Lòng tự trọng là sự yêu thích, tin tưởng bản thân, và sự hiểu biết về giá trị của bản thân. Lòng tự trọng có thể được hình thành ngay từ khi Bé còn nhỏ và phát triển chậm theo thời gian. Nó có thể bắt đầu đơn giản khi Bé cảm thấy an toàn, được yêu thương, được chấp nhận bởi gia đình và mọi người xung quanh.

Khi có lòng tự trọng, Bé sẽ tự tin để:

  • Thử những điều mới và thử lại nếu chưa thành công.
  • Không ngại đối diện với nỗi sợ và thách thức.

Càng nhiều lần thử và sai, Bé sẽ càng học hỏi và trưởng thành tốt hơn. Điều này giúp Bé thể hiện tốt các việc ở trường, ở nhà, và cả khi vui chơi với bạn bè. Ngược lại, Bé dễ trở nên nhút nhát, tự ti, dễ bị tác động bởi lời nói của người khác. Vì thiếu lòng tin vào bản thân, Bé có thể hoài nghi về năng lực của mình, từ đó thiếu chính kiến và thiếu kiên định khi gặp khó khăn.

Với tầm quan trọng như thế, Daisy Home gợi ý một số cách để Ba Mẹ có thể nuôi dưỡng lòng tự trọng của Bé mỗi ngày:

  • Cho Bé quyền quyết định trong những tình huống đơn giản: Ba Mẹ hãy để Bé tự lựa chọn đồ chơi, trang phục, thức ăn mình muốn trong phạm vi an toàn.
  • Cho Bé cơ hội nói “không”: Trong những tình huống phù hợp, nếu Bé từ chối một yêu cầu, Ba Mẹ có thể để Bé làm theo ý muốn. Khi đó, Bé có thể tự học từ những hành động, quyết định của mình.
  • Cho Bé tự do khám phá: Ba Mẹ hãy để Bé tự do khám phá môi trường xung quanh, nhưng nhớ quan sát Bé và phản hồi, hỗ trợ khi cần.
  • Tôn trọng tiếng nói và nỗ lực của Bé: Ba Mẹ cần lắng nghe quan điểm của Bé và ghi nhận, khen ngợi các nỗ lực của Bé thay vì chỉ tập trung vào kết quả (thắng hoặc thua).

Lòng tự trọng là một thành tố quan trọng, giúp Bé vượt qua những khó khăn, thách thức trong quá trình khôn lớn và trưởng thành. Ba Mẹ hãy luôn yêu thương, ghi nhận Bé đúng cách để Bé luôn tự tin và hạnh phúc trong cuộc sống nhé!

Daisy Home Preschool

Bé đến tuổi tập đi, hay vui chơi chạy nhảy thì sẽ không thể tránh khỏi những vấp ngã làm Ba Mẹ lo lắng. Với tình yêu thương và bản năng bảo vệ, Ba Mẹ thường vội vã chạy đến dỗ dành mỗi khi bé vấp ngã, kèm theo đó là những câu xoa dịu, “đánh chừa” nhằm an ủi để Bé nín khóc. Tuy nhiên, những hành động đó của Ba Mẹ sẽ vô tình gieo vào Bé thói quen dựa dẫm, đổ lỗi cho một đối tượng khác thay vì tự lập và chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

Vậy, Ba Mẹ nên làm thế nào là tốt nhất khi Bé bị vấp ngã?

  • Đầu tiên, Ba Mẹ cần quan sát mức độ nghiêm trọng của cú ngã. Nếu Bé không tự đứng dậy được, hãy đưa Bé đến nơi an toàn để quan sát khắp người xem vết thương ra sao để có cách xử lý kịp thời. Thông thường, khi Bé ngã về phía trước sẽ ít nguy hiểm hơn những cú đập đầu về phía sau.
  • Nếu cú ngã không để lại vết thương chảy máu, Bé ngã trên mặt đất phẳng thì thường không để lại vấn đề gì lớn. Ba Mẹ không nên quá hốt hoảng, hãy tập trung vào Bé và động viên Bé tự đứng dậy, hỏi xem Bé khó chịu hay đau chỗ nào. Đồng thời, Ba Mẹ hãy “khéo xoa” bằng lời nói nhẹ nhàng nhưng cứng rắn “Con chú ý (hoặc cẩn thận) hơn thì sẽ không bị ngã đau nữa nhé”. Đặc biệt, lúc này, không nên hỏi Bé “có đau không?”,”đau chỗ nào?”,”vì sao ngã?”,… Những câu hỏi dồn dập và trong âm lượng to, nhanh của Ba Mẹ sẽ làm bé thêm hoảng hốt, tội lỗi và ít chịu trách nhiệm.
  • Tuyệt đối không nên để người khác can thiệp vào việc này. Chẳng hạn, nếu Ba Mẹ áp dụng những cách trên nhưng ông bà lại áp dụng ngược lại (như chạy đến dỗ giành, xoa dịu…) thì sẽ phản tác dụng. Ông bà thường có xu hướng thương xót cháu hoặc chiều chuộng cháu quá mức, điều này, có thể dẫn đến những mâu thuẫn trong việc nuôi dạy Bé. Ba Mẹ hãy giải thích cho ông bà hiểu nếu làm như vậy Bé sẽ khóc và có xu hướng tìm đến ông bà để dựa dẫm hoặc ăn vạ. Ngoài ra, Ba Mẹ nên thảo luận và thống nhất cách giáo dục Bé với ông bà để tránh xảy ra mâu thuẫn do những khoảng cách về thế hệ.

