Khoa học đã chứng minh rằng trẻ em có thể bắt đầu nhận biết các con số ngay từ khi còn rất nhỏ. Một nghiên cứu của Đại học California, Berkeley đã phát hiện ra rằng trẻ sơ sinh chỉ 6 tháng tuổi đã có thể phân biệt được giữa các con số 1 và 2. Và thậm chí độ tuổi tốt nhất có thể cho Bé tiếp cận với việc học môn Toán một cách chính thức là 3 tuổi. Việc tiếp xúc với Toán càng sớm cũng giúp trẻ phát triển khả năng học tập tốt hơn trong tương lai. Một nghiên cứu của Đại học California, Berkeley đã phát hiện ra rằng trẻ em bắt đầu học toán sớm có điểm số cao hơn trong các môn học khác, chẳng hạn như đọc, viết và khoa học.

Với những lợi ích tuyệt vời mà toán học mang lại, Ba Mẹ hãy bắt đầu dạy toán cho Bé với những khái niệm cơ bản như số đếm, phép cộng, phép trừ. Từ đó giúp Bé phát triển tư duy và tạo nền tảng vững chắc cho Bé trước khi vào cấp 1. Để toán học không chỉ còn là những con số khô khan, Daisy Home xin gợi ý 5 cách Ba Mẹ có thể dễ dàng dạy toán cho Bé nhé!

Dạy Bé học đếm qua bài hát
Hát là cách dạy đếm dễ dàng, vì âm nhạc giúp Bé dễ tiếp thu và ghi nhớ. Ba Mẹ có thể hát đếm số khi ru con ngủ, hát khi đi dạo, vui chơi cùng Bé và kể cả khi đang làm việc vặt. Những bài hát đếm lùi số là kỹ năng quan trọng khi làm toán trừ. Khi hát, Ba Mẹ nên thêm vào một số từ quen thuộc về những con vật được ưa thích như : “Một chú voi con, hai chú voi con, ba chú voi con” và đếm dần lên “mười chú voi con”. Sau đó hát ngược lại các con số: “Mười con mèo, chín con mèo…”. Tùy theo độ tuổi của Bé mà Ba Mẹ thêm bớt các con số và các từ đi kèm. Việc Ba Mẹ tương tác với Bé trong các hoạt động hằng ngày qua bài hát đếm số làm cho Bé thích thú và học tập tốt hơn.

Dạy Bé sử dụng các bộ phận trên cơ thể để đếm như ngón tay, bàn chân
Trẻ em ở độ tuổi này thường hay nhìn ngắm, mân mê bàn tay, bàn chân, mắt, mũi,… Ba Mẹ hãy tận dụng điều đó để dạy Bé đếm số và học phép cộng. Có bao nhiêu tay/chân? Ba Mẹ dạy Bé thử cộng 1 bàn tay cộng 1 bàn tay thành 2 bằng cách giơ tay lên để đếm, hay 5 ngón chân cộng 5 ngón chân ra bao nhiêu? Để tránh Bé lẫn lộn, Ba Mẹ nên dùng 2 bộ phận cùng tên nhé.

Mọi thứ xung quanh đều có thể đếm được
Bé có thể đọc thuộc các con số nhưng lại không hiểu số 5 là gì chẳng hạn. Số 5 thực ra tượng trưng cho 5 cái gì đó. Để giúp Bé đối chiếu tương ứng giữa con số và số lượng, Ba Mẹ hãy tập cho các em quan sát và cảm nhận được các vật thể có thực khi đếm. Ba Mẹ có thể hướng dẫn Bé qua đồ vật xung quanh Bé trong hoạt động hằng ngày như sắp xếp quần áo, sách vở, đồ chơi hay đếm các con sò trên cát. Ba Mẹ hãy đếm cùng Bé.

Hướng dẫn bé phân loại đồ vật
Toán học đòi hỏi khả năng phân biệt những thuộc tính giống, khác nhau và sắp chúng thành từng loại. Để thiết lập các kỹ năng này, Ba Mẹ hãy khuyến khích Bé sắp xếp đồ vật thành từng nhóm theo những thuộc tính riêng của nó như: bút chì màu theo từng màu, đồ chơi riêng rẽ với dụng cụ học tập, quần áo sắp xếp theo từng loại…

Dạy Bé so sánh qua các đồ vật quen thuộc bằng những câu hỏi
Các đồ vật quen thuộc sẽ giúp Bé dễ dàng hình dung và ghi nhớ các khái niệm so sánh. Ba Mẹ có thể bắt đầu bằng những câu hỏi như: Đôi giày của ai lớn hơn? Chiếc xe nào to hơn?,… Hay khi nhặt rau, nấu ăn có thể cho Bé so sánh trái nào lớn hơn, trái nào nhỏ hơn, cây nào dài hơn,…

Học toán là một hành trình dài đầy thách thức và phát triển của Bé. Ba mẹ cần kiên nhẫn và tạo cơ hội cho Bé được học toán qua những hoạt động thân thuộc hằng ngày. Ngoài ra, Ba Mẹ hãy tôn trọng ý kiến, câu trả lời của Bé khi tán gẫu. Không cần Bé phải trả lời đúng ngay từ đầu, chỉ cần Bé thích thú, chịu học thì Ba Mẹ có thể hướng dẫn Bé qua từng ngày. Thông qua việc hỗ trợ và khuyến khích của Ba Mẹ sẽ giúp Bé xây dựng sự tự tin, phát triển tư duy toán học. Mỗi bước tiến nhỏ đều quan trọng và là một phần quan trọng của sự phát triển toàn diện của Bé trong tương lai.

Daisy Home Preschool

Ba Mẹ đều biết rằng Bé cần ăn nhiều loại rau để có sức khỏe và phát triển tốt. Tuy nhiên, với trẻ em, đặc biệt là các Bé dưới 3 tuổi, rau quả thường là những món ăn tẻ nhạt, chán chường và vô vị.

Rau cung cấp cho Bé năng lượng, vitamin, chất chống oxy hóa, chất xơ và nước. Chúng giúp bảo vệ Bé khỏi các bệnh mãn tính sau này, bao gồm bệnh tim, đột quỵ và ung thư. Với tầm quan trọng như thế, dù thử thách thế nào, Ba Mẹ cũng nên tìm cách bổ sung rau xanh trong khẩu phần ăn của Bé mỗi ngày. Cùng tham khảo những tips từ Daisy Home nhé!

Kiên nhẫn thử nhiều lần: Ba Mẹ cần kiên định trong việc cho Bé ăn rau mỗi ngày dù với khẩu phần nhỏ. Nếu Bé không thích một loại rau nào đó, hãy thử cho Bé ăn một lượng nhỏ rau đó cùng với một món lành mạnh khác mà Bé thích xem liệu Bé có thể thay đổi ý kiến không. Đồng thời, hãy tiếp tục đổi mới rau củ quả mỗi ngày và lắng nghe xem Bé thích loại rau nào, hay cách chế biến nào (ví dụ: ăn cà rốt hấp hay cà rốt xào).

Khen, thưởng khi Bé chịu thử rau quả mới: Theo GS. Rebecca Golley từ đại học Flinders, Ba Mẹ có thể cân nhắc việc trao Bé các phần thưởng không phải đồ ăn khi Bé “mở lòng” với rau quả. Phần thưởng đó có thể là stickers, bong bóng,… để ghi nhận Bé khi Bé dũng cảm làm điều gì đó mới mẻ.

Cho Bé nhìn, cảm nhận rau quả thay vì chỉ ăn: Mặc dù mục tiêu cuối cùng là cho Bé ăn rau, nhưng đó không nhất thiết là điểm bắt đầu. Việc nhìn, chạm, ngửi rau cũng rất hữu ích để Bé tiếp xúc nhiều với rau quả một nhẹ nhàng và vui vẻ. Không chỉ thế, Bé còn có thể tiếp xúc với rau qua những câu chuyện về rau, cùng Ba Mẹ nhìn và nói về rau khi mua sắm, hay cùng sơ chế rau cho bữa ăn gia đình.

Dùng rau quả thay bánh snack, kẹo: Rau có thể trở thành những món ăn nhẹ hợp lý. Nếu Ba Mẹ dự trữ rau củ quả, hạn chế những món ăn vặt không lành mạnh trong nhà, rất có thể Bé sẽ chọn ăn chúng khi đói. Đó có thể là những hộp cà chua bi, ớt chuông cắt sẵn, khoai tây, khoai lang luộc,… Ba Mẹ cũng có thể để thêm phô mai hay sữa chua cho Bé ăn kèm để gia tăng hương vị.

Thay đổi cách chế biến, kết hợp với những thức ăn khác: Hương vị rất quan trọng đối với các Bé. Vì vậy, Ba Mẹ hãy thử nghiệm nhiều cách chế biến để thu hút Bé. Ví dụ, Ba Mẹ có thể thử nướng củ quả và ăn kèm các loại sốt, hay thái lát mỏng bông cải xanh để xào, làm mì ý, bánh pizza. Ắt hẳn những món ăn này sẽ hấp dẫn Bé hơn là một đĩa rau luộc đấy!

Làm gương cho Bé trong những bữa ăn gia đình: Bé sẽ quan sát và làm theo hành vi của người lớn. Vì vậy, Ba Mẹ hãy thường xuyên ăn rau cho Bé thấy để khuyến khích Bé học theo.

Trên đây là những tips khuyến khích Bé ăn rau củ quả nhiều hơn để phát triển khỏe mạnh. Ba Mẹ hãy kiên nhẫn, và đừng ngần ngại biến tấu, sáng tạo những món ăn ngon với rau quả để khơi dậy sự thích thú của Bé!

Daisy Home Preschool

Ba Mẹ nghĩ rằng dạy Bé tư duy logic là một việc khó khăn và cần phải đợi đến khi Bé lên cấp một, bắt đầu học môn toán. Nhưng Ba Mẹ có biết, tư duy logic là một kỹ năng quan trọng mà Bé cần rèn luyện ngay từ giai đoạn mầm non. Trẻ em ở độ tuổi mầm non có khả năng học hỏi và tiếp thu kiến thức rất nhanh. Đây là thời điểm vàng để Ba Mẹ bắt đầu rèn luyện tư duy logic cho Bé.

Vậy tư duy logic là gì?
Tư duy logic là khả năng suy luận, phân tích, tổng hợp các thông tin để đưa ra kết luận đúng đắn. Tư duy logic là một trong những kỹ năng quan trọng giúp Bé học tập, giải quyết vấn đề và thành công trong cuộc sống.

Lợi ích khi dạy Bé tư duy logic từ sớm:

  • Phát triển khả năng suy luận, phân tích, tổng hợp thông tin
  • Học tập và giải quyết vấn đề hiệu quả
  • Nhanh chóng tiếp thu những kiến thức mới
  • Tự tin và chủ động trong cuộc sống

Hiểu được tầm quan trọng của tư duy logic đối với Bé. Daisy Home xin gợi ý 8 cách dạy Bé tư duy logic Ba Mẹ có thể áp dụng dễ dàng:


Chơi trò chơi xếp hình
Trò chơi xếp hình yêu cầu Bé phải quan sát kỹ chi tiết từng mảnh ghép để xác định cách chúng nối với nhau. Điều này khuyến khích khả năng quan sát chi tiết và tư duy logic trong việc tìm ra vị trí đúng cho mỗi mảnh ghép.

Ví dụ: Để ghép được một con vịt hoàn chỉnh, Bé phải quan sát kỹ lưỡng hình dạng của mảnh ghép và cách kết nối chúng. Trò chơi này cũng khuyến khích Bé phân loại và so sánh các mảnh ghép dựa trên hình dạng, màu sắc để tìm hiểu cách chúng liên quan đến nhau. Từ đó Bé học được cách tư duy logic để giải quyết đề bài đặt ra. Ba Mẹ nên lựa chọn những hình ghép từ đơn giản đến phức tạp phù hợp với độ tuổi của Bé.

