Để tạo dựng thói quen, niềm yêu thích với sách cho Bé, Ba Mẹ nên bắt đầu từ điều đơn giản nhất, đó là đọc sách cho Bé nghe và giúp Bé làm quen với sách từ nhỏ. Tuy nhiên, với mỗi độ tuổi nhất định, Ba Mẹ cần lựa chọn cho Bé những thể loại sách, cùng như những cách đọc khác nhau, giúp Bé thích thú với việc đọc sách. Cụ thể thế nào, Ba Mẹ cùng Daisy Home khám phá nhé

Giúp bé con tập trung

1/ Các Bé nhỏ từ 0 – 6 tháng

Với độ tuổi này, mục đích chính không phải là việc truyền tải thông điệp cho Bé, mà chỉ đơn giản giúp Bé làm quen với giọng đọc, thích thú khi được tương tác với Ba Mẹ. Giai đoạn này chỉ nên lựa chọn sách dễ cầm nắm như làm từ vải, nhựa an toàn,.. để Bé có thể cầm nắm và chơi cùng. Khi đọc truyện, Ba Mẹ nên quan tâm đến biểu hiện của Bé, để xem Bé có thích thú, có mở to mắt hào hứng hay không. Nếu Bé đã có dấu hiệu chán và không tập trung, Ba Mẹ nên ngừng câu chuyện lại và chơi cùng với Bé.

2/ Những Bé nhỏ giai đoạn 6 – 12 tháng

Trong giai đoạn này, Bé đã bắt đầu bị các hình ảnh trong sách thu hút. Ba Mẹ có thể cho Bé chơi cùng với sách, kể những mẩu chuyện nhỏ cùng hình ảnh sinh động, để Bé tăng thêm sự chú ý. Khi đọc sách, bố mẹ hãy tạo ra những âm thanh để thu hút của Bé (như chó sủa “gâu gâu”, mèo kêu “meo meo”, một chiếc xe đi qua “vèooo”), đồng thời đưa ngón tay chỉ vào và di chuyển theo những hình ảnh minh họa trong trang sách để Bé có thể liên kết giữa hình ảnh và ngôn ngữ. 

3/ Giai đoạn 1 – 2 tuổi 

Trong độ tuổi này, Bé đã dần hiểu câu chuyện và có những mẩu chuyện yêu thích của riêng mình, nên Ba Mẹ đừng ngại đọc đi đọc lại 1 câu chuyện cả chục lần hoặc hơn nữa nhé. Ba Mẹ có thể lựa chọn những câu chuyện dài hơn, có vần và những cụm từ lặp đi lặp lại nhiều lần, nội dung nên tập trung vào những đồ vật, màu sắc, hình dáng quen thuộc để Bé tập gọi tên và làm quen. Để Bé không nhàm chán, Ba Mẹ có thể nhờ Bé tìm các đồ vật được nhắc đến, hoặc nhờ Bé làm theo những hành động trong truyện, giúp Bé ghi nhớ câu chuyện dễ dàng.

4/ Khi Bé được 2 – 3 tuổi 

Ba Mẹ có thể bắt đầu chọn những câu truyện dài, cốt truyện phức tạp hơn để Bé bắt đầu suy nghĩ về nội dung. Lúc này, những câu hỏi của Ba Mẹ có thể được mở rộng ra như người đó đang làm gì, cho Bé bắt đầu đoán hành động tiếp theo của nhân vật. Ngoài việc chọn sách dùm Bé, Ba Mẹ có thể cho các Bé đi nhà sách, và tự chọn quyển sách, hình vẽ mình thích để tăng sự kích thích và hào hứng cho Bé.

Đọc sách là thói quen rất tốt, tuy nhiên để hình thành được niềm yêu thích cho Bé là việc không hề đơn giản. Ba Mẹ hãy đồng hành từ những ngày đầu tiên và tăng dần thời gian đọc sách để các Bé có niềm đam mê, duy trì được thói quen bổ ích này nhé. Từ việc yêu sách, Bé sẽ gia tăng vốn từ cho khả năng học nói, tìm hiểu môi trường xung quanh, kích thích trí tưởng tượng, phát triển trí tuệ. Vì thế, Ba Mẹ hãy bắt đầu hành trình mê sách cùng Bé ngay từ hôm nay nhé!

Daisy Home Preschool

Cùng với sự phát triển của xã hội, các thiết bị công nghệ không chỉ cần thiết với người lớn mà còn cần thiết với cả trẻ em. Để Bé phát triển lành mạnh, thời gian sử dụng các thiết bị công nghệ cần được giới hạn phù hợp, đặc biệt trong giai đoạn vàng.

– Bé dưới 18 tháng tuổi không nên cho bé sử dụng thiết bị công nghệ. Vì chúng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của Bé.