Những bước đi đầu vẫn còn nhiều vấp ngã và vụng về sẽ khiến Ba Mẹ lo lắng, thương xót và muốn bảo bọc con. Tuy nhiên, Ba Mẹ hoàn toàn có thể giúp Bé “tự đứng lên” để phát triển những tính cách tốt đẹp trong tương lai.

Vậy nên, thay vì chở che Bé quá mức, Ba Mẹ hãy cho Bé quyền được vấp ngã và rồi học cách tự đứng dậy. Việc này sẽ giúp cho Bé biết cách tự lập sớm, trưởng thành và sống có trách nhiệm với sự đồng hành của Ba Mẹ nhé!

Daisy Home Preschool

Các Ba Mẹ có biết? Theo thống kê của Hiệp hội Quốc gia Phòng Chống Bạo hành trẻ em (NSPCC), cứ 4 bé gái đến 10 tuổi thì có 1 bé gái bị xâm hại tình dục và cứ 6 bé trai đến 10 tuổi thì có 1 bé bị xâm hại tình dục. Theo thống kê của Bộ Công An trong 9 tháng đầu năm 2022, cả nước phát hiện 1.711 vụ xâm hại trẻ em, điều đáng báo động hơn trong số đó nhiều nạn nhân vẫn còn ở độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi. Vậy làm thế nào để trẻ ở độ tuổi này có các kỹ năng bảo vệ bản thân cũng như khả năng phòng tránh xâm hại?

Theo các chuyên gia, ba mẹ nên giáo dục giới tính cho con mình càng sớm càng tốt, tùy theo độ tuổi, trẻ sẽ được dạy những kiến thức và kỹ năng khác nhau. Cùng Daisy Home tìm hiểu những vấn đề về giới tính ba mẹ nên dạy trẻ từ 2 đến 5 tuổi để tự bảo vệ bản con khỏi các nguy cơ xâm hại:

  • Ba Mẹ dạy trẻ biết cách nhận biết và gọi tên các vùng riêng tư trên cơ thể bao gồm miệng, ngực, vùng giữa hai đùi, mông. Đặc biệt, Ba Mẹ và Bé cần có quy tắc chung về vùng riêng tư, ai sẽ là người được chạm và ai là người không được chạm vào vùng đó của con.

Ví dụ lúc tắm hoặc khi giúp con mặc quần áo là thời điểm tốt để bạn giới thiệu tên của các bộ phận cơ thể, giúp Bé phân biệt sự khác nhau giữa nam và nữ. Lưu ý: Ba Mẹ nên dùng các từ ngữ chỉ các bộ phận liên quan đến hệ sinh dục một cách chính xác. Mặc dù Ba Mẹ vẫn có thể dùng những tên gọi dễ thương khi nói với trẻ về những bộ phận nhạy cảm, nhưng chúng ta nên dùng tên chính xác thì tốt hơn. Vì việc này sẽ giúp trẻ truyền đạt được những vấn đề liên quan đến sức khỏe và thương tích nếu có.

