Cùng với nhịp độ phát triển mỗi ngày của xã hội, việc nuôi dạy trẻ đang có từng bước thay đổi rõ rệt trong mỗi thế hệ gia đình. Thay vì những cách răn dạy đã thành thông lệ như đòn roi hay quát nạt, Ba Mẹ hiện giờ chú trọng hơn vào việc tìm hiểu cách nuôi dạy con sao cho khoa học, bài bản để rèn luyện cho Bé tính kỷ luật và tinh thần tự giác cao. Vậy Ba Mẹ nên làm gì để hình thành tính kỷ luật cho bé? Hãy cùng Daisy Home tìm hiểu những điều sau đây nhé! 

1. Thiết lập thời gian biểu cho Bé

Tuỳ vào độ tuổi mà Ba Mẹ sẽ đưa ra hình thức rèn luyện kỷ luật phù hợp. Hãy tách biệt giờ ăn và giờ chơi, tạo ra không gian riêng với Bé và cùng làm những công việc đơn giản như cất dọn đồ chơi sau khi sử dụng, quét nhà, xếp quần áo,… Điều này sẽ khích lệ tinh thần trách nhiệm của Bé với người thân trong gia đình.

2. Những quy tắc trên bàn ăn

Chỉ với một vài quy tắc đơn giản như ăn chung với bữa ăn của Ba Mẹ, không kéo dài bữa ăn quá 30-40 phút, không để Bé xem ti vi khi ăn,… Ba Mẹ sẽ giúp Bé hình thành những thói quen tích cực trong bữa cơm với gia đình, hỗ trợ hệ tiêu hoá của Bé hoạt động ổn định, tránh việc Bé la khóc hay chạy nhảy mất tập trung khiến cơ thể khó chịu. 

3. Dạy Bé tự lập ngay từ giấc ngủ

Dạy Bé chuẩn bị cho việc đi ngủ (dọn giường sạch sẽ, xếp gối gọn gàng,bật/ tắt đèn ngủ, thay quần áo ngủ,…) giúp con có chất lượng giấc ngủ tốt hơn, Bé cũng sẽ hình thành sự tự giác và đặc biệt có khái niệm quan trọng, nghiêm túc về sự nghỉ ngơi. Một số gia đình chọn lựa cho con ngủ riêng sớm và điều này có thể khó khăn cho bé ở giai đoạn đầu. Ba Mẹ cần kiên trì động viên, chuẩn bị tâm lý cho con thật tốt, tạo ra không gian ngủ lý tưởng cho Bé và có thể lắp đặt camera để đảm bảo Bé sẽ có một giấc ngủ ngon, an toàn.

4. Nhất quán trong hành động với Bé

Ba Mẹ cần có sự thống nhất với nhau trước khi đưa ra những quy tắc cho Bé, tránh việc con sẽ nghiêng về phía người bênh mình hơn và khiến việc thiết lập kỷ luật không còn hiệu quả. Ba Mẹ hãy kiên trì dạy con ghi nhớ các quy tắc thưởng – phạt riêng biệt, cung cấp những giới hạn về hành vi để trẻ biết cách đưa ra lựa chọn đúng đắn.

5. Khen ngợi con đúng thời điểm

 Ba Mẹ cần dùng lời khen đúng thời điểm để Bé học cách phân biệt các hành vi đúng – sai. Hãy tán dương khi Bé giúp Mẹ xếp quần áo, giúp Ba quét nhà, hay đơn giản chỉ là khi con nhẹ nhàng âu yếm chơi cùng bạn thú cưng,… Bé sẽ ghi nhớ những lời yêu thương ấy để làm nền tảng cho những hành vi chuẩn mực khi trưởng thành.

Làm Ba Mẹ quả là một công việc toàn thời gian rất vất vả nhưng đổi lại được thấy Bé lớn khôn mỗi ngày có lẽ chính là thành tựu và niềm hạnh phúc lớn nhất của Ba Mẹ. Bên cạnh việc nuôi con khỏe mạnh thì việc dạy con lối sống có kỷ luật cũng là điều Ba Mẹ phải chú trọng. Thay vì chọn những phương án dễ dàng nhưng không hiệu quả lâu dài, thì Ba Mẹ hãy kiên trì thiết lập chế độ sinh hoạt khoa học cho Bé, tạo thành kỹ năng giúp con phát triển tự tin và độc lập hơn nhé!

Daisy Home Preschool

Daisy Home tin rằng, Ba Mẹ cũng cần học cách thể hiện tình cảm với Bé cho con thấy được sự quan tâm, yêu thương. Thông qua 5 loại ngôn ngữ tình yêu của Gary Chapman dưới đây, Daisy Home mong Ba Mẹ có thể tham khảo để lựa chọn phương thức phù hợp cho mình:

Ngôn ngữ 1: Những lời yêu thương

Ngôn từ có sức mạnh đáng kinh ngạc và luôn để lại dấu ấn trong hành vi của mỗi chúng ta. Đối với các Bé, những lời âu yếm khen ngợi của Ba Mẹ sẽ là động lực để con tự tin phát triển tư duy ngôn ngữ một cách tích cực. Hãy lắng nghe để khích lệ Bé, đừng vội phản bác những ý tưởng của con Ba Mẹ nhé!

