Để dạy Bé tự vận động suy nghĩ, thúc đẩy tư duy sáng tạo và tự lập hơn, Ba Mẹ hãy “lười biếng” một chút nhé! Lười biếng làm những phần việc dành cho con, lười biếng giải đáp mọi thắc mắc mà con có thể tự tìm câu trả lời… Vậy thế nào là lười biếng đúng cách để dạy con thông minh, mời Ba Mẹ hãy cùng Daisy Home tham khảo trong bài viết hôm nay.

1. Hướng dẫn con cách làm, không làm giúp việc của con

Với những đầu việc phù hợp, Ba Mẹ hãy bắt đầu bằng việc tỉ mỉ hướng dẫn Bé cách làm, sau đó hãy phân công cụ thể cho con. Nếu mỗi công việc trong nhà đều được phân chia công bằng như Mẹ giặt đồ, Ba phơi đồ và Bé xếp gọn quần áo… thì con sẽ cảm thấy có trách nhiệm hơn khi cùng được làm việc ngang hàng với Ba Mẹ. Sau thời gian hướng dẫn ban đầu, các Bé có thể đảm đương công việc giúp đỡ phụ Ba Mẹ.

2. Quan sát, theo dõi quá trình tự làm của Bé

Việc theo sát các thao tác sẽ đảm bảo an toàn cho Bé yêu khi con say mê với việc đang làm. Đây cũng là lúc để Ba Mẹ đánh giá liệu công việc đã giao có phù hợp với Bé hay chưa, khả năng tiếp nhận và ghi nhớ thông tin của con như thế nào… Từ đó có thể tiếp tục duy trì hoặc thay đổi cách thức cho Bé, để Ba Mẹ có thể tự tin “lười”.

3. Chấp nhận thất bại của Bé và không nặng lời, la đánh con

Không quá ngạc nhiên khi Bé lúng túng trong một vài lần thao tác ban đầu. Cùng với sự phát triển chưa hoàn thiện của cơ thể và sự nhạy cảm, non nớt, Bé sẽ rất dễ tổn thương bởi những câu quát mắng hay những tác động từ đòn roi khi con thất bại. Do đó, Ba Mẹ hãy tránh tạo áp lực và thật nhẫn nại khi rèn giũa kỷ luật để Bé dám làm dám thử nhé. Hạ tiêu chuẩn của thế giới người lớn để  giúp giảm áp lực lên bé, vừa giúp Ba Mẹ có thể “lười” một tí đấy.

4. Khen thưởng và ghi nhận thành quả

Cảm giác khi được Ba Mẹ ghi nhận những việc đã làm sẽ khiến Bé vô cùng tự hào đấy! Bên cạnh đó, Ba Mẹ có thể chuẩn bị thêm những món quà nhỏ bất ngờ để khen thưởng con. Thưởng phạt đúng thời điểm sẽ giúp Bé yêu hình thành tính kỷ luật tốt, qua đó Bé sẽ tự giác làm những việc vừa sức để được khen thưởng nhiều hơn, và giúp cho Ba Mẹ có thời gian “lười” nhiều hơn.

Ba Mẹ không thể cứ mãi cầm tay chỉ việc hay làm thay cho con cả cuộc đời. Cần có sự vận động thì cơ thể mới linh hoạt, và cần có sự rèn luyện thì trí tuệ mới có thể nhạy bén hơn. Vậy nên hãy trở thành “Ba Mẹ lười” để hướng dẫn con tự lập nên người, Ba Mẹ nhé!

Daisy Home Preschool

Giữa trẻ nhỏ và động vật luôn tồn tại một sợi dây kết nối vô hình, đó là loại bản năng mạnh mẽ mà người lớn cũng không thể hiểu được. Những câu chuyện trên khắp thế giới về cậu bé Tarzan đời thực được nuôi dưỡng bởi đàn khỉ, hay cô bé đã lớn lên cùng đàn sói,… có lẽ là những minh chứng cụ thể nhất cho mối quan hệ đặc biệt này. Tuy nhiên, Ba Mẹ cần có công thức đúng và hướng dẫn Bé yêu phát triển mối quan hệ với động vật theo những cách tích cực. Hãy để Daisy Home trợ giúp Ba Mẹ nhé!