Khám phá thiên nhiên
Ba Mẹ nên tạo cơ hội để con khám phá thiên nhiên qua các hoạt động ngoài trời như đi công viên, sở thú hoặc đi cắm trại, dã ngoại. Mục tiêu của việc này là khuyến khích Bé tìm hiểu, quan sát, và đặt câu hỏi về thế giới tự nhiên xung quanh. Điều này sẽ giúp Bé phát triển khả năng tư duy logic thông qua quá trình nắm bắt thông tin, so sánh và hiểu sự tương tác giữa các yếu tố trong môi trường tự nhiên. Ba Mẹ có thể giúp Bé đặt câu hỏi và cùng thảo luận về những gì Bé thấy.

Dạy Bé đếm và so sánh
Đếm và so sánh là những kỹ năng toán học cơ bản giúp trẻ phát triển tư duy logic. Ba mẹ có thể dạy Bé đếm số lượng đồ vật, so sánh kích thước, màu sắc,… của các đồ vật xung quanh. Ví dụ: Ba Mẹ có thể dạy Bé đếm số các thành viên trong gia đình hay trái cam, trái táo trên bàn.
Ngoài ra, ở độ tuổi mầm non, Bé rất thích ngân nga giai điệu của bài hát. Ba Mẹ có thể dạy Bé làm quen với các con số và các phép tính đơn giản qua các bài hát vui nhộn như: tập đếm, 5 ngón tay ngoan, bé tập đếm,..

Kể chuyện cho Bé nghe
Kể chuyện là một cách tuyệt vời để giúp Bé phát triển khả năng tư duy logic. Khi nghe truyện, Bé sẽ được tiếp xúc với những tình huống và vấn đề khác nhau, từ đó học cách suy nghĩ và giải quyết vấn đề một cách hợp lý. Ba mẹ có thể kể chuyện cho Bé nghe hàng ngày, đồng thời khuyến khích Bé suy nghĩ về những câu hỏi và tình huống trong truyện. Dưới đây là một số câu hỏi mà Ba Mẹ có thể đặt ra cho Bé khi kể chuyện:

  • Theo con, nhân vật nào trong chuyện là người tốt, người xấu?
  • Con nghĩ tại sao nhân vật lại làm như vậy?
  • Nếu con là nhân vật trong câu chuyện thì con sẽ làm gì?

Thường xuyên trò chuyện, hỏi đáp với Bé
Ba Mẹ hãy thường xuyên hỏi đáp với Bé về những điều xung quanh. Điều này sẽ giúp trẻ rèn luyện khả năng suy nghĩ, phân tích và trả lời câu hỏi. Ba Mẹ có thể hỏi về những điều Bé đang quan tâm như đồ chơi, hoạt động, hay những người xung quanh. Điều này sẽ giúp Bé rèn luyện khả năng suy nghĩ và đưa ra câu trả lời.

Ví dụ: Khi Bé đang chơi với đồ chơi, Ba Mẹ có thể hỏi: “Con đang chơi gì vậy?”, “Trò này chơi như thế nào?”

Chơi mà học, học mà chơi thông qua các trò chơi dân gian
Các trò chơi dân gian thường đơn giản và dễ hiểu, nhưng lại đòi hỏi Bé phải suy luận để hiểu luật chơi và đưa ra quyết định làm thế nào để dành chiến thắng. Một số trò chơi dân gian phổ biến giúp Bé phát triển tư duy logic như:
🔸 Ô ăn quan: Trẻ cần phải suy luận để tìm ra cách di chuyển các quân cờ sao cho ăn được nhiều quân của đối thủ nhất.
🔸 Cá ngựa: Trẻ cần phải phân tích các nước đi của đối thủ để đưa ra nước đi hợp lý nhất.
🔸 Cờ vua: Trẻ cần phải suy nghĩ và tính toán xa để đưa ra chiến lược giành chiến thắng.
Trò chơi là một cách để Bé giải trí và học hỏi. Ba Mẹ hãy tạo cho Bé cảm giác vui vẻ và thích thú khi chơi trò chơi nhé!

Khuyến khích Bé tự giải quyết vấn đề
Khi Bé gặp khó khăn trong một vấn đề nào đó, ba mẹ đừng nên vội vàng giải quyết giúp Bé. Thay vào đó, hãy khuyến khích Bé tự suy nghĩ và tìm ra giải pháp. Điều này sẽ giúp Bé rèn luyện khả năng tự lập và tư duy logic. Ví dụ: nếu Bé muốn lấy đồ chơi của mình ở vị trí hơi cao so với tầm với của Bé. Ba Mẹ có thể khuyến khích Bé tìm cách để lấy nó như bắc ghế để lấy.

Không áp đặt suy nghĩ của Ba Mẹ lên Bé
Trẻ em có suy nghĩ và cách nhìn nhận thế giới khác với người lớn. Ba Mẹ không nên áp đặt suy nghĩ của mình lên trẻ. Khi áp đặt suy nghĩ của mình lên trẻ, Ba Mẹ sẽ khiến trẻ trở nên thụ động, thiếu suy nghĩ và sáng tạo. Trẻ sẽ không có cơ hội để phát triển tư duy logic của mình một cách tự nhiên. Thay vào đó, Ba Mẹ hãy khuyến khích trẻ đưa ra ý kiến của riêng mình. Lắng nghe ý kiến của trẻ một cách tôn trọng, ngay cả khi ý kiến đó khác với suy nghĩ của Ba Mẹ. Điều này sẽ giúp Bé phát triển khả năng suy nghĩ và tự tin đưa ra ý kiến của riêng mình.