Ngôn ngữ 2: Những hành động quan tâm

Chỉ với những cử chỉ ân cần thường nhật của Ba Mẹ như vỗ về khi Bé khóc, chuẩn bị bữa ăn cho Bé hay hát ru con ngủ,… Bé không những cảm thấy ấm áp với tình yêu thương mà còn học được cách săn sóc những người xung quanh mình. Bên cạnh đó, sự quan tâm mà Ba Mẹ dành cho nhau cũng sẽ dạy Bé yêu cách thể hiện tình cảm của bản thân.

Ngôn ngữ 3: Dành cho nhau khoảng thời gian ý nghĩa

Ba Mẹ hãy khích lệ niềm đam mê và khám phá tiềm năng của Bé thông qua những hoạt động nghệ thuật hay các buổi dã ngoại gia đình. Khoảng thời gian này sẽ giúp Ba Mẹ và Bé thấu hiểu lẫn nhau, xây dựng mối quan hệ bền chặt để luôn gắn bó ngay cả khi Bé đã trưởng thành. 

Ngôn ngữ 4: Yêu thương qua những món quà

Tặng quà có lẽ là cách cụ thể nhất để Ba Mẹ gửi gắm tình yêu dành cho Bé. Mỗi món quà vào thời điểm khác nhau như ngày sinh nhật, tết thiếu nhi, hoặc quà mang tính chất bất ngờ… sẽ giúp Bé có những dấu ấn để ghi nhớ trong hành trình phát triển. Cảm giác bất ngờ đầy phấn khích khi được nhận quà sẽ là ký ức ngọt ngào đồng hành cùng con cho đến mãi về sau.

Ngôn ngữ 5: Tình yêu qua những giao tiếp của cơ thể

Đây là một trong những ngôn ngữ mạnh mẽ nhất đã tồn tại từ khi Bé còn trong bụng mẹ. Những cái ôm, những cái hôn lên trán đưa con vào giấc ngủ hay những cái nắm tay thật chặt của Ba Mẹ khi dắt Bé đi trên phố đông người chính là bài học vỡ lòng Ba Mẹ dành cho con.

Mặc dù đa số các gia đình Á Đông đều ít khi thể hiện tình cảm qua ngôn từ hay những món quà, nhưng Ba Mẹ vẫn luôn dùng 3 loại ngôn ngữ còn lại để dành trọn yêu thương cho các Bé. Tuy vậy, việc giúp Bé nhận biết và ghi nhớ cả 5 loại ngôn ngữ yêu thương này vẫn luôn là điều cần thiết để Bé tích luỹ hành trang cho tương lai cũng như sử dụng đúng đối tượng mà đối phương có thể cảm nhận đấy, Ba Mẹ hãy nhớ nhé! 

Daisy Home Preschool

Trong hành trình phát triển của Bé có một giai đoạn được gọi là Khủng Hoảng Tuổi Lên 2 (Terrible Twos). Khái niệm này được dùng để gọi tên những thay đổi về tâm lý và hành động của con trẻ trong độ tuổi từ 18 – 36 tháng. Trong giai đoạn này, cảm xúc của Bé sẽ bộc lộ khá gay gắt và thay đổi cũng rất nhanh chóng. Bé sẽ thích tự làm mọi thứ và muốn làm theo cách riêng của mình, bản tính sở hữu cũng được thể hiện rõ rệt qua cách giao tiếp hay vui chơi với người thân và các bạn cùng tuổi. 

Ban đầu có thể Ba Mẹ sẽ thấy thú vị và dễ thương với trạng thái này của Bé. Tuy nhiên, nếu sự thay đổi xuất hiện quá thường xuyên kèm theo những hành động như la hét, khóc lớn hay ném đồ vật,.. thì đồng thời cũng tạo ra một cơn khủng hoảng cho Ba Mẹ. Thêm vào đó, việc hạn chế về ngôn ngữ cũng sẽ khiến Bé khó chịu vì không thể diễn đạt đúng nhu cầu của bản thân sẽ khiến Ba Mẹ mù mờ hơn vào giai đoạn khủng hoảng này. Để cùng Bé vượt qua độ tuổi lên 2 dễ dàng hơn, Daisy Home luôn đồng hành với Ba Mẹ thông qua những kinh nghiệm thực tế, giúp Ba Mẹ có góc nhìn cởi mở hơn trong thời kỳ phát triển tự nhiên của lứa tuổi này. Ba Mẹ hãy cùng Daisy Home khám phá nhé!

1. Thay vì quát mắng, hãy tìm hiểu xem hành động của Bé đang thể hiện điều gì.

Việc phớt lờ con, hoặc tức giận sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, vì thế thay vì bỏ đi, Ba Mẹ hãy quan sát và ở gần Bé để Bé được giải tỏa cảm xúc. Thật bình tĩnh, trò chuyện với Bé để cùng hiểu được tâm trạng, nhu cầu của Bé sẽ giúp Bé cảm thấy yên tâm, được thấu hiểu nhiều hơn.

