“Thật dễ dàng để yêu thương và chấp nhận một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương một ai đó khác mình thực sự rất khó khăn”.

Trên đây là một trong những trích dẫn nổi tiếng của Chuyện con mèo dạy hải âu bay của nhà văn Chile Luis Sepúlveda. Câu chuyện về hành trình đầy nỗ lực của chú mèo Zorba để hoàn thành lời hứa với cô hải âu Kengah: “Không ăn quả trứng. Chăm sóc cho tới khi nó nở. Dạy cho con hải âu bay”.

Nguồn hình ảnh: Sưu tầm

Cô hải âu Kengah bị nhấn chìm trong váng dầu – thứ chất thải nguy hiểm mà những con người xấu xa bí mật đổ ra đại dương. Với nỗ lực đầy tuyệt vọng, cô bay vào bến cảng Hamburg và rơi xuống ban công của con mèo mun, to đùng, mập ú Zorba. Trong phút cuối cuộc đời, cô sinh ra một quả trứng và con mèo mun hứa với cô sẽ thực hiện đúng những lời đã lời hứa, điều chừng như không tưởng với loài mèo.

Ngay sau đó, những lời hứa của Zorba đã trở thành trách nhiệm của toàn bộ mèo trên bến cảng, từ ngài mèo Đại Tá đầy uy tín, mèo Secretario nhanh nhảu đến mèo Einstein uyên bác và cả mèo Bốn Biển đầy kinh nghiệm đều quyết tâm hợp sức giúp nó hoàn thành trách nhiệm này. Bạn biết đấy, việc chăm sóc, dạy dỗ một con hải âu quả chẳng phải chuyện đùa với loài mèo, hàng trăm rắc rối nảy sinh và những kế hoạch được bàn bạc kỹ càng đã biến điều không tưởng ấy thành sự thật. Nhưng sau tất cả, chính lòng kiên nhẫn và sự đồng cảm, yêu thương chân thành đã tiếp thêm sức mạnh cho chú hải âu con hiểu rằng: “Chỉ những kẻ dám mới có thể bay”.

Khi nuôi dạy một đứa trẻ, chúng ta luôn nỗ lực để con được phát triển trong môi trường đủ đầy nhất về cả vật chất và tinh thần. Thế nhưng, đôi khi chính sự yêu thương không đúng cách lại vô tình trở thành những điều ám ảnh trong tâm trí, bởi con được bảo bọc quá nhiều đến nghẹt thở hoặc vì chúng ta mải miết kiếm tiền để cuộc sống tốt nhất về vật chất mà quên việc phải dành thời gian ở bên cạnh con.

Lucky vốn dĩ là một cô hải âu, nếu không có sự đồng hành của Zorba và những người bạn mèo khác tại bến cảng thì có lẽ nó vẫn sẽ học được cách đập cánh, bay lên. Một đứa trẻ sẽ lớn lên và học mọi thứ rất nhanh dù có chúng ta bên cạnh hay không. Tuy nhiên, những điều Zorba đã làm cho Lucky không đơn thuần dành tặng con bé kỹ năng bay, mà chính sự ấm áp và chân tình trong cách dạy dỗ.

  • Zorba kiên nhẫn dạy Lucky quý trọng những điều nhỏ bé xung quanh: “Trong cuộc đời, con sẽ có rất nhiều lý do để hạnh phúc. Một trong những thứ đó là nước, thứ khác là gió, thứ khác nữa là mặt trời, và đó luôn là món quà đến sau những cơn mưa. Hãy cảm nhận mưa đi. Dang đôi cánh của con đi.” Không phải chỉ khi nhìn lên cao mới thấy điều to lớn, bởi lúc quan sát kỹ hơn mọi thứ ta sẽ dễ dàng bắt gặp những hạnh phúc nhỏ nhoi luôn len lỏi trong cuộc sống này. Bài học này sẽ giúp con trở nên tinh tế và tích cực hơn khi cư xử với mọi người, cũng thêm trân trọng bản thân mình.
  • Là một chú mèo, Zorba có thể sẽ không đủ lý lẽ để giải thích cặn kẽ với một con hải âu về tầm quan trọng của việc học bay và chú cũng không cố ép cô bé tin vào điều này. “Với bản tính kiên nhẫn của loài mèo, chúng chờ cho con hải âu tự nói lên mong ước được bay lượn, bởi có một câu châm ngôn truyền đời đã dạy chúng rằng bay lượn là một quyết định hoàn toàn cá nhân.” Con trẻ cũng cần có quyền được quyết định, vậy nên người lớn thay vì áp đặt hãy để con được đưa ra ý kiến, điều ta cần làm là dạy con phải có trách nhiệm với những lựa chọn của mình.
  • Cuối cùng, bài học lớn nhất mà Zorba đã dành tặng cho Lucky sau khi cô hải âu có thể bay chính là tình yêu thương không phân biệt. “Tất cả chúng ta đều yêu con, Lucky. Và chúng ta yêu con bởi vì con là một con hải âu. Một con hải âu xinh đẹp… Chúng ta đã không cứu được mẹ con, nhưng chúng ta có thể giúp con. Chúng ta đã bảo vệ con từ khoảnh khắc con mổ vỡ lớp vỏ trứng ra đời. Chúng ta đã dành cho con sự chăm sóc mà không hề nghĩ tới việc biến con trở thành một con mèo. Chúng ta yêu con như yêu một con hải âu. Chúng ta cảm thấy con cũng yêu chúng ta như vậy, chúng ta là bạn con, là gia đình của con, và chúng ta muốn con biết rằng nhờ con, chúng ta đã học được một điều đáng tự hào: chúng ta học được cách trân trọng, quý mến và yêu thương một kẻ không giống chúng ta!”

Giống như cách Zorba chăm sóc cho Lucky, chúng ta luôn cần rất nhiều nỗ lực để chăm sóc một đứa trẻ, nhưng cách tốt nhất vẫn là để con được tự do khám phá và chọn lựa trong môi trường đủ đầy tình yêu thương.

Daisy Home Preschool

“Charlotte và Wilbur” là một cuốn sách thiếu nhi kinh điển về tình bạn viết bởi E.B. White và được xuất bản lần đầu vào năm 1952. Câu chuyện tập trung vào một con heo tên là Wilbur và một con nhện tên là Charlotte. 

Wilbur, chú lợn xuân cứ đinh ninh mình sẽ vui hưởng thái bình mãi trong trang trại nhà Zuckerman, thế nên, chú tưởng như phát cuồng lên được khi biết rằng người ta sẽ giết thịt chú khi mùa đông tới. Mọi hy vọng của chú, giờ đây, chỉ còn biết đổ dồn vào Charlotte, chị nhện xám vẫn tĩnh tại giăng mắc ở trên chuồng lợn…

Nguồn hình ảnh: Sưu tầm

Charlotte quyết định giúp Wilbur thoát khỏi số phận buồn tẻ của một con heo chăn nuôi bằng cách viết những câu chữ trên một cái lưới của mình. Những từ mà Charlotte viết trên lưới, như “Some Pig” (Một số con heo), “Terrific” (Tuyệt vời) và “Radiant” (Tỏa sáng), thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh và khiến Wilbur trở nên nổi tiếng, chính việc này đã giúp lại mạng sống của Wilbur. Sau khi Charlotte không còn nữa, Wilbur đã giúp cô chăm sóc những chú nhện con mới nở như lời cảm ơn vì tất cả mọi điều cô làm.

Thông qua tình bạn đáng quý này, chúng ta có thể giúp trẻ hiểu được rằng tình yêu thương và sự tử tế là một phần rất quan trọng trong hành trình lớn lên của con, bởi những điều đó sẽ có thể giúp ai đó tốt hơn. Cha mẹ có thể cùng con nuôi dưỡng hạt giống này bằng một số gợi ý nho nhỏ như: 

  • Nuôi dưỡng tình bạn và lòng trung thành: Để con hiểu hơn về tầm quan trọng của sự kết nối với mọi người xung quanh, cha mẹ có thể bắt đầu bằng việc đối xử nhẹ nhàng, chia sẻ và giúp đỡ người khác. Từ tấm gương của cha mẹ, ta có thể khuyến khích con hỗ trợ những bạn trong lớp, chia sẻ kiến thức hoặc đứng về phía người cần giúp đỡ như cách Charlotte đã làm với Wilbur.
  • Nuôi dưỡng sự tự tin: Charlotte đã rất nỗ lực viết những điểm tốt của Wilbur lên lưới để mọi người biết. Điều này chứng tỏ mỗi người đều là một cá thể đặc biệt, có giá trị riêng vậy nên hãy thử khuyến khích con tự do thể hiện cá tính bản thân và bộc lộ khả năng của mình.
  • Nuôi dưỡng sự yêu thương: Cuộc sống của Wilbur đã hoàn toàn thay đổi nhờ có sự quan tâm và chăm sóc từ cô bé Fern cũng như Charlotte. Vậy nên hãy khuyến khích con thể hiện sự quan tâm và chu đáo với những người xung quanh và cả động vật. Việc tham gia vào các hoạt động thiện nguyện cũng là một cách tốt để con biểu đạt tình thương và sự san sẻ với cuộc sống của người khó khăn hơn.
  • Nuôi dưỡng sự can đảm: Khi Charlotte qua đời, Wilbur đã phải học cách đối diện với sự mất mát để tiếp tục sống và chăm sóc cho những đứa con của cô ấy. Cha mẹ có thể kể với con những điều tương tự để trẻ biết rõ hơn và chấp nhận sự thay đổi. Hãy để con hiểu rằng cha mẹ sẽ luôn ở bên cạnh hỗ trợ, nhưng đến một thời điểm nhất định nào đó chính trẻ phải can đảm giải quyết những vấn đề không như ý trong cuộc sống này.