Ví dụ: Khi Bé đang chọn quần áo để mặc, Ba Mẹ có thể hỏi: “Con thích mặc quần áo màu gì?” hoặc Ba Mẹ có thể hỏi Bé về điều ước của mình và tại sao Bé muốn thực hiện nó.


Việc vừa học vừa chơi giúp Bé thoải mái, thích thú nhờ vậy Bé tiếp thu kiến thức nhanh và ghi nhớ lâu hơn. Bên cạnh đó, sự đồng hành, động viên và khích lệ của Ba Mẹ là món quà vô giá dành cho Bé. Những món quà này sẽ giúp Bé tự tin khám phá thế giới xung quanh một cách tự nhiên, kích thích trí tò mò và khả năng tư duy logic.

Daisy Home Preschool

Đã bao nhiêu lần Ba Mẹ phải lặp đi lặp lại một yêu cầu, hay giải thích rất nhiều lần Bé không chịu làm theo lời mình? Điều này có thể xảy ra bởi rất nhiều lý do khách quan và chủ quan. Nhưng dù thế nào, những bất hòa tiếp diễn lâu dài rất dễ làm Ba Mẹ mệt mỏi và mất kiên nhẫn. Hôm nay, Daisy Home sẽ “mách” một số cách giúp Bé hợp tác hơn với Ba Mẹ nhé.

Ra lệnh hay cho Bé quyền lựa chọn?

Hai câu nói “Con muốn mặc áo khoác không?” và “Con mặc áo khoác vào.” mang 2 sắc thái khác nhau. Câu đầu mang tính hỏi ý, cho Bé suy nghĩ, lựa chọn và kiểm soát tình huống. Trong khi đó, câu thứ 2 hàm ý bắt buộc, được dùng khi cần đảm bảo an toàn cho Bé. Cả 2 loại câu này đều quan trọng. Ba Mẹ nên kết hợp cả 2, nhưng hãy cố gắng sử dụng câu hỏi ý thường xuyên hơn để Bé vui vẻ hơn, đồng thời học cách tự ra quyết định nhé!

Vì sao Bé không chịu hợp tác?

Ba Mẹ ơi, trước khi tức giận, hãy biết rằng có thể Bé không cố ý phớt lờ Ba Mẹ đâu. Bé có thể làm vậy vì mất tập trung, không muốn bị ép buộc, hoặc đơn giản là muốn tiếp tục việc mình đang làm. Bé cũng có thể vì đói, mệt, sợ mà trở nên bướng bỉnh, hay đôi khi vì yêu cầu đang quá sức với Bé. Vì vậy, Ba Mẹ cần thấu hiểu tình trạng của Bé, đồng thời giúp Bé hiểu vì sao cần làm điều Ba Mẹ muốn. Mặc dù tình trạng này có thể giảm khi Bé lớn lên, Ba Mẹ hãy hạn chế hành vi này từ nhỏ bằng cách điều chỉnh lời nói của mình cho thật hiệu quả và tích cực.

Tips hỏi ý và ra lệnh cho Bé hiệu quả

  • Gần gũi: Chỉ nói với Bé khi Ba Mẹ ở gần Bé để đảm bảo Bé chú ý lắng nghe. Sau đó, Ba Mẹ nhớ chờ vài giây cho Bé “xử lý” thông tin để hiểu điều Ba Mẹ muốn nhé.
  • Sử dụng câu từ rõ ràng, tích cực: Ba Mẹ cần làm rõ hành động, đối tượng trong câu nói của mình để Bé hiểu. Đồng thời, Ba Mẹ hãy nói với giọng bình tĩnh, tích cực để khuyến khích Bé hợp tác. Ví dụ: hãy nói “Con hãy khép miệng lại khi nhai” thay vì “Đừng có ăn như vậy”.
  • Đưa ra lựa chọn: Khi đưa ra yêu cầu, Ba Mẹ có thể cho thêm những lựa chọn cho Bé. Điều này cho Bé cơ hội để suy nghĩ và lựa chọn thứ mình muốn.
  • Giải thích kết quả (với Bé trên 3 tuổi): Ba Mẹ có thể mô tả thêm về kết quả của hành động Bé cần làm để thuyết phục Bé, như “Con soạn đồ nhanh thì sẽ được chơi lâu hơn”, thay vì”Con soạn đồ nhanh lên!”
  • Đưa ra yêu cầu phù hợp với độ tuổi: Nếu Bé còn nhỏ, vốn từ chưa nhiều, hãy dùng từ đơn giản và chỉ yêu cầu 1 việc mỗi lần. Với những Bé lớn hơn, Ba Mẹ có thể đưa ra yêu cầu phức tạp hơn.

Những tips trên có thể không hiệu quả ngay từ lần đầu, nhưng Ba Mẹ hãy kiên trì nhé. Daisy Home tin rằng sự kiên nhẫn, lòng bao dung và tình yêu thương của Ba Mẹ chính là nền tảng để nuôi dạy những em bé ngoan và ấm áp.

Daisy Home Preschool

Là phụ huynh, có lẽ việc giáo dục để Bé tự tin là mình, đồng thời cũng biết cách tôn trọng và cư xử đúng mực với mọi người chính là thử thách lớn nhất, bởi nó cần rất nhiều thời gian, kiến thức và sự kiên nhẫn. Để đồng hành trên hành trình ấy, hôm nay, mời Ba Mẹ hãy cùng Daisy Home tìm hiểu về một khía cạnh không thể thiếu trong giáo dục – các “chiến lược” kỷ luật hiệu quả và lành mạnh cho Bé và mối quan hệ trong gia đình nhé!

Chọn trừng phạt hay kỷ luật?

Trừng phạt và kỷ luật có sự khác biệt lớn.