1. Tạo cơ hội cho Bé tương tác với động vật

Nếu không nuôi thú cưng, Ba Mẹ có thể đưa Bé tới các vườn thú uy tín, hay về thăm quê nhà. Khi quan sát cách Bé đối đãi với động – thực vật, Ba Mẹ có thể nhìn thấu tâm lý mà các con giấu kín. Hành động của Bé sẽ phản chiếu lại cách con cảm nhận tình yêu thương của Ba Mẹ và tác động từ môi trường sống.  

2. Xây dựng ý thức cho con khi tiếp xúc với động vật 

Ba Mẹ chính là tấm gương cho những hành động của Bé yêu. Để con có thể hình thành ý thức về việc yêu thương – bảo vệ động vật, Ba Mẹ cũng cần có những hành động đúng đắn, chừng mực với tất cả loài vật xung quanh mình. Không trêu chọc, phá rối, rượt đuổi hay tự ý sử dụng đồ ăn cho động vật tại nơi công cộng. Cùng với đó, Ba Mẹ hãy dịu dàng và chăm sóc thật tốt cho thú cưng nhà mình và những lời nói trìu mến với các con vật nói chung nữa nhé!

3. Tác động tích cực của động vật tới Bé yêu

Bản năng của con người là liên kết với những sinh vật sống khác, và đối với các Bé, động vật chính là những người bạn giúp thúc đẩy sự phát triển cảm xúc và trau dồi kỹ năng xã hội. Nhất là khi gặp các loài động vật nhỏ, cần có sự tương tác tỉ mỉ, dịu dàng, Bé sẽ học thêm được tính cách kiên nhẫn và bao dung.

4. Ngăn chặn xu hướng bạo lực động vật ở trẻ

Nếu Bé có xu hướng hay những hành vi làm đau các bạn thú, Ba Mẹ cần can gián kịp thời và tìm ra nguyên nhân cụ thể để phòng tránh hậu quả trong tương lai. Có thể Bé gặp phải áp lực tâm lý, ảnh hưởng từ bạn bè hay những điều thấy trên Internet. Ngoài ra, việc dư thừa năng lượng trong cơ thể và không có sự can thiệp giáo dục từ gia đình, thầy cô, cũng là nguyên nhân dẫn đến những hành động bất ổn của Bé với động vật. 

Khi sự liên kết với các sinh vật sống bị phá vỡ, tâm lý con trẻ dễ phát triển lệch lạc và có thể hình thành tính cách phản xã hội, tạo ra hệ luỵ lâu dài cho các mối quan hệ trong đời của Bé. Những hành vi phạm pháp thường bắt nguồn từ sự mất cân bằng yêu thương, không có ý thức hối cải, thoái thác trách nhiệm, không kiềm chế được cảm xúc và gây tổn thương cho những người xung quanh. Do đó Ba Mẹ cần trân trọng bản năng của Bé yêu và cùng con duy trì mối quan hệ gắn bó với những người bạn đặc biệt này.

Bài viết có tham khảo thông tin từ Tâm lý học bạo hành động vật – https://psychub.vn/  

Daisy Home Preschool

Vào thời kỳ hiện đại mới 4.0 như ngày nay thì việc cho Bé yêu sử dụng các thiết bị công nghệ để học tập đã trở nên vô cùng phổ biến và dự kiến sẽ càng phát triển hơn ở giai đoạn sau này. Tuy nhiên, để các Bé tự do sử dụng máy tính, máy tính bảng hay điện thoại không phải là một ý hay. Các con chưa biết cách khai thác hiệu quả những tính năng cần thiết, thêm vào đó, mạng Internet luôn tiềm ẩn những nguy cơ về bạo lực, nội dung không tốt, thậm chí lừa đảo,…. Vậy hôm nay, mời Ba Mẹ hãy cùng Daisy Home tham khảo một số phương pháp giúp các Bé sử dụng những thiết bị này đúng cách nhé!