2. Cho Bé được tự chủ, làm theo những gì mình muốn dưới tầm kiểm soát.

Yếu tố an toàn và sức khỏe sẽ được đặt lên hàng đầu trong quá trình Bé tự do khám phá trong khuôn khổ. Và để Bé có thể phát triển tư duy cùng thể trạng theo cách tự nhiên nhất, Ba Mẹ hãy khuyến khích con bằng những hoạt động ngoài trời, hay sáng tạo hội hoạ và cảm thụ âm nhạc dành cho lứa tuổi của Bé. 

3. Thương lượng thay vì bác bỏ ý kiến của Bé.

Ba Mẹ hãy hạn chế nói “Không” với các Bé, đừng vội từ chối mà hãy đưa cho Bé sự lựa chọn, đánh lạc hướng Bé với một hoạt động thú vị hơn. Điều này sẽ hạn chế những điều tiêu cực và tránh việc Bé thường nói “Không” hoặc từ chối Ba Mẹ mình.

4. Chăm sóc Bé theo chế độ sinh hoạt khoa học, giờ giấc ổn định.

Để con luôn giữ được cân bằng trong cảm xúc thì Ba Mẹ cần cho Bé những giấc ngủ trọn vẹn, những món ăn phù hợp với lứa tuổi và phân bổ giờ nghỉ – giờ chơi đều đặn. Đừng quên bổ sung thêm những món ăn tinh thần để Bé có thể tự do phát triển tiềm năng của bản thân.

5. Xây dựng kết nối, thể hiện tình cảm với Bé.

Chìa khoá của việc xây dựng kết nối chính là những cử chỉ, lời nói của Ba Mẹ khi thể hiện tình cảm dành cho con. Vì đôi khi do hạn chế trong cách diễn đạt, Bé phải dùng hành động như cắn, cào, khua tay, khóc, hay hét lớn để thể hiện tâm trạng. Khi đó Ba Mẹ cần kiên nhẫn và bình tĩnh giải đáp, hướng dẫn Bé học cách ghi nhớ cảm xúc của mình. 

Ngoài ra, hãy giúp Bé yêu phát triển ngôn ngữ thật sớm để Bé có thể nói ra mong muốn của bản thân, gọi tên cảm xúc mà con đã cảm nhận được. Bên cạnh đó, việc biểu đạt bằng ngôn ngữ sẽ giúp Bé hạn chế được những hành vi tiêu cực khi nhu cầu chưa được đáp ứng đúng. Ba Mẹ hãy coi giai đoạn này như một cuộc phiêu lưu để khám phá, kết nối trọn vẹn với thế giới cảm xúc của Bé yêu và cùng tận hưởng hành trình một cách trọn vẹn nhất nhé!

Daisy Home Preschool

Nuôi thú cưng mang lại rất nhiều lợi ích phát triển cho Bé cả về thể chất và tinh thần. Tuy nhiên để Bé và người bạn đồng hành này phát triển khỏe mạnh cùng nhau, Ba Mẹ phải cực kỳ lưu ý đến việc chăm sóc sức khỏe thú nuôi đúng cách. Vậy những điều Ba Mẹ bắt buộc phải biết là gì? Tìm hiểu cùng Daisy Home nhé:

1. Đảm bảo tiêm phòng thú cưng đầy đủ 

Hiện tại đối với chó, mèo có 2 loại vacxin Ba Mẹ cần phải đảm bảo: đó là vacxin ngừa bệnh dại và vacxin phòng các bệnh truyền nhiễm hay gặp. Các bé chó hay mèo khi đủ 3 tháng cần được bắt đầu tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm (mèo tiêm 2 mũi và chó tiêm 3 mũi theo chỉ định của bác sĩ), và tiêm phòng dại. Tuy nhiên, các mũi vacxin này đều cần phải được tiêm nhắc lại sau 1 năm để đảm bảo an toàn.

Đối với các loại thú cưng khác như hamster, bọ ú, thỏ,.. chưa có vacxin ngừa dại, nên Ba Mẹ cần phải cẩn trọng khi cho Bé chơi cùng. Đặc biệt nếu bị bất kỳ vật nuôi nào cắn, Ba Mẹ cũng nên cho Bé đi tiêm ngừa dại trong vòng 24h.

2. Vệ sinh và tắm rửa thú cưng sạch sẽ

Để thú cưng sạch sẽ khi tiếp xúc với Bé, Ba Mẹ nên tắm rửa chúng thường xuyên, tối thiếu 1 tuần/lần. Tuy nhiên đối với các loại vật nuôi không thích nước như mèo, hamster, bọ,… Ba Mẹ có thể thay thế  bằng các loại dầu tắm khô, hoặc cát tắm. Ngoài ra, Ba Mẹ có thể phòng ngừa các loại ký sinh trùng gây hại như bọ chét, ve,.. bằng cách cho thú cưng uống có loại thuốc diệt ve, rận, đảm bảo chắc chắn chúng không thể làm hại Bé yêu nhà bạn.

3. Nên hướng dẫn Bé cách tiếp xúc với thú cưng đúng cách 

Không phải Bé nào cũng biết cách tiếp xúc với động vật, đặc biệt là các bạn nhỏ dưới 1 tuổi. Vì thế trong giai đoạn đầu, Ba Mẹ nên đảm bảo có mặt khi Bé và thú cưng tiếp xúc với nhau. Việc hướng dẫn Bé vuốt ve, yêu thương thú cưng đúng cách là thật sự cần thiết, tránh trường hợp Bé cấu hoặc kéo lông làm chúng hoảng sợ và có hành vi tự vệ.

