Đối với nhiều Ba Mẹ, khen gần như là một phản xạ, xảy ra bất cứ khi nào Bé làm được điều gì đó. Khen thưởng Bé là một việc nên làm. Tuy nhiên, liệu Ba Mẹ có đang khen thưởng một cách hiệu quả?

Việc khen ngợi mang lại niềm vui, sự tự tin cho Bé. Nhưng điều đó có thể không kéo dài lâu nếu lời khen quá chung chung hoặc không đúng thời điểm. Nếu chú tâm hơn đến cách khen ngợi, Ba Mẹ còn có thể nuôi dưỡng động lực nội tại của Bé – nỗ lực thể hiện, học hỏi và phát triển xuất phát từ chính bản thân. Daisy Home nghĩ điều đó thật tuyệt, bởi Ba Mẹ sẽ không muốn Bé phụ thuộc vào đánh giá, yêu cầu của người khác đúng không nào?
Vậy, Ba Mẹ nên khen thế nào?

Dùng từ ngữ mô tả
Khi khen, Ba Mẹ hãy nói với Bé cụ thể những gì mình hài lòng. Ví dụ: “Con dọn ngăn nắp đồ chơi là ngoan lắm”. Điều này giúp Bé hiểu chính xác điều chúng đã làm tốt. Nó cũng chân thật hơn những lời khen ngợi như “Con ngoan lắm”.

Khen nỗ lực thay vì thành tựu
Ba Mẹ hãy khen ngợi cho nỗ lực của Bé dù nhỏ hay lớn. Ví dụ: “Con đã làm bài tập toán rất chăm chỉ, giỏi lắm”. Khen ngợi nỗ lực sẽ tạo động lực cho Bé cố gắng. Khi Bé hiểu những hành động đó là tốt, Bé sẽ có thể duy trì trong tươi lai. Ba Mẹ cũng có thể dùng cách này để khuyến khích Bé làm điều mới.

Không khen thường xuyên
Khen ngợi sẽ phản tác dụng nếu Ba Mẹ dùng quá thường xuyên. Nó hạ thấp tiêu chuẩn cho hành vi của Bé, khiến Bé thấy làm tốt hay không cũng được khen, từ đó không cố gắng. Ngoài ra, Bé có thể vì sợ không được khen nữa mà ngại những thử thách mới, chỉ làm những điều an toàn và quen thuộc. Thay vào đó, Ba Mẹ hãy sử dụng nhiều ngôn ngữ không lời nhằm gửi gắm những thông điệp tích cực như ôm, xoa đầu, nựng nịu gương mặt, đôi má của con,…

Đưa ra phản hồi chân thành, tích cực
Thay vì dùng lời khen như một “phần thưởng”, Ba Mẹ hãy biến nó thành sự cổ vũ. Ba Mẹ có thể đưa ra những phản hồi, thông tin về năng lực của Bé, ví dụ như “Con đạt được 90% rồi” hoặc “Con đạt điểm cao nhất trong lớp đấy”. Nghiên cứu cho thấy cách phản hồi này có thể nâng cao động lực và sự thích thú, đồng thời khiến các Bé sẵn sàng dành nhiều thời gian hơn cho một nhiệm vụ.

Một số lưu ý thêm cho Ba Mẹ:

  • Hạn chế so sánh Bé với người khác.
  • Có thể thưởng Bé đồ chơi, thức ăn,… miễn không quá thường xuyên.
  • Xen kẽ cách khen khác thay cho lời nói, ví dụ: gật đầu, cười, giơ tay dấu like.
  • Đưa ra những kỳ vọng hợp lý cho Bé.

Lời khen ngợi hiệu quả, được đưa ra đúng lúc có thể nuôi dưỡng động lực nội tại của Bé. Nó giúp Bé trở nên tự tin, kiên cường và tự lập. Chúc Ba Mẹ sẽ khen hiệu quả để nuôi nấng những em bé ngoan, giỏi nhé!

