Là phụ huynh, có lẽ việc giáo dục để Bé tự tin là mình, đồng thời cũng biết cách tôn trọng và cư xử đúng mực với mọi người chính là thử thách lớn nhất, bởi nó cần rất nhiều thời gian, kiến thức và sự kiên nhẫn. Để đồng hành trên hành trình ấy, hôm nay, mời Ba Mẹ hãy cùng Daisy Home tìm hiểu về một khía cạnh không thể thiếu trong giáo dục – các “chiến lược” kỷ luật hiệu quả và lành mạnh cho Bé và mối quan hệ trong gia đình nhé!

Chọn trừng phạt hay kỷ luật?

Trừng phạt và kỷ luật có sự khác biệt lớn.

Trừng phạt tập trung vào việc khiến Bé phải chịu đựng về thể chất hoặc tinh thần vì vi phạm các quy tắc, từ đó Bé sẽ vì sợ chịu đựng mà không thực hiện hành vi vi phạm nữa. Có nhiều Ba Mẹ dùng cả hình phạt vũ lực, tuy nhiên, phương pháp này chỉ khiến Bé dừng vì sợ hãi chứ không phải vì nhận thấy hành vi của mình sai. Thậm chí, hình phạt quá nặng có thể khiến Bé tức giận Ba Mẹ hoặc khiến Bé nghĩ mình tệ thay vì đơn thuần hiểu hành vi đó là sai.

Trong khi đó, kỷ luật lại tập trung vào việc dạy Bé cách đưa ra lựa chọn tốt hơn vào lần sau.

Cách kỷ luật tích cực

Sự kỷ luật tích cực khuyến khích Bé duy trì hành vi tốt, đồng thời giúp Bé gắn kết hơn với gia đình. Dưới đây là vài gợi ý cho Ba Mẹ tham khảo và áp dụng:

  • Bình tĩnh xử lý để làm gương cho Bé: Ba Mẹ hãy dạy dỗ, giải thích cho Bé với lời nói và hành động thật bình tĩnh. Bé sẽ học cách cư xử từ Ba Mẹ, vì vậy Ba Mẹ hãy làm mẫu cho những gì Ba Mẹ muốn ở Bé nhé.
  • Chuẩn bị để “đón” rắc rối: Ba Mẹ có thể lên kế hoạch trước cho những tình huống Bé có thể thấy khó xử. Hãy cho Bé biết những hoạt động sắp diễn ra và Ba Mẹ cần Bé cư xử thế nào.
  • Đặt giới hạn: Tạo ra những quy tắc rõ ràng và nhất quán để Bé có thể tuân theo. Ba Mẹ cũng cần giải thích những quy tắc này theo cách mà Bé có thể hiểu được.
  • Khen ngợi hành vi tốt: Bé cần biết điều gì Bé làm là tốt hoặc xấu. Ba Mẹ hãy chú ý chỉ ra hành vi tốt, khen ngợi nỗ lực của Bé một cách thật cụ thể.
  • Lắng nghe, thấu hiểu Bé: Nếu đói, mệt hoặc không khỏe, Bé sẽ rất dễ có những hành vi không ngoan. Ba Mẹ cần thấu hiểu Bé thông qua quan sát và trò chuyện để cùng giải quyết thật lành mạnh.
  • Sử dụng biện pháp “mạnh”: Nếu hành vi không tốt tái diễn, Ba Mẹ có thể dùng biện pháp như giới hạn giờ chơi, giảm đặc quyền cho Bé, từ đó giúp Bé hiểu hậu quả từ hành vi của mình.

Ba Mẹ hãy luôn nuôi dạy, ứng xử với Bé với tình thương và sự kiên nhẫn nhé!

Daisy Home Preschool

Ba Mẹ hãy thử nhớ lại giác mình đã buồn, thất vọng như thế nào (nhất là khi còn bé) lúc ai đó không thực hiện đúng lời hứa với mình. Điều này cũng tương tự đối với Bé. Khi Ba Mẹ hay những người xung quanh hứa với Bé điều gì đó, Bé sẽ mong chờ và nhớ rất lâu. Nên nếu Ba Mẹ vô tình quên hoặc thất hứa, Bé sẽ dễ bị tổn thương và thất vọng. Về lâu dần sẽ hình thành tính cách khó tin tưởng vào người khác và ảnh hưởng đến nhìn nhận của Bé về sự uy tín.

Vậy sự uy tín là gì?
Uy tín là việc luôn làm được những điều mà mình đã nói hoặc đã hứa. Việc giữ uy tín giúp xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người khác và cho thấy mình là một người đáng tin cậy.

Tuy nhiên, không phải lúc nào Ba Mẹ cũng có thể giữ lời hứa. Đôi khi, vì một lý do chính đáng nào đó, Ba Mẹ không thể giữ lời hứa với Bé. Khi đó, thay vì trốn tránh hoặc lơ đi chuyện đã hứa với Bé. Ba Mẹ nên xem xét một số hành động sau đây để xử lý tình huống một cách tích cực. Đồng thời dạy cho Bé hiểu về uy tín, cách giữ uy tín khi không thể giữ lời hứa.

  • Đầu tiên, Ba Mẹ nên xin lỗi một cách chân thành và giải thích cho Bé hiểu lý do vì sao không thể giữ lời hứa. Điều này, giúp Bé được an ủi và chấp nhận mọi thứ dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, giúp Bé nhận thức được rằng khi thất hứa việc đầu tiên mình cần xin lỗi. Đây cũng là một phần quan trọng của việc giữ uy tín.
  • Khi Ba Mẹ cởi mở với lỗi sai của mình và xin lỗi Bé, tạo cơ hội cho cuộc trò chuyện giữa Ba Mẹ và Bé. Bé có thể chia sẻ cảm xúc, Ba Mẹ hãy lắng nghe để hiểu thêm về cảm nhận của Bé. Từ đó, giúp tạo ra một môi trường mà Bé cảm thấy được quan tâm và tôn trọng.
  • Nếu có thể, Ba Mẹ nên thảo luận với Bé về cách thay thế hoặc đưa ra một phương án khác để thỏa niềm mong đợi của Bé, tạo cơ hội để Ba Mẹ cùng Bé giải quyết tình huống. Điều này giúp Bé học cách xử lý tình huống một cách tích cực và xây dựng lại uy tín với Bé.

Việc Ba Mẹ xin lỗi và giải quyết khi không thể giữ lời hứa cũng chính là làm gương cho Bé. Đây còn là cơ hội tốt để Ba Mẹ gợi mở về tư duy cởi mở, chịu trách nhiệm và giúp Bé hiểu cách xử lý tình huống tương tự để luôn giữ được sự uy tín. Quan trọng hơn, điều này giúp tạo môi trường để Ba Mẹ có thể đồng hành cùng Bé trong quá trình học tập và xây dựng uy tín trong cuộc sống.

Daisy Home Preschool

Nghệ thuật không chỉ là tô màu, vẽ, múa, hát,… mà còn là cách Bé tự do sáng tạo, tìm hiểu và thể hiện bản thân. Nghệ thuật giúp Bé phát triển tư duy sáng tạo, sự tự tin và kỹ năng xã hội. Vậy nên, tiếp xúc với nghệ thuật từ độ tuổi mầm non đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền tảng phát triển vững chắc cho tương lai của Bé.
Hãy cùng Daisy Home điểm qua một số lợi ích khi Bé được tiếp xúc với nghệ thuật từ nhỏ để khám phá và khuyến khích niềm đam mê nghệ thuật của Bé nhé!

Khuyến khích khả năng sáng tạo của Bé
Bé tiếp xúc với nghệ thuật từ độ tuổi mầm non có thể phát triển sức sáng tạo và mong muốn tìm hiểu thế giới xung quanh. Khi được thỏa sức cọ xát với các môn nghệ thuật như vẽ, múa, hát,… Bé sẽ có điều kiện phát triển trí não tốt và rèn luyện tư duy sáng tạo vượt bậc. Ba Mẹ có thể thông qua các hoạt động như vẽ tranh, nặn đất sét, chơi ghép hình,… để khuyến khích Bé tự do nhào nặn hay cắt ghép, vẽ những thứ Bé yêu thích. Ba Mẹ sẽ thấy bất ngờ với khả năng sáng tạo của Bé con đấy!

Tăng cường khả năng tập trung ở Bé
Các hoạt động nghệ thuật đòi hỏi Bé cần phải kiên nhẫn, tập trung vào việc thực hành và sáng tạo. Qua đó, Bé học được cách kiên nhẫn và tập trung vào một nhiệm vụ, say mê hoàn thành nó. Đây là một kỹ năng quý báu cho học tập và cuộc sống hằng ngày của Bé.

Thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ
Hát hò, kể chuyện hoặc tham gia các hoạt động nghệ thuật, Bé thường phải sử dụng từ ngữ để tạo nên câu chuyện, lời bài hát hoặc diễn đạt ý tưởng. Bé sẽ học được những từ vựng mới, rèn luyện khả năng diễn đạt và phát triển ngôn ngữ một cách tốt hơn. Ba Mẹ có thể cho Bé nghe nhạc hoặc hát cùng Bé. m nhạc là một cách tuyệt vời để Bé làm quen với âm thanh và từ vựng. Ngoài ra, Ba Mẹ nên tập trung lắng nghe khi Bé khoe tác phẩm nghệ thuật của mình. Hỏi và trò chuyện với Bé về ý tưởng, câu chuyện trong những tác phẩm của Bé. Ví dụ như Ba Mẹ có thể hỏi Bé về những gì Bé đã vẽ và khuyến khích Bé kể chuyện về hình vẽ đó.

Phát triển khả năng vận động
Khi tham gia vào các hoạt động nghệ thuật, cơ thể Bé phải vận động linh hoạt để có thể học sử dụng bút, tẩy, cọ vẽ, đất nặn, giấy hoặc nhảy, múa… tạo cơ hội rèn luyện và phát triển nhiều kỹ năng vận động. Từ đó giúp Bé thực hiện tốt các hoạt động khác như mặc áo quần, tự ăn vì nó đòi hỏi những chuyển động rất cụ thể và cần phải có kiểm soát.