4. Kiểm tra xem Bé cưng có dị ứng với lông chó mèo hay không 

Các triệu chứng dị ứng vật nuôi thường là sổ mũi, ngứa, chảy nước mắt, hắt xì, thở khò khè, ngứa và phát ban. Các triệu chứng thường sẽ nặng hơn khi Bé tiếp xúc và ôm ấp cùng vật nuôi. Thật ra có rất nhiều nguyên nhân khiến Bé bị dị ứng, tuy nhiên khi Bé có dấu hiệu này, Ba Mẹ nên cách ly Bé ra và theo dõi, để tìm được chính xác Bé bị dị ứng với vật gì.

5. Vệ sinh, Sát khuẩn khu vực vệ sinh của thú nuôi

Bài học mà thú cưng nào cũng phải biết đó là đi vệ sinh đúng nơi quy định. Ba Mẹ nên đảm bảo dạy thú cưng điều này để tránh gây mất vệ sinh, hoặc Bé có cơ hội tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, định kỳ hàng tuần Ba Mẹ nên sát khuẩn khu vực đi vệ sinh của thú cưng để đảm bảo vi khuẩn không phát triển và gây ảnh hưởng xấu đến sức đề kháng của Bé. 

Trên đây là những điều cơ bản bắt buộc phải làm nếu bạn muốn cho Bé cùng thú cưng tiếp xúc và lớn lên cùng nhau. Để phát huy tối đa những lợi ích mà thú cưng mang lại cho Bé, Ba Mẹ nên trang bị đầy đủ kiến thức, giúp Bé phát triển khỏe mạnh cùng người bạn thân của mình.

Daisy Home Preschool

Một số lợi ích từ việc cho con gần gũi với thú cưng sau đây giúp Ba Mẹ tham khảo xem Bé sẽ học được những điều gì nhé:

1. Biết cách thể hiện tình yêu thương

Việc quan sát Ba Mẹ hoặc người khác thể hiện tình cảm cùng thú cưng như ôm, vuốt ve, nói những lời yêu thương,.. sẽ giúp Bé nhận biết, và cũng học được cách thể hiện tình yêu thương của mình qua hành động, lời nói. Điều này cực kỳ giúp ích cho trẻ trong quá trình phát triển, nó sẽ giúp Bé không ngại thể hiện tình cảm của mình, mạnh dạn và tự tin hơn đối với mọi người.

2. Xây dựng lòng trắc ẩn  

Khi Bé yêu thương, chăm sóc thú nuôi thường xuyên sẽ giúp Bé sinh ra tình cảm với tất cả những loài động vật khác. Từ đó, Ba mẹ có thể chia sẻ về cảm nhận của các con vật khi chúng bị bỏ rơi, quên lãng hay đói lạnh, để Bé có thể bắt đầu suy nghĩ về những sinh mệnh khác đang sống như thế nào. Đây là bước đầu tiên giúp Bé xây dựng lòng trắc ẩn, sự đồng cảm, thông qua đó còn giúp Bé phát triển thêm trí tuệ về mặt cảm xúc.

3. Sống có trách nhiệm 

Thú cưng sẽ sống rất khó khăn nếu thiếu đi sự chăm sóc của con người, cũng giống như Bé với Ba Mẹ vậy. Việc cho Bé biết có một cuộc đời khác cần Bé chăm sóc sẽ giúp Bé tự cảm thấy bản thân mình có trách nhiệm hơn, làm động lực giúp bản thân phát triển từng ngày. Dù biết chăm sóc thú cưng là việc không dễ dàng, tuy nhiên Ba Mẹ nên hướng dẫn Bé, bàn giao cho Bé từ những việc đơn giản nhất như cho ăn, tắm rửa để Bé biết cam kết của mình với người bạn nhỏ, và sống có trách nhiệm hơn.

4. Tăng khả năng vận động cho Bé

Thay vì dán mắt vào điện thoại, máy tính; việc có một em thú cưng làm bạn sẽ giúp Bé hoạt động nhiều hơn, thúc đẩy Bé đứng lên, đi lại và tìm kiếm người bạn của mình. Điều này sẽ giúp Bé đốt năng lượng, năng tiếp xúc với thế giới bên ngoài hơn, tránh hiện tượng ù lì, qua đó tăng cường thể chất cho Bé yêu khỏe mạnh.

5. Giảm khả năng mắc dị ứng và hen suyễn

Điều này nghe có vẻ vô lý, tuy nhiên, theo nghiên cứu của tạp chí Clinical and Experimental Allergy, khi cho trẻ tiếp xúc với thú cưng từ sớm sẽ giảm được 50% nguy cơ mắc các bệnh về dị ứng nghiêm trọng. Lý giải cho điều này là bởi khi tiếp xúc vừa phải với lông vật nuôi và các chất dị ứng nhẹ khác trước 1 tuổi sẽ khiến hệ thống miễn dịch của trẻ phát triển mạnh mẽ hơn. Vì thế, Ba Mẹ đừng ngăn cản khi Bé cố gắng vuốt ve, hoặc chạm vào các bạn thú dễ thương nhé.