  • Độ tuổi 2-5 tuổi cũng là độ tuổi mà trẻ có thể thắc mắc về việc em bé được tạo thành và sinh ra như thế nào. Khi nhận được câu hỏi của trẻ về việc con được sinh ra như thế nào, Ba Mẹ không nên tránh né bằng những câu trả lời như từ nách, từ lỗ rốn, nhặt ngoài thùng rác,… Thay vào đó có thể cho con xem phim khoa học về hành trình của một chú “nòng nọc“ đi tìm trứng. Sau đó là sự hình thành của một em bé trong bụng mẹ, tiếp đến là em bé sinh ra đời và lớn lên hoặc Ba Mẹ có thể nói thêm với trẻ ví dụ: “Hai người lớn yêu thương nhau sẽ chia sẻ tinh trùng và trứng để tạo nên em bé, hoặc đôi khi là nhận tinh trùng và trứng từ người khác.” Việc đề cập chi tiết cách tinh trùng và trứng gặp nhau bạn có thể cho trẻ biết sau, vì tuổi này trẻ chưa hiểu. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là Ba Mẹ không nên nói dối, và phải trả lời câu hỏi của trẻ một cách nghiêm túc, không nên từ chối hay lảng tránh.
  • Ba Mẹ nên dạy cho trẻ hiểu được các ranh giới, cũng như điều gì là phù hợp khi nói đến việc chạm vào người khác, hay bị người khác chạm vào. Đây là một điều rất quan trọng mà trẻ cần học, để ý thức được những gì là đụng chạm bất thường, cũng như thế nào là đụng chạm một cách chừng mực và lịch sự. Khi dạy trẻ hiểu rõ vấn đề này, bạn sẽ giúp con đề phòng, hoặc hạn chế được những rủi ro về tình trạng quấy rối xung quanh trẻ.
  • Ba Mẹ có thể tham khảo Quy tắc 5 ngón tay – bài hát “5 ngón tay xinh” (Kênh Truyền hình Giáo dục Quốc gia VTV7) – hay còn gọi là quy tắc bàn tay giao tiếp để giáo dục giới tính cho trẻ mầm non, giúp trẻ có thể tự bảo vệ bản thân và phòng tránh xâm hại
  • Dạy trẻ biết rằng cơ thể con người rất thông minh và sẽ cho chúng ta biết khi nào có điều bất thường và “không an toàn” như cảm giác tim đập nhanh hoặc đau bụng… Để làm được điều này ba mẹ cần phải rất tinh tế trong việc nhận biết cảm xúc qua các hành động cử chỉ của con, như khi con cảm thấy khó chịu, không thoải mái, đau ở đó đâu đó và khuyến khích trẻ chia sẻ về cảm xúc của mình từ sớm, khi ấy, trẻ sẽ dễ dàng chia sẻ với người lớn hơn khi con cảm thấy “an toàn” và “không an toàn”.
  • Tập cho con biết cách tránh xa, cự tuyệt những kẻ xấu. Khi cảm thấy ở tình huống không an toàn, con phải vùng vẫy, bỏ chạy tới nơi có nhiều người, vừa chạy vừa hét thật to “CỨU CON VỚI” để đánh động mọi người xung quanh biết rằng bé đang gặp nguy hiểm, cần sự giúp đỡ. Khi gặp những kẻ xấu đó, con cần phải chạy đến gặp bố mẹ, người mà con tin tưởng đang có mặt tại đó và kể lại tất cả mọi việc về kẻ xấu đó để bố mẹ và mọi người có thể giúp con.
  • Giúp con lựa chọn và liệt kê 3-5 người lớn mà con tin tưởng nhất, là nơi con có thể chia sẻ bất kỳ điều gì con lo lắng.

Giáo dục giới tính là một vấn đề rất quan trọng, vậy nên các ba mẹ không nên lơ là và chủ quan mà hãy giáo dục giới tính cho các bạn nhỏ nhà mình càng sớm càng tốt bằng việc áp dụng những cách hướng dẫn, trò chuyện phù hợp với độ tuổi của con bố mẹ nhé!

Daisy Home Preschool

Đã bao giờ Ba Mẹ gặp phải trường hợp Bé đòi Ba Mẹ nghỉ làm để ở nhà chơi với Bé chưa?
Đã bao giờ Bé nói với Ba Mẹ rằng, Bé không thích Ba Mẹ đi làm chưa?

Giải thích về ý nghĩa của việc đi làm với Bé là một việc phức tạp và nhạy cảm. Tuy nhiên, gạt đi cảm xúc, hoặc trả lời qua loa cũng không thể giải quyết vấn đề. Thế thì, để hòa thuận cùng Bé, Ba Mẹ hãy thử tham khảo những gợi ý sau nhé.

1. Dành thời gian cho Bé: ít nhưng chất lượng

Bé giận dỗi vì Ba Mẹ đi làm không có nghĩa là Bé không thích Ba Mẹ đi làm. Đây là biểu hiện để Ba Mẹ thấy rằng, Bé đang thiếu sự quan tâm từ Ba Mẹ. Thế nên khi gặp tình huống này, Ba Mẹ cần nghiêm túc ngồi lại đánh giá thời gian dành cho con của mình.

  • Trong ngày, vào những thời gian sinh hoạt chung, Ba Mẹ có thật sự dành thời gian để sinh hoạt chung chưa? Ba Mẹ có đang vừa ăn vừa làm việc không? Ba Mẹ có sử dụng điện thoại lúc cả nhà cùng ngồi trò chuyện không?
  • Khi Bé trò chuyện, Ba Mẹ có thực sự lắng nghe và phản hồi phù hợp chưa? Ba Mẹ có gạt đi những câu hỏi của Bé chỉ vì đang bận, và không có một lời hứa hẹn nào sau đó? Ba Mẹ có vừa nghe Bé kể, vừa làm việc khác, gây mất tập trung không?
  • Ba Mẹ có dành những thời gian nhỏ, vào lúc Bé vừa thức dậy, hay trước lúc Bé đi ngủ không?
  • Ba Mẹ có buổi đi chơi cuối tuần, hay cuối tháng với Bé chưa?

Dù công việc bận đến mấy, nhưng nếu Ba Mẹ có thể trao đổi và thay phiên nhau quan tâm Bé, thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng.

  • Hãy thay phiên nhau gọi Bé dậy vào mỗi sáng, đưa Bé ngủ vào mỗi tối.
  • Hãy cùng nhau ăn một bữa thật trọn vẹn, để tâm vào câu chuyện mà Bé kể.
  • Hãy thay phiên nhau đưa Bé đi chơi vào cuối tuần.
  • Hãy cùng nhau đưa Bé về nhà ông bà vào mỗi dịp lễ.