Mang lại cảm xúc tích cực cho Bé
Nghệ thuật là một hoạt động thú vị để Bé tận hưởng thời gian và khám phá thế giới xung quanh. Nó giúp Bé cảm thấy vui vẻ hơn, giảm căng thẳng và có hứng thú trong học tập, sáng tạo. Bên cạnh đó, nghệ thuật cũng là cách để Bé thể hiện cảm xúc một cách tự nhiên. Thông qua những bức vẽ, những bài hát, Ba Mẹ có thể phần nào hiểu được suy nghĩ và tâm trạng của Bé. Từ đó mở ra những cơ những cơ hội để xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ và hỗ trợ Bé phát triển tốt về mặt tinh thần.

Có thể thấy, Bé càng sớm tiếp xúc với nghệ thuật mang lại nhiều lợi ích giúp Bé phát triển toàn diện. Mỗi Bé sẽ có sở thích riêng, Ba Mẹ hãy quan sát Bé con của mình để định hướng cho Bé học các bộ môn nghệ thuật phù hợp dựa theo đam mê, sở thích của Bé.

Ngoài ra, sự góp mặt và đồng hành của Ba Mẹ chính là nguồn động lực to lớn để Bé học các bộ môn nghệ thuật. Bé sẽ rất vui khi có Ba Mẹ cạnh bên, ngắm con vẽ, chơi nặn đất cùng con hay nghe con hát, xem con múa và lắng nghe những câu chuyện của Bé. Ba Mẹ có thể sử dụng nghệ thuật như một cầu nối để thấu hiểu Bé con hơn và xây dựng sự gắn kết với Bé. Đồng thời tạo cơ hội cho Bé học nghệ thuật và khích lệ sự toàn diện của Bé.

Daisy Home Preschool

Mỗi Bé sinh ra đều có những năng khiếu, sở trường riêng chờ được khám phá và nuôi dưỡng. Ba Mẹ có thể nhận thấy những năng khiếu bẩm sinh trong cách Bé vui chơi, học hỏi ngay từ “giai đoạn vàng”. Sự tò mò vô hạn, khả năng đọc viết sớm, sở thích kể chuyện, hay niềm đam mê đặc biệt nào đó chính là dấu hiệu. Bé có thể có năng khiếu ở bất kỳ lĩnh vực nào, thậm chí nhiều lĩnh vực cùng lúc.

Học những điều mới rất quan trọng với tinh thần của Bé. Vì vậy, ngay khi nhận diện được năng khiếu của Bé, Ba Mẹ có thể tìm kiếm cơ hội, môi trường cho Bé rèn luyện. Không chỉ giúp Bé giỏi hơn, điều đó cũng hỗ trợ sức khỏe và sự phát triển toàn diện của Bé. Dưới đây là một số cách giúp Ba Mẹ xác định năng khiếu của Bé:

  • Quan sát: Ba Mẹ có thể quan sát Bé trong các hoạt động khác nhau và ghi nhận những khuynh hướng, sở thích và điểm mạnh tự nhiên của Bé. Bé thường mê làm gì đến… quên ăn quên ngủ? Bé có thể học và hiểu lĩnh vực gì nhanh chóng? Bé có thường hỏi những câu hỏi sắc bén?
  • Trò chuyện: Ba Mẹ quan tâm, trò chuyện với Bé để tìm hiểu những mong muốn, sở thích của Bé. Bé có thể thay đổi sở thích nhanh chóng: lúc thích vẽ, khi lại thích học toán, hay ca hát. Điều này là hoàn toàn bình thường. Ba Mẹ hãy cứ tự do cho Bé trải nghiệm trước khi tìm ra thứ để chuyên tâm theo đuổi.
  • Tham khảo ý kiến: Tìm kiếm, ghi nhận phản hồi từ giáo viên, huấn luyện viên hay những người thường xuyên tiếp xúc với Bé có thể giúp Ba Mẹ có cái nhìn đa chiều trong việc xác định những sở trường của Bé.
  • Đánh giá từ chuyên gia: Tham vấn ý kiến của các chuyên gia tâm lý hoặc chuyên gia giáo dục cũng là một phương pháp hiệu quả. Với chuyên môn sâu, họ có thể tiến hành đánh giá toàn diện để xác định những tài năng và điểm mạnh đặc biệt của Bé.

Để chuyển hóa thành tài năng, năng khiếu cần được nhận diện và nuôi dưỡng đúng cách. Ba Mẹ cần tạo điều kiện cho Bé trải nghiệm thật nhiều thứ khác nhau dựa trên quan sát của mình và mong muốn của Bé. Trong suốt hành trình học tập, rèn luyện, Ba Mẹ cũng cần bày tỏ sự yêu thương, động viên và hỗ trợ định hướng khi Bé gặp khó khăn.