Ba Mẹ thấy đấy, nuôi thú cưng cùng Bé không những không có hại, mà còn giúp Bé có một người bạn đồng hành, phát triển cả về thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, Ba Mẹ nên đảm bảo sức khoẻ, tiêm phòng đầy đủ cho thú cưng để tránh gây bệnh cho Bé và hướng dẫn Bé tương tác đúng cách. Để biết cách chăm sóc thú cưng cùng Bé đúng cách, Ba Mẹ đừng bỏ lỡ qua những lưu ý mà Daisy Home đề cập trong bài tiếp theo nhé!

Daisy Home Preschool

Làm Ba Mẹ ai cũng muốn dành cho Bé yêu mọi thứ tốt đẹp nhất trên đời. Tuy nhiên đôi khi vì không có thời gian, Ba Mẹ thường áp đặt và phớt lờ ý kiến của Bé, hoặc không dành được thời gian quá nhiều để lắng nghe, giao tiếp với Bé. Điều này cực kỳ ảnh hưởng đến Bé và dễ gây ra các hệ luỵ sau này như lười chia sẻ, thiếu chính kiến, ngại đưa ra quan điểm của mình vì sợ bị phớt lờ, phản đối. Để tránh những trường hợp như vậy, Ba Mẹ hãy cùng Daisy Home học cách thay đổi giao tiếp phù hợp với Bé yêu nhé. 

1. Đừng từ chối khi Bé muốn nói hoặc kể chuyện 

Mọi thứ xung quanh Bé luôn là những điều mới mẻ, và khi khám phá ra Bé luôn muốn chia sẻ với người thân thương nhất, là Ba Mẹ của mình. Tuy nhiên điều đáng buồn và không phải lúc nào chúng ta cũng có thời gian để lắng nghe được những câu chuyện ấy. Thay vì chỉ nói với Bé Ba Mẹ bận rồi, Ba Mẹ hãy luôn dành cho Bé thời gian cố định để chia sẻ cảm xúc của mình như là trên xe, trước khi đi ngủ hoặc sau bữa ăn. Điều này sẽ giúp Bé được chia sẻ cảm xúc của mình mỗi ngày và Ba Mẹ cũng có thể dành trọn thời gian cùng Bé. 

2. Lắng nghe, giải thích trước khi phản đối 

Thường muốn tốt cho Bé, Ba Mẹ sẽ luôn phản đối những ý kiến không tốt. Tuy nhiên Bé sẽ không đủ nhận thức, trải nghiệm để hiểu được điều này. Vì thế thay vì quát mắng, phản đối gay gắt, Ba Mẹ hãy hỏi lý do Bé muốn hành động như vậy là gì, làm như vậy con sẽ cảm thấy gì, hậu quả ra sao? Điều này cũng mang cùng một kết quả, nhưng Bé sẽ vui vẻ không làm theo thay vì khó chịu và muốn nổi loạn. 

3. Lắng nghe cảm xúc của con 

Đây có lẽ là bài học khó nhất mà Ba Mẹ phải dành tất cả tình yêu thương và sự kiên nhẫn của mình để thực hành được. Khi Bé quấy khóc, làm sai, tức giận, Ba Mẹ thường rất bối rối, phẫn nộ nên sẽ lựa chọn la rầy, yêu cầu Bé ngưng khóc hoặc bỏ đi nơi khác. Tuy nhiên, đây là lúc cần sự bình tĩnh nhất. Những biểu hiện khóc, quấy phá Bé thể hiện đều có lý do của nó cả, Ba Mẹ nên nghiêm túc ngồi cùng Bé, giúp con nhận biết được hành động của mình hiện tại, gọi tên được vấn đề và đưa ra hướng giải quyết phù hợp.  

Lắng nghe để hiểu, để yêu thương đúng cách luôn là một việc khó khăn, tuy nhiên đây chính là câu cầu nối vững chắc để xây dựng tình cảm gia đình. Hãy trò chuyện thật nhiều cùng Bé, hãy lắng nghe con thật kỹ để có thể cùng Bé khai phá tiềm năng và hạnh phúc nhé!

Daisy Home Preschool

Phụ giúp Ba Mẹ làm việc nhà là cách để Bé tập thói quen tự lập, có trách nhiệm, biết quan tâm, giúp đỡ mọi người. Tuy vậy, khi được Ba Mẹ yêu cầu làm việc nhà, các Bé thường tỏ thái độ khó chịu, chần chừ không muốn làm. Vậy Bé có thật sự chán ghét, không yêu thương Ba Mẹ, hay còn nguyên nhân nào khác?