– Bé từ 18 – 24 tháng tuổi, nên chọn các thiết bị có chất lượng hình ảnh tốt, hạn chế cho Bé sử dụng một mình và thời gian sử dụng nên ít hơn 30 phút/ngày. 

– Bé từ 2 – 5 tuổi, hạn chế thời lượng xem dưới 1h/ngày. 

– Khi bé lớn hơn, có thể Ba Mẹ cho phép bé xem và sử dụng thiết bị công nghê lâu hơn. Tuy nhiên, Ba Mẹ cần phải chắc chắn biết được nội dung mà bé đang tiếp cận là gì. Ngoài ra, thời lượng xem nên được chia nhỏ trong ngày, ví dụ mỗi lần bé được xem/ chơi với thiết bị công nghệ là 10 – 15 phút. Mỗi khi cho phép bé tương tác với máy tính bảng, TV,… Ba Mẹ cần thông báo rõ mục đích và khoảng thời gian. Khi hết giờ, Ba Mẹ hãy nhẹ nhàng nhắc bé và đề nghị bé chuyển lại hoặc cất máy (hoặc tắt TV) vào đúng vị trí ban đầu. Đừng quên lời khen cho con khi con tuân thủ. 

Ba Mẹ cần là tấm gương kỷ luật để hướng dẫn và kiểm soát tần suất sử dụng cũng như nội dung mà Bé tiếp cận. Một số gợi ý mà Ba Mẹ có thể áp dụng để giúp Bé sử dụng thiết bị lành mạnh:

– Gợi ý và tạo điều kiện để Bé được giải trí ngoài đời thực, hạn chế phụ thuộc vào công nghệ để giải trí. Đặc biệt, không nên hình thành cho trẻ suy nghĩ thiết bị công nghệ là phương tiện duy nhất để chơi.

– Thống nhất thời gian sử dụng thiết bị với Bé

– Quản lý phần mềm và nội dung mà Bé tiếp cận

– Không cho Bé tự ý tải các phần mềm về thiết bị

– Không cung cấp thiết bị công nghệ cá nhân, trừ các thiết bị có chức năng liên lạc tối thiểu như: đồng hồ thông minh cho trẻ em, điện thoại với chức năng nghe gọi cơ bản

– Ba Mẹ không nên dành quá nhiều thời gian giải trí bằng công nghệ, điều này sẽ khiến Bé nhận thức rằng mình cũng có thể giải trí giống như người lớn.

Sau hết, thiết bị công nghệ chỉ nên là công cụ, không nên là vật để bất kỳ ai phụ thuộc vào. Vì vậy, hãy giúp Bé có ý thức sử dụng các thiết bị một cách hiệu quả bằng cách thiết lập một giới hạn sử dụng phù hợp và cùng Bé giữ kỷ luật với giới hạn ấy nhé! Daisy Home mong Ba Mẹ hãy thật kiên trì với nhiệm vụ tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất khó khăn này nhé.

(Bài viết được tham khảo từ nguồn của WHO, 2019)

Daisy Home Preschool

Xã hội ngày càng phát triển, Ba Mẹ ngày càng bận rộn, vì thế mà các Bé được tiếp cận với mạng xã hội, các hình thức giải trí trực tuyến sớm hơn. Điều này có thể làm các Bé mất kết nối với thế giới bên ngoài, đặc biệt là thiếu kiên nhẫn trong việc đọc sách. Để giải quyết những vấn đề này, Ba Mẹ cần một thời gian dài để thiết lập và tạo dựng những thói quen tốt mới cho Bé. Hãy bắt đầu từ hành động đơn giản nhất, bằng cách dành thời gian để cùng Bé đọc truyện, kể những câu chuyện đời thường và tâm sự cùng Bé trước khi đi ngủ. Việc này có ích lợi thế nào, cùng Daisy Home tìm hiểu nhé: 

1/ Dạy Bé về các giá trị nhân văn

Mỗi truyện kể trong sách thiếu nhi sẽ dạy các Bé những giá trị khác nhau, về tình yêu thương gia đình, yêu bản thân, giúp đỡ những người khó khăn… Bên cạnh đó, việc nghe và trải nghiệm cuộc đời theo quan điểm các nhân vật trong truyện cũng có thể giúp Bé hiểu được cảm xúc của nhân vật, là tiền đề cho sự phát triển cảm xúc, hình thành sự cảm thông, thấu hiểu mọi người. 