Ngoài ra, Ba Mẹ có thể cho Bé tham gia các cuộc thi hoặc chương trình tài năng. Nếu Bé giỏi về âm nhạc, Ba Mẹ có thể cho Bé thi hát – múa, hay theo học tại các trung tâm, trường lớp uy tín. Nếu Bé mạnh thể chất, Ba Mẹ có thể cho Bé tham gia các câu lạc bộ thể thao. Nếu Bé có tài năng học thuật, Ba Mẹ cần lựa chọn môi trường đào tạo nâng cao, hoặc có thể cá nhân hóa lộ trình học.

Khám phá và đón nhận năng khiếu của Bé là một hành trình đặc biệt. Bằng cách trân trọng năng khiếu của Bé, Ba Mẹ sẽ góp phần tôn vinh sự độc đáo của Bé, thúc đẩy sự phát triển và giúp Bé đạt đến những tầm cao phi thường, mở đường cho một tương lai trọn vẹn và thành công.

Daisy Home Preschool

Cầm muỗng tưởng chừng như một hoạt động đơn giản, nhưng với Bé trong giai đoạn từ 0-3 tuổi thì không đơn giản tí nào. Đây là một trong những kỹ năng phức tạp, bởi nó đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng và chính xác giữa não bộ, mắt, tay và miệng. Não bộ sẽ nhận tín hiệu từ mắt để xác định vị trí của thức ăn, sau đó điều khiển tay cầm muỗng để múc thức ăn và đưa chính xác vào miệng. Vậy nên, để bắt đầu hành trình tự lập cho Bé, Ba Mẹ hãy có lộ trình cùng cách hướng dẫn phù hợp và sự kiên nhẫn để Bé có cơ hội được luyện tập nhé!

Khi nào Ba Mẹ có thể bắt đầu giới thiệu muỗng cho Bé?

  • Đó là lúc Bé đã bốc nhón thành thạo, nhai nuốt tốt, có thể xử lý được các loại thức ăn nhỏ như hạt đậu Hà Lan mà không gặp khó khăn. Điều này cho thấy Bé đã có khả năng điều khiển tay linh hoạt, lúc này Ba Mẹ có thể bắt đầu giới thiệu muỗng cho Bé.

Các bước để Ba Mẹ tập cho Bé dùng muỗng tự xúc ăn:

  • Bước đầu tiên, Ba Mẹ hãy cho Bé làm quen với muỗng, đưa cho Bé cầm chơi. Sau đó, Ba Mẹ làm động tác đưa muỗng lên miệng ăn để cho Bé hiểu được muỗng dùng để làm gì.
  • Tiếp theo, Ba Mẹ có thể bắt đầu tập cho Bé tự xúc ăn vào bữa xế với những thức ăn mềm, sệt. Trước khi Bé xúc ăn, Ba Mẹ cũng dùng một cái muỗng tự xúc thức ăn của mình để làm mẫu cho Bé quan sát, bắt chước và tập xúc theo. Ban đầu, Bé sẽ loay hoay và khó khăn để có thể xúc được và đưa lên miệng, thậm chí Bé có thể khóc lóc và cáu gắt đòi ra khỏi ghế. Điều này hoàn toàn bình thường, Ba Mẹ không nên sốt ruột, cáu gắt hay thúc giục, làm giúp Bé.
  • Lưu ý, trong quá trình tập xúc ăn có 2 kỹ năng chính cơ bản: kỹ năng múc (Bé có thể múc được thức ăn dễ dàng và khéo léo đưa lên nhưng gặp khó khăn để đưa chính xác vào miệng) và kỹ năng gập cổ tay (Bé chưa thể múc được thức ăn nhưng có thể đưa được muỗng vào miệng chính xác). Việc biết được Bé thiên về kỹ năng nào trước sẽ giúp Ba Mẹ có thể hỗ trợ Bé dễ dàng hơn.

Nếu Bé nhà mình thiên về kỹ năng gập cổ tay trước, Ba Mẹ hỗ trợ Bé bằng cách cầm tay Bé và xúc thức ăn rồi để cho Bé tự đưa thức ăn vào miệng.

Đối với những Bé thiên về kỹ năng múc trước, Ba Mẹ cho Bé tự múc thức ăn, sau đó Ba Mẹ nâng tay Bé đưa lên miệng và để Bé tự ăn.

Thời gian luyện tập cho Bé dùng muỗng tự xúc ăn thường mất từ 5 – 6 tháng hoặc có thể lâu hơn tùy vào khả năng của từng Bé. Trong suốt quá trình luyện, Bé có thể gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, Ba Mẹ hãy kiên nhẫn, không nên nóng vội hay hối thúc Bé. Ngoài ra, Ba Mẹ đừng quên khen ngợi, khích lệ để làm cho Bé cảm thấy vui vẻ và hứng thú với việc tập luyện Ba Mẹ nhé!