1. Lập quy tắc sử dụng thiết bị 

Cần có thời gian biểu để hình thành thói quen cho con một cách lành mạnh. Không được sử dụng thiết bị công nghệ trong giờ ăn cơm hoặc mang theo đi ngủ. Lập quy định về giờ cắm sạc cho máy móc và hướng dẫn Bé bảo quản cũng là điều cần thiết để rèn luyện cho con tinh thần trách nhiệm.

2. Quản lý nội dung 

Ba Mẹ có thể sử dụng các phần mềm quản lý nội dung dành cho phụ huynh hoặc các kênh riêng dành cho trẻ em để nắm được nội dung Bé tiếp cận khi con dùng thiết bị. Hãy chọn lọc và xét duyệt nội dung dễ hiểu, phù hợp với độ tuổi của Bé. Quan trọng nhất, Ba Mẹ nên dành thời gian để trò chuyện, tâm sự cùng Bé về các chương trình yêu thích, những thông tin Bé tiếp nhận trong ngày để hiểu và có cách dạy phù hợp cho con.

3. Tận dụng các thiết bị thành công cụ giáo dục hiệu quả

Các thiết bị công nghệ còn được sử dụng như một loại trợ năng, giúp Bé yêu học thêm kiến thức, kỹ năng mềm thông qua một số app giáo dục uy tín. Thông qua đó, nếu tận dụng đúng cách sẽ giúp không chỉ Bé mà còn lẫn phụ huynh có thể mở mang thêm về môi trường sinh thái, thế giới động vật, tiếng anh giao tiếp, hay những cách ứng xử phù hợp trong giao tiếp hàng ngày,…

4. Dạy Bé cảnh giác những mối nguy hại từ mạng Internet

Khi không có sự trông chừng của người lớn, mạng Internet giống như một con dao hai lưỡi với các bạn nhỏ. Những chương trình độc hại có thể dễ dàng đánh lừa Bé qua vỏ bọc của các nhân vật yêu thích. Với bản tính hiếu kỳ, các Bé cần được Ba Mẹ định hướng đúng đắn để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

Việc tiếp cận, sử dụng các thiết bị công nghệ, điện tử một cách phù hợp, đúng đắn sẽ giúp Bé yêu không bị tụt hậu trong thời đại ngày một phát triển như hiện giờ. Tuy nhiên, để Bé có ý thức hơn trong vấn đề này, Ba Mẹ cũng cần tự thiết lập những quy tắc cho mình để làm gương cho con. Bé yêu sẽ không cảm thấy bị ép buộc hay khó chịu khi có thời gian sử dụng thiết bị ngang bằng với Ba Mẹ.

Daisy Home Preschool

Chỉ một vài từ ngữ nho nhỏ được chủ ý trong giao tiếp hàng ngày có thể giúp Bé hiểu và cảm nhận được sự Yêu Thương. Daisy Home mời Ba Mẹ cùng trải nghiệm nhé!

1. Hãy nói “giúp” nhiều hơn là “giùm”

“Chị Na dọn đồ chơi giùm em đi!”, “Mẹ đi chợ mua giùm Ba nhé!”, “Con nhặt đồ bị rơi lên giùm mẹ!” Cơ bản là rất ổn phải không Ba Mẹ? Cả gia đình mình hỗ trợ và giúp đỡ nhau trong nhiều hoạt động sinh hoạt thường ngày. Thế nhưng, Ba Mẹ thử chuyển từ “giùm” bằng “giúp” và xem tính hiệu quả của sự thay thế này nha. Bé sẽ học được sự hỗ trợ/ làm thay không phải chỉ vì chúng ta có năng lực hay vì thuận tiện thực hiện hành động đó (như dọn đồ chơi, mua  đồ, nhặt đồ bị rơi,…) mà còn mọi người trong gia đình có trách nhiệm “giúp” người khác. Ba Mẹ có thể sẽ gây sự khó chịu với đứa trẻ lớn vì chúng phải “làm giùm” đứa em, nhưng nếu Bé hiểu được Bé đang “giúp” em thì dễ chịu hơn rất nhiều.

