Đánh thật đau có giúp bé nhận ra lỗi sai của mình ?
“Thương cho roi cho vọt” luôn là hình thức dạy con quen thuộc được áp dụng cho tới ngày nay. Đòn roi trở thành công cụ để Ba Mẹ răn đe khi các Bé mắc lỗi sai. Tuy nhiên, liệu việc đánh thật đau có thật sự giúp Bé nhận ra lỗi sai và sửa sai? Hãy cùng Daisy Home phân tích ngay dưới đây.
Trên thực tế, các Bé dưới 12 tuổi thường chưa thành thạo việc hiểu và xử lý các phản hồi tiêu cực. Cho nên khi Bé bị đánh, Bé thường không hiểu được tại sao mình bị Ba Mẹ phạt. Lỗi sai của Bé có gây ra hậu quả thế nào. Bé chỉ nhận lỗi vì sợ hãi và quên đi ngay sau đó. Điều này có thể gây trở ngại cho quá trình phát triển khả năng tự nhận thức và tự điều chỉnh hành vi của Bé.
Việc đánh thật đau dễ dàng làm Bé nghe lời nhưng cũng dễ làm mai một dũng khí của Bé. Nhiều Ba Mẹ thấy hình phạt đòn roi rất hiệu quả vì chỉ cần giơ roi lên là con không dám làm gì. Tuy nhiên, đây lại là điều đáng lo hơn đáng mừng. Tâm lý các Bé mầm non thường rất non nớt và dễ trở nên nhút nhát khi bị đánh. Trong tương lai Bé có thể sẽ không dám thử điều mình thích và khó có chủ kiến trong cuộc sống.
Ngoài ra, trẻ em thường bắt chước hành vi của người lớn. Khi bị đánh, Bé sẽ nghĩ đòn roi là cách giải quyết vấn đề. Điều này làm cho tính cách của Bé có xu hướng trở nên hung hăng hơn, dễ tức giận hơn. Như vậy, việc Ba Mẹ đánh đòn không giúp giải quyết vấn đề mà còn nảy sinh nhiều vấn đề khác. Chưa kể đến, biện pháp này chỉ là tạm thời và sẽ mất dần hiệu quả theo thời gian.
Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để kiểm tra hiệu quả của việc dùng đòn roi khi giáo dục trẻ em. Một nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA) đã chỉ ra rằng đánh đòn không mang lại hiệu quả trong việc giúp Bé nhận ra lỗi sai và có thể gây ra nhiều vấn đề tâm lý (Psyche Hive). Nghiên cứu khác của Viện Nghiên cứu Gia đình Mỹ (IFS) cũng cho thấy rằng trẻ em bị kỷ luật đòn roi thường có mối quan hệ không tốt với Ba Mẹ. Chính vì thế, Ba Mẹ nên tìm hiểu và áp dụng các phương pháp không đòn roi để giúp Bé phát triển tốt hơn.
Khi Bé mắc phải lỗi sai, Ba Mẹ nên dành thời gian để giúp Bé hiểu tại sao hành vi đó sai, hành vi đó dẫn đến hậu quả như thế nào. Hành vi đó không tốt vì làm người khác buồn, đau hay khó chịu. Ví dụ như vì Bé làm vỡ lọ hoa nên mẹ rất buồn. Khi hiểu ra nguyên nhân và hệ quả của lỗi sai, các Bé có thể tự điều chỉnh hành vi của mình một cách hiệu quả hơn.
Để Bé nhớ về lỗi sai của mình, cách tốt nhất là để Bé chịu trách nhiệm cho hành vi đó. Khi đánh rơi lọ hoa của Mẹ, Bé nên xin lỗi mẹ và cùng mẹ (hoặc tự bản thân) dọn dẹp, vệ sinh lại nơi đó. Thông qua việc sửa chữa sai lầm, các Bé sẽ tiếp thu thêm kỹ năng mới và học cách giải quyết các vấn đề.
Bên cạnh đó, phần thưởng và khen ngợi cũng là phương pháp tích cực để giáo dục cho các Bé. Khi Bé làm điều tốt, Ba mẹ có thể dành cho các lời khen hay phần quà nho nhỏ nào đó. Phần thưởng và lời động viên tích cực sẽ giúp Bé tự hào và muốn tiếp tục hành vi đó. Các Bé được khen thưởng, cổ vũ thường xuyên cùng sẽ tự tin hơn so với việc bị răn dạy bằng đòn roi.
Việc đưa ra các hình phạt không phải để làm tổn thương Bé mà để các Bé có thể nhận ra lỗi sai và sửa chữa. Chính vì thế, việc đánh thật đau không thật sự phù hợp và giúp ích như nhiều người vẫn tưởng. Thay vào đó, Ba Mẹ có thể cân nhắc những phương pháp không đòn roi mà vẫn đủ kỷ luật, giúp Bé phát triển nhận thức, rèn luyện kỹ năng xử lý vấn đề và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa Ba Mẹ và Bé.
Daisy Home Preschool