2/ Giúp Bé phong phú trí tưởng tượng

Ngoài những câu chuyện kể về con người, đa số sách thiếu nhi sẽ có những chủ đề lý thú được kể qua góc nhìn của những loài vật, cây cối, hoa lá,.. rất gần gũi, dễ thương. Những vật quen thuộc như vậy giúp các Bé dễ dàng hình dung được câu chuyện trong tâm trí, vẽ ra thế giới quan của riêng Bé, nhờ đó các Bé dễ dàng nhớ được thông điệp được truyền đạt. Không những vậy, nghe nhiều truyện, được rèn luyện liên tục sẽ giúp các Bé tăng khả năng tưởng tượng, sáng tạo và cởi mở với những ý tưởng mới hơn. 

3/ Là tiền đề giúp Bé yêu đọc sách, ham học hỏi hơn 

Bằng cách đọc truyện cho Bé nghe, Ba Mẹ đã dần giúp các Bé có tình yêu hơn với sách. Khi được tiếp xúc với sách từ nhỏ, các Bé lớn lên sẽ có xu hướng lựa chọn việc đọc thay vì các hình thức giải trí khác. Nhiều nghiên cứu cho thấy, đọc sách giúp các Bé mở mang kiến thức, có cơ hội thành công hơn trong học tập, cuộc sống, có những lựa chọn sáng suốt. 

4/ Cải thiện kỹ năng giao tiếp, mở rộng vốn từ 

Kỹ năng giao tiếp của con người được hình thành qua lời nói, ngữ điệu, cử chỉ. Trong lúc kể chuyện, cách diễn tả lời nói, thái độ của nhân vật của Ba Mẹ sẽ giúp các Bé nhận biết và hình thành được hệ thống ngôn ngữ, cảm xúc, hỗ trợ Bé rất lớn trong việc giao tiếp xã hội sau này. Theo một nghiên cứu thực hiện tại Bệnh viện Rhode Island, những đứa trẻ được đọc sách thường xuyên hiểu nhiều từ vựng hơn, khả năng tiếp thu từ vựng tăng 40% so với những đứa trẻ không được đọc, chỉ 16%. 

5/ Rèn luyện sự tập trung 

Trẻ em thường rất dễ bị phân tâm, sự chú ý sẽ đặt vào những vật vui nhộn, di chuyển hoặc nhiều màu sắc. Việc nghe kể chuyện, đọc sách bắt buộc Bé phải ngồi yên lắng nghe để hiểu hết được câu chuyện, giúp cho Bé rèn luyện được sự tập trung, bình tĩnh và tăng khả năng chú ý. 

Ngoài những lợi ích này, đọc sách, kể chuyện cho Bé trước khi đi ngủ cũng tạo ra một khoảng thời gian tuyệt vời để Ba Mẹ và các Bé có thể tương tác, thư giãn, giúp gắn kết tình cảm gia đình. Đây cũng là cơ hội để Ba Mẹ có thể lắng nghe, thấu hiểu con cái, giúp Bé ngủ ngon hơn và đảm bảo sự phát triển toàn diện cho Bé yêu. Vì thế dù bận rộn đến đâu, Ba Mẹ cũng hãy cố gắng dành thời gian đọc truyện để Bé đi vào giấc ngủ cùng sự yêu thương nhé.

Daisy Home Preschool

Trung thu đã gần kề rồi, Ba Mẹ đã chọn được điểm đi chơi cho Bé chưa? Cùng Daisy Home tham khảo 1 số nơi đi chơi nổi bật tại Tp. Hồ Chí Minh nhé:

1/ Phố lồng đèn Lương Nhữ Học

Ngoài bánh trung thu, thì lồng đèn cũng là 1 biểu tượng văn hoá không thể thiếu đêm Trăng rằm. Và đúng như tên gọi phố đèn lồng, vào những ngày gần kề Trung Thu, khi đi trên con đường Lương Nhữ Học, Ba Mẹ có thể cho Bé chiêm ngưỡng những chiếc lồng đèn đầy màu sắc, những ánh sáng rực rỡ và không khí nhộn nhịp náo nức khi ngày Tết sắp về. Không chỉ vậy, Ba Mẹ có thể chụp cho bé những bộ ảnh thật lung linh tại đây, và tậu cho bé một chiếc lồng đèn thiệt xinh mang về nhé.

2/ Công viên Thỏ Trắng

Trẻ em tất nhiên là thích vui chơi, hoạt động rồi. Ba Mẹ có thể dẫn các Bé đến Công viên Thỏ trắng để các Bé được chơi đùa thoải mái với rất nhiều trò chơi thiếu nhi. Ngoài ra thì công viên Thỏ Trắng năm nào cũng trang trí Trung Thu rất hoành tráng, đừng quên đem theo máy ảnh để bắt những khoảnh khắc vui vẻ của trẻ nhé, những kỉ niệm này là hành trang không thể thiếu cho Bé trong quá trình phát triển.