2. Hãy nói “chia sẻ” thay vì “chia”

“Con chia bánh cho chị ăn với!”, “Con có rất nhiều đồ chơi, con chia cho bạn với nhé”,… như vậy là Bé sẽ san bớt một phần thứ mình đang có để cho người khác. Đơn thuần là về “lượng”. Ba Mẹ hãy tăng cường dùng từ “chia sẻ” trong những tình huống này nhé. “Con chia sẻ bánh cho chị với nha!”, “Con có rất nhiều đồ chơi, con chia sẻ với bạn nhé”,… Cảm xúc thân thuộc, gần gũi được củng cố và gia tăng trong mối quan hệ này giữa con và người khác. Đừng quên khen ngợi, xoa đầu, nựng nịu Bé khi con “chia sẻ”.

3. Hãy nói “thích/ thương/ yêu” chứ không chỉ là “con giỏi/ ngoan”. 

Ba Mẹ hãy thử nói “Ba Mẹ thích/ khoái/ rất là ưng/ yêu….về [hành động] của con”. Dĩ nhiên Ba Mẹ nói “con giỏi/ con ngoan” là vô cùng hợp lý, cần thiết đó ạ. Nhưng nếu dừng lại ở đó thì Bé vừa chỉ nhận được sự đánh giá, trong khi Bé còn cần đón nhận cảm xúc chân thành của Ba Mẹ nữa. Ba Mẹ vui, thích thế nào hãy cho Bé được cảm nhận cùng nha.

Bé sẽ học được sự thương yêu qua hành động hàng ngày của Ba Mẹ. Ba Mẹ chủ ý dùng từ ngữ chọn lọc không chỉ giúp con cảm nhận được tình cảm ấy mà con giáo dục Bé về Yêu Thương. Nhân dịp Valentine, Daisy Home mến chúc gia đình mình thật hạnh phúc, đầy ắp tình thương.

Daisy Home Preschool

Tết là khoảng thời gian rất đẹp, với các Bé, đó là sự thoải mái, Ba Mẹ dễ chịu, không khí gia đình đầy đủ, vui vẻ. Ba Mẹ ơi, vậy lý do Bé thích Tết rất hợp lý phải không ạ? Daisy Home nghĩ rằng, cảm xúc yêu mến, hạnh phúc này của con nên được gia đình duy trì, kể cả khi Tết đã qua.

1. Những bữa cơm “Tết”

Các Bé rất thích bữa cơm ngày Tết vì nhiều đồ ăn ngon và không khí rất vui. Những ngày thường sẽ không phải lúc nào cũng đầy đủ bánh chưng, thịt kho tàu, kẹo bánh,… trong một bữa trưa hoặc tối. Nhưng nếu một ngày trong tuần, Ba Mẹ có món chả giò chiên giống như trong dịp Tết thì hãy thông báo với Bé từ sáng, trước khi Bé đi học nhé; hoặc cũng có thể là hứa hẹn cuối tuần, nhà mình sẽ có một chiếc bánh chưng đặc biệt. Những “tiệc Tết nho nhỏ” này được báo trước hay tạo sự bất ngờ chắc chắn đều làm Bé rất vui.

Quan trọng hơn, Bé thích không khí Tết. Bữa ăn của nhà mình có đầy đủ Ba Mẹ, bày biện vui mắt và cùng nhau kể lại những ký ức trong dịp Tết, ví dụ như là cả nhà đã đi đâu, gặp ai, bộ đồ đó Ba/ Mẹ đã sắm thế nào, chậu hoa đã mua,…. Chắc chắn là Tết đang vương vấn trong gia đình mình rồi ạ.

2. Những sự chào hỏi “rất Tết”

Ngày Tết chúng ta hay chúc nhau và trẻ con được nhận lì xì. Ba Mẹ hãy chúc con, chúc nhau nhiều như trong dịp Tết. “Chúc con hôm nay học vui nhé”, “Chúc con ăn sáng ngon thiệt ngon”, “Chúc con ngủ trưa ngoan nha”,…. Sự dặn dò có thể chuyển thành lời chúc vui vẻ, hài hước, gần gũi.

Thỉnh thoảng, Ba Mẹ có thể lì xì con và cùng con háo hức mở phong bao đếm tiền mừng. Một chú heo đất đồng hành cùng Ba Mẹ trên con đường giáo dục tài chính cho con là một giải pháp giáo dục vô cùng tốt.