Trừng phạt tập trung vào việc khiến Bé phải chịu đựng về thể chất hoặc tinh thần vì vi phạm các quy tắc, từ đó Bé sẽ vì sợ chịu đựng mà không thực hiện hành vi vi phạm nữa. Có nhiều Ba Mẹ dùng cả hình phạt vũ lực, tuy nhiên, phương pháp này chỉ khiến Bé dừng vì sợ hãi chứ không phải vì nhận thấy hành vi của mình sai. Thậm chí, hình phạt quá nặng có thể khiến Bé tức giận Ba Mẹ hoặc khiến Bé nghĩ mình tệ thay vì đơn thuần hiểu hành vi đó là sai.

Trong khi đó, kỷ luật lại tập trung vào việc dạy Bé cách đưa ra lựa chọn tốt hơn vào lần sau.

Cách kỷ luật tích cực

Sự kỷ luật tích cực khuyến khích Bé duy trì hành vi tốt, đồng thời giúp Bé gắn kết hơn với gia đình. Dưới đây là vài gợi ý cho Ba Mẹ tham khảo và áp dụng:

  • Bình tĩnh xử lý để làm gương cho Bé: Ba Mẹ hãy dạy dỗ, giải thích cho Bé với lời nói và hành động thật bình tĩnh. Bé sẽ học cách cư xử từ Ba Mẹ, vì vậy Ba Mẹ hãy làm mẫu cho những gì Ba Mẹ muốn ở Bé nhé.
  • Chuẩn bị để “đón” rắc rối: Ba Mẹ có thể lên kế hoạch trước cho những tình huống Bé có thể thấy khó xử. Hãy cho Bé biết những hoạt động sắp diễn ra và Ba Mẹ cần Bé cư xử thế nào.
  • Đặt giới hạn: Tạo ra những quy tắc rõ ràng và nhất quán để Bé có thể tuân theo. Ba Mẹ cũng cần giải thích những quy tắc này theo cách mà Bé có thể hiểu được.
  • Khen ngợi hành vi tốt: Bé cần biết điều gì Bé làm là tốt hoặc xấu. Ba Mẹ hãy chú ý chỉ ra hành vi tốt, khen ngợi nỗ lực của Bé một cách thật cụ thể.
  • Lắng nghe, thấu hiểu Bé: Nếu đói, mệt hoặc không khỏe, Bé sẽ rất dễ có những hành vi không ngoan. Ba Mẹ cần thấu hiểu Bé thông qua quan sát và trò chuyện để cùng giải quyết thật lành mạnh.
  • Sử dụng biện pháp “mạnh”: Nếu hành vi không tốt tái diễn, Ba Mẹ có thể dùng biện pháp như giới hạn giờ chơi, giảm đặc quyền cho Bé, từ đó giúp Bé hiểu hậu quả từ hành vi của mình.

Ba Mẹ hãy luôn nuôi dạy, ứng xử với Bé với tình thương và sự kiên nhẫn nhé!

Daisy Home Preschool

Ba Mẹ hãy thử nhớ lại giác mình đã buồn, thất vọng như thế nào (nhất là khi còn bé) lúc ai đó không thực hiện đúng lời hứa với mình. Điều này cũng tương tự đối với Bé. Khi Ba Mẹ hay những người xung quanh hứa với Bé điều gì đó, Bé sẽ mong chờ và nhớ rất lâu. Nên nếu Ba Mẹ vô tình quên hoặc thất hứa, Bé sẽ dễ bị tổn thương và thất vọng. Về lâu dần sẽ hình thành tính cách khó tin tưởng vào người khác và ảnh hưởng đến nhìn nhận của Bé về sự uy tín.

Vậy sự uy tín là gì?
Uy tín là việc luôn làm được những điều mà mình đã nói hoặc đã hứa. Việc giữ uy tín giúp xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người khác và cho thấy mình là một người đáng tin cậy.

Tuy nhiên, không phải lúc nào Ba Mẹ cũng có thể giữ lời hứa. Đôi khi, vì một lý do chính đáng nào đó, Ba Mẹ không thể giữ lời hứa với Bé. Khi đó, thay vì trốn tránh hoặc lơ đi chuyện đã hứa với Bé. Ba Mẹ nên xem xét một số hành động sau đây để xử lý tình huống một cách tích cực. Đồng thời dạy cho Bé hiểu về uy tín, cách giữ uy tín khi không thể giữ lời hứa.

  • Đầu tiên, Ba Mẹ nên xin lỗi một cách chân thành và giải thích cho Bé hiểu lý do vì sao không thể giữ lời hứa. Điều này, giúp Bé được an ủi và chấp nhận mọi thứ dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, giúp Bé nhận thức được rằng khi thất hứa việc đầu tiên mình cần xin lỗi. Đây cũng là một phần quan trọng của việc giữ uy tín.
  • Khi Ba Mẹ cởi mở với lỗi sai của mình và xin lỗi Bé, tạo cơ hội cho cuộc trò chuyện giữa Ba Mẹ và Bé. Bé có thể chia sẻ cảm xúc, Ba Mẹ hãy lắng nghe để hiểu thêm về cảm nhận của Bé. Từ đó, giúp tạo ra một môi trường mà Bé cảm thấy được quan tâm và tôn trọng.
  • Nếu có thể, Ba Mẹ nên thảo luận với Bé về cách thay thế hoặc đưa ra một phương án khác để thỏa niềm mong đợi của Bé, tạo cơ hội để Ba Mẹ cùng Bé giải quyết tình huống. Điều này giúp Bé học cách xử lý tình huống một cách tích cực và xây dựng lại uy tín với Bé.

Việc Ba Mẹ xin lỗi và giải quyết khi không thể giữ lời hứa cũng chính là làm gương cho Bé. Đây còn là cơ hội tốt để Ba Mẹ gợi mở về tư duy cởi mở, chịu trách nhiệm và giúp Bé hiểu cách xử lý tình huống tương tự để luôn giữ được sự uy tín. Quan trọng hơn, điều này giúp tạo môi trường để Ba Mẹ có thể đồng hành cùng Bé trong quá trình học tập và xây dựng uy tín trong cuộc sống.