Ba Mẹ hãy thử dành ra một khoảng thời gian tuy ít, nhưng thật chất lượng với Bé; và hãy đan xen những hoạt động nhỏ hàng ngày, với những buổi đi chơi lớn khi có dịp nhé.

2. Tạo hoạt động chất lượng cho Bé:

Cô đơn không chỉ đến từ việc thiếu sự quan tâm, chăm sóc, mà còn có thể đến từ việc thiếu khả năng độc lập, thiếu hoạt động cá nhân. Càng lớn, Bé càng cần nâng cao tính độc lập cũng như sự mạnh dạn thử nghiệm, kết giao. Chính vì vậy, bên cạnh việc quan tâm, chăm sóc, Ba Mẹ hãy tạo điều kiện để Bé được tự học tập, vui chơi nhiều hơn.

  • Với những Bé nhỏ tuổi, Ba Mẹ có thể cho Bé tham gia những lớp học liên quan đến khám phá, thủ công đơn giản, hoặc tiếp xúc với tự nhiên.
  • Với những Bé lớn hơn, Ba Mẹ có thể cho Bé học những môn năng khiếu, tư duy.
  • Hoặc với những Bé đã có sở thích rõ ràng, Ba Mẹ có thể cho Bé đến trung tâm học chính xác bộ môn đó, hoặc đăng ký thầy cô giáo đến dạy tại nhà.
  • Nếu có ông bà phụ chăm Bé, Ba Mẹ hãy chuẩn bị các dụng cụ học tập, bộ trò chơi mà Bé thích, để Bé có thể dành thời gian mày mò, khám phá chúng dưới sự hướng dẫn, quan tâm của ông bà.

Sắp xếp lịch trình để Bé tự sinh hoạt, vui chơi phù hợp là một cách để Bé chuyển hướng quan tâm, giảm đòi sự hiện diện của Ba Mẹ. Ba Mẹ hãy cân nhắc để chọn hoạt động phù hợp, và cân bằng thời gian tự học, tự vui chơi, với thời gian sinh hoạt chung nhé.

3. Giải thích về vai trò của công việc trong cuộc sống

Sau hết, trò chuyện để thấu hiểu vẫn là cách tốt nhất để kết nối mọi người với nhau. Giải thích về việc đi làm với một vài gợi ý sau đây:

  • Ba Mẹ có thể giải thích đơn giản, rằng ai cũng có việc cần làm. Người lớn đi làm cùng giống như trẻ con muốn vẽ hoặc hát vậy. Tuy nhiên, công việc của người lớn sẽ chuyên nghiệp hơn, nên nó có thể giúp người lớn mang lại giá trị cho người khác.
  • Ba Mẹ cũng có thể giải thích theo hướng vai trò và giai đoạn của mỗi người trong gia đình. Vì Bé còn nhỏ nên việc chính của Bé là học tập để phát triển tối ưu; vì Ba Mẹ đã lớn nên việc chính của Ba Mẹ là làm tốt việc của mình, trao đổi giá trị để phát triển gia đình, phát triển xã hội; vì ông bà đã lớn tuổi, và đã xong vai trò xây dựng gia đình, xã hội, nên ông bà sẽ nghỉ ngơi nhiều hơn, và giúp đỡ con cháu có những quyết định và bước phát triển đúng đắn hơn.
  • Khi Bé đã có nhiều hiểu biết hơn, Ba Mẹ có thể bắt đầu giải thích với Bé về nguồn gốc và ý nghĩa của tiền, giúp Bé hiểu rằng tiền là một công cụ trung gian, giúp mọi người tin tưởng và trao đổi giá trị với nhau.

Tùy giai đoạn của Bé và triết lý giáo dục mà Ba Mẹ có thể chọn giải thích phù hợp nhất. Khi được lắng nghe và giải thích như vậy, dù chưa hiểu thì Bé vẫn sẽ cảm nhận được sự quan tâm của Ba Mẹ.

Bên cạnh vật chất, thì tình cảm từ Ba Mẹ cũng vô cùng quan trọng với Bé. Dù bận rộn với công việc hay cuộc sống cá nhân đến mấy, thì quan tâm, chăm sóc Bé vẫn là nghĩa vụ của Ba Mẹ. Và chuyện dù khó đến đâu, thì cũng sẽ có cách giải quyết. Daisy tin rằng, bằng tình yêu vô điều kiện, Ba Mẹ sẽ luôn có cách quan tâm và chăm sóc con phù hợp nhất.

Daisy Home Preschool

Nhập vai, hay còn gọi là đóng vai, là một trong những trò chơi phổ biến nhất đối với trẻ. Ngay cả khi Ba Mẹ không hướng dẫn, thì với bản năng học theo, bắt chước, Bé sẽ tự hình thành bối cảnh và xác định vai diễn cho chính mình. Vì vậy, nếu có thể dành thời gian tham gia trò chơi nhập vai cùng Bé, thì ngoài việc có thể gần gũi, kết nối hơn với Bé, Ba Mẹ còn có thể quan sát được nhiều điều thú vị, cần thiết cho định hướng giáo dục trong tương lai.

Trong bài viết này, hãy cùng Daisy đi qua một vài điểm chính giúp Bố Mẹ tận dụng trò chơi đơn giản này để giáo dục và kết nối với Bé nhé!

1. Tính chất của trò chơi nhập vai

Nhập vai là trò chơi mà những người tham gia đóng giả thành một vai khác, hoặc hành động trong một bối cảnh tưởng tượng. Trò chơi không chỉ giúp Bé hoạt động, giải trí, tăng khả năng tưởng tượng, mà còn giúp Bé hiểu hơn cách vận hành của một công việc, một môi trường, hay rộng hơn là của xã hội. Vì vậy, Ba Mẹ có thể thông qua trò chơi để hướng dẫn Bé cách ứng xử, giải quyết vấn đề, hoặc giúp Bé có một cái nhìn cơ bản về các ngành nghề, vai trò trong xã hội.

Một vài bối cảnh đặc biệt để Bé tập cách xử lý:

_ Khi gặp người lạ cho bánh kẹo hoặc rủ đi chơi

_ Khi bạn làm hư đồ của Bé

_ Khi ông bà nói hoặc làm điều Bé không thích

_ Khi Bé được giúp đỡ

_ Khi Bé đang buồn hoặc giận,…

Một vài công việc để Bé trải nghiệm:

_ Cô giáo

_ Bác sĩ

_ Người soát vé

_ Cảnh sát

_ Bán hàng

_ Ca sĩ,…

2. Tận dụng tối đa trò chơi nhập vai

Để tận dụng tối đa trò chơi, Ba Mẹ hãy cùng Bé nhập vai và để Bé đóng vai chính. Ở vai phụ, Ba Mẹ hãy tạo những bối cảnh, những vấn đề khác nhau để kích thích khả năng tưởng tượng và giải quyết vấn đề của Bé.

– Với trường hợp tưởng tượng bối cảnh: Ở lần giải quyết đầu tiên, hãy để Bé tự hành động, Ba Mẹ sẽ hiểu được cách mà Bé nghĩ, cũng như xu hướng giải quyết vấn đề của Bé. Từ đó, Ba Mẹ có thể đặt câu hỏi, hoặc chỉ ra những góc nhìn khác để Bé hiểu vấn đề hơn và có một cách giải quyết tốt hơn. Sau khi đã có cách tốt hơn, Ba Mẹ hãy cùng Bé đóng lại bối cảnh cũ để Bé được thực hành và ghi nhớ cách giải quyết vấn đề mới.

– Với trường hợp nhập vai nghề nghiệp: quan sát độ chăm chú và cách làm việc của Bé, Ba Mẹ sẽ biết được Bé hiểu và thích công việc đó ở mức nào. Từ đó, Ba Mẹ có thể giải thích thêm để Bé hiểu hơn, hoặc đặt ra nhiều trường hợp, nhiều câu hỏi hơn để Bé trải nghiệm sâu công việc mà Bé hứng thú.

3.Vài điều lưu ý

Với mục tiêu kết nối và giáo dục thông qua trò chơi, Ba Mẹ hãy lưu ý 3 điều sau

– Để kết nối hiệu quả, hãy tập trung, dành trọn vẹn thời gian cho Bé. Không dễ để Ba Mẹ có thời gian cùng Bé, và đây cũng chính là thời điểm để Bé cảm nhận được sự quan tâm, tình yêu thương, nên Ba Mẹ hãy sắp xếp và ưu tiên Bé trong quãng thời gian chơi này. Hạn chế vừa chơi vừa dùng điện thoại di động, hoặc vừa chơi vừa giải quyết công việc.

– Để hiểu suy nghĩ và hành vi của Bé, hãy thong thả quan sát và giải thích những điều Bé chưa hiểu, chưa đúng. Những suy nghĩ, hành động đầu tiên có thể chưa đúng, chưa tốt, và điều này là hoàn toàn bình thường. Để chúng diễn ra chính là cách để Ba Mẹ biết và giúp con điều chỉnh tốt hơn.

– Để tạo điều kiện tối ưu cho Bé, hãy chấp nhận sở thích và tính cách của Bé. Chấp nhận là bước đầu tiên để Ba Mẹ có thể đưa ra định hướng giáo dục phù hợp, giúp Bé phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm.

Tuy nhiên, không phải lúc nào trò chơi diễn ra cũng để Ba Mẹ quan sát và giáo dục. Ba Mẹ hãy cân bằng giữa mục tiêu chơi để vui, để dành thời gian cùng con với mục tiêu chơi để giáo dục nhé.

Daisy Home Preschool

Theo số liệu, cứ 10 bé được sinh ra thì sẽ có 1 bé thuận tay trái. Thế nên dù đa số mọi người đều thuận tay phải và các công cụ, thiết bị cũng thường được thiết kế cho tay phải tiện cầm nắm, thì thuận tay trái vẫn là một việc vô cùng bình thường. Tuy nhiên, thuận tay trái có thể sẽ mang lại một số bối rối và bất tiện cho bé. Ba Mẹ hãy chuẩn bị một số điều cơ bản sau để giúp bé tự tin và sinh hoạt dễ dàng hơn cùng sự khác biệt của mình nhé. 