Daisy Home Preschool

Việc đọc sách cho Bé không bao giờ là quá sớm, bởi từ khi mới sinh, Bé đã bắt đầu học về thế giới xung quanh. Từ 0-3 tuổi, ngoài việc trò chuyện, Ba Mẹ có thể giúp Bé xây dựng kỹ năng ngôn ngữ sớm thông qua sách. Đọc là một trong những cách tốt nhất để Bé tiếp xúc với ngôn ngữ, cũng như đặt nền tảng cho việc học tập độc lập sau này. Không chỉ giúp phát triển ngôn ngữ và hiểu biết về nhiều chủ đề, đọc cũng là khoảng thời gian quý báu để Ba Mẹ gắn kết với Bé qua giọng nói và cử chỉ gần gũi.

Ở độ tuổi này, đây có thể xem như một hoạt động vui chơi, đồng thời nuôi dưỡng thói quen, sở thích của Bé với sách. Nghe thì đơn giản, nhưng việc đọc cho các Bé trong độ tuổi năng động này đôi khi sẽ không yên bình như tưởng tượng. Hãy để Daisy Home “mách” Ba Mẹ một số tips để việc đọc hiệu quả hơn nhé!

  • Tạo thói quen và không gian yên tĩnh cho việc đọc Ba Mẹ nên tạo một không gian thoải mái, yên tĩnh tại nhà để đọc và duy trì việc đọc cùng Bé ít nhất 1 quyển nhỏ mỗi ngày. Tắt TV, đặt điện thoại ở chế độ im lặng trong giờ đọc để Bé không bị xao nhãng. Ba Mẹ cũng nhớ thường xuyên tự đọc để làm gương cho Bé nhé.
  • Cho Bé quyền quyết định Ba Mẹ hãy ngồi gần để Bé nhìn thấy mặt của Ba Mẹ và cuốn sách trong lúc đọc. Nếu Bé muốn, hãy để Bé chọn sách, cho Bé cầm sách, lật trang. Với những Bé đang tập đi, Bé có thể không ngồi yên. Nhưng Ba Mẹ hãy thả lỏng nhé, vì Bé vẫn đang nghe và học một cách thụ động trong lúc đấy. Ngoài ra, Ba Mẹ cũng không cần đặt mục tiêu đọc hết hay đọc theo thứ tự trang. Ưu tiên thời điểm này là giúp Bé yêu thích sách thay vì tạo áp lực, “nhiệm vụ” cho Bé.
  • Liên tục tương tác và liên hệ với cuộc sống Khi đọc, Ba Mẹ nhớ sử dụng giọng nói, nét mặt biểu cảm để thu hút Bé và giúp Bé hiểu sắc thái từ ngữ. Ba Mẹ hãy lật trang chậm rãi, cho Bé thời gian để xem ảnh, giải thích hoặc hỏi về những gì Bé thấy, liên hệ chúng với cuộc sống của Bé (ví dụ nhân vật đi học, đánh răng, chải tóc giống Bé). Nếu là sách quen, Ba Mẹ có thể cho Bé lặp lại các đoạn quen thuộc, hoặc bỏ lửng câu nói để Bé tiếp tục.

Lựa chọn sách cho Bé dưới 3 tuổi Bé dưới 3 tuổi thường thích những cuốn sách có vần, nhịp và sự lặp lại – những yếu tố giúp trẻ học hỏi và ghi nhớ tốt hơn. Khoảng tập trung của Bé ở độ tuổi này rất ngắn, vì vậy Ba Mẹ nên chọn những cuốn sách đơn giản, có thể đọc trong 4-5 phút.

Một số tiêu chí để Ba Mẹ chọn sách:

  • Những câu chuyện đơn giản, có nguyên nhân – kết quả rõ ràng
  • Sách về nhiều chủ đề như động vật, xe cộ, số đếm, bảng chữ cái,…
  • Sách có hình ảnh lớn, màu sắc nổi bật, ít chữ, có nhiều yếu tố lặp lại.
  • Sách về hoạt động vui chơi, sinh hoạt trẻ em
  • Sách bìa cứng, sách vải thay vì sách giấy để hạn chế rách, cong giấy.

Ngoài ra, Ba Mẹ cũng có thể cùng Bé đọc bất cứ thứ gì có sẵn như tạp chí, hướng dẫn sử dụng, biển hiệu quảng cáo,… để tăng phần thú vị. Đọc sách cho Bé – ở mọi lứa tuổi – sẽ thúc đẩy sự phát triển trí não của Bé, sự gắn kết giữa giữa Bé với Ba Mẹ, và nhiều hơn thế nữa. Tất cả chỉ cần một vài cuốn sách, một chút thời gian, và sự kiên nhẫn của Ba Mẹ!

Daisy Home Preschool

Để Bé thoải mái, tự tin học tập, vui chơi, ngoài hành trang là một sức khỏe và tinh thần tốt thì việc chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cần thiết mỗi ngày cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó, để hình thành dần thói quen tự lập, ngăn nắp và gọn gàng, Ba Mẹ cũng có thể tập cho Bé tự chuẩn bị đồ dùng hàng ngày ngay từ những ngày đầu tiên.

Cùng Daisy Home tìm hiểu một số cách để Ba Mẹ có thể đồng hành và tập cho Bé chuẩn bị đầy đủ đồ dùng khi đến trường nhé!