Daisy Home Preschool

Nghệ thuật không chỉ là tô màu, vẽ, múa, hát,… mà còn là cách Bé tự do sáng tạo, tìm hiểu và thể hiện bản thân. Nghệ thuật giúp Bé phát triển tư duy sáng tạo, sự tự tin và kỹ năng xã hội. Vậy nên, tiếp xúc với nghệ thuật từ độ tuổi mầm non đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền tảng phát triển vững chắc cho tương lai của Bé.
Hãy cùng Daisy Home điểm qua một số lợi ích khi Bé được tiếp xúc với nghệ thuật từ nhỏ để khám phá và khuyến khích niềm đam mê nghệ thuật của Bé nhé!

Khuyến khích khả năng sáng tạo của Bé
Bé tiếp xúc với nghệ thuật từ độ tuổi mầm non có thể phát triển sức sáng tạo và mong muốn tìm hiểu thế giới xung quanh. Khi được thỏa sức cọ xát với các môn nghệ thuật như vẽ, múa, hát,… Bé sẽ có điều kiện phát triển trí não tốt và rèn luyện tư duy sáng tạo vượt bậc. Ba Mẹ có thể thông qua các hoạt động như vẽ tranh, nặn đất sét, chơi ghép hình,… để khuyến khích Bé tự do nhào nặn hay cắt ghép, vẽ những thứ Bé yêu thích. Ba Mẹ sẽ thấy bất ngờ với khả năng sáng tạo của Bé con đấy!

Tăng cường khả năng tập trung ở Bé
Các hoạt động nghệ thuật đòi hỏi Bé cần phải kiên nhẫn, tập trung vào việc thực hành và sáng tạo. Qua đó, Bé học được cách kiên nhẫn và tập trung vào một nhiệm vụ, say mê hoàn thành nó. Đây là một kỹ năng quý báu cho học tập và cuộc sống hằng ngày của Bé.

Thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ
Hát hò, kể chuyện hoặc tham gia các hoạt động nghệ thuật, Bé thường phải sử dụng từ ngữ để tạo nên câu chuyện, lời bài hát hoặc diễn đạt ý tưởng. Bé sẽ học được những từ vựng mới, rèn luyện khả năng diễn đạt và phát triển ngôn ngữ một cách tốt hơn. Ba Mẹ có thể cho Bé nghe nhạc hoặc hát cùng Bé. m nhạc là một cách tuyệt vời để Bé làm quen với âm thanh và từ vựng. Ngoài ra, Ba Mẹ nên tập trung lắng nghe khi Bé khoe tác phẩm nghệ thuật của mình. Hỏi và trò chuyện với Bé về ý tưởng, câu chuyện trong những tác phẩm của Bé. Ví dụ như Ba Mẹ có thể hỏi Bé về những gì Bé đã vẽ và khuyến khích Bé kể chuyện về hình vẽ đó.

Phát triển khả năng vận động
Khi tham gia vào các hoạt động nghệ thuật, cơ thể Bé phải vận động linh hoạt để có thể học sử dụng bút, tẩy, cọ vẽ, đất nặn, giấy hoặc nhảy, múa… tạo cơ hội rèn luyện và phát triển nhiều kỹ năng vận động. Từ đó giúp Bé thực hiện tốt các hoạt động khác như mặc áo quần, tự ăn vì nó đòi hỏi những chuyển động rất cụ thể và cần phải có kiểm soát.

Mang lại cảm xúc tích cực cho Bé
Nghệ thuật là một hoạt động thú vị để Bé tận hưởng thời gian và khám phá thế giới xung quanh. Nó giúp Bé cảm thấy vui vẻ hơn, giảm căng thẳng và có hứng thú trong học tập, sáng tạo. Bên cạnh đó, nghệ thuật cũng là cách để Bé thể hiện cảm xúc một cách tự nhiên. Thông qua những bức vẽ, những bài hát, Ba Mẹ có thể phần nào hiểu được suy nghĩ và tâm trạng của Bé. Từ đó mở ra những cơ những cơ hội để xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ và hỗ trợ Bé phát triển tốt về mặt tinh thần.

Có thể thấy, Bé càng sớm tiếp xúc với nghệ thuật mang lại nhiều lợi ích giúp Bé phát triển toàn diện. Mỗi Bé sẽ có sở thích riêng, Ba Mẹ hãy quan sát Bé con của mình để định hướng cho Bé học các bộ môn nghệ thuật phù hợp dựa theo đam mê, sở thích của Bé.

Ngoài ra, sự góp mặt và đồng hành của Ba Mẹ chính là nguồn động lực to lớn để Bé học các bộ môn nghệ thuật. Bé sẽ rất vui khi có Ba Mẹ cạnh bên, ngắm con vẽ, chơi nặn đất cùng con hay nghe con hát, xem con múa và lắng nghe những câu chuyện của Bé. Ba Mẹ có thể sử dụng nghệ thuật như một cầu nối để thấu hiểu Bé con hơn và xây dựng sự gắn kết với Bé. Đồng thời tạo cơ hội cho Bé học nghệ thuật và khích lệ sự toàn diện của Bé.

Daisy Home Preschool

Mỗi Bé sinh ra đều có những năng khiếu, sở trường riêng chờ được khám phá và nuôi dưỡng. Ba Mẹ có thể nhận thấy những năng khiếu bẩm sinh trong cách Bé vui chơi, học hỏi ngay từ “giai đoạn vàng”. Sự tò mò vô hạn, khả năng đọc viết sớm, sở thích kể chuyện, hay niềm đam mê đặc biệt nào đó chính là dấu hiệu. Bé có thể có năng khiếu ở bất kỳ lĩnh vực nào, thậm chí nhiều lĩnh vực cùng lúc.

