ở kích thước lớn hơn, chứ không gói gọn trong một tờ giấy A4 hay tấm bảng nhỏ. Do đó, Ba Mẹ có thể dán những tờ giấy khổ A3, A0 trên tường. Như vậy, Bé sẽ có khu vực riêng để tự do thực hiện các tác phẩm trừu tượng của mình, không lo hết không gian vẽ vời. Còn Ba Mẹ có thể dễ dàng cất giữ những bút tích tuổi thơ này và thay mới bằng những tờ giấy trắng tinh.

✅ Cho Bé thử sức với nhiều chất liệu khác nhau
Thế giới mỹ thuật có nhiều chất liệu và không gian để Bé thử nghiệm và sáng tạo không biên giới. Ngoài trang giấy, Ba Mẹ có thể hướng hướng dẫn Bé vẽ trên cát, trên bìa carton, trên chiếc áo thun yêu thích. Thay vì vẽ bằng bút màu, Bé hoàn toàn có thể tạo hình sự vật bằng những chiếc lá, những hòn sỏi hay đất nặn. Hoạt động thử nghiệm nhiều chất liệu sẽ giúp Bé không bị giới hạn trong quá trình sáng tác.

✅ Đóng khung các tác phẩm của Bé
Mỗi bức tranh được hoàn thành luôn là niềm tự hào to lớn đối với Bé con. Thế nên, việc Ba Mẹ la rầy khi con vẽ trên tường sẽ có thể dập tắt niềm vui của Bé. Thay vào đó, Ba Mẹ có thể dùng khung tranh nhỏ đóng khung bức vẽ của con, thêm vài dòng chú thích để biến hình vẽ bậy thành một tác phẩm nghệ thuật được trưng bày. Cách xử lý vừa hài hước, vừa thông minh này sẽ khích lệ Bé con tự tin sáng tác. Đồng thời, còn biến không gian nhà ở trở nên thú vị hơn.

✅ Lắng nghe diễn giải của Bé
Trí tưởng tượng của Bé con là một siêu năng lực, vượt ra mọi ranh giới. Chắc vì lẽ đó, người lớn đôi khi khó hình dung hay hiểu được ý nghĩa đằng sau những nét vẽ kỳ lạ của các họa sĩ nhỏ. Chính vì thế, khoan vội kết luận về các tác phẩm trừu tượng này. Ba Mẹ có thể thử lắng nghe Bé diễn giải về ý tưởng và quá trình thực hiện tác phẩm. Đồng thời, kết hợp với việc đặt câu hỏi về bức vẽ để hiểu hơn về cách Bé nhìn nhận thế giới này.

Khi khuyến khích con vẽ lên tường, dù có thể làm mất một chút thẩm mỹ cho không gian của ngôi nhà nhưng đây chính là nền tảng nuôi dưỡng một tâm trí sống động và một trái tim tràn đầy đam mê cho Bé. Vậy nên, Ba Mẹ hãy “mạnh dạn” để Bé thỏa sức nô đùa cùng hội họa với những gợi ý nói trên của Daisy Home nhé.

Daisy Home Preschool

Nhìn thấy Bé con nhà mình luôn vui vẻ, tích cực, sống tình cảm và thành công trong cuộc sống là điều mà Ba Mẹ nào cũng đểu mong ước. Để đạt được điều đó, Ba Mẹ cần chú trọng phát triển trí thông minh cảm xúc (EQ) cho Bé ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, khái niệm về trí thông minh cảm xúc vẫn còn khá mới mẻ đối với nhiều phụ huynh. Nhiều Ba Mẹ vẫn chưa hiểu rõ EQ là gì và tầm quan trọng của EQ đối với sự phát triển của Bé.

Thấu hiểu được điều đó, Daisy Home đã tổng hợp các kiến thức về trí thông minh cảm xúc giúp Ba Mẹ có thể tìm hiểu để đồng hành và nuôi dạy Bé con trở nên hạnh phúc và phát triển toàn diện.

Vậy trí tuệ cảm xúc là gì mà quan trọng đến vậy?
Trí tuệ cảm xúc (hay còn gọi là chỉ số EQ) là khả năng nhận biết và quản lý cảm xúc của bản thân cũng như thấu hiểu và phản ứng phù hợp với cảm xúc của người khác. Mỗi đứa trẻ, ngay từ khi chào đời đã sở hữu năng lực về trí tuệ cảm xúc nhưng khả năng đặc biệt này phát triển như thế nào tùy thuộc vào những mối quan hệ trong gia đình và môi trường lớn lên của Bé.

Vì sao Ba Mẹ cần giúp Bé phát triển trí thông minh cảm xúc?
Trí tuệ cảm xúc là một kỹ năng có thể được học hỏi và phát triển. Ba Mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp Bé phát triển trí tuệ cảm xúc. Dưới đây là một số lý do vì sao Ba Mẹ cần giúp Bé phát triển trí thông minh cảm xúc:

⭐️ Trí tuệ cảm xúc là nền tảng cho sự thành công: Theo nghiên cứu của Đại học Harvard, thực hiện bởi Daniel Goleman (một nhà tâm lý học nổi tiếng), cho thấy rằng: những trẻ em có chỉ số EQ cao có nhiều khả năng thành công trong học tập, công việc và các mối quan hệ. Việc Ba Mẹ giúp Bé phát triển EQ ngay từ khi còn nhỏ sẽ là nền tảng vững chắc để Bé thành công trong tương lai.
⭐️ Trí tuệ cảm xúc giúp Bé hạnh phúc và khỏe mạnh: Trí tuệ cảm xúc giúp Bé hiểu và quản lý cảm xúc cá nhân, từ đó Bé có khả năng kiểm soát cảm xúc tiêu cực và tạo ra môi trường tinh thần tích cực cho bản thân. Ngoài ra, khi có EQ cao, Bé có khả năng tự chăm sóc bản thân tốt hơn, từ đó có sức khỏe tinh thần và thể chất vượt trội. Việc Ba Mẹ hỗ trợ Bé phát triển EQ sẽ giúp Bé có lối sống lành mạnh, hạn chế căng thẳng và nguy cơ mắc các bệnh tâm lý.
⭐️ Trí tuệ cảm xúc giúp Bé xây dựng mối quan hệ tốt đẹp: Kỹ năng trí tuệ cảm xúc giúp Bé thấu hiểu cảm xúc của người khác. Từ đó, Bé sẽ sẽ biết cách ứng xử phù hợp, thể hiện sự chia sẻ, đồng cảm hoặc có thể giải quyết mâu thuẫn một cách hiệu quả. Điều này giúp Bé xây dựng và giữ gìn các mối quan hệ tốt đẹp một cách gắn bó và bền chặt.

Ba Mẹ cần làm gì để giúp Bé phát triển trí thông minh cảm xúc?

  • Làm gương cho Bé: Bé học hỏi từ những người xung quanh, đặc biệt là từ Ba Mẹ. Vậy nên, Ba Mẹ hãy thể hiện cảm xúc một cách lành mạnh trước mặt Bé, và đừng ngại chia sẻ, giải thích cho Bé hiểu cảm xúc của mình. Ví dụ: khi Ba Mẹ đang mệt mỏi vì áp lực công việc, Ba Mẹ không nên cộc cằn hay la mắng trút giận lên Bé. Thay vào đó, Ba Mẹ có thể chia sẻ với Bé “Giờ Ba Mẹ đang rất mệt, Ba Mẹ cần nghỉ ngơi một xíu, con chơi ngoan nha”.
  • Trò chuyện với Bé về cảm xúc: Hãy khuyến khích Bé chia sẻ cảm xúc của mình với Ba Mẹ. Ba Mẹ hãy lắng nghe Bé một cách thấu hiểu và không phán xét. Ba Mẹ có thể tạo cơ hội để Bé chia sẻ cảm xúc của mình như hỏi Bé: hôm nay Bé đi học có vui không? Bé qua nhà ông bà chơi có gì vui?
  • Ba Mẹ nên giúp Bé học cách quản lý cảm xúc: Cảm xúc là một phần tự nhiên của cuộc sống. Bé sẽ trải nghiệm một loạt các cảm xúc, từ tích cực đến tiêu cực. Khi Bé hiểu cảm xúc của mình, Bé cần học cách đối phó với những cảm xúc đó một cách lành mạnh. Ba Mẹ hãy quan sát cảm xúc và hành động của Bé, để hỗ trợ Bé cách quản lý cảm xúc như kiểm soát cơn giận, giải tỏa căng thẳng và vượt qua thất vọng. Ví dụ khi Bé tức giận: Ba Mẹ hay giúp Bé nhận biết cảm xúc của mình và tìm cách giải tỏa cảm xúc một cách lành mạnh như: hít thở sâu, đếm từ 1 đến 10, đi dạo, chơi đồ chơi yêu thích,…

Điều quan trọng không thể thiếu trong việc phát triển trí tuệ cảm xúc cho Bé chính là sự đồng hành và khích lệ của Ba Mẹ. Khi Ba Mẹ quan tâm, lắng nghe và thấu hiểu, Bé sẽ cảm thấy an toàn và được yêu thương. Điều này sẽ giúp Bé phát triển EQ và sức khỏe tâm lý một cách tự nhiên. Tạo nền tảng cho Bé phát triển tốt trong tương lai. Vậy nên, Ba Mẹ hãy dành thời gian trò chuyện, chơi đùa và quan tâm đến Bé con nhé!