  • Thời gian đầu, để tránh việc Bé quên hoặc không biết chuẩn bị gì, Ba Mẹ nên cùng Bé chọn những đồ dùng học tập, đồ dùng cá nhân. Trong lúc đó, Ba Mẹ sẽ đặt những câu hỏi và giải thích cho Bé: vì sao món đồ này lại cần thiết, công dụng của nó là gì. Ngoài ra, thay vì chọn sẵn cho Bé, Ba Mẹ hãy khuyến khích Bé tự lựa chọn quần áo, sách vở mà Bé yêu thích, việc Bé được tự do chọn cái mình thích sẽ giúp Bé cảm thấy dễ chịu và tự tin khi đến lớp.
  • Hướng dẫn Bé gấp gọn và sắp xếp ngay ngắn các đồ dùng tương ứng với vị trí của các ngăn trong balo. Một balo được sắp xếp chỉn chu không chỉ giúp Bé có thể lấy ra, cất vào một cách nhanh chóng, dễ dàng, mà còn hình thành cho Bé tính gọn ghẽ, ngay ngắn. Ba Mẹ cũng đừng quên khen ngợi và tạo sự thoải mái khi Bé chuẩn bị quần áo, sách vở. Với sự động viên của Ba Mẹ, Bé sẽ cảm thấy được công nhận và có động lực để tiếp tục cố gắng.
  • Khi Bé đã sắp xếp đồ dùng đầy đủ, ngăn nắp vào balo, Ba Mẹ hãy hướng dẫn Bé đặt nó ở một nơi cố định và tiện lợi. Việc này sẽ tạo cho Bé thói quen tự quản lý đồ dùng của mình, cất giữ nó đúng nơi và tránh việc Bé phải mất thời gian tìm kiếm, hoặc quên đem theo vào mỗi sáng trước khi đi học.

Một lưu ý nhỏ, Ba Mẹ nên cùng Bé chuẩn bị những thứ cần thiết trước khi đi ngủ để tránh hối hả vào buổi sáng hôm sau. Vội vàng sẽ dễ gây ra những thiếu sót và cảm xúc không tốt cho cả Bé và Ba Mẹ. Vậy nên không chỉ Bé, mà Ba Mẹ cũng hãy học cách chuẩn bị thật tốt sức khỏe, tinh thần và hành trang để đưa Bé đến trường thật vui vẻ, thuận lợi nhé!

Daisy Home Preschool

Lòng tự trọng là sự yêu thích, tin tưởng bản thân, và sự hiểu biết về giá trị của bản thân. Lòng tự trọng có thể được hình thành ngay từ khi Bé còn nhỏ và phát triển chậm theo thời gian. Nó có thể bắt đầu đơn giản khi Bé cảm thấy an toàn, được yêu thương, được chấp nhận bởi gia đình và mọi người xung quanh.

Khi có lòng tự trọng, Bé sẽ tự tin để:

  • Thử những điều mới và thử lại nếu chưa thành công.
  • Không ngại đối diện với nỗi sợ và thách thức.

Càng nhiều lần thử và sai, Bé sẽ càng học hỏi và trưởng thành tốt hơn. Điều này giúp Bé thể hiện tốt các việc ở trường, ở nhà, và cả khi vui chơi với bạn bè. Ngược lại, Bé dễ trở nên nhút nhát, tự ti, dễ bị tác động bởi lời nói của người khác. Vì thiếu lòng tin vào bản thân, Bé có thể hoài nghi về năng lực của mình, từ đó thiếu chính kiến và thiếu kiên định khi gặp khó khăn.

Với tầm quan trọng như thế, Daisy Home gợi ý một số cách để Ba Mẹ có thể nuôi dưỡng lòng tự trọng của Bé mỗi ngày:

  • Cho Bé quyền quyết định trong những tình huống đơn giản: Ba Mẹ hãy để Bé tự lựa chọn đồ chơi, trang phục, thức ăn mình muốn trong phạm vi an toàn.
  • Cho Bé cơ hội nói “không”: Trong những tình huống phù hợp, nếu Bé từ chối một yêu cầu, Ba Mẹ có thể để Bé làm theo ý muốn. Khi đó, Bé có thể tự học từ những hành động, quyết định của mình.
  • Cho Bé tự do khám phá: Ba Mẹ hãy để Bé tự do khám phá môi trường xung quanh, nhưng nhớ quan sát Bé và phản hồi, hỗ trợ khi cần.
  • Tôn trọng tiếng nói và nỗ lực của Bé: Ba Mẹ cần lắng nghe quan điểm của Bé và ghi nhận, khen ngợi các nỗ lực của Bé thay vì chỉ tập trung vào kết quả (thắng hoặc thua).

Lòng tự trọng là một thành tố quan trọng, giúp Bé vượt qua những khó khăn, thách thức trong quá trình khôn lớn và trưởng thành. Ba Mẹ hãy luôn yêu thương, ghi nhận Bé đúng cách để Bé luôn tự tin và hạnh phúc trong cuộc sống nhé!