3. Nhà cửa “Tết”

Hoa, trà, bánh,… cùng với sự trang trí, cúng kiếng là điều Ba Mẹ có thể duy trì vào các dịp cuối tuần. Một chút âm nhạc rộn ràng trước khi rời nhà và khi về đến nhà cũng là cách đem “Tết” về nhà vào những ngày thường.

4. Những cam kết “Tết”

Tại các bữa ăn hàng ngày, Ba Mẹ có thể trò chuyện, liên hệ với dịp Tết vừa qua, như chuyến du lịch hay thăm nhà họ hàng, hoặc lúc nhà mình có khách,… để rút ra kinh nghiệm về những điều cả nhà mình đã rất hay, rất vui, cũng có thể là một sự thiếu thốn, chưa trọn vẹn. Từ đó, Ba Mẹ sẽ khắc phục vào Tết sang năm. Cam kết này Ba Mẹ hãy cho Bé biết nha, Bé chưa hiểu sâu sắc về bản chất nhưng Bé nghe và sẽ học được sự quan sát, cố gắng và kế hoạch cải thiện.

Gia đình sẽ cùng nhau xây dựng một Tết sắp tới thật đủ đầy, bắt đầu từ không khí Tết có trong nhà mình mỗi ngày Ba Mẹ nhé.

Daisy Home Preschool

Một số ý kiến được tranh luận giữa các bậc phụ huynh vào mỗi dịp Tết đó là có nên “giữ hộ” tiền lì xì của con hay để cho con “tự quản lý”. Vậy, Ba Mẹ phải làm sao mới hợp lý trong trường hợp này? 

Theo Daisy Home, tùy theo độ tuổi, và kiến thức quản lý tài chính cá nhân của Bé mà Ba Mẹ đi đến quyết định “giữ giùm” hay “cho con toàn quyền chi tiêu:

– Đối với các Bé quá nhỏ (dưới 10 tuổi), Ba Mẹ nên bỏ ống heo hoặc gửi tiết kiệm, đóng bảo hiểm cho Bé. Tuy nhiên dù làm gì, Ba Mẹ cũng cần nên cho con biết khoản tiền ấy sẽ như thế nào, được lên kế hoạch ra sao để Bé biết được các khoản thu của mình, không cảm thấy mất mát khi không được tiêu số tiền “đáng lý ra là của mình ấy”.

– Đối với các Bé trong độ tuổi thiếu niên từ 10 – 18 tuổi, Ba Mẹ có thể gửi tiết kiệm 50%, cho con được sử dụng 50% hoặc có thể dùng tiền lì xì đó mua món đồ chơi yêu thích, hoặc những vật dụng cần thiết mà con chưa đủ điều kiện mua trong năm.

– Với thanh niên sau 18 tuổi, Ba Mẹ nên cho con toàn quyền sử dụng tiền lì xì cũng như các khoản tiết kiệm từ trước cho quá trình học tập và trang trải cuộc sống sinh viên. Tuy nhiên, trước khi giao cho con quyền sử dụng số tiền lớn như vậy, Ba Mẹ nên trang bị cho con nền tảng vững vàng về tài chính cá nhân, chia các khoản chi tiêu hợp lý cho sinh hoạt và tích lũy của mình.

Tiền lì xì của con luôn là một câu hỏi khó với phụ huynh. Trẻ con bây giờ được tiếp cận với mạng xã hội sớm, và có nhu cầu mua sắm cho bản thân chứ không đưa hoàn toàn tiền lì xì cho Ba Mẹ dù muốn hay không. Vì thế, Ba Mẹ cần trang bị thật kỹ cho con về cách quản lý tài chính và cho Bé biết về các khoản thu nhập của mình, kế hoạch chi tiêu cho tương lai thế nào, tránh trường hợp các Bé hoang phí vào những thứ không cần thiết và tạo thành những thói quen không tốt. 

Daisy Home Preschool

Chuẩn bị đón năm mới, không chỉ người lớn mà các bé nhỏ cũng cần biết cách nhìn nhận lại năm cũ của mình, đặt mục tiêu cho năm mới sắp đến. Việc cho Bé thoải mái nhìn nhận chuyện cũ đã qua, và cùng hy vọng cho một năm mới đầy hứa hẹn phụ thuộc rất nhiều vào sự gợi mở của Ba Mẹ.