Một trong những hành trang quý giá nhất mà người lớn có thể dành cho trẻ chính là tình yêu thương. Vậy nên hãy chú ý việc tạo ra một môi trường có đủ sự ủng hộ và đồng hành để giúp con thêm trân trọng bản thân, đồng thời cũng biết lan tỏa sự tử tế đến mọi người xung quanh.

Daisy Home Preschool

“Mẹ ơi, đáng lẽ con không nên được sinh ra trên đời này”, đó là câu nói được thốt ra từ một đứa trẻ chỉ mới 5 tuổi –  Zezé, trong cuốn tiểu thuyết Cây cam ngọt của tôi.

Zezé sinh ra trong gia đình mà mọi người luôn tìm cớ trút sự bực tức lên người em vì những trò nghịch ngợm của em – một cậu bé 5 tuổi. 

Nguồn hình ảnh: Sưu tầm

Thỉnh thoảng họ quên mất rằng chính bởi những điều đó đã vô tình biến em thành đứa trẻ lớn nhanh. Mới 5 tuổi em đã biết đọc, biết chăm em, biết đi đánh giày vào ngày Giáng sinh để mua quà tặng cho cha và em có những suy nghĩ rất trưởng thành. Đồng thời, em lại nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng hơn những đứa trẻ cùng tuổi. 

Một đứa trẻ nhạy cảm nghĩa là? Những đứa trẻ với độ nhạy cảm cao không chỉ thể hiện sự sáng tạo, nhận thức và cởi mở hơn, mà chúng còn có một phẩm chất ít được chú ý, đó là sự đồng cảm. Tâm hồn nhạy cảm của Zezé không được những người lớn khắc khổ xung quanh thấu hiểu, chỉ biết quanh quẩn với nỗi tự ti rằng mình là đứa trẻ xấu xa và trút bầu tâm sự với cây cam nhỏ sau nhà.

Vậy nếu là người cha kia, thì ta có thể làm gì để an ủi sự nhạy cảm ấy?

Thay vì luôn lớn tiếng ra lệnh, hãy thử để con được bày tỏ cảm xúc của mình và lắng nghe con.

Thay vì dùng đòn roi khi con phạm lỗi, hãy thử để trẻ hiểu được phần thiếu sót và giúp các em sửa chữa nó từng chút một.

Thay vì để con tự lớn, hãy chậm rãi chấp nhận, hướng dẫn con cách điều tiết cảm xúc, xoa dịu con bằng sự khen thưởng đúng lúc và hiện diện khi con bộc phát cơn giận.

Những đứa trẻ như Zezé thường được gắn mác là “hiểu chuyện” và điều này làm chúng ta dễ lãng quên việc các em cũng cần nhận được sự quan tâm, bảo ban đúng với lứa tuổi của mình. Chỉ tiếc Zezé không nhận được những điều đó, đến mức phải lựa chọn “giết chết cha trong tim mình” và chọn cây cam ngọt làm bạn. Vậy nên, mong bạn đừng phớt lờ sự nhạy cảm của trẻ mà hãy dùng thật nhiều dịu dàng và tình yêu thương để lấp đầy tâm hồn non nớt ấy.

Daisy Home Preschool

Totto-chan bên cửa sổ” là cuốn tự truyện của nữ nhà văn Nhật Bản Kuroyanagi Tetsuko, kể về tuổi thơ của bà cùng các bạn khi được học ở ngôi trường Tiểu học Tomoe. Trước khi được chuyển đến học tại đây, Totto-chan đã bị đuổi khỏi trường Akamatsu, nơi mà em bị xem là học sinh cá biệt, chỉ biết quậy phá và thường xuyên bị cô giáo phạt. 