1. Giải thích cho Bé về việc sự thuận tiện của tay phải cho một số kỹ năng 

Nếu Bé có thể sử dụng tay trái trong các hoạt động mà không gặp khó khăn, bất tiện nào (ví dụ như việc cầm muỗng, đũa, kéo…), thì Ba Mẹ hãy cứ để Bé thoải mái trải nghiệm, phát triển khả năng vận động theo cách của riêng Bé. Thế nhưng, khi tập viết, tay phải có khuynh hướng thuận tiện hơn vì cách thiết kế của dòng kẻ, vậy thì Ba Mẹ hãy chậm rãi giải thích và hướng dẫn để Bé sớm làm quen. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người có thể viết bằng tay trái nên Ba Mẹ đừng quá căng thẳng với mục đích này, quan trọng nhất vẫn là bé đón nhận việc học (tập đọc, tập viết,…) thật vui vẻ.

2. Chuẩn bị những công cụ, thiết bị thiết kế cho tay trái 

Dù luyện tập sẽ giúp bé sử dụng tay phải thuần thục hơn, nhưng được sử dụng tay trái – bên tay thuận hơn của Bé – sẽ giúp Bé hoạt động và phát triển tự nhiên, ít áp lực, căng thẳng hơn. Điều này sẽ mở ra sự tự tin, mạnh dạn trải nghiệm cho Bé. Chính vì vậy, khi biết Bé thuận tay trái, Ba Mẹ có thể chuẩn bị trước các vật dụng thiết kế phù hợp với tay trái để hỗ trợ tốt nhất cho bé. Hiện nay, các vật dụng cho người thuận tay trái đã phổ biến hơn, Ba Mẹ có thể dễ dàng tìm hiểu qua các công cụ tìm kiếm, hoặc các trang thương mại điện tử. 

3. Thông báo với giáo viên và những người chăm sóc để Bé không chịu những áp đặt không cần thiết. 

Không phải ai cũng sẵn sàng và cởi mở để chấp nhận việc trẻ con thuận tay trái. Điều này khiến họ vô thức áp đặt, thúc ép Bé thay đổi thói quen không cần thiết. Để tạo môi trường phát triển đủ tự do, an toàn cho Bé, Ba Mẹ hãy thông báo đến giáo viên và những người liên quan về việc Bé thuận tay trái. Ba Mẹ có thể nhắn chi tiết hơn về việc để Bé thoải mái dùng tay trái, chỉ hướng dẫn, nhắc nhở Bé dùng tay phải trong một số trường hợp cụ thể. Quan sát và tạo điều kiện để Bé tự tin phát triển là điều hết sức quan trọng. Ba Mẹ hãy thường xuyên để ý và tìm hiểu cách tối ưu nhất để giáo dục và hỗ trợ Bé. Dù Bé khác biệt như thế nào, thì chỉ cần có tình yêu thương và sự quan tâm lành mạnh, Ba Mẹ sẽ luôn tìm ra cách phù hợp.

Daisy Home Preschool

Đón chào thành viên mới vừa là một việc vui, vừa là một việc nhạy cảm cho mỗi người trong gia đình, đặc biệt là với Bé lớn. Vì vậy, Ba Mẹ hãy chuẩn bị kế hoạch cho cả Bé lớn, để tránh việc Bé bị bối rối, hoặc cảm thấy bị đối xử phân biệt, gây ảnh hưởng đến tâm lý. Cùng Daisy Home tìm hiểu một số thông tin hữu ích sau nhé!! 

1. Những việc cần chuẩn bị trước khi sinh em bé mới 

– Ba Mẹ cần lựa chọn thời điểm thích hợp để thông báo với Bé lớn về sự xuất hiện của em bé mới, về thời gian cụ thể em bé sẽ xuất hiện và việc có em bé là một chuyện hoàn toàn tự nhiên. 

– Hãy dành thời gian để cùng Bé lớn xem lại những hình ảnh lúc nhỏ, kể Bé nghe về những việc mà Ba Mẹ đã làm để chăm sóc lúc Bé vừa sinh ra; từ đó giáo dục và hình thành nhận thức cho Bé lớn về những việc Ba Mẹ phải làm khi có em bé mới. Việc này sẽ giúp Bé lớn dễ dàng cảm thông hơn khi Ba Mẹ không thể dành thời gian cho Bé nhiều như trước. 

– Song song với việc sắm sửa cho em bé mới, Ba Mẹ đừng quên mua cho Bé lớn một vài món quà nhỏ. Hành động nhỏ như vậy có thể giúp Bé lớn yên tâm rằng Ba Mẹ vẫn yêu thương và quan tâm mình. 

– Khi bụng mẹ bắt đầu lớn, hãy cho Bé lớn chầm chậm tiếp xúc, cảm nhận em bé trong bụng Mẹ. Ba Mẹ có thể đặt ra những câu hỏi, hoặc hướng dẫn Bé lớn trò chuyện để vun đắp tình yêu thương của Bé dành cho em bé mới. 