3/ Nhà Văn Hoá Thiếu Nhi

Mỗi năm, vào lễ hội trung thu, Nhà văn hoá Thiếu nhi luôn tổ chức đêm nhạc hội phá cỗ đón trăng. Các Bé sẽ được tham gia nhiều sân chơi vui nhộn, có thể thi hát hoặc được hướng dẫn múa dân vũ. Chưa hết, các em còn được xem những loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam như múa lân sư, hoặc ảo thuật hấp dẫn. Tại đây, các Bé có thể giao lưu với bạn bè, và đón Trung Thu thật ý nghĩa, nên phụ huynh đừng bỏ qua nhé.

4/ Thả đèn hoa đăng ở những con sông lớn

Vào dịp lễ lớn như Trung Thu, lễ hội thả hoa đăng cũng được diễn ra ở Công viên Lê Thị Riêng, cầu Công Lý, cầu Ánh Sao, Đầm Sen, khu Thanh Đa – Bình Quới. Thả đèn hoa đăng nhằm mục đích tôn vinh những giá trị tâm linh, tinh thần của con người, qua đó còn cầu chúc cho sự may mắn. Ba Mẹ có thể cho các Bé tham gia, vừa được xem một cảnh tuyệt đẹp – khi mà từng ngọn hoa đăng được thả trôi nhẹ nhàng trên sông, lại vừa biết được thêm những truyền thống quý báu của dân tộc ta.

5/ Đoàn viên cùng Ông Bà

Nếu ở xa Ông bà, Ba Mẹ hãy dành cho bé dịp Tết Trung Thu này để về thăm và ăn bữa cơm đoàn viên với nhau nhé. Đây là một truyền thống gia đình quý báu mà ông cha ta đã truyền dạy từ rất xưa đến nay, “uống nước nhớ nguồn”. Thông qua một hành động đơn giản, Ba Mẹ đã có thể dạy cho các Bé những văn hoá tốt đẹp như yêu thương gia đình, quý trọng cội nguồn và người thân của mình.

Sau những gợi ý của Daisy Home, Ba Mẹ đã lựa chọn được chỗ vui chơi cho bé chưa? Dù bận thế nào, Ba Mẹ cũng hãy dành thời gian để Bé có một mùa Trung Thu thật trọn vẹn, và một tuổi thơ thật đẹp nhé!

Daisy Home Preschool

Nguồn hình ảnh: aFamily

“Tết Trung Thu rước đèn đi chơi

Em rước đèn đi khắp phố phường…”

Tết Trung Thu là một dịp rất đặc biệt, không chỉ là một nét văn hoá truyền thống lâu đời, mà còn là thời gian để quây quần bên gia đình, cùng nhau phá cỗ, trò chuyện để gắn kết yêu thương. Không chỉ với người lớn, trẻ em còn đặc biệt yêu thích dịp Tết này, vì các Bé sẽ được vui chơi, được cho bánh kẹo, được đi rước đèn, hay được thấy phố xá tấp nập đèn lồng. Chắc hẳn Ba Mẹ nào cũng đã từng háo hức, nôn nao để đón Trung Thu đúng không? Vì thế, Ba Mẹ đừng bỏ qua cơ hội tạo những kí ức tuổi thơ đẹp cho Bé con nhé, cùng điểm qua một số hoạt động cả nhà có thể làm cùng nhau vào đêm Trăng rằm này nhé

1/ Về thăm ông bà, ăn bữa cơm đoàn viên

Tết Trung Thu còn một tên gọi khác là Tết Đoàn viên, vì đây là dịp cả gia đình thường ngồi quây quần bên nhau ăn bánh, thưởng trăng, nhắc nhở về nguồn cội của mình. Nên nếu ở xa ông bà, Ba Mẹ đừng quên cho Bé về thăm quê, thăm ông bà, dạy cho bé tỏ lòng biết ơn tổ tiên, ông bà cha mẹ, gốc gác của mình.

2/ Cùng Bé làm bánh Trung Thu

Mặc dù đã được bán đầy bên ngoài, nhưng nếu chính tay Bé tự làm ra chiếc bánh trung thu biếu ông bà, sẽ mang lại cho bé cảm giác đầy tự hào, mà Ba Mẹ còn dành được nhiều thời gian ở bên cạnh và chơi cùng Bé. Đừng ngại nếu không biết làm như thế nào, vì cũng không nhất thiết phải là bánh trung thu phải không. Một chiếc bánh Bé thích, hoặc cả nhà thích, rồi cả gia đình cùng mày mò với nhau, điều ấy quan trọng hơn nhiều so với một chiếc bánh trung thu thiệt đẹp mà phải không?

3/ Cùng Bé làm lồng đèn

Cũng như bánh Trung Thu, chiếc đèn lồng là biểu tượng, báo hiệu Trăng Rằm tháng 8 đã gần kề. Không cần quá cầu kỳ, chỉ cần 1 bình nước bỏ đi, cả nhà mình cũng có thể tạo thành 1 chiếc lồng đèn dễ thương rồi. Vừa dạy Bé tái chế, vừa có đèn lồng rước đèn, thiệt vui quá!

4/ Kể cho Bé nghe ý nghĩa ngày Tết Trung thu

Sự tích về chị Hằng với chú Cuội ôm cây Đa bay lên cung trăng vào dịp Trung Thu là hình ảnh thơ mộng tuyệt vời kích thích trí tưởng tượng của trẻ, cũng như gợi lên tâm hồn thơ mộng, trong sáng của các bé. Với ý nghĩa ngày tết trung thu trở nên lung linh, huyền bí, sẽ kích thích sự tò mò, làm các bé háo hức hơn với ngày lễ đặc biệt này.

5/ Cho Bé tham gia các hoạt động Rước đèn

Dịp Trung Thu phố phường nhộn nhịp, có rất nhiều nơi Ba Mẹ có thể dắt Bé đến, như tham gia các trò chơi dân gian, rước đèn, đánh trống… tại các Nhà Văn Hoá Thiếu Nhi, ở trường; hoặc xem múa lân, tham quan Phố đèn lồng,.. Không khí rộn ràng ngày Tết của thiếu nhi, Ba Mẹ đừng bỏ lỡ mà hãy cho Bé khám phá nhé.

Từ lâu, Trung Thu đã trở thành ngày hội không thể thiếu của trẻ em trên cả nước. Daisy Home chúc Bố Mẹ cùng Bé con sẽ trải qua một mùa Trung thu trọn vẹn và ý nghĩa, tràn đầy sự yêu thương.

Daisy Home Preschool

Nguồn hình ảnh: Kinh Đô

Câu chuyện về Trung thu ở các nước không giống nhau. Nếu như Việt Nam có chị Hằng và chú Cuội, thì Trung Quốc có Hậu Nghệ bắn hạ 9 mặt trời, Nhật Bản có thỏ ngọc giả bánh…

Ngoài ra, Bánh trung thu cũng có ý nghĩa và truyền thuyết khác nhau theo mỗi nước.

Ở giai đoạn vàng, Bé thích những bài hát, những câu chuyện, đặc biệt là những nội dung mang yếu tố kỳ bí, thú vị, khác lạ.

Vì vậy, để Bé hiểu thêm về truyền thống, văn hóa, vào các dịp lễ lớn và ý nghĩa, ba mẹ có thể kể về những truyền thuyết, dạy cho bé những bài hát để Bé được tiếp cận một cách gần gũi, dễ dàng.

Bên cạnh đó, mỗi dịp lễ đều có những hoạt động phù hợp mà Bé có thể tham gia. Mời Ba Mẹ đón xem những bài viết tiếp theo để có thêm ý tưởng cho Bé nhé!

Daisy Home Preschool

Lỗi sai là điều không chỉ Bé mà cả người lớn đều có thể mắc phải. Tuy nhiên, có Bé mắc lỗi thì sẽ rất sợ hãi, kèm theo những hành vi nói dối, đổ lỗi; có Bé thì lại bình tĩnh, đối diện và chịu trách nhiệm. Những phản ứng này được xây dựng phần lớn từ phản ứng của Ba Mẹ khi bắt gặp lỗi sai của Bé. Vậy để giúp Bé tự tin phát triển trong tương lai, Ba Mẹ có thể làm gì khi Bé mắc lỗi:

1. Cảm thông với năng lực và cảm xúc của Bé

La mắng sẽ không giải quyết được vấn đề, thậm chí còn khiến Bé cảm thấy mắc lỗi là một việc rất tệ, không được phép xảy ra. Vì vậy, thay vì nhìn vào việc cần phải làm để giải quyết lỗi sai của Bé, hãy nhìn vào cảm xúc của Bé trước để cảm thông và giúp Bé khắc phục.

Trước khi tập trung giải quyết vấn đề, Ba Mẹ có thể đặt những câu hỏi giúp Bé giải tỏa cảm xúc trước. Ví dụ:

– Con có bị làm sao không?

– Con cảm thấy như thế nào?

– Con có cần Ba Mẹ giúp gì không?

– Bây giờ, mình bình tĩnh để cùng giải quyết vấn đề nhé?

2. Tìm hiểu mong muốn và suy nghĩ của Bé

Khi còn nhỏ, đặc biệt là trong Giai đoạn vàng, Bé sẽ dễ mắc những lỗi sai do năng lực vận động hoặc tư duy còn hạn chế. Để giúp Bé cải thiện và phát triển lành mạnh, Ba Mẹ hãy dành thời gian để tìm hiểu mong muốn và suy nghĩ của Bé sau những lần mắc lỗi. Một số câu hỏi sau có thể hữu ích:

– Tại sao con làm điều đó? Con làm điều đó để làm gì?

– Con có biết vì sao mình gây ra lỗi không? Con có biết nguyên nhân khiến con mắc lỗi không?

– Con cảm thấy như thế nào sau khi làm điều ấy?

– Con nghĩ sao về việc mắc lỗi?

Dựa vào câu trả lời của Bé, Ba Mẹ có thể hiểu hơn về tình trạng hiện tại cũng như tính cách và xu hướng của Bé. Từ đó, Ba Mẹ có thể giúp Bé điều chỉnh hoặc phát triển một cách phù hợp và lành mạnh.

3. Gợi ý hướng giải quyết

Lỗi sai sẽ không phải là vấn đề nếu Bé ý thức được năng lực của bản thân và có tư duy cải thiện. Ba Mẹ hãy giúp Bé có thói quen giải quyết vấn đề và suy nghĩ cách khắc phục, bộ đôi kỹ năng này sẽ giúp Bé tự tin hơn không chỉ khi gặp lỗi sai, mà còn là khi gặp những sự cố, khó khăn.

“Con có thể làm gì để làm việc này tốt hơn” và “Con muốn cải thiện điểm nào để không lặp lại lỗi sai này nữa” – đặt câu hỏi và gợi ý cho Bé nhiều hơn, thay vì ra lệnh hay giải quyết giúp phần Bé là cách hiệu quả giúp kích thích tư duy giải quyết vấn đề, cải thiện năng lực của Bé.

Để xây dựng cho Bé một nền tảng tự tin, chủ động, Ba Mẹ hãy học cách cân bằng giữa việc giúp con giải quyết nhanh vấn đề với việc kiên nhẫn đặt câu hỏi, giúp con suy nghĩ sâu sắc hơn nhé.

Daisy Home Preschool

Một ngày đi học của Bé có rất nhiều sự kiện và cảm xúc. Để hiểu và kết nối hơn với Bé trên hành trình trưởng thành, Ba Mẹ hãy giao tiếp để biết Bé đã trải qua những sự kiện gì và cảm giác như thế nào bằng những câu hỏi cụ thể. Thay vì hỏi “Hôm nay con đi học có vui không ?” hay “Ở trường hôm nay thế nào ?”, hãy thử những câu hỏi sau:

1. Hôm nay con học được những gì?

Tạo điều kiện cho Bé kể lại những gì được học là cách giúp Bé ôn lại bài học một cách tự nhiên và hiệu quả. Ba Mẹ có thể hỏi chi tiết xoay quanh nội dung (Tại sao lại như thế? Cái đó nghĩa là sao?) để Bé giải thích chi tiết hơn. Nếu Bé hứng thú khi được đóng vai là một giáo viên, hay một người chia sẻ lại kiến thức như thế, hãy thường xuyên hỏi để Bé được phát triển khả năng hệ thống thông tin và diễn đạt của mình.

Để tạo thêm không khí vui vẻ, Ba Mẹ có thể gợi ý bằng “để Ba/Mẹ đoán xem là hôm nay cô dạy con cái gì nha!….. Hmmmmm, là về biển đúng không nè…. “. Bé sẽ rất bất ngờ và thích thú vì tại sao Ba Mẹ lại đoán trúng phóc. Vậy thì Ba Mẹ tiếp tục những câu hỏi gợi mở như là “Biển thì có gì ta?”, hoặc đậm chất thi đua với lời đề nghị “Ba/Mẹ với con kể thử biển có gì, xem ai hơn ai nha!”. Vậy là mình đã có một buổi trò chuyện vui nhộn và gần gũi rồi đó ạ.

2. Hôm nay con chơi với bạn nào? Điều gì ở thầy cô hoặc các bạn mà con thích?

Lớp học và bạn bè là một xã hội thu nhỏ. Khi đi học, Bé không chỉ học những kiến thức, kỹ năng từ giáo viên mà còn học cả cách ứng xử, giao tiếp thông qua việc vui chơi với bạn bè. Ba Mẹ hãy quan tâm đến những mối quan hệ của Bé, giúp Bé nhận ra được xu hướng chọn bạn, xu hướng hành vi để hỗ trợ Bé có những giờ học và vui chơi lành mạnh.

Ba Mẹ cũng nên ghi nhớ tên bạn/ bạn thân/ bạn mà con cảm thấy không thích chơi cùng… để cuộc trò chuyện thân mật, tin tưởng hơn nhé. 

3. Hôm nay con có chuyện gì vui?

Thông qua những câu chuyện cảm xúc của Bé, Ba Mẹ có thể hiểu hơn điều gì khiến Bé hứng thú, kiên nhẫn, điều gì không nằm trong vùng quan tâm. Từ đó, Ba Mẹ sẽ dễ dàng xác định được sở thích, sở trường để tạo điều kiện giúp Bé phát triển các ưu thế, khắc phục điểm hạn chế.