Thế nhưng, khi được chuyển đến Tomoe học cùng thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku thì quãng thời gian sau đó lại trở thành ký ức đẹp không thể quên trong cuộc đời cô bé. Chính Tomoe đã tạo ra bước ngoặt lớn trong cuộc đời của nữ nhà văn, đúng như lời tâm sự: Nếu không được gặp thầy Kobayashi, có lẽ tôi đã là một người mang đầy mặc cảm tự ti với cái mác “đứa trẻ hư” mà mọi người gán cho”.

Nguồn hình ảnh: Sưu tầm

Vậy sự thật thì thầy Kobayashi đã thay đổi cuộc đời bà và các bạn như thế nào? Thầy đã dùng tất cả tình yêu thương và sự chân thành để giúp các bạn tin rằng mình đang được lắng nghe, trân trọng, bản thân mỗi trò là điều quý giá nhất. Những điều đó thể hiện rất rõ qua sự động viên, khích lệ mà thầy đã trao đi.

Tất cả chúng ta đều hiểu rằng, lời nói của người lớn có tác động rất lớn đến sự phát triển tâm lý trẻ. Do vậy người lớn hãy để ý hơn đến những phát ngôn của mình, không chỉ trong giao tiếp với trẻ mà còn trong hoạt động sống hằng ngày để tránh gây tổn thương không mong muốn. 

Bởi giống hầu hết người lớn, trẻ em cũng rất cần những lời động viên, an ủi khi trẻ gặp khó khăn hay buồn chán. Khi mệt mỏi trẻ cần điểm tựa, ba mẹ nên làm động lực cho con phấn đấu. Có thể con còn chưa ngoan, chưa cố gắng hết sức để thực hiện điều gì, hay đôi lúc thấy nản lòng. Khi nghe được những lời động viên, an ủi của ba mẹ như “Con ngoan lắm!”, “Con đã cố gắng nhiều rồi!”, “Con mẹ mạnh mẽ quá! Thêm một chút nữa thôi là thành công rồi. Đứng lên cùng mẹ nào!”, “Con được việc quá!”… trẻ có thêm niềm tin để đứng dậy sau vấp ngã, giúp em vơi bớt nỗi buồn. Đừng nên làm ngơ khi thấy trẻ khóc, trẻ cũng có tâm trạng giống như người lớn thậm chí còn rất nhạy cảm. Các em dễ bị tổn thương và người lớn hoàn toàn giúp trẻ chữa lành những vết thương đó bằng những lời nói, cử chỉ ân cần.

Ở Tomoe cũng có một vài bạn khuyết tật theo học, các bạn nhỏ nhận được sự quan tâm đặc biệt từ thầy cô giáo trong trường. Để giúp các em vượt lên mặc cảm ban đầu là một quá trình dài. Thầy Kobayashi đã nghĩ ra nhiều trò chơi tập thể phù hợp với học sinh khuyết tật để thu hút các em tham gia, đồng thời tạo sự gắn kết giữa các em nhỏ với nhau. Điều khiến nhiều người không ngờ tới, quán quân trong tất cả các kỳ Đại hội thể thao của trường tiểu học Tomoe chính là Takahashi-kun cậu bé với đôi chân vòng kiềng, rất ngắn. Cũng có đôi lần Takahashi-kun muốn bỏ cuộc, những lúc như vậy thầy Kobayashi lại đến bên động viên: “Không sao đâu! Em sẽ làm được! Nhất định sẽ làm được!” điều đó đã giúp cậu bé tự tin hơn, lần lượt giành chiến thắng trong tất cả các trò chơi ở trường. Không những vậy, lời động viên của thầy đã giúp Takahashi-kun vững bước hơn trên những chặng đường sau này. Nếu tự ti, hẳn Takahashi-kun khó mà học lên được cấp III cũng như đại học, và khi trưởng thành khó có được vị trí cán bộ tư vấn tâm lý “người giữ sự yên bình cho mọi người”.

Còn đối với cô bé Totto-chan hiếu động “quả thật không thể đo đếm được câu nói mà thầy luôn nói với tôi “Em thật là một cô bé ngoan” đã nâng đỡ tôi thế nào để tôi có được ngày hôm nay. Nếu không học ở Tomoe, không gặp được thầy Kobayashi, có lẽ tôi đã là một người mang đầy mặc cảm tự ti với cái mác “đứa bé hư” mà mọi người đã gán cho”. 

Đôi khi một lời nói cũng có thể thay đổi suy nghĩ, hành động thậm chí cả cuộc đời một đứa trẻ. Vậy nên, người lớn ơi, thỉnh thoảng đừng tiếc lời khen ngợi, động viên để tiếp thêm động lực niềm tin cho trẻ vững bước nhé!

Daisy Home Preschool