– Một việc quan trọng không kém, đó là Ba Mẹ hãy dần dần giúp Bé lớn tự lập hơn. Việc Bé lớn có ý thức tự lập không chỉ giúp Ba Mẹ bớt thời gian chăm sóc, mà còn giúp Bé chủ động, tự tin hơn khi tự mình sinh hoạt, hạn chế suy nghĩ Ba Mẹ giảm thời gian chăm sóc mình nghĩa là Ba Mẹ không thương mình. 

2.Những việc cần phải chuẩn bị sau khi em bé mới ra đời 

– Để giúp Bé lớn không cảm thấy bị lạc lõng, Ba Mẹ có thể phân công để thay phiên nhau quan tâm, chăm sóc hai Bé. Bên cạnh đó, hãy thiết lập những lịch cố định để cả nhà cùng sinh hoạt, gắn kết với nhau. 

– Khi có em bé mới, Bé lớn sẽ phải chủ động và độc lập hơn. Vì vậy, Ba Mẹ hãy động viên mỗi khi Bé tự làm được những việc mà trước kia phải có Ba Mẹ đốc thúc hay giúp đỡ.  

– Để tạo ra sự gần gũi, gắn kết giữa Bé lớn với em của mình, Ba Mẹ hãy hướng dẫn Bé lớn thực hiện một số việc chăm sóc em đơn giản: như ôm em, cài áo, đội mũ cho em, hay lấy bình sữa cho em… 

3. Một vài lưu ý cho Ba Mẹ. 

– Ba Mẹ không nên để Bé lớn kỳ vọng vào giới tính của em bé sắp sinh. Việc này có thể khiến Bé lớn thất vọng nếu em bé sinh ra không như mong đợi. Tệ hơn là Bé có thể cảm thấy chán ghét em của mình.

 – Nếu Bé lớn vẫn chưa đủ khả năng chăm sóc cho bản thân thì Ba Mẹ cần dành sự quan tâm đồng đều cho cả hai Bé để hạn chế hình thành lòng ganh tị bên trong Bé. Việc chuẩn bị cho Bé lớn khi Ba Mẹ sắp có em bé mới là điều hết sức quan trọng. Ba Mẹ cần có sự nhạy bén, thấu hiểu cùng những hành động cụ thể để giúp Bé luôn cảm thấy yên tâm về tình yêu thương mà mình nhận được. 

Hãy để việc chào đón thành viên mới thật sự là niềm vui chung của cả gia đình nhé!

Daisy Home Preschool

Các Ba Mẹ đang quan tâm, hoặc đang theo đuổi lối sống này có thể sẽ thắc mắc rằng, cho Bé ăn chay trường từ giai đoạn vàng thì có ảnh hưởng gì đến sự phát triển thể chất của Bé không?  Để giải đáp thắc mắc này, hãy cùng Daisy home tìm hiểu thêm một vài thông tin quan trọng nhé! 

1. Ăn chay một cách khoa học

Bé cần được đáp ứng đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất chính bao gồm: chất đạm, tinh bột, chất béo, vitamin & khoáng chất để giúp cơ thể được cung cấp đủ năng lượng, phát triển khỏe mạnh. Trong 4 nhóm dưỡng chất đó, có thể thấy chất đạm và chất béo sẽ dễ dàng tìm thấy trong các loại thịt, trứng, sữa. Tuy nhiên, nhiều loại thực vật đã được công nhận về hàm lượng chất đạm và chất béo, có thể thay thế cho đạm, béo từ động vật. 

  • Nguồn đạm thực vật: các loại hạt, đậu, rau có màu xanh đậm, gạo lứt, gạo nâu, sản phẩm từ đậu nành… 
  • Nguồn béo thực vật: Các loại hạt, trái bơ, dầu oliu, dầu dừa, sô cô la… 

Đảm bảo được nhu cầu dinh dưỡng của Bé là điều tiên quyết. Vì vậy, nếu chọn cho Bé ăn chay trường từ sớm, Ba Mẹ hãy tìm hiểu kỹ càng về nhu cầu dinh dưỡng cũng như những thực phẩm từ thực vật có thể thay thế cho động vật một cách khoa học. 

2. Lưu ý khi cho Bé ăn chay trường 

Các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật thường cung cấp ít năng lượng và được tiêu hóa nhanh, trong khi các Bé ở giai đoạn vàng thì rất năng động, nên Ba Mẹ hãy thường xuyên để tâm và bổ sung đầy đủ năng lượng cho Bé. Ba mẹ có thể chuẩn bị sẵn các món ăn vặt hoặc sữa thuần chay để Bé bổ sung vào các bữa giữa nhé. 

Ba Mẹ hãy lưu ý lựa chọn thực phẩm một cách khoa học và cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển và hoạt động thể chất của Bé nhé.

Daisy Home Preschool

Trà sữa đang là thức uống yêu thích của hầu hết mọi người, vì hương vị đa dạng, cảm giác thích thú khi uống chúng, đặc biệt là với các Bé. Vị ngọt, giao diện màu sắc và những topping vui miệng khiến các Bé nhanh chóng ghiền món này. Thế nhưng, liệu món trà sữa này có phù hợp với Bé? 

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo, không nên bổ sung đường cho tất cả những trẻ dưới 2 tuổi. Với trẻ từ 2 tuổi trở lên, nên hạn chế đường ít hơn 25 gram mỗi ngày (tương đương với 6 thìa cà phê hoặc 100 calo mỗi ngày). Các nghiên cứu cũng đưa ra khuyến nghị, trẻ em dưới 12 tuổi không được tiêu thụ vượt quá 85 miligam caffeine mỗi ngày (tương đương với 30ml cà phê espresso hoặc 200ml trà xanh thường pha)

Về cơ bản, món trà sữa được pha chế từ trà (có chứa caffeine), sữa tươi và đường. Một ly trà sữa truyền thống sẽ có dung tích 360 – 500ml với màu vàng nhẹ vì sự kết hợp từ trà và sữa. Thế nhưng, để có màu sắc bắt mắt, hương vị hấp dẫn hơn, một số nơi sẽ thêm vào một số phụ liệu khác như bột sữa, kem béo, syrup (có chứa đường, có thể chứa màu thực phẩm) nhằm tăng độ béo, và làm đa dạng hương vị. 

Vì vậy, khi quyết định mua trà sữa cho Bé, Ba Mẹ cần cân nhắc địa điểm và loại trà sữa phù hợp với độ tuổi. Hãy đến những cửa hàng uy tín, có nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng và được chứng nhận An toàn vệ sinh thực phẩm, thay vì mua những quán lề đường, tự phát. Ba Mẹ cũng hãy ưu tiên mua loại trà sữa cơ bản, ít đường để Bé hạn chế việc nạp vào những phụ liệu không cần thiết. Bên cạnh đó, Ba Mẹ cũng cần quản lý tần suất uống trà sữa để Bé không bị dư chất và hình thành thói quen ăn uống vặt. Trẻ con thường thích đồ vặt, đồ ngọt, nhưng không phải món vặt nào cũng phù hợp. Hơn nữa, có những món vặt người lớn có thể dùng bình thường nhưng với trẻ con thì cần cân nhắc lượng và tần suất phù hợp, đặc biệt là với những món có đường và các thành phần có tính kích thích. Ba Mẹ hãy để ý đến những điều này để điều chỉnh và linh động chế độ dinh dưỡng cho Bé nhé.

Daisy Home Preschool

Có thể Ba Mẹ ít để ý đến nhưng đồ chơi là những món Bé thường tiếp xúc nhưng lại ít được vệ sinh. Mùa hè đến, Bé không chỉ được ra ngoài, đi chơi nhiều hơn, mà còn được nhận nhiều quà, đồ chơi và tiếp xúc với chúng nhiều hơn. Để đảm bảo sức khỏe cho Bé, Ba Mẹ đừng quên làm sạch những món đồ chơi ấy nhé.

1. Đối với các đồ chơi chất liệu bông, vải 

Các đồ chơi chất liệu bông, vải thường là gấu bông, búp bê và các bộ liên quan đến thời trang. Với những đồ chơi như thế này, Ba Mẹ có thể đem chúng bỏ vào một túi vải nhỏ và giặt với bột giặt dành cho trẻ em bằng máy giặt. Để đảm bảo tính diệt khuẩn, Ba Mẹ nên chọn những ngày nắng to để có thể phơi chúng ngay lập tức dưới ánh nắng, hoặc sấy khô ngay sau khi giặt. 

2. Đối với các đồ chơi chất liệu cứng 

Các đồ chơi chất liệu cứng thường là những món liên quan đến lắp ráp, vận động tinh, hoặc đồ điện tử. Với đồ điện tử, Ba Mẹ có thể dùng bàn chải nhỏ để chải sạch các ngóc ngách, rồi dùng khăn lau với loại dung dịch vệ sinh đồ chơi. Với các loại đồ chơi còn lại, Ba Mẹ có thể lau với dung dịch, hoặc với các món có thể tiếp xúc với nước mang rửa với dung dịch và nước như rửa chén, rồi phơi hoặc lau khô.

3. Bao lâu thì nên vệ sinh đồ chơi một lần?

Ba Mẹ có thể vệ sinh đồ chơi theo định kỳ cho con với tần suất gợi ý như sau: 

  • Đồ chơi vải, bông: 1 tuần/lần. 
  • Đồ chơi cứng, đồ chơi điện tử: 2 tuần/lần.

Đối với các Bé nhỏ vẫn còn thói quen bỏ đồ chơi vào miệng, Ba Mẹ nên vệ sinh đồ chơi ngay sau khi Bé chơi, hoặc khi đồ chơi bị dơ, tiếp xúc mặt đất để đảm bảo lần chơi tới sẽ an toàn. Giai đoạn vàng là giai đoạn Bé phát triển mạnh mẽ nhưng cũng là giai đoạn Bé dễ bị bệnh vặt hơn. Quan tâm đến vấn đề vệ sinh là một cách để hạn chế bệnh vặt cho Bé, vậy nên Ba Mẹ hãy để ý cả những điều nhỏ nhất nhé.

Daisy Home Preschool