Đã bao giờ Ba Mẹ gặp phải trường hợp Bé đòi Ba Mẹ nghỉ làm để ở nhà chơi với Bé chưa?
Đã bao giờ Bé nói với Ba Mẹ rằng, Bé không thích Ba Mẹ đi làm chưa?

Giải thích về ý nghĩa của việc đi làm với Bé là một việc phức tạp và nhạy cảm. Tuy nhiên, gạt đi cảm xúc, hoặc trả lời qua loa cũng không thể giải quyết vấn đề. Thế thì, để hòa thuận cùng Bé, Ba Mẹ hãy thử tham khảo những gợi ý sau nhé.

1. Dành thời gian cho Bé: ít nhưng chất lượng

Bé giận dỗi vì Ba Mẹ đi làm không có nghĩa là Bé không thích Ba Mẹ đi làm. Đây là biểu hiện để Ba Mẹ thấy rằng, Bé đang thiếu sự quan tâm từ Ba Mẹ. Thế nên khi gặp tình huống này, Ba Mẹ cần nghiêm túc ngồi lại đánh giá thời gian dành cho con của mình.

  • Trong ngày, vào những thời gian sinh hoạt chung, Ba Mẹ có thật sự dành thời gian để sinh hoạt chung chưa? Ba Mẹ có đang vừa ăn vừa làm việc không? Ba Mẹ có sử dụng điện thoại lúc cả nhà cùng ngồi trò chuyện không?
  • Khi Bé trò chuyện, Ba Mẹ có thực sự lắng nghe và phản hồi phù hợp chưa? Ba Mẹ có gạt đi những câu hỏi của Bé chỉ vì đang bận, và không có một lời hứa hẹn nào sau đó? Ba Mẹ có vừa nghe Bé kể, vừa làm việc khác, gây mất tập trung không?
  • Ba Mẹ có dành những thời gian nhỏ, vào lúc Bé vừa thức dậy, hay trước lúc Bé đi ngủ không?
  • Ba Mẹ có buổi đi chơi cuối tuần, hay cuối tháng với Bé chưa?

Dù công việc bận đến mấy, nhưng nếu Ba Mẹ có thể trao đổi và thay phiên nhau quan tâm Bé, thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng.

  • Hãy thay phiên nhau gọi Bé dậy vào mỗi sáng, đưa Bé ngủ vào mỗi tối.
  • Hãy cùng nhau ăn một bữa thật trọn vẹn, để tâm vào câu chuyện mà Bé kể.
  • Hãy thay phiên nhau đưa Bé đi chơi vào cuối tuần.
  • Hãy cùng nhau đưa Bé về nhà ông bà vào mỗi dịp lễ.

Ba Mẹ hãy thử dành ra một khoảng thời gian tuy ít, nhưng thật chất lượng với Bé; và hãy đan xen những hoạt động nhỏ hàng ngày, với những buổi đi chơi lớn khi có dịp nhé.

2. Tạo hoạt động chất lượng cho Bé:

Cô đơn không chỉ đến từ việc thiếu sự quan tâm, chăm sóc, mà còn có thể đến từ việc thiếu khả năng độc lập, thiếu hoạt động cá nhân. Càng lớn, Bé càng cần nâng cao tính độc lập cũng như sự mạnh dạn thử nghiệm, kết giao. Chính vì vậy, bên cạnh việc quan tâm, chăm sóc, Ba Mẹ hãy tạo điều kiện để Bé được tự học tập, vui chơi nhiều hơn.

  • Với những Bé nhỏ tuổi, Ba Mẹ có thể cho Bé tham gia những lớp học liên quan đến khám phá, thủ công đơn giản, hoặc tiếp xúc với tự nhiên.
  • Với những Bé lớn hơn, Ba Mẹ có thể cho Bé học những môn năng khiếu, tư duy.
  • Hoặc với những Bé đã có sở thích rõ ràng, Ba Mẹ có thể cho Bé đến trung tâm học chính xác bộ môn đó, hoặc đăng ký thầy cô giáo đến dạy tại nhà.
  • Nếu có ông bà phụ chăm Bé, Ba Mẹ hãy chuẩn bị các dụng cụ học tập, bộ trò chơi mà Bé thích, để Bé có thể dành thời gian mày mò, khám phá chúng dưới sự hướng dẫn, quan tâm của ông bà.

Sắp xếp lịch trình để Bé tự sinh hoạt, vui chơi phù hợp là một cách để Bé chuyển hướng quan tâm, giảm đòi sự hiện diện của Ba Mẹ. Ba Mẹ hãy cân nhắc để chọn hoạt động phù hợp, và cân bằng thời gian tự học, tự vui chơi, với thời gian sinh hoạt chung nhé.