Học những điều mới rất quan trọng với tinh thần của Bé. Vì vậy, ngay khi nhận diện được năng khiếu của Bé, Ba Mẹ có thể tìm kiếm cơ hội, môi trường cho Bé rèn luyện. Không chỉ giúp Bé giỏi hơn, điều đó cũng hỗ trợ sức khỏe và sự phát triển toàn diện của Bé. Dưới đây là một số cách giúp Ba Mẹ xác định năng khiếu của Bé:

  • Quan sát: Ba Mẹ có thể quan sát Bé trong các hoạt động khác nhau và ghi nhận những khuynh hướng, sở thích và điểm mạnh tự nhiên của Bé. Bé thường mê làm gì đến… quên ăn quên ngủ? Bé có thể học và hiểu lĩnh vực gì nhanh chóng? Bé có thường hỏi những câu hỏi sắc bén?
  • Trò chuyện: Ba Mẹ quan tâm, trò chuyện với Bé để tìm hiểu những mong muốn, sở thích của Bé. Bé có thể thay đổi sở thích nhanh chóng: lúc thích vẽ, khi lại thích học toán, hay ca hát. Điều này là hoàn toàn bình thường. Ba Mẹ hãy cứ tự do cho Bé trải nghiệm trước khi tìm ra thứ để chuyên tâm theo đuổi.
  • Tham khảo ý kiến: Tìm kiếm, ghi nhận phản hồi từ giáo viên, huấn luyện viên hay những người thường xuyên tiếp xúc với Bé có thể giúp Ba Mẹ có cái nhìn đa chiều trong việc xác định những sở trường của Bé.
  • Đánh giá từ chuyên gia: Tham vấn ý kiến của các chuyên gia tâm lý hoặc chuyên gia giáo dục cũng là một phương pháp hiệu quả. Với chuyên môn sâu, họ có thể tiến hành đánh giá toàn diện để xác định những tài năng và điểm mạnh đặc biệt của Bé.

Để chuyển hóa thành tài năng, năng khiếu cần được nhận diện và nuôi dưỡng đúng cách. Ba Mẹ cần tạo điều kiện cho Bé trải nghiệm thật nhiều thứ khác nhau dựa trên quan sát của mình và mong muốn của Bé. Trong suốt hành trình học tập, rèn luyện, Ba Mẹ cũng cần bày tỏ sự yêu thương, động viên và hỗ trợ định hướng khi Bé gặp khó khăn.

Ngoài ra, Ba Mẹ có thể cho Bé tham gia các cuộc thi hoặc chương trình tài năng. Nếu Bé giỏi về âm nhạc, Ba Mẹ có thể cho Bé thi hát – múa, hay theo học tại các trung tâm, trường lớp uy tín. Nếu Bé mạnh thể chất, Ba Mẹ có thể cho Bé tham gia các câu lạc bộ thể thao. Nếu Bé có tài năng học thuật, Ba Mẹ cần lựa chọn môi trường đào tạo nâng cao, hoặc có thể cá nhân hóa lộ trình học.

Khám phá và đón nhận năng khiếu của Bé là một hành trình đặc biệt. Bằng cách trân trọng năng khiếu của Bé, Ba Mẹ sẽ góp phần tôn vinh sự độc đáo của Bé, thúc đẩy sự phát triển và giúp Bé đạt đến những tầm cao phi thường, mở đường cho một tương lai trọn vẹn và thành công.

Daisy Home Preschool

Cầm muỗng tưởng chừng như một hoạt động đơn giản, nhưng với Bé trong giai đoạn từ 0-3 tuổi thì không đơn giản tí nào. Đây là một trong những kỹ năng phức tạp, bởi nó đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng và chính xác giữa não bộ, mắt, tay và miệng. Não bộ sẽ nhận tín hiệu từ mắt để xác định vị trí của thức ăn, sau đó điều khiển tay cầm muỗng để múc thức ăn và đưa chính xác vào miệng. Vậy nên, để bắt đầu hành trình tự lập cho Bé, Ba Mẹ hãy có lộ trình cùng cách hướng dẫn phù hợp và sự kiên nhẫn để Bé có cơ hội được luyện tập nhé!

Khi nào Ba Mẹ có thể bắt đầu giới thiệu muỗng cho Bé?

  • Đó là lúc Bé đã bốc nhón thành thạo, nhai nuốt tốt, có thể xử lý được các loại thức ăn nhỏ như hạt đậu Hà Lan mà không gặp khó khăn. Điều này cho thấy Bé đã có khả năng điều khiển tay linh hoạt, lúc này Ba Mẹ có thể bắt đầu giới thiệu muỗng cho Bé.

Các bước để Ba Mẹ tập cho Bé dùng muỗng tự xúc ăn:

  • Bước đầu tiên, Ba Mẹ hãy cho Bé làm quen với muỗng, đưa cho Bé cầm chơi. Sau đó, Ba Mẹ làm động tác đưa muỗng lên miệng ăn để cho Bé hiểu được muỗng dùng để làm gì.
  • Tiếp theo, Ba Mẹ có thể bắt đầu tập cho Bé tự xúc ăn vào bữa xế với những thức ăn mềm, sệt. Trước khi Bé xúc ăn, Ba Mẹ cũng dùng một cái muỗng tự xúc thức ăn của mình để làm mẫu cho Bé quan sát, bắt chước và tập xúc theo. Ban đầu, Bé sẽ loay hoay và khó khăn để có thể xúc được và đưa lên miệng, thậm chí Bé có thể khóc lóc và cáu gắt đòi ra khỏi ghế. Điều này hoàn toàn bình thường, Ba Mẹ không nên sốt ruột, cáu gắt hay thúc giục, làm giúp Bé.
  • Lưu ý, trong quá trình tập xúc ăn có 2 kỹ năng chính cơ bản: kỹ năng múc (Bé có thể múc được thức ăn dễ dàng và khéo léo đưa lên nhưng gặp khó khăn để đưa chính xác vào miệng) và kỹ năng gập cổ tay (Bé chưa thể múc được thức ăn nhưng có thể đưa được muỗng vào miệng chính xác). Việc biết được Bé thiên về kỹ năng nào trước sẽ giúp Ba Mẹ có thể hỗ trợ Bé dễ dàng hơn.