Theo nghiên cứu cho thấy, có 2 nguyên nhân lớn nhất khiến các Bé không thích làm việc nhà, và chủ yếu lại đến từ chính Ba Mẹ. Thứ nhất, Ba Mẹ thường quá nuông chiều, ôm đồm hết mọi việc, khiến Bé cảm thấy chăm sóc nhà cửa không phải là nhiệm vụ của mình. Thứ hai, Ba Mẹ cho Bé cảm giác ép buộc, sai bảo Bé phải làm, từ đó sinh ra cảm giác phản kháng, chán ghét việc nhà. Vậy thì Ba Mẹ nên làm thế nào để Bé thoải mái phụ giúp Ba Mẹ hơn, hãy cùng Daisy Home tham khảo 5 điều dưới đây nhé:

1. Thay vì ra lệnh, hãy nhờ Bé giúp đỡ 

Không ai thích cảm giác mình bị ra lệnh hay sai bảo cả, Bé con nhà bạn cũng vậy. Vì thế, thay vì yêu cầu con làm cái này cái kia, Ba Mẹ cần thay đổi cách nói chuyện, làm cho Bé thấy mình có ích, phụ giúp được Ba Mẹ. Thay vì “Lau nhà đi con”, Ba Mẹ nên nói “Hiện tại Mẹ đang bận nấu ăn, Ba đang quét nhà, Con phụ giúp Ba Mẹ lau nhà nhé”. Chỉ cần đơn giản như vậy cũng đã thay đổi cảm giác của con rất nhiều, giúp con vui hơn vì mình đã giúp ích cho gia đình.

2. Công nhận, cảm ơn thay vì xem đó là việc đương nhiên 

Khi Bé đã hoàn thành công việc, Ba Mẹ đừng bỏ lơ. Nếu Bé hoàn thành tốt, Ba Mẹ nên ghi nhận, khen thưởng và cảm ơn Bé đã giúp đỡ mình. Trong trường hợp Bé chưa hoàn thiện, Ba Mẹ nên đưa ra những lời nhận xét để Bé làm tốt hơn, song song đó là lời động viên cùng cảm ơn. Điều này sẽ chăm chút cho tính cẩn thận, kỹ lưỡng, cũng như giúp Bé cảm nhận sâu sắc thành tựu nhỏ của bản thân, làm động lực cho con tiếp tục làm và hoàn thành tốt hơn.

3. Hướng dẫn công việc cụ thể

Mọi thứ đều phải học, kể cả việc nhà. Vì thế, dù giao việc nhỏ đến đâu, Ba Mẹ cũng nên hướng dẫn cụ thể để Bé không loay hoay, sinh ra cảm giác chán nản chẳng muốn làm. Song song đó, Ba Mẹ nên có mặt trong khoảng thời gian đầu tiên để Bé nhận thấy được sự hỗ trợ, giúp Bé tự tin hơn. Tuy nhiên, nên chọn cho Bé các công việc vừa sức theo độ tuổi, tránh để Bé sinh ra cảm giác chán nản vì không hoàn thành công việc.

4. Cho Bé lựa chọn việc nhà, tự chủ thời gian 

Để Bé lựa chọn công việc nhà yêu thích cũng là cách làm cho Bé yêu thích và có trách nhiệm hơn. Ngoài ra, Ba Mẹ nên cho Bé tự chủ thời gian hoàn thành theo cam kết của mình, đừng nên áp đặt, hoặc đụng đâu sai đó. Khi Bé cảm giác bị sai khiến, không được làm chủ công việc và thời gian của mình, chống đối là việc chắc chắn sẽ xảy ra. 

5. Hãy làm việc cùng nhau

Thay vì để Bé có cảm giác làm việc một mình, Ba Mẹ hãy phân công công việc cho cả gia đình, để Bé hiểu rằng chăm sóc nhà cửa là nhiệm vụ chung chứ không của riêng ai. Điều này giúp có Bé có trách nhiệm hơn, và cảm thấy mình là một phần nhỏ giúp gia đình thêm đẹp, thêm hạnh phúc. Ngoài ra, việc cả gia đình cùng nhau dọn dẹp sẽ giúp Bé vui vẻ, có hứng thú hơn với việc nhà, và tạo ra được những ký ức tuổi thơ rất đẹp.

Trên đây là một số gợi ý Daisy Home dành cho Ba Mẹ để giúp Bé yêu thích hơn với công việc nhà. Thay vì xem Bé là con nít, Ba Mẹ nên nhìn nhận Bé là một “con người nhỏ”, có thể làm những công việc phù hợp với lứa tuổi của mình. Không chỉ vậy, thông qua công việc nhà, Ba Mẹ có thể dạy Bé cách yêu thương, chăm sóc gia đình, những người quan trọng với mình, và có trách nhiệm hơn với chính bản thân mình.

Daisy Home Preschool

Từ ngày nhỏ, Bé con sinh ra đã có sự liên kết vô hình, nhận được tình yêu thương vô điều kiện từ Ba Mẹ. Tuy nhiên nếu không được dạy cách san sẻ, đáp trả tình yêu thuơng này, Bé sẽ sinh ra cảm giác bị động và thường ít san sẻ, không biết cách bày tỏ yêu thương của mình. Vậy Ba Mẹ nên làm gì để dạy Bé học cách yêu thương gia đình, mọi người? Cùng Daisy Home tìm hiểu nhé

1/ Lắng nghe và chia sẻ cùng Bé

Ba Mẹ là nền tảng đầu tiên để Bé thấy mình được yêu thương, chăm sóc. Việc lắng nghe và quan tâm Bé sẽ giúp Bé cảm nhận được sự quan tâm, chăm sóc tỉ mỉ, cũng như ý thức được mình cần thể hiện tình yêu đối với những người xung quanh. Quan tâm đúng mức tới Bé nghĩa là quan tâm tới suy nghĩ, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng, sở thích của của Bé con để Ba Mẹ có thể đáp ứng hợp lý, tuy nhiên đừng áp đặt, cũng như đừng nuông chiều quá mức.