3. Giải thích về vai trò của công việc trong cuộc sống

Sau hết, trò chuyện để thấu hiểu vẫn là cách tốt nhất để kết nối mọi người với nhau. Giải thích về việc đi làm với một vài gợi ý sau đây:

  • Ba Mẹ có thể giải thích đơn giản, rằng ai cũng có việc cần làm. Người lớn đi làm cùng giống như trẻ con muốn vẽ hoặc hát vậy. Tuy nhiên, công việc của người lớn sẽ chuyên nghiệp hơn, nên nó có thể giúp người lớn mang lại giá trị cho người khác.
  • Ba Mẹ cũng có thể giải thích theo hướng vai trò và giai đoạn của mỗi người trong gia đình. Vì Bé còn nhỏ nên việc chính của Bé là học tập để phát triển tối ưu; vì Ba Mẹ đã lớn nên việc chính của Ba Mẹ là làm tốt việc của mình, trao đổi giá trị để phát triển gia đình, phát triển xã hội; vì ông bà đã lớn tuổi, và đã xong vai trò xây dựng gia đình, xã hội, nên ông bà sẽ nghỉ ngơi nhiều hơn, và giúp đỡ con cháu có những quyết định và bước phát triển đúng đắn hơn.
  • Khi Bé đã có nhiều hiểu biết hơn, Ba Mẹ có thể bắt đầu giải thích với Bé về nguồn gốc và ý nghĩa của tiền, giúp Bé hiểu rằng tiền là một công cụ trung gian, giúp mọi người tin tưởng và trao đổi giá trị với nhau.

Tùy giai đoạn của Bé và triết lý giáo dục mà Ba Mẹ có thể chọn giải thích phù hợp nhất. Khi được lắng nghe và giải thích như vậy, dù chưa hiểu thì Bé vẫn sẽ cảm nhận được sự quan tâm của Ba Mẹ.

Bên cạnh vật chất, thì tình cảm từ Ba Mẹ cũng vô cùng quan trọng với Bé. Dù bận rộn với công việc hay cuộc sống cá nhân đến mấy, thì quan tâm, chăm sóc Bé vẫn là nghĩa vụ của Ba Mẹ. Và chuyện dù khó đến đâu, thì cũng sẽ có cách giải quyết. Daisy tin rằng, bằng tình yêu vô điều kiện, Ba Mẹ sẽ luôn có cách quan tâm và chăm sóc con phù hợp nhất.

Daisy Home Preschool

Nhập vai, hay còn gọi là đóng vai, là một trong những trò chơi phổ biến nhất đối với trẻ. Ngay cả khi Ba Mẹ không hướng dẫn, thì với bản năng học theo, bắt chước, Bé sẽ tự hình thành bối cảnh và xác định vai diễn cho chính mình. Vì vậy, nếu có thể dành thời gian tham gia trò chơi nhập vai cùng Bé, thì ngoài việc có thể gần gũi, kết nối hơn với Bé, Ba Mẹ còn có thể quan sát được nhiều điều thú vị, cần thiết cho định hướng giáo dục trong tương lai.

Trong bài viết này, hãy cùng Daisy đi qua một vài điểm chính giúp Bố Mẹ tận dụng trò chơi đơn giản này để giáo dục và kết nối với Bé nhé!

1. Tính chất của trò chơi nhập vai

Nhập vai là trò chơi mà những người tham gia đóng giả thành một vai khác, hoặc hành động trong một bối cảnh tưởng tượng. Trò chơi không chỉ giúp Bé hoạt động, giải trí, tăng khả năng tưởng tượng, mà còn giúp Bé hiểu hơn cách vận hành của một công việc, một môi trường, hay rộng hơn là của xã hội. Vì vậy, Ba Mẹ có thể thông qua trò chơi để hướng dẫn Bé cách ứng xử, giải quyết vấn đề, hoặc giúp Bé có một cái nhìn cơ bản về các ngành nghề, vai trò trong xã hội.

Một vài bối cảnh đặc biệt để Bé tập cách xử lý:

_ Khi gặp người lạ cho bánh kẹo hoặc rủ đi chơi

_ Khi bạn làm hư đồ của Bé

_ Khi ông bà nói hoặc làm điều Bé không thích

_ Khi Bé được giúp đỡ

_ Khi Bé đang buồn hoặc giận,…

Một vài công việc để Bé trải nghiệm:

_ Cô giáo

_ Bác sĩ

_ Người soát vé

_ Cảnh sát

_ Bán hàng

_ Ca sĩ,…

2. Tận dụng tối đa trò chơi nhập vai

Để tận dụng tối đa trò chơi, Ba Mẹ hãy cùng Bé nhập vai và để Bé đóng vai chính. Ở vai phụ, Ba Mẹ hãy tạo những bối cảnh, những vấn đề khác nhau để kích thích khả năng tưởng tượng và giải quyết vấn đề của Bé.

– Với trường hợp tưởng tượng bối cảnh: Ở lần giải quyết đầu tiên, hãy để Bé tự hành động, Ba Mẹ sẽ hiểu được cách mà Bé nghĩ, cũng như xu hướng giải quyết vấn đề của Bé. Từ đó, Ba Mẹ có thể đặt câu hỏi, hoặc chỉ ra những góc nhìn khác để Bé hiểu vấn đề hơn và có một cách giải quyết tốt hơn. Sau khi đã có cách tốt hơn, Ba Mẹ hãy cùng Bé đóng lại bối cảnh cũ để Bé được thực hành và ghi nhớ cách giải quyết vấn đề mới.

– Với trường hợp nhập vai nghề nghiệp: quan sát độ chăm chú và cách làm việc của Bé, Ba Mẹ sẽ biết được Bé hiểu và thích công việc đó ở mức nào. Từ đó, Ba Mẹ có thể giải thích thêm để Bé hiểu hơn, hoặc đặt ra nhiều trường hợp, nhiều câu hỏi hơn để Bé trải nghiệm sâu công việc mà Bé hứng thú.

3.Vài điều lưu ý

Với mục tiêu kết nối và giáo dục thông qua trò chơi, Ba Mẹ hãy lưu ý 3 điều sau

– Để kết nối hiệu quả, hãy tập trung, dành trọn vẹn thời gian cho Bé. Không dễ để Ba Mẹ có thời gian cùng Bé, và đây cũng chính là thời điểm để Bé cảm nhận được sự quan tâm, tình yêu thương, nên Ba Mẹ hãy sắp xếp và ưu tiên Bé trong quãng thời gian chơi này. Hạn chế vừa chơi vừa dùng điện thoại di động, hoặc vừa chơi vừa giải quyết công việc.

– Để hiểu suy nghĩ và hành vi của Bé, hãy thong thả quan sát và giải thích những điều Bé chưa hiểu, chưa đúng. Những suy nghĩ, hành động đầu tiên có thể chưa đúng, chưa tốt, và điều này là hoàn toàn bình thường. Để chúng diễn ra chính là cách để Ba Mẹ biết và giúp con điều chỉnh tốt hơn.

– Để tạo điều kiện tối ưu cho Bé, hãy chấp nhận sở thích và tính cách của Bé. Chấp nhận là bước đầu tiên để Ba Mẹ có thể đưa ra định hướng giáo dục phù hợp, giúp Bé phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm.

Tuy nhiên, không phải lúc nào trò chơi diễn ra cũng để Ba Mẹ quan sát và giáo dục. Ba Mẹ hãy cân bằng giữa mục tiêu chơi để vui, để dành thời gian cùng con với mục tiêu chơi để giáo dục nhé.

Daisy Home Preschool

Theo số liệu, cứ 10 bé được sinh ra thì sẽ có 1 bé thuận tay trái. Thế nên dù đa số mọi người đều thuận tay phải và các công cụ, thiết bị cũng thường được thiết kế cho tay phải tiện cầm nắm, thì thuận tay trái vẫn là một việc vô cùng bình thường. Tuy nhiên, thuận tay trái có thể sẽ mang lại một số bối rối và bất tiện cho bé. Ba Mẹ hãy chuẩn bị một số điều cơ bản sau để giúp bé tự tin và sinh hoạt dễ dàng hơn cùng sự khác biệt của mình nhé. 

1. Giải thích cho Bé về việc sự thuận tiện của tay phải cho một số kỹ năng 

Nếu Bé có thể sử dụng tay trái trong các hoạt động mà không gặp khó khăn, bất tiện nào (ví dụ như việc cầm muỗng, đũa, kéo…), thì Ba Mẹ hãy cứ để Bé thoải mái trải nghiệm, phát triển khả năng vận động theo cách của riêng Bé. Thế nhưng, khi tập viết, tay phải có khuynh hướng thuận tiện hơn vì cách thiết kế của dòng kẻ, vậy thì Ba Mẹ hãy chậm rãi giải thích và hướng dẫn để Bé sớm làm quen. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người có thể viết bằng tay trái nên Ba Mẹ đừng quá căng thẳng với mục đích này, quan trọng nhất vẫn là bé đón nhận việc học (tập đọc, tập viết,…) thật vui vẻ.

2. Chuẩn bị những công cụ, thiết bị thiết kế cho tay trái 

Dù luyện tập sẽ giúp bé sử dụng tay phải thuần thục hơn, nhưng được sử dụng tay trái – bên tay thuận hơn của Bé – sẽ giúp Bé hoạt động và phát triển tự nhiên, ít áp lực, căng thẳng hơn. Điều này sẽ mở ra sự tự tin, mạnh dạn trải nghiệm cho Bé. Chính vì vậy, khi biết Bé thuận tay trái, Ba Mẹ có thể chuẩn bị trước các vật dụng thiết kế phù hợp với tay trái để hỗ trợ tốt nhất cho bé. Hiện nay, các vật dụng cho người thuận tay trái đã phổ biến hơn, Ba Mẹ có thể dễ dàng tìm hiểu qua các công cụ tìm kiếm, hoặc các trang thương mại điện tử. 

3. Thông báo với giáo viên và những người chăm sóc để Bé không chịu những áp đặt không cần thiết. 

Không phải ai cũng sẵn sàng và cởi mở để chấp nhận việc trẻ con thuận tay trái. Điều này khiến họ vô thức áp đặt, thúc ép Bé thay đổi thói quen không cần thiết. Để tạo môi trường phát triển đủ tự do, an toàn cho Bé, Ba Mẹ hãy thông báo đến giáo viên và những người liên quan về việc Bé thuận tay trái. Ba Mẹ có thể nhắn chi tiết hơn về việc để Bé thoải mái dùng tay trái, chỉ hướng dẫn, nhắc nhở Bé dùng tay phải trong một số trường hợp cụ thể. Quan sát và tạo điều kiện để Bé tự tin phát triển là điều hết sức quan trọng. Ba Mẹ hãy thường xuyên để ý và tìm hiểu cách tối ưu nhất để giáo dục và hỗ trợ Bé. Dù Bé khác biệt như thế nào, thì chỉ cần có tình yêu thương và sự quan tâm lành mạnh, Ba Mẹ sẽ luôn tìm ra cách phù hợp.

Daisy Home Preschool

Đón chào thành viên mới vừa là một việc vui, vừa là một việc nhạy cảm cho mỗi người trong gia đình, đặc biệt là với Bé lớn. Vì vậy, Ba Mẹ hãy chuẩn bị kế hoạch cho cả Bé lớn, để tránh việc Bé bị bối rối, hoặc cảm thấy bị đối xử phân biệt, gây ảnh hưởng đến tâm lý. Cùng Daisy Home tìm hiểu một số thông tin hữu ích sau nhé!! 

1. Những việc cần chuẩn bị trước khi sinh em bé mới 

– Ba Mẹ cần lựa chọn thời điểm thích hợp để thông báo với Bé lớn về sự xuất hiện của em bé mới, về thời gian cụ thể em bé sẽ xuất hiện và việc có em bé là một chuyện hoàn toàn tự nhiên. 

– Hãy dành thời gian để cùng Bé lớn xem lại những hình ảnh lúc nhỏ, kể Bé nghe về những việc mà Ba Mẹ đã làm để chăm sóc lúc Bé vừa sinh ra; từ đó giáo dục và hình thành nhận thức cho Bé lớn về những việc Ba Mẹ phải làm khi có em bé mới. Việc này sẽ giúp Bé lớn dễ dàng cảm thông hơn khi Ba Mẹ không thể dành thời gian cho Bé nhiều như trước. 

– Song song với việc sắm sửa cho em bé mới, Ba Mẹ đừng quên mua cho Bé lớn một vài món quà nhỏ. Hành động nhỏ như vậy có thể giúp Bé lớn yên tâm rằng Ba Mẹ vẫn yêu thương và quan tâm mình. 

– Khi bụng mẹ bắt đầu lớn, hãy cho Bé lớn chầm chậm tiếp xúc, cảm nhận em bé trong bụng Mẹ. Ba Mẹ có thể đặt ra những câu hỏi, hoặc hướng dẫn Bé lớn trò chuyện để vun đắp tình yêu thương của Bé dành cho em bé mới. 

– Một việc quan trọng không kém, đó là Ba Mẹ hãy dần dần giúp Bé lớn tự lập hơn. Việc Bé lớn có ý thức tự lập không chỉ giúp Ba Mẹ bớt thời gian chăm sóc, mà còn giúp Bé chủ động, tự tin hơn khi tự mình sinh hoạt, hạn chế suy nghĩ Ba Mẹ giảm thời gian chăm sóc mình nghĩa là Ba Mẹ không thương mình. 

2.Những việc cần phải chuẩn bị sau khi em bé mới ra đời 

– Để giúp Bé lớn không cảm thấy bị lạc lõng, Ba Mẹ có thể phân công để thay phiên nhau quan tâm, chăm sóc hai Bé. Bên cạnh đó, hãy thiết lập những lịch cố định để cả nhà cùng sinh hoạt, gắn kết với nhau. 

– Khi có em bé mới, Bé lớn sẽ phải chủ động và độc lập hơn. Vì vậy, Ba Mẹ hãy động viên mỗi khi Bé tự làm được những việc mà trước kia phải có Ba Mẹ đốc thúc hay giúp đỡ.  

– Để tạo ra sự gần gũi, gắn kết giữa Bé lớn với em của mình, Ba Mẹ hãy hướng dẫn Bé lớn thực hiện một số việc chăm sóc em đơn giản: như ôm em, cài áo, đội mũ cho em, hay lấy bình sữa cho em… 

3. Một vài lưu ý cho Ba Mẹ. 

– Ba Mẹ không nên để Bé lớn kỳ vọng vào giới tính của em bé sắp sinh. Việc này có thể khiến Bé lớn thất vọng nếu em bé sinh ra không như mong đợi. Tệ hơn là Bé có thể cảm thấy chán ghét em của mình.

 – Nếu Bé lớn vẫn chưa đủ khả năng chăm sóc cho bản thân thì Ba Mẹ cần dành sự quan tâm đồng đều cho cả hai Bé để hạn chế hình thành lòng ganh tị bên trong Bé. Việc chuẩn bị cho Bé lớn khi Ba Mẹ sắp có em bé mới là điều hết sức quan trọng. Ba Mẹ cần có sự nhạy bén, thấu hiểu cùng những hành động cụ thể để giúp Bé luôn cảm thấy yên tâm về tình yêu thương mà mình nhận được. 

Hãy để việc chào đón thành viên mới thật sự là niềm vui chung của cả gia đình nhé!

Daisy Home Preschool

Các Ba Mẹ đang quan tâm, hoặc đang theo đuổi lối sống này có thể sẽ thắc mắc rằng, cho Bé ăn chay trường từ giai đoạn vàng thì có ảnh hưởng gì đến sự phát triển thể chất của Bé không?  Để giải đáp thắc mắc này, hãy cùng Daisy home tìm hiểu thêm một vài thông tin quan trọng nhé! 

1. Ăn chay một cách khoa học

Bé cần được đáp ứng đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất chính bao gồm: chất đạm, tinh bột, chất béo, vitamin & khoáng chất để giúp cơ thể được cung cấp đủ năng lượng, phát triển khỏe mạnh. Trong 4 nhóm dưỡng chất đó, có thể thấy chất đạm và chất béo sẽ dễ dàng tìm thấy trong các loại thịt, trứng, sữa. Tuy nhiên, nhiều loại thực vật đã được công nhận về hàm lượng chất đạm và chất béo, có thể thay thế cho đạm, béo từ động vật. 

  • Nguồn đạm thực vật: các loại hạt, đậu, rau có màu xanh đậm, gạo lứt, gạo nâu, sản phẩm từ đậu nành… 
  • Nguồn béo thực vật: Các loại hạt, trái bơ, dầu oliu, dầu dừa, sô cô la… 

Đảm bảo được nhu cầu dinh dưỡng của Bé là điều tiên quyết. Vì vậy, nếu chọn cho Bé ăn chay trường từ sớm, Ba Mẹ hãy tìm hiểu kỹ càng về nhu cầu dinh dưỡng cũng như những thực phẩm từ thực vật có thể thay thế cho động vật một cách khoa học. 

2. Lưu ý khi cho Bé ăn chay trường 

Các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật thường cung cấp ít năng lượng và được tiêu hóa nhanh, trong khi các Bé ở giai đoạn vàng thì rất năng động, nên Ba Mẹ hãy thường xuyên để tâm và bổ sung đầy đủ năng lượng cho Bé. Ba mẹ có thể chuẩn bị sẵn các món ăn vặt hoặc sữa thuần chay để Bé bổ sung vào các bữa giữa nhé. 

Ba Mẹ hãy lưu ý lựa chọn thực phẩm một cách khoa học và cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển và hoạt động thể chất của Bé nhé.

Daisy Home Preschool

Trà sữa đang là thức uống yêu thích của hầu hết mọi người, vì hương vị đa dạng, cảm giác thích thú khi uống chúng, đặc biệt là với các Bé. Vị ngọt, giao diện màu sắc và những topping vui miệng khiến các Bé nhanh chóng ghiền món này. Thế nhưng, liệu món trà sữa này có phù hợp với Bé? 

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo, không nên bổ sung đường cho tất cả những trẻ dưới 2 tuổi. Với trẻ từ 2 tuổi trở lên, nên hạn chế đường ít hơn 25 gram mỗi ngày (tương đương với 6 thìa cà phê hoặc 100 calo mỗi ngày). Các nghiên cứu cũng đưa ra khuyến nghị, trẻ em dưới 12 tuổi không được tiêu thụ vượt quá 85 miligam caffeine mỗi ngày (tương đương với 30ml cà phê espresso hoặc 200ml trà xanh thường pha)

Về cơ bản, món trà sữa được pha chế từ trà (có chứa caffeine), sữa tươi và đường. Một ly trà sữa truyền thống sẽ có dung tích 360 – 500ml với màu vàng nhẹ vì sự kết hợp từ trà và sữa. Thế nhưng, để có màu sắc bắt mắt, hương vị hấp dẫn hơn, một số nơi sẽ thêm vào một số phụ liệu khác như bột sữa, kem béo, syrup (có chứa đường, có thể chứa màu thực phẩm) nhằm tăng độ béo, và làm đa dạng hương vị. 

Vì vậy, khi quyết định mua trà sữa cho Bé, Ba Mẹ cần cân nhắc địa điểm và loại trà sữa phù hợp với độ tuổi. Hãy đến những cửa hàng uy tín, có nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng và được chứng nhận An toàn vệ sinh thực phẩm, thay vì mua những quán lề đường, tự phát. Ba Mẹ cũng hãy ưu tiên mua loại trà sữa cơ bản, ít đường để Bé hạn chế việc nạp vào những phụ liệu không cần thiết. Bên cạnh đó, Ba Mẹ cũng cần quản lý tần suất uống trà sữa để Bé không bị dư chất và hình thành thói quen ăn uống vặt. Trẻ con thường thích đồ vặt, đồ ngọt, nhưng không phải món vặt nào cũng phù hợp. Hơn nữa, có những món vặt người lớn có thể dùng bình thường nhưng với trẻ con thì cần cân nhắc lượng và tần suất phù hợp, đặc biệt là với những món có đường và các thành phần có tính kích thích. Ba Mẹ hãy để ý đến những điều này để điều chỉnh và linh động chế độ dinh dưỡng cho Bé nhé.

Daisy Home Preschool

Có thể Ba Mẹ ít để ý đến nhưng đồ chơi là những món Bé thường tiếp xúc nhưng lại ít được vệ sinh. Mùa hè đến, Bé không chỉ được ra ngoài, đi chơi nhiều hơn, mà còn được nhận nhiều quà, đồ chơi và tiếp xúc với chúng nhiều hơn. Để đảm bảo sức khỏe cho Bé, Ba Mẹ đừng quên làm sạch những món đồ chơi ấy nhé.