Daisy Home Preschool

Đã khi nào Ba Mẹ cảm thấy bất lực khi trò chuyện với Bé về những hành vi không tốt mà Bé đã làm? Dù đã áp dụng “công thức” chờ Bé bình tĩnh rồi nói sau, nhưng dường như mọi chuyện chẳng suôn sẻ như tưởng tượng của Ba Mẹ. Thái độ lảng tránh, câu nói “Con không biết” cứ lặp đi lặp lại, và cuối cùng, cuộc trò chuyện kết thúc với sự mệt mỏi và những câu hỏi còn chưa được trả lời.

Việc né tránh những chuyện không thoải mái là điều bình thường đối với tất cả chúng ta. Với các Bé, việc này có thể lại còn khó hơn vì độ tập trung của nhiều Bé quá ngắn đến nỗi có thể quên mất mình đã làm gì. Trong vài trường hợp khác, Bé có thể không chia sẻ với Ba Mẹ vì không nhận thức được mình sai, không biết cách bày tỏ, hoặc vì sợ bị la mắng, vướng phải rắc rối với thầy cô, bạn bè. Bất kể lý do là gì, các Bé sẽ luôn thích chơi, xem video, đùa giỡn hơn là ngồi lại và nói về lỗi sai của mình.

Tuy nhiên, việc trò chuyện về những hành vi không ngoan vẫn rất quan trọng trong việc giúp Bé cư xử đúng mực và trở thành một người tốt, hiểu chuyện khi lớn lên. Vẫn có những tips giúp những chuyện “khó nói” này được chia sẻ hiệu quả hơn. Quan trọng hơn cả, Ba Mẹ cần kiểm soát những kỳ vọng của mình, tìm cách giao tiếp phù hợp với tính cách và độ tuổi của Bé.

Vậy, Ba Mẹ nên lưu ý gì để cuộc trò chuyện với Bé không rơi vào ngõ cụt?

  • Hỏi – đáp thật ngắn gọn, ít áp lực: Ba Mẹ hãy giúp quá trình nhận lỗi của Bé dễ dàng và bớt “đau đớn” hơn bằng những câu hỏi ngắn gọn, cảm thông thay vì lớn tiếng. Nếu Ba Mẹ thường nói “Sao hôm nay con dám đánh bạn?” và Bé bắt đầu quấy khóc, hãy thử hỏi “Hôm nay con và bạn giận nhau hả?”, “Bạn có làm gì khiến con giận không?”, từ đó tiếp tục khơi gợi theo câu trả lời của Bé. Điều này giúp Bé thấy an toàn để thành thật với Ba Mẹ.
  • Trò chuyện, tương tác đa chiều: Xuyên suốt buổi, Ba Mẹ hãy nhớ hỏi đáp và ngừng nói đủ lâu để Bé có thể nói lên suy nghĩ của mình thay vì “giảng bài” liên tục. Hãy đồng cảm, kiên nhẫn nói chuyện với Bé để Bé không sợ sệt, ấm ức, thậm chí tức giận.
  • Tìm hiểu lý do: Liệu Bé có quấy nhiễu vì mệt, đói, hay Bé cắn bạn vì bạn đã lấy đồ đạc của mình? Ba Mẹ cần bình tĩnh để tìm hiểu, nhìn bao quát sự việc, từ đó hiểu vì sao Bé làm như vậy, và hướng dẫn Bé xử sự khác đi trong những lần tiếp theo.
  • Bỏ qua những lỗi nhỏ nhặt: Không phải mọi vi phạm đều cần được giải quyết cụ thể. Nếu Ba Mẹ liên tục phân tích mọi lỗi sai, Bé sẽ sợ những cuộc trò chuyện này. Thay vào đó, Ba Mẹ hãy quan sát xem Bé có thường xuyên mắc lỗi gì không để có thể nói một lần, hoặc giải quyết “những việc lớn” và bỏ qua việc ít nghiêm trọng hơn.
  • Hạn chế đối mặt với Bé: Bé có thể thấy tủi hổ, nhạy cảm khi phải nhìn vào mắt Ba Mẹ để nói chuyện. Để khiến không khí vui vẻ, thoải mái hơn, Ba Mẹ hãy cho phép Bé nhìn đồ chơi, trò chuyện lúc tắt đèn chuẩn bị ngủ, hoặc biến việc chia sẻ thành một trò chơi thú vị. Ngoài ra, Ba Mẹ cần lưu ý không la mắng Bé nơi đông người, vì điều này rất dễ làm tổn thương lòng tự trọng của Bé.

Với những tips trên, Ba Mẹ hãy thử linh hoạt áp dụng trong những buổi nói chuyện tiếp theo với Bé. Chúc Ba Mẹ thành công!

Daisy Home Preschool