2/ Khơi dậy sự cảm thông của Bé

Đọc sách cho Bé, cho Bé xem những câu chuyện cảm động hay cùng Bé tìm hiểu, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong thực tế.. là những cách có thể giúp Bé cảm được những câu chuyện, những bất hạnh của mọi người. Tuy nhiên sau đó, Ba Mẹ nên hỏi về cảm nhận của Bé, đặt câu hỏi tình huống “Nếu con là bạn thì con sẽ thấy như thế nào, cảm giác của con là gì?”, để Bé cảm giác được mình trải qua câu chuyện sẽ khơi dậy được sự cảm thông từ Bé lớn hơn, qua đó cũng cho Bé thấy được góc nhìn đa chiều hơn.

3/ Cho Bé nuôi thú cưng

Ba Mẹ có thể cho Bé nuôi một thú cưng phù hợp với điều kiện gia đình, như chó, mèo, cá, chim,… Bằng cách hỗ trợ Bé nuôi dạy, chăm sóc, tìm kiếm thông tin và thể hiện tình cảm với thú cưng, sẽ tạo cho Bé cảm giác trách nhiệm, thông qua đó có thể cho Bé thấy được việc thấu hiểu, chăm sóc khó khăn và quan trọng như thế nào.

4/ Dạy Bé làm việc nhà

Tuỳ theo độ tuổi và tính cách, Ba Mẹ có thể giao những công việc vừa sức cho Bé tập cho trẻ biết phụ giúp gia đình từ những công việc thường ngày. Ba Mẹ nên giao việc cho trẻ một cách khéo léo và hướng dẫn làm từng chút một, có như vậy Bé mới cảm thấy đó là một công việc ý nghĩa và hoàn thành thật tốt. Chỉ khi đứng vào vị trí, làm những công việc thường nhật như thế, Bé mới có thể cảm nhận phần nào tình yêu thương qua sự vất vả hằng ngày của Ba Mẹ mà có thái độ quan tâm đúng mực.

5/ Thể hiện tình cảm, gửi Bé con những “mẩu giấy yêu thương”

Đừng ngại ngần thể hiện tình yêu cho Bé con của mình. Một cái ôm, một câu nói “Mẹ yêu con” hoặc những mảnh giấy thể hiện tình cảm được nhận bất ngờ chính là cách giúp con cảm nhận được tình yêu thương vô bờ của Ba Mẹ. Bé nhận được những yêu thương này, sẽ luôn cảm thấy được tình yêu trong người, như vậy mới có thể lan tỏa được tình yêu thương ấy ra ngoài.

Điều gì cũng cần phải học, kể cả cách yêu thương. Vì thế Ba Mẹ đừng suy nghĩ tình yêu thương phải tự xuất phát từ trẻ, để bản năng trẻ bộc lộ. Thực chất chúng ta đang chính là tấm gương để Bé học cách yêu thương bản thân, gia đình. Còn rất rất nhiều điều Ba Mẹ có thể làm để dạy Bé tình yêu thương, nhưng hãy nhớ cho Bé biết nhé!

Daisy Home Preshool

Là Ba Mẹ, ai cũng mong muốn con mình được hạnh phúc, đạt được thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, ít ai biết rằng những thành công và ước mơ của con đạt được nhanh và mạnh mẽ hơn, chính là nhờ một phần trong việc định hướng, ươm mầm của Ba Mẹ. Hãy cùng Daisy Home tìm hiểu xem chúng ta có thể giúp đỡ gì cho con trong hành trình chinh phục ước mơ của mình nhé.

1. Tôn trọng và  giúp con tìm hiểu ước mơ, sở thích cá nhân

Mỗi đứa trẻ đều có một điểm mạnh, niềm yêu thích khác nhau. Ba Mẹ nên hỏi về những ước mơ của Bé, định hướng và hỗ trợ thay vì tự sắp xếp đăng ký khóa học thay con. Điều này giúp Bé tận hưởng, hết lòng với những điều mình yêu thích, thông qua đó thể hiện sự tin tưởng của Ba Mẹ, trao cho con quyền lựa chọn để con có trách nhiệm với quyết định của chính mình. 

2. Giúp con lên kế hoạch 

Để các Bé có trách nhiệm và tự sắp xếp cuộc đời mình, Ba Mẹ nên định hướng, cùng các Bé đặt mục tiêu, lên kế hoạch 5 năm – 10 năm. Ngoài ra, Ba Mẹ có thể hướng dẫn Bé phân tích những lợi ích, rủi ro của từng lựa chọn, dạy Bé biết những con đường để đạt được những ước mơ của mình. Việc đạt được những thành tựu nhỏ trong suốt hành trình, sẽ nuôi dưỡng được sự tự tin to lớn cho Bé.