1. Đối với các đồ chơi chất liệu bông, vải 

Các đồ chơi chất liệu bông, vải thường là gấu bông, búp bê và các bộ liên quan đến thời trang. Với những đồ chơi như thế này, Ba Mẹ có thể đem chúng bỏ vào một túi vải nhỏ và giặt với bột giặt dành cho trẻ em bằng máy giặt. Để đảm bảo tính diệt khuẩn, Ba Mẹ nên chọn những ngày nắng to để có thể phơi chúng ngay lập tức dưới ánh nắng, hoặc sấy khô ngay sau khi giặt. 

2. Đối với các đồ chơi chất liệu cứng 

Các đồ chơi chất liệu cứng thường là những món liên quan đến lắp ráp, vận động tinh, hoặc đồ điện tử. Với đồ điện tử, Ba Mẹ có thể dùng bàn chải nhỏ để chải sạch các ngóc ngách, rồi dùng khăn lau với loại dung dịch vệ sinh đồ chơi. Với các loại đồ chơi còn lại, Ba Mẹ có thể lau với dung dịch, hoặc với các món có thể tiếp xúc với nước mang rửa với dung dịch và nước như rửa chén, rồi phơi hoặc lau khô.

3. Bao lâu thì nên vệ sinh đồ chơi một lần?

Ba Mẹ có thể vệ sinh đồ chơi theo định kỳ cho con với tần suất gợi ý như sau: 

  • Đồ chơi vải, bông: 1 tuần/lần. 
  • Đồ chơi cứng, đồ chơi điện tử: 2 tuần/lần.

Đối với các Bé nhỏ vẫn còn thói quen bỏ đồ chơi vào miệng, Ba Mẹ nên vệ sinh đồ chơi ngay sau khi Bé chơi, hoặc khi đồ chơi bị dơ, tiếp xúc mặt đất để đảm bảo lần chơi tới sẽ an toàn. Giai đoạn vàng là giai đoạn Bé phát triển mạnh mẽ nhưng cũng là giai đoạn Bé dễ bị bệnh vặt hơn. Quan tâm đến vấn đề vệ sinh là một cách để hạn chế bệnh vặt cho Bé, vậy nên Ba Mẹ hãy để ý cả những điều nhỏ nhất nhé.

Daisy Home Preschool

Giai đoạn vàng, hay còn gọi là giai đoạn sơ sinh và trẻ nhỏ, là giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Có thể nói đây chính là nền tảng cho những bước phát triển tiếp theo. Chính vì vậy, khi nói đến phát triển toàn diện thì Ba Mẹ nên chú ý ngay từ Giai đoạn vàng này. Vậy thì phát triển toàn diện là như thế nào? 

Phát triển toàn diện được đánh giá qua 5 khía cạnh sau: 

1. Phát triển vật lý – khả năng vận động: Trẻ trong giai đoạn vàng phát triển nhanh chóng về khả năng vận động. Không chỉ bắt đầu làm quen với nhóm vận động thô như di chuyển, lăn, ngồi, bò, đứng và đi; Bé còn đồng thời phát triển cả nhóm vận động tinh như kỹ năng như nắm, cầm, ném… Với những Bé cứng cáp hơn, Bé đã bắt đầu thực hiện các hoạt động mang tính nâng cao hơn như leo trèo, chạy nhảy. Để Bé phát triển tối ưu khả năng vận động, Ba Mẹ hãy cho Bé tham gia nhiều hoạt động vui chơi và tiếp xúc đa dạng các đồ vật phù hợp với lứa tuổi. Các hoạt động vui chơi sẽ giúp Bé tăng cường vận động thô, còn các trải nghiệm tiếp xúc đồ vật đa dạng sẽ giúp Bé tăng cường vận động tinh, đồng thời cũng giúp Bé nhận biết được nhiều chất liệu, hình dáng và màu sắc hơn. 

2. Phát triển ngôn ngữ và giao tiếp: Trẻ trong giai đoạn vàng phát triển khả năng ngôn ngữ thông qua việc nghe, nhìn, và lặp lại các âm thanh, từ ngữ. Chính quá trình đó sẽ hình thành trong Bé hệ thống từ vựng, cấu trúc câu và sắc thái biểu cảm để truyền tải thông điệp. Vì vậy, Ba Mẹ cần để ý đến cách dùng từ và diễn đạt của mình khi ở cùng Bé. Bên cạnh đó, cũng cần thường xuyên nói chuyện với Bé để kích thích khả năng nói, diễn đạt. Ngoài ra, việc học bằng cách nghe và lặp lại đôi lúc sẽ khiến Bé nói sai từ, sai cấu trúc câu, hoặc khả năng nói vẫn chưa hoàn thiện khiến Bé dễ nói lắp. Với trường hợp này, Ba Mẹ chỉ cần kiên nhẫn lặp lại rõ từ đúng, câu đúng, câu hoàn chỉnh để Bé nghe mẫu và nói theo. 