Để Bé dễ hình dung hơn năm cũ đã qua như thế nào, Ba Mẹ hãy gợi nhớ lại bằng cách đặt cho con những câu hỏi về những câu chuyện cũ, về những gì Bé thích hoặc làm sai, cùng Bé rút ra kinh nghiệm và những bài học cần ghi nhớ về sau. Khi Bé đã nhận thức được những điều con nên – không nên làm, việc đặt ra mục tiêu cho năm mới sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, những mục tiêu cho năm mới của Bé cũng nên gần gũi và tránh gây áp lực cho con. Có thể chỉ đơn giản là “Kết giao thêm bạn mới”, “Chăm sóc một cái cây” hay “Tham gia đội văn nghệ”… những hoạt động này sẽ giúp Bé rèn luyện sự tự tin, năng động và khả năng giao tiếp tốt.

Những mục tiêu quá cao theo suy nghĩ của người lớn sẽ vô tình khiến Bé lo lắng và không còn hứng khởi để chào đón những điều mới mẻ. Do đó, việc cùng Bé nhìn nhận về một năm đã qua, đồng thời đặt mục tiêu phù hợp cho năm mới là điều Ba Mẹ nên duy trì để hình thành thói quen tốt cho Bé. Từ đây, Bé được hình thành kỷ luật một cách nghiêm túc để tự tin phát triển bản thân tích cực hơn đấy!

Daisy Home Preschool

Hành vi nói dối của trẻ có thể được hình thành ở độ tuổi lên 3 lên 4. Lúc này Bé đã có khả năng phân biệt đúng – sai và cảm nhận được các trạng thái cảm xúc của Ba Mẹ. Do đó khi Bé biết mình mắc lỗi, con sẽ nói dối như một cách phòng vệ trước áp lực từ Ba Mẹ. Bên cạnh đó, nỗi sợ từ việc khiến Ba Mẹ thất vọng, sợ bị phạt, hay sợ bị khiển trách,.. cũng là một trong những lí do khiến Bé lựa chọn cách nói dối Ba Mẹ. 

Trong quá trình nuôi dạy trẻ, những kỳ vọng lớn lao Ba Mẹ đặt ra cho Bé yêu khi con còn quá nhỏ sẽ tạo thành áp lực khiến Bé căng thẳng. Đôi lúc Ba Mẹ la mắng hay dồn ép con để đạt được câu trả lời vừa ý, Bé cũng sẽ hình thành phản ứng nói dối để đáp ứng kỳ vọng của Ba Mẹ. Nếu hành vi này lặp lại thường xuyên, nó sẽ tạo thành một thói quen xấu cho Bé và rất khó để sửa đổi khi con trưởng thành. 

Với những nguy cơ như trên, Ba Mẹ cần có phương pháp giáo dục khéo léo để kết nối với Bé yêu và loại bỏ những cảm xúc tác động tiêu cực đến con. Thay vì áp đặt những quy chuẩn quá sức của Bé, Ba Mẹ hãy lắng nghe con nhiều hơn và giúp Bé cởi mở nói ra những điều trong lòng. Hay khi con làm sai, Ba Mẹ cần dành thời gian cho Bé suy nghĩ để thừa nhận lỗi lầm, và đừng quên biểu dương sự thành thật của Bé để con cảm thấy an toàn hơn. Chỉ một câu mắng yêu “”Mẹ không hài lòng về điều con đã làm, nhưng bây giờ thì mẹ đã được biết sự thật là gì vì con đã nói ra. Điều này là tốt nhất”, hay một cái xoa đầu nhẹ nhàng cũng có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả Ba Mẹ nhận lại đấy!

Trong giai đoạn Bé học mầm non, cảm xúc của con phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ của Ba Mẹ. Vậy nên Ba Mẹ cần cư xử điềm tĩnh, bao dung với Bé để con dám đối mặt và chấp nhận lỗi sai của mình nhé!