Đồng thời, cảm xúc của Bé chính là dấu hiệu để Ba Mẹ biết rằng Bé có đang cần sự can thiệp từ Ba Mẹ hay không. Quan tâm đến cảm xúc của Bé cũng là cách hiệu quả để khuyến khích và hướng dẫn Bé yêu cầu sự giúp đỡ khi cần thiết.

Hãy bắt đầu từ câu hỏi “vui” và sau đó dịch chuyển qua “con có chuyện gì không vui lắm không?” hoặc “con có chuyện gì không hài lòng hả”, nếu như Ba Mẹ nhìn thấy nét mặt, ánh mắt của Bé trầm tư, ủ rũ, Ba Mẹ nhé.

Bên cạnh đó, Ba Mẹ có thể dùng những câu hỏi để gợi mở, hướng dẫn Bé tiếp cận với suy nghĩ, hành động mang tính phát triển, có ích như:

– Hôm nay con có giúp đỡ được bạn nào không?

– Hôm nay con có tự hào điều gì không?

– Có việc gì con nghĩ rằng mình có thể làm tốt hơn vào lần sau không?

– Có điều gì mà con muốn bản thân không lặp lại lần nữa?

Dù Bé ở bất cứ giai đoạn nào, giao tiếp luôn là chìa khóa để kết nối, giáo dục và chia sẻ. Ba Mẹ hãy dành thời gian và kiên nhẫn để Bé có một nền tảng phát triển vững vàng, đồng thời cũng có một chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy để chia sẻ mọi khía cạnh cuộc sống nhé.

Daisy Home Preschool

Phim hoạt hình có thể vừa là phương tiện giải trí hiệu quả, vừa là một công cụ giáo dục thân thiện. Tuy nhiên, để đảm bảo tính phù hợp, Ba Mẹ cần chọn những phim dành cho lứa tuổi của Bé, thậm chí là xem trước để yên tâm về nội dung.

Trong bài viết này, Daisy Home gợi ý đến Ba Mẹ những đầu phim phù hợp cùng những thông điệp mang ý nghĩa tốt đẹp. Ba Mẹ hãy dành ra một buổi tối xem phim cùng Bé để kết nối và giúp Bé hiểu thêm nhiều giá trị tốt đẹp thông qua những phim hoạt hình sau nhé.

1. The secret life of pet 2 (Đẳng cấp thú cưng 2)

Bộ phim vui nhộn về cuộc sống của những bạn thú cưng sẽ mang lại không ít tiếng cười cho Bé và Ba Mẹ. Sau bộ phim, Ba Mẹ có thể trò chuyện với Bé để hiểu thêm về lòng can đảm, sự cởi mở và ý nghĩa của tình bạn.

2. Finding Nemo (Đi tìm Nemo)

Để dạy cho Bé hiểu thêm về tình cảm gia đình và tinh thần phiêu lưu thì Finding Nemo là một bộ phim hoạt hình 100% phù hợp. Bộ phim là hành trình chú cá Ba phiêu lưu qua đại dương bao la, vượt qua những thử thách, hiểm nguy để cứu con trai thất lạc.

3. Lion king (Vua sư tử)

Đúng – sai, thiện – ác, lòng can đảm và giá trị gia đình là những gì bộ phim kinh điển Vua Sư Tử muốn truyền tải. Ba Mẹ có thể thông qua bộ phim để dạy cho Bé về nhiều điều trong cuộc sống: từ quan điểm, đến hành động.

4. Kungfu Panda 

Kungfu Panda là một trong những bộ phim hoạt hình đáng yêu, thú vị để cùng Bé bàn về niềm tin vào bản thân, ý nghĩa của sự nỗ lực và kiên trì luyện tập. Mỗi phần phim với mỗi giai đoạn phát triển đặc trưng của chú Gấu Panda là một thông điệp giá trị mà Ba Mẹ có thể dạy cho Bé.

5. Inside Out (Những mảnh ghép cảm xúc)

Chia sẻ và chấp nhận cảm xúc là một chủ đề khó. Ba Mẹ có thể thông qua phim hoạt hình Inside Out để dạy cho Bé hiểu hơn về những cảm xúc, về việc chia sẻ những suy nghĩ, mong muốn để kết nối và xây dựng niềm tin, sự lạc quan.

Còn rất nhiều phim hoạt hình hay khác để Ba Mẹ và Bé có thể cùng giải trí và bàn luận thật chất lượng. Ba Mẹ có thể xem nhanh nội dung phim trước bằng cách đọc, xem các review để chọn được bộ phim phù hợp nhé.