3. Phát triển tư duy: Giai đoạn vàng là quãng thời gian chính thiết lập nên nền tảng khái niệm của Bé. Bé bắt đầu nhận biết, phân loại và so sánh các đối tượng. Bé cũng bắt đầu hình thành khả năng giải quyết vấn đề đơn giản và khám phá thế giới xung quanh thông qua trải nghiệm và khám phá. Để giúp Bé hình thành nền tảng tư duy lành mạnh, Ba Mẹ hãy tạo điều kiện để Bé quan sát, trải nghiệm và tự mình khám phá các quan hệ nguyên nhân – hệ quả, sự giống – khác – kết nối giữ các vật, các sự kiện. Một món đồ chơi mới, một quyển truyện mới, một khu vui chơi mới là bối cảnh tốt để Bé quan sát và trải nghiệm. Ba Mẹ cũng có thể giúp Bé tư duy, đúc kết hiệu quả hơn, hay sáng tạo hơn bằng cách đặt ra những câu hỏi nếu – thì. Các câu hỏi có thể xoay quanh đồ vật, cách một món đồ hoạt động, hoặc kết quả của một lời nói, hành động. Chúng sẽ giúp Bé hồi tưởng lại trải nghiệm và đúc kết thành một kinh nghiệm, hoặc đưa ra những ý tưởng mới. 

4. Phát triển trí tuệ và sáng tạo: Những đúc kết và ý tưởng từ hành trình tư duy sẽ giúp Bé phát triển về trí tuệ và khả năng sáng tạo. Để Bé mạnh dạn trải nghiệm và tư duy, Ba mẹ cần xây dựng cho bé một môi trường cởi mở để trao đổi, thắc mắc và giải quyết vấn đề. Quan sát thấy Ba Mẹ thường xuyên trao đổi, thắc mắc sẽ giúp Bé tự tin khám phá, sáng tạo và chia sẻ hơn. Quan sát thấy Ba Mẹ có hành vi giải quyết vấn đề minh bạch, dứt khoát sẽ giúp Bé hình thành tư duy chủ động, độc lập hơn. 

5. Phát triển xã hội và cảm xúc: Xã hội của Bé là những liên kết trong gia đình. Vì vậy các khái niệm, hành vi về tạo dựng và duy trì mối quan hệ cũng xuất phát từ việc quan sát và học theo những gì Ba Mẹ, người thân thể hiện với nhau. Từ đó, Bé sẽ học được cách nhận biết được cảm xúc của mình và người khác để chia sẻ và quan tâm một cách phù hợp. Bé cũng sẽ học từ gia đình về cách biểu hiện cảm xúc của chính mình, cũng như cách chia sẻ nhiều hơn chứ không chỉ đơn thuần là khóc và cười. Vì vậy, Ba Mẹ cần chia sẻ những cảm xúc phù hợp với Bé, để Bé có thể dần học theo cách biểu hiện và chia sẻ ấy.

Ba Mẹ đã bao giờ quan sát Bé qua 5 khía cạnh như trên chưa? Hãy tham khảo thêm về 5 khía cạnh trên để có thể xây dựng lộ trình nuôi dạy phù hợp với Bé trong Giai đoạn Vàng. Ngoài ra, Ba Mẹ cũng có thể kết hợp cùng các đơn vị giáo dục uy tín, có phương pháp phù hợp để cùng nuôi dạy Bé.

Daisy Home Preschool

Hiện nay, có rất nhiều tổ chức, trung tâm mở ra các hoạt động hè, cũng như các lớp học năng khiếu hè nhằm tạo điều kiện vừa học vừa chơi cho Bé. Ba Mẹ có thể chọn 1 trong 2 kiểu tổ chức sau để Bé có được những trải nghiệm phù hợp.

1. Tổ chức tạo các trải nghiệm tổng hợp

Các tổ chức này thường là các trung tâm ngôn ngữ, hoặc tổ chức giáo dục phương pháp hiện đại. Với phương pháp và triết lý giáo dục riêng, các tổ chức này thường tổng hợp các hoạt động phù hợp với Bé để tạo nên một khóa trải nghiệm kéo dài suốt hè. Các hoạt động ở đây thường xoay quanh: vẽ, nặn đất sét, đàn, nhảy/ múa, một môn thể thao cụ thể, học ngôn ngữ cơ bản…

Nếu Bé vẫn chưa có một sở thích cụ thể, Ba Mẹ có thể xem xét lựa chọn này như một cách để Bé trải nghiệm nhiều nhất có thể. Từ đó, Bé có thể chọn ra một lĩnh vực để theo đuổi.

2. Tổ chức đào tạo, phát triển các môn năng khiếu cụ thể

Các tổ chức này thường là các trung tâm văn hóa tại địa phương, hoặc các tổ chức phát triển năng khiếu. Tại đây, các Bé sẽ chọn 1 hoặc 2 lĩnh vực cụ thể để học từ cơ bản nhất đến nâng cao. Ba Mẹ có thể gợi ý, hoặc cho Bé trải nghiệm các bộ môn sau:

– Lớp vẽ và màu sắc

– Lớp nhảy múa: thể dục nhịp điệu, nhảy hiphop, múa bale…

– Lớp âm nhạc: hát, nhạc cụ: piano, ukulele, kalimba…

– Lớp thể thao: võ, đá banh, bóng rổ, bơi…

– Lớp học chơi: các hoạt động giúp trẻ phát triển khả năng tư duy logic, giải quyết vấn đề và tăng cường khả năng giao tiếp.