Daisy Home Preschool

Trong quá trình nuôi dạy Bé yêu, sẽ có những tình huống khiến Ba Mẹ “bốc hỏa” và khó kiềm chế được cơn nóng giận của mình. Tuy nhiên, Ba Mẹ không thể vì cảm xúc nhất thời mà trách mắng Bé tuỳ tiện, đôi khi điều này sẽ phản tác dụng và tạo ra khoảng cách giữa Ba Mẹ với Bé. Do đó trách mắng con cũng cần có phương pháp và sự khéo léo thì mới đạt hiệu quả và giúp Bé rút ra bài học cho bản thân. Ba Mẹ hãy cùng Daisy Home tìm hiểu một số điều “cần làm” và “nên tránh” khi buộc phải nghiêm khắc với con nhé! 

1. Không mắng Bé ở chốn đông người hay những thời điểm nhạy cảm 

Việc trách mắng Bé ở nơi đông người sẽ bào mòn lòng tự trọng của con và khiến Bé trở nên rụt rè, tự ti. Bên cạnh đó, một số thời điểm nhạy cảm như khi Bé vừa ngủ dậy, khi Bé đang bị ốm, hay khi đang dùng bữa cùng gia đình,.. Ba Mẹ cũng không nên lớn tiếng trách phạt con. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến thể chất và tâm lý lâu dài của Bé.

2. Không dùng những từ ngữ khó nghe

Việc Ba Mẹ dùng những ngôn từ khó nghe khi trách mắng Bé giống như một liều thuốc độc đối với tâm hồn của trẻ nhỏ. Điều này có thể giúp Ba Mẹ “xả” được cơn giận, nhưng lại vô tình tác động xấu đến quá trình hình thành tính cách của Bé, khiến con khó kiểm soát cảm xúc và trở nên cộc cằn. Do đó Ba Mẹ hãy giữ bình tĩnh để lựa chọn câu từ chuẩn mực khi cần phê bình Bé yêu nhé!

3.  Không so sánh Bé với những trẻ khác

Mỗi bạn nhỏ khi đến với cuộc đời đều có những tiềm năng riêng biệt và độc nhất, việc so sánh Bé yêu với “con nhà người ta” sẽ khiến Bé bị tổn thương rất nhiều và gặp trở ngại trong giao tiếp cũng như phát triển tư duy. Ba Mẹ nên tránh mắc phải sai lầm này và kiên trì tìm hiểu cá tính của Bé để có phương pháp giáo dục phù hợp.

4. Trách mắng phù hợp với tính cách Bé

Đây là vấn đề cần Ba Mẹ linh động trong cách xử lý, vì mỗi Bé sẽ có một cách phản ứng khác nhau nên Ba Mẹ không thể quá máy móc khi áp dụng hành vi, ngôn ngữ. Tuy nhiên bên cạnh đó, Ba Mẹ cũng hãy giữ thái độ nghiêm túc và nhìn thẳng vào mắt con khi phê bình, để Bé hiểu được hành vi của mình là sai và tự rút ra bài học cho bản thân.

5. Chia sẻ cho Bé cảm xúc của Ba Mẹ

Trong tình huống cần phê bình Bé, việc Ba Mẹ chủ động nói ra cảm xúc của mình sẽ giúp Bé hiểu và đồng cảm với Ba Mẹ hơn. Con học được cách chọn lọc hành vi để không lặp lại những điều khiến Ba Mẹ buồn, nổi nóng hay thất vọng,… Mối liên kết của Ba Mẹ với Bé sẽ tác động đến việc hình thành nhân cách và phẩm chất của con sau này.

Những gì Bé thể hiện và hành động ở mỗi giai đoạn đều là bản năng mà con cho là đúng, Bé không hề có kinh nghiệm và cũng chưa từng trải để tích lũy vốn sống đa dạng. Do đó, thay vì quát nạt và phẫn nộ với Bé, Ba Mẹ hãy bình tĩnh nhìn nhận vấn đề để tìm hướng giải quyết. Đừng vì những nóng giận nhất thời mà tổn thương con, Ba Mẹ nhé!