3. Đầu tư cho con kiến thức, kỹ năng 

Ba Mẹ là những người thầy đầu tiên, nhưng tất nhiên không thể trở thành bách khoa toàn thư cho con được. Vì vậy, việc tham khảo và đăng ký các khóa học hỗ trợ những mục tiêu của con là điều thật sự cần thiết. Ngoài ra, việc cho con tham gia vào môi trường có những bạn nhỏ cùng chung ước mơ, mục tiêu chính là giúp con nuôi dưỡng được ước mơ, và tìm được những người bạn đồng hành chung chí hướng. 

4. Động viên, là điểm tựa vững vàng cho Bé 

Trong hành trình chinh phục ước mơ của mình, chắc hẳn Bé sẽ không ít lần vấp ngã, cảm thấy muốn từ bỏ. Ba Mẹ hãy luôn đồng hành cùng Bé, cho Bé động lực và là hậu phương vững chắc giúp Bé thêm niềm tin tiến về phía trước, bộc lộ được hết tiềm năng của bản thân.

Việc đạt được ước mơ, thành công trong lĩnh vực mình yêu thích là một điều cực kỳ hạnh phúc mà ai cũng mong muốn đạt được. Ba Mẹ hãy lưu những điều này lại, để cùng con bước trên hành trình tìm kiếm và chinh phục ước mơ của mình, trở thành hậu phương vững chãi để giúp con tự tin tiến về phía trước, và thu hoạch những thành công cho bản thân. 

Daisy Home Preschool

Khi bắt đầu giai đoạn đến trường, gặp gỡ nhiều người, sự tự tin là điều giúp Bé giao tiếp, gắn kết với mọi người xung quanh. Rèn luyện, hình thành sự tự tin cho các Bé từ nhỏ, chính là sự hỗ trợ lớn nhất Ba Mẹ, điều này giúp Bé tự lập và phát triển tốt hơn. Vậy, để hỗ trợ cho Bé tạo lập thái độ này, dạn dĩ hơn với mọi thứ, Ba Mẹ có thể làm gì? 

1. Tạo cơ hội cho Bé thể hiện và nói lên chính kiến của mình 

Không gì tốt hơn việc xây dựng sự tự tin bằng cách cho Bé thể hiện và nói lên những suy nghĩ của mình. Ba Mẹ có thể bắt đầu bằng cách chia sẻ những suy nghĩ của mình với Bé, hỏi gợi nhớ về những điều mới các Bé đã học được và dành lời khen tặng khi các Bé trả lời. Điều này sẽ giúp Bé dần tin vào những suy nghĩ của mình, dám thể hiện bản thân trước đám đông. Tuy nhiên, Ba Mẹ nên dành những lời khen hợp lý như “Con giỏi quá, Ba Mẹ tự hào về con”, thay vì khen con, đồng thời chê bai một ai đó liên quan là dở, không xứng đáng, không bằng con. Điều này nhằm tránh sự tự tin biến thành tự cao, ngạo mạn.

2. Cho Bé tham gia các hoạt động ngoại khoá

Ngoài vui chơi cùng Bé ở nhà, Ba Mẹ nên cho các Bé tham gia hoạt động ngoại khóa, hoặc học thêm các môn Bé yêu thích, để Bé gặp gỡ, làm quen với nhiều bạn bè đồng trang lứa. Việc tham gia nhiều hoạt động bên ngoài còn giúp Bé hoạt bát, năng động và tự chủ hơn, tránh Bé bị nghiện các thiết bị điện tử như ipad, tivi,.. và giúp Bé phát triển thể chất toàn diện.

3. Tôn trọng và cho Bé sự lựa chọn 

Ba Mẹ thường hay có thói quen lựa chọn sẵn cho Bé và hay gạt bỏ những điều Bé thích vì “Ba Mẹ là người lớn, Ba Mẹ biết cái này không tốt”. Dần dà, Bé sẽ mất thói quen đưa ra quyết định, hoặc nói lên những suy nghĩ của mình vì “có nói cũng được gì đâu”. Để Bé xây dựng được sự tự tin, Ba Mẹ nên lắng nghe những lựa chọn của Bé, đứng ở bên tham vấn và tôn trọng những quyết định của Bé. Điều này không những xây dựng được sự tự tin, mà còn dạy cho Bé có trách nhiệm hơn với những lựa chọn, suy nghĩ của chính mình. Đơn cử như việc chọn trường, Ba Mẹ có thể chọn 3 – 5 trường mình thấy tốt, rồi cùng Bé tham quan để Bé lựa chọn môi trường Bé thích. Điều ấy giúp Bé cảm thấy vui vẻ, tự nguyện đến trường hơn vì do chính bản thân Bé đã được lựa chọn ngôi trường cho mình.

Không phải ai khác, Ba Mẹ chính là người thầy đầu tiên dạy Bé những bài học vỡ lòng, hình thành tích cách và nhận thức của Bé. Việc chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của mình, lắng nghe những quan điểm của Bé và tôn trọng những lựa chọn của Bé sẽ giúp Bé xây dựng được sự độc lập, tự chủ cho chính mình. Đây là tiền đề giúp Bé hình thành sự tự tin, đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển và hình thành chỗ đứng trong xã hội của Bé. 

Daisy Home Preshool