Daisy Home Preschool

Bên cạnh IQ (Trí thông minh logic – toán học) còn có đến 7 trí thông minh khác hỗ trợ các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Theo nghiên cứu, mỗi con người đều có được sự pha trộn của từ 2 loại trí thông minh trở lên mà trong đó, mỗi trí thông minh sẽ chiếm tỉ lệ khác nhau, điều sẽ mang lại sự khác biệt về ưu thế, sở trưởng của mỗi người. Mời Ba Mẹ cũng xem qua 8 loại trí thông minh để có thể giáo dục, hỗ trợ Bé phát triển một cách toàn diện.

Trẻ với tay lên cao

1.Thông minh về hình ảnh, không gian

Bé có ưu thế thông minh hình ảnh, không gian sẽ có xu hướng tiếp thu hình ảnh tốt hơn so với câu từ. Để tận dụng và phát huy ưu thế này, Ba Mẹ có thể dạy Bé thông qua trải nghiệm tại không gian thực tế hay hình ảnh trực quan.

2.Thông minh về âm nhạc

Bé có ưu thế thông minh âm nhạc sẽ có xu hướng nhạy cảm với âm thanh, nhịp điệu và các loại nhạc cụ. Ba Mẹ có thể dạy bé hát những bài hát đơn giản, cho bé nghe nhạc của nhiều loại nhạc cụ khác nhau, cho bé biết tên của các loại nhạc cụ đó để hướng bé tìm ra loại nhạc cụ yêu thích và phát triển khả năng của trẻ trong tương lai.

3.Thông minh về ngôn ngữ, từ vựng

Bé có ưu thế thông minh về ngôn ngữ, từ vựng sẽ có khả năng ghi nhớ từ ngữ, nhịp điệu của âm từ và nhớ mặt chữ nhanh hơn. Bé sẽ đặc biệt thích thú với việc kể chuyện, viết lách, đọc sách và sử dụng câu cú trôi chảy hơn các Bé khác. Ba Mẹ có thể giúp Bé phát triển ưu thế này bằng cách khuyến khích Bé kể lại những câu chuyện mình đã nghe, đã học và những gì Bé đã gặp.

4.Thông minh về vận động

Bé có ưu thế thông minh về vận động thường năng động và có xu hướng khỏe mạnh hơn các Bé khác. Bé có thể điều khiển các hoạt động cơ thể một cách khéo léo và thích thể hiện bản thân bằng các chuyển động của cơ thể. Chơi thể thao là cách tốt nhất để Bẻ phát triển khả năng của mình.

5.Thông minh về giao tiếp

Với ưu thế thông minh về giao tiếp, Bé sẽ có xu hướng thích trò chuyện và nói trước đám đông. Ba Me có thể đưa trẻ ra ngoài, tiếp xúc với nhiều người để dạy cho trẻ cách nói chuyện, cách phân biệt giữa việc tốt – việc xấu và cách tôn trọng mọi người.

6.Thông minh logic – toán học

Ưu thế thông minh toán học mang lại cho Bé khả năng lập luận nhạy bén, tính toán nhanh chóng, nhạy cảm với những con số, logic và hứng thú với việc giải quyết vấn đề. Để giúp Bé phát huy ưu thế này, Ba Mẹ có thể dạy toán cho Bé thông qua các trò chơi, thử thách; trao quyền cho Bé giải quyết vấn đề từ đơn giản đến phức tạp.

7.Thông minh về nội tâm

Bé có ưu thế thông minh nội tâm thường có xu hướng thích làm việc một mình. Bé dễ dàng hiểu rõ cảm xúc, biết yêu thương bản thân, và có khả năng tự xác định mục tiêu cho riêng mình. Ba Mẹ có thể trò chuyện với Bé nhiều hơn để giúp Bé thể hiện cảm xúc, rèn luyện khả năng tự đặt câu hỏi cho bản thân, từ đó, Bé sẽ mạnh dạn hơn trong việc định hướng và thể hiện quan điểm cá nhân.

8.Thông minh về khoa học tự nhiên

Trí thông minh về khoa học tự nhiên được biểu hiện qua sự quan tâm về động thực vật và cuộc sống thiên nhiên. Một số Bé sẽ thích tìm hiểu, nuôi động vật, một số Bé sẽ thích quan sát, phân loại cây… Với loại trí thông minh này, Ba Mẹ có thể hỗ trợ Bé bằng cách cho Bé tham gia nhiều hoạt động ngoài trời và hòa mình cùng thiên nhiên.

Ba Mẹ có thể cho Bé trải nghiệm nhiều thể loại hoạt động nhằm quan sát những ưu thế mà Bé có được. Từ đó, Ba Mẹ có thể tiếp tục lựa chọn những hoạt động nhằm phát triển ưu thế, khắc phục yếu thế để giúp Bé phát triển toàn diện và lành mạnh.

Daisy Home Preschool