Daisy Home Preschool

Bé đến tuổi tập đi, hay vui chơi chạy nhảy thì sẽ không thể tránh khỏi những vấp ngã làm Ba Mẹ lo lắng. Với tình yêu thương và bản năng bảo vệ, Ba Mẹ thường vội vã chạy đến dỗ dành mỗi khi bé vấp ngã, kèm theo đó là những câu xoa dịu, “đánh chừa” nhằm an ủi để Bé nín khóc. Tuy nhiên, những hành động đó của Ba Mẹ sẽ vô tình gieo vào Bé thói quen dựa dẫm, đổ lỗi cho một đối tượng khác thay vì tự lập và chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

Vậy, Ba Mẹ nên làm thế nào là tốt nhất khi Bé bị vấp ngã?

  • Đầu tiên, Ba Mẹ cần quan sát mức độ nghiêm trọng của cú ngã. Nếu Bé không tự đứng dậy được, hãy đưa Bé đến nơi an toàn để quan sát khắp người xem vết thương ra sao để có cách xử lý kịp thời. Thông thường, khi Bé ngã về phía trước sẽ ít nguy hiểm hơn những cú đập đầu về phía sau.
  • Nếu cú ngã không để lại vết thương chảy máu, Bé ngã trên mặt đất phẳng thì thường không để lại vấn đề gì lớn. Ba Mẹ không nên quá hốt hoảng, hãy tập trung vào Bé và động viên Bé tự đứng dậy, hỏi xem Bé khó chịu hay đau chỗ nào. Đồng thời, Ba Mẹ hãy “khéo xoa” bằng lời nói nhẹ nhàng nhưng cứng rắn “Con chú ý (hoặc cẩn thận) hơn thì sẽ không bị ngã đau nữa nhé”. Đặc biệt, lúc này, không nên hỏi Bé “có đau không?”,”đau chỗ nào?”,”vì sao ngã?”,… Những câu hỏi dồn dập và trong âm lượng to, nhanh của Ba Mẹ sẽ làm bé thêm hoảng hốt, tội lỗi và ít chịu trách nhiệm.
  • Tuyệt đối không nên để người khác can thiệp vào việc này. Chẳng hạn, nếu Ba Mẹ áp dụng những cách trên nhưng ông bà lại áp dụng ngược lại (như chạy đến dỗ giành, xoa dịu…) thì sẽ phản tác dụng. Ông bà thường có xu hướng thương xót cháu hoặc chiều chuộng cháu quá mức, điều này, có thể dẫn đến những mâu thuẫn trong việc nuôi dạy Bé. Ba Mẹ hãy giải thích cho ông bà hiểu nếu làm như vậy Bé sẽ khóc và có xu hướng tìm đến ông bà để dựa dẫm hoặc ăn vạ. Ngoài ra, Ba Mẹ nên thảo luận và thống nhất cách giáo dục Bé với ông bà để tránh xảy ra mâu thuẫn do những khoảng cách về thế hệ.

Những bước đi đầu vẫn còn nhiều vấp ngã và vụng về sẽ khiến Ba Mẹ lo lắng, thương xót và muốn bảo bọc con. Tuy nhiên, Ba Mẹ hoàn toàn có thể giúp Bé “tự đứng lên” để phát triển những tính cách tốt đẹp trong tương lai.

Vậy nên, thay vì chở che Bé quá mức, Ba Mẹ hãy cho Bé quyền được vấp ngã và rồi học cách tự đứng dậy. Việc này sẽ giúp cho Bé biết cách tự lập sớm, trưởng thành và sống có trách nhiệm với sự đồng hành của Ba Mẹ nhé!

Daisy Home Preschool

Các Ba Mẹ có biết? Theo thống kê của Hiệp hội Quốc gia Phòng Chống Bạo hành trẻ em (NSPCC), cứ 4 bé gái đến 10 tuổi thì có 1 bé gái bị xâm hại tình dục và cứ 6 bé trai đến 10 tuổi thì có 1 bé bị xâm hại tình dục. Theo thống kê của Bộ Công An trong 9 tháng đầu năm 2022, cả nước phát hiện 1.711 vụ xâm hại trẻ em, điều đáng báo động hơn trong số đó nhiều nạn nhân vẫn còn ở độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi. Vậy làm thế nào để trẻ ở độ tuổi này có các kỹ năng bảo vệ bản thân cũng như khả năng phòng tránh xâm hại?

Theo các chuyên gia, ba mẹ nên giáo dục giới tính cho con mình càng sớm càng tốt, tùy theo độ tuổi, trẻ sẽ được dạy những kiến thức và kỹ năng khác nhau. Cùng Daisy Home tìm hiểu những vấn đề về giới tính ba mẹ nên dạy trẻ từ 2 đến 5 tuổi để tự bảo vệ bản con khỏi các nguy cơ xâm hại:

  • Ba Mẹ dạy trẻ biết cách nhận biết và gọi tên các vùng riêng tư trên cơ thể bao gồm miệng, ngực, vùng giữa hai đùi, mông. Đặc biệt, Ba Mẹ và Bé cần có quy tắc chung về vùng riêng tư, ai sẽ là người được chạm và ai là người không được chạm vào vùng đó của con.