Ở độ tuổi đang hoàn thiện kỹ năng vận động, cũng như khả năng tập trung, giải quyết tình huống còn kém, rất có thể Bé sẽ chẳng thu được kết quả nổi bật nào sau buổi học. Tuy nhiên, Ba Mẹ hãy xem đây như là một trải nghiệm để Bé có điều kiện thử và cải thiện dần. Đồng thời, Ba Mẹ hãy quan sát và linh hoạt đưa ra thay đổi cần thiết để Bé không phải mắc kẹt trong bộ môn mà Bé chán ghét nhé.

Daisy Home Preschool

Đưa Bé đi chơi thì dễ nhưng thuyết phục Bé về trong êm đẹp thì không dễ tí nào!

Bé vốn thích và dường như được “thiết lập” để vui chơi, đặc biệt là giai đoạn trước 6 tuổi. Chính vì vậy, việc Bé có thể chạy nhảy cả ngày, chơi mãi không chán cũng là chuyện hiển nhiên.

Tuy nhiên, Ba Mẹ không thể dành toàn bộ thời gian để đưa Bé đi chơi mãi, hay sẵn sàng quan sát, giúp đỡ Bé bất cứ lúc nào. Vì vậy, trong bài viết này, Daisy Home xin gợi ý đến Ba Mẹ cách giúp Bé hiểu về sắp xếp thời gian, cũng như thiết lập tâm lý để Bé kết thúc buổi chơi trong vui vẻ.

1. Thường xuyên trao đổi lịch trình với Bé

Có nhiều hoạt động cơ bản trong ngày, trong tuần đã thành lịch trình cố định, như giờ ăn, ngủ, giờ Ba Mẹ đi làm, giờ hoạt động ngoài trời, giờ học của Bé… Ba Mẹ hãy thường xuyên trao đổi lịch trình với Bé, để Bé hình thành khái niệm thời gian, thời khóa biểu theo ngày, theo tuần. Từ đó, Bé sẽ hình thành ý thức và lý do chính đáng để sắp xếp các hoạt động, cũng như ngưng hoạt động này để bắt đầu hoạt động khác theo lịch trình quen thuộc.

Ba Mẹ có thể tham khảo những câu hỏi, cách trò chuyện vô cùng đơn giản nhưng có thể giúp Bé vừa hình thành ý thức, vừa chuẩn bị được tinh thần cho các hoạt động:

– Đố con, hôm nay nhà mình sẽ ăn cơm vào lúc nào?

– Đố con, ngày mai mình sẽ làm những việc gì?

– Còn 30 phút nữa là mình đến giờ ngủ, vậy thì bây giờ mình chơi một chút nữa rồi dọn nhé

– Ngày mai là thứ Bảy, Ba Mẹ sẽ có những công việc thế này, Con sẽ về nhà ông bà một hôm nhé

2. Kể trước về kế hoạch vui chơi với Bé

Các kế hoạch vui chơi thường không nằm trong lịch trình cố định. Vậy nên chúng chưa được thiết lập thành lịch trình quen thuộc để Bé sẵn sàng kết thúc.

Ba Mẹ hãy kể trước về kế hoạch vui chơi với Bé, hãy giúp Bé hình dung trước mình sẽ được tham gia hoạt động gì, với ai, bắt đầu vào lúc nào, khi nào sẽ kết thúc. Đây là một cách để chuẩn bị tinh thần trước cho Bé, hạn chế việc Bé khóc quấy khi đến giờ về. 

3. Hướng dẫn Bé cách tạm biệt và hẹn gặp lại

Buổi chơi sẽ kết thúc trong êm đẹp nếu Bé học được cách tạm biệt và hẹn gặp lại. Ba Mẹ hãy kiên nhẫn trò chuyện, để Bé hiểu rằng, buổi chơi cần kết thúc để cả nhà quay về với lịch trình cố định (ăn, nghỉ, ngủ…) và Bé sẽ được chơi lại vào một dịp khác.

Khi Bé đã hiểu, hãy hướng dẫn Bé tạm biệt các bạn, tạm biệt chỗ chơi và hẹn gặp lại. Và đừng quên khen Bé vì đã hiểu và hành động phù hợp. Một chuỗi hành động như vậy sẽ giúp Bé thiết lập dần ý thức về lịch trình, về bắt đầu và kết thúc một cách lành mạnh.

Giáo dục và đồng hành cùng Bé tuy khó mà dễ. Tất cả những gì Bé cần là tính kiên nhẫn và và sự hướng dẫn thấu đáo từ Ba Mẹ. Vậy nên dù là kỹ năng hay ý thức gì, Ba Mẹ chỉ cần hướng dẫn nhẹ nhàng, giải thích rõ ràng và khen thưởng khi Bé làm đúng, thì dần dần Bé sẽ hiểu và tự mình thực hiện được.

Daisy Home Preschool