Nếu Bé nhà mình thiên về kỹ năng gập cổ tay trước, Ba Mẹ hỗ trợ Bé bằng cách cầm tay Bé và xúc thức ăn rồi để cho Bé tự đưa thức ăn vào miệng.

Đối với những Bé thiên về kỹ năng múc trước, Ba Mẹ cho Bé tự múc thức ăn, sau đó Ba Mẹ nâng tay Bé đưa lên miệng và để Bé tự ăn.

Thời gian luyện tập cho Bé dùng muỗng tự xúc ăn thường mất từ 5 – 6 tháng hoặc có thể lâu hơn tùy vào khả năng của từng Bé. Trong suốt quá trình luyện, Bé có thể gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, Ba Mẹ hãy kiên nhẫn, không nên nóng vội hay hối thúc Bé. Ngoài ra, Ba Mẹ đừng quên khen ngợi, khích lệ để làm cho Bé cảm thấy vui vẻ và hứng thú với việc tập luyện Ba Mẹ nhé!

Daisy Home Preschool

Việc đọc sách cho Bé không bao giờ là quá sớm, bởi từ khi mới sinh, Bé đã bắt đầu học về thế giới xung quanh. Từ 0-3 tuổi, ngoài việc trò chuyện, Ba Mẹ có thể giúp Bé xây dựng kỹ năng ngôn ngữ sớm thông qua sách. Đọc là một trong những cách tốt nhất để Bé tiếp xúc với ngôn ngữ, cũng như đặt nền tảng cho việc học tập độc lập sau này. Không chỉ giúp phát triển ngôn ngữ và hiểu biết về nhiều chủ đề, đọc cũng là khoảng thời gian quý báu để Ba Mẹ gắn kết với Bé qua giọng nói và cử chỉ gần gũi.

Ở độ tuổi này, đây có thể xem như một hoạt động vui chơi, đồng thời nuôi dưỡng thói quen, sở thích của Bé với sách. Nghe thì đơn giản, nhưng việc đọc cho các Bé trong độ tuổi năng động này đôi khi sẽ không yên bình như tưởng tượng. Hãy để Daisy Home “mách” Ba Mẹ một số tips để việc đọc hiệu quả hơn nhé!

  • Tạo thói quen và không gian yên tĩnh cho việc đọc Ba Mẹ nên tạo một không gian thoải mái, yên tĩnh tại nhà để đọc và duy trì việc đọc cùng Bé ít nhất 1 quyển nhỏ mỗi ngày. Tắt TV, đặt điện thoại ở chế độ im lặng trong giờ đọc để Bé không bị xao nhãng. Ba Mẹ cũng nhớ thường xuyên tự đọc để làm gương cho Bé nhé.
  • Cho Bé quyền quyết định Ba Mẹ hãy ngồi gần để Bé nhìn thấy mặt của Ba Mẹ và cuốn sách trong lúc đọc. Nếu Bé muốn, hãy để Bé chọn sách, cho Bé cầm sách, lật trang. Với những Bé đang tập đi, Bé có thể không ngồi yên. Nhưng Ba Mẹ hãy thả lỏng nhé, vì Bé vẫn đang nghe và học một cách thụ động trong lúc đấy. Ngoài ra, Ba Mẹ cũng không cần đặt mục tiêu đọc hết hay đọc theo thứ tự trang. Ưu tiên thời điểm này là giúp Bé yêu thích sách thay vì tạo áp lực, “nhiệm vụ” cho Bé.
  • Liên tục tương tác và liên hệ với cuộc sống Khi đọc, Ba Mẹ nhớ sử dụng giọng nói, nét mặt biểu cảm để thu hút Bé và giúp Bé hiểu sắc thái từ ngữ. Ba Mẹ hãy lật trang chậm rãi, cho Bé thời gian để xem ảnh, giải thích hoặc hỏi về những gì Bé thấy, liên hệ chúng với cuộc sống của Bé (ví dụ nhân vật đi học, đánh răng, chải tóc giống Bé). Nếu là sách quen, Ba Mẹ có thể cho Bé lặp lại các đoạn quen thuộc, hoặc bỏ lửng câu nói để Bé tiếp tục.

Lựa chọn sách cho Bé dưới 3 tuổi Bé dưới 3 tuổi thường thích những cuốn sách có vần, nhịp và sự lặp lại – những yếu tố giúp trẻ học hỏi và ghi nhớ tốt hơn. Khoảng tập trung của Bé ở độ tuổi này rất ngắn, vì vậy Ba Mẹ nên chọn những cuốn sách đơn giản, có thể đọc trong 4-5 phút.

Một số tiêu chí để Ba Mẹ chọn sách:

  • Những câu chuyện đơn giản, có nguyên nhân – kết quả rõ ràng
  • Sách về nhiều chủ đề như động vật, xe cộ, số đếm, bảng chữ cái,…
  • Sách có hình ảnh lớn, màu sắc nổi bật, ít chữ, có nhiều yếu tố lặp lại.
  • Sách về hoạt động vui chơi, sinh hoạt trẻ em
  • Sách bìa cứng, sách vải thay vì sách giấy để hạn chế rách, cong giấy.

Ngoài ra, Ba Mẹ cũng có thể cùng Bé đọc bất cứ thứ gì có sẵn như tạp chí, hướng dẫn sử dụng, biển hiệu quảng cáo,… để tăng phần thú vị. Đọc sách cho Bé – ở mọi lứa tuổi – sẽ thúc đẩy sự phát triển trí não của Bé, sự gắn kết giữa giữa Bé với Ba Mẹ, và nhiều hơn thế nữa. Tất cả chỉ cần một vài cuốn sách, một chút thời gian, và sự kiên nhẫn của Ba Mẹ!

Daisy Home Preschool