Ví dụ lúc tắm hoặc khi giúp con mặc quần áo là thời điểm tốt để bạn giới thiệu tên của các bộ phận cơ thể, giúp Bé phân biệt sự khác nhau giữa nam và nữ. Lưu ý: Ba Mẹ nên dùng các từ ngữ chỉ các bộ phận liên quan đến hệ sinh dục một cách chính xác. Mặc dù Ba Mẹ vẫn có thể dùng những tên gọi dễ thương khi nói với trẻ về những bộ phận nhạy cảm, nhưng chúng ta nên dùng tên chính xác thì tốt hơn. Vì việc này sẽ giúp trẻ truyền đạt được những vấn đề liên quan đến sức khỏe và thương tích nếu có.

  • Độ tuổi 2-5 tuổi cũng là độ tuổi mà trẻ có thể thắc mắc về việc em bé được tạo thành và sinh ra như thế nào. Khi nhận được câu hỏi của trẻ về việc con được sinh ra như thế nào, Ba Mẹ không nên tránh né bằng những câu trả lời như từ nách, từ lỗ rốn, nhặt ngoài thùng rác,… Thay vào đó có thể cho con xem phim khoa học về hành trình của một chú “nòng nọc“ đi tìm trứng. Sau đó là sự hình thành của một em bé trong bụng mẹ, tiếp đến là em bé sinh ra đời và lớn lên hoặc Ba Mẹ có thể nói thêm với trẻ ví dụ: “Hai người lớn yêu thương nhau sẽ chia sẻ tinh trùng và trứng để tạo nên em bé, hoặc đôi khi là nhận tinh trùng và trứng từ người khác.” Việc đề cập chi tiết cách tinh trùng và trứng gặp nhau bạn có thể cho trẻ biết sau, vì tuổi này trẻ chưa hiểu. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là Ba Mẹ không nên nói dối, và phải trả lời câu hỏi của trẻ một cách nghiêm túc, không nên từ chối hay lảng tránh.
  • Ba Mẹ nên dạy cho trẻ hiểu được các ranh giới, cũng như điều gì là phù hợp khi nói đến việc chạm vào người khác, hay bị người khác chạm vào. Đây là một điều rất quan trọng mà trẻ cần học, để ý thức được những gì là đụng chạm bất thường, cũng như thế nào là đụng chạm một cách chừng mực và lịch sự. Khi dạy trẻ hiểu rõ vấn đề này, bạn sẽ giúp con đề phòng, hoặc hạn chế được những rủi ro về tình trạng quấy rối xung quanh trẻ.
  • Ba Mẹ có thể tham khảo Quy tắc 5 ngón tay – bài hát “5 ngón tay xinh” (Kênh Truyền hình Giáo dục Quốc gia VTV7) – hay còn gọi là quy tắc bàn tay giao tiếp để giáo dục giới tính cho trẻ mầm non, giúp trẻ có thể tự bảo vệ bản thân và phòng tránh xâm hại
  • Dạy trẻ biết rằng cơ thể con người rất thông minh và sẽ cho chúng ta biết khi nào có điều bất thường và “không an toàn” như cảm giác tim đập nhanh hoặc đau bụng… Để làm được điều này ba mẹ cần phải rất tinh tế trong việc nhận biết cảm xúc qua các hành động cử chỉ của con, như khi con cảm thấy khó chịu, không thoải mái, đau ở đó đâu đó và khuyến khích trẻ chia sẻ về cảm xúc của mình từ sớm, khi ấy, trẻ sẽ dễ dàng chia sẻ với người lớn hơn khi con cảm thấy “an toàn” và “không an toàn”.
  • Tập cho con biết cách tránh xa, cự tuyệt những kẻ xấu. Khi cảm thấy ở tình huống không an toàn, con phải vùng vẫy, bỏ chạy tới nơi có nhiều người, vừa chạy vừa hét thật to “CỨU CON VỚI” để đánh động mọi người xung quanh biết rằng bé đang gặp nguy hiểm, cần sự giúp đỡ. Khi gặp những kẻ xấu đó, con cần phải chạy đến gặp bố mẹ, người mà con tin tưởng đang có mặt tại đó và kể lại tất cả mọi việc về kẻ xấu đó để bố mẹ và mọi người có thể giúp con.
  • Giúp con lựa chọn và liệt kê 3-5 người lớn mà con tin tưởng nhất, là nơi con có thể chia sẻ bất kỳ điều gì con lo lắng.

Giáo dục giới tính là một vấn đề rất quan trọng, vậy nên các ba mẹ không nên lơ là và chủ quan mà hãy giáo dục giới tính cho các bạn nhỏ nhà mình càng sớm càng tốt bằng việc áp dụng những cách hướng dẫn, trò chuyện phù hợp với độ tuổi của con bố mẹ nhé!

Daisy Home Preschool