Daisy Home Preschool

Tính hiếu kỳ của Bé yêu khiến con tò mò với mọi thứ, bao gồm cả những hành động của Ba Mẹ trong sinh hoạt hàng ngày. Thật không khó để bắt gặp hình ảnh các Bé học theo Mẹ tô son, trang điểm và cũng yêu cầu được đẹp giống Mẹ. Nếu Mẹ ngăn cấm hoặc la mắng, sẽ dễ sinh cho Bé sự chống đối và lén dùng khi Mẹ vắng nhà. Thay vào đó, các Mẹ đứng ngăn cấm, và “vẽ đường cho Bé chạy” đúng cách để Bé có thể trang điểm nhưng vẫn giữ an toàn. Làm sao để làm được điều đó, tham khảo những điều sau đây cùng Daisy Home nhé:

1. Chọn những sản phẩm phù hợp với Bé:

Đối với làn da nhạy cảm của Bé yêu, Ba Mẹ nên sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên như son môi từ sáp ong và cánh hoa hồng, hay kem dưỡng da từ bơ hạt mỡ và mầm gạo,.. Bên cạnh đó, Mẹ cũng đừng quên sắp xếp cho sản phẩm của Bé một góc nhỏ để con dễ dàng phân biệt và sử dụng đúng loại dành cho mình.

Tuy nhiên, nếu Ba Mẹ chưa thật sự yên tâm về chất lượng của kem khi được sử dụng trên làn da của bé, Ba Mẹ có thể thương lượng với con rằng, Ba Mẹ đồng ý và rất hào hứng nhưng đây là điều duy nhất Ba Mẹ muốn con nghe lời và hiểu là làn da con chưa sẵn sàng cho mỹ phẩm.

2. Cùng Bé yêu “skincare”:

Đôi khi Bé có thể vì “cả thèm chóng chán” mà bỏ cuộc, do đó Mẹ hãy cùng con tập “skincare” từ những bước đơn giản trước như dưỡng ẩm hay làm sạch da bằng các sản phẩm lành tính. Một số sản phẩm như bột đàn hương, bột nghệ hoặc nghệ tây khá an toàn để Bé đắp mặt nạ, hoặc các kem dưỡng ẩm từ thiên nhiên,.. Những cách “skincare” này có thể lặp đi lặp lại trong 1 thời gian, tuy nhiên sau khi sự tò mò qua đi, các Bé sẽ không còn hứng thú nữa. Lúc này, Ba Mẹ cứ cho Bé dừng lại, không cần lạm dụng nhiều.

3. Trang điểm nhẹ cho Bé khi cần thiết:

Vào những dịp quan trọng như ngày sinh nhật của Bé, ngày Bé được nhận phần thưởng, hay khi con đi biểu diễn văn nghệ cùng các bạn,.. Ba Mẹ có thể dùng cho Bé một chút son dưỡng và má hồng từ thiên nhiên, hoặc những tông màu phù hợp với độ tuổi của Bé. Điều này sẽ tạo điểm nhấn và giúp con tự tin hơn khi giao tiếp xã hội.

4. Cho Bé biết độ tuổi phù hợp để con trang điểm:

Mẹ cần thống nhất với Bé về độ tuổi phù hợp sẽ đồng ý cho con trang điểm. Ngoại trừ những dịp cần thiết thì Bé chỉ nên bắt đầu trang điểm ở độ tuổi từ 13-14 tuổi, với một chút son bóng cùng gam màu nhẹ nhàng là đã đủ cho thời điểm này. Khi Bé lớn dần trong những giai đoạn tiếp theo, Mẹ nên hướng dẫn con cụ thể hơn về một số loại mỹ phẩm khác, để Bé biết cách định hướng và lựa chọn đúng phong cách cho độ tuổi của mình. 

Da của Bé khá nhạy cảm, vì thế thay vì cấm đoán, Ba Mẹ hãy cung cấp kiến thức và sự nhận biết để giúp Bé vẫn được theo ý thích nhưng theo một cách an toàn nhất. Ngoài ra, Ba Mẹ nên tìm hiểu thật kỹ nguồn gốc của các loại mỹ phẩm dùng cho Bé, để không làm tổn thương làn da mỏng manh của con.

Daisy Home Preschool