Daisy Home Preschool

Pippi Tất dài của nữ nhà văn Thụy Điển Astrid Lindgren là cuốn sách được hàng triệu trẻ em trên thế giới yêu mến. Câu chuyện được lấy ý tưởng từ một cái tên mà chính cô con gái của bà nghĩ ra. Mỗi tối, Astrid Lindgren đều kể chuyện cho con gái mình nghe, một hôm cô bé nói, mẹ hãy kể về “Pippi Tất dài”. Bà không hề hỏi Pippi là ai mà thực sự đã tạo ra cô bé và câu chuyện theo trí tưởng tượng của mình.

Pippi là một cô bé tóc đỏ, mặt đầy tàn nhang và tinh quái. Dù chỉ mới chín tuổi, Pippi đã phải sống một mình vì mẹ mất sớm và cha là thủy thủ, suốt năm suốt tháng lênh đênh trên biển. Có người nói rằng, bố của cô bé đã bị bão cuốn đi mất nhưng Pippi cứ đinh ninh ông chỉ bị dạt vào một hòn đảo. Trong lúc chờ bố đóng được thuyền và quay trở về, Pippi cùng với một chú ngựa và “ông” khỉ dọn đến ở tại một biệt thự tên Bát Nháo – nơi cô gặp và kết bạn với hai anh em Thomas, Annika.

Qua lăng kính trẻ thơ, tất cả những mất mát, thiệt thòi đã được thi vị hoá bởi hai tiếng tự do “không còn ai có thể nhắc nhở cô bé đã đến giờ đi ngủ giữa lúc nó đang chơi mê mải nhất, cũng chẳng ai có thể bắt nó ăn viên dầu cá trong khi nó khoái chén kẹo hơn”. Điều đặc biệt hơn nữa ở Pippi là cô bé có một sức khỏe phi thường, xách con ngựa hay một người lớn bằng một tay, đánh thắng võ sĩ số một thế giới và cả bò rừng, cá mập… Sức mạnh này đã giúp Pippi làm nên những chiến tích đáng kinh ngạc, đem lại tiếng cười sảng khoái cho độc giả.

Những câu chuyện người lớn thường kể hay viết cho trẻ em đều là về các đứa trẻ ngoan ngoãn và xinh đẹp. Thế nhưng, trong toàn bộ cuốn sách, Pippi luôn là “đầu têu” trong các cuộc dã ngoại, bắt ma, giả làm quái vật, trò đắm tàu và dạt vào hoang đảo… Sự nghịch ngợm đó hoàn toàn không theo bất kỳ chuẩn mực nào. Pippi có thể không phải là đứa trẻ ngoan trong mắt của người lớn, nhưng hãy nhìn các cách lũ trẻ thích mê trước những trò chơi của cô bé mà xem. Thế giới trẻ thơ cần những hoạt động vui chơi, giải trí, ý tưởng ngộ nghĩnh, hồn nhiên để mở rộng tối đa khả năng sáng tạo cũng như học được cách quan tâm đến người khác. Đó phải chăng là bài học đầu tiên về sự yêu thương dành cho trẻ?

Ba mẹ ơi, đây là một câu chuyện rất xứng đáng dành tặng cho con, mỗi ngày một chút một, để con tăng thêm phần kích thích, tò mò và chờ mong giây phút được ngồi cạnh hay nằm cạnh ba mẹ, lắng nghe những chuyến phiêu lưu của Pippi. Chắc chắn Pippi còn mang đến cho bé nhiều tình huống bất ngờ “hết hồn” nữa, ba mẹ và các bé hãy đón chờ tiết lộ tiếp theo từ Góc đọc sách của Daisy Home nha.

Daisy Home Preschool

Mỗi Bé sinh ra đều có những năng khiếu, sở trường riêng chờ được khám phá và nuôi dưỡng. Ba Mẹ có thể nhận thấy những năng khiếu bẩm sinh trong cách Bé vui chơi, học hỏi ngay từ “giai đoạn vàng”. Sự tò mò vô hạn, khả năng đọc viết sớm, sở thích kể chuyện, hay niềm đam mê đặc biệt nào đó chính là dấu hiệu. Bé có thể có năng khiếu ở bất kỳ lĩnh vực nào, thậm chí nhiều lĩnh vực cùng lúc.

Học những điều mới rất quan trọng với tinh thần của Bé. Vì vậy, ngay khi nhận diện được năng khiếu của Bé, Ba Mẹ có thể tìm kiếm cơ hội, môi trường cho Bé rèn luyện. Không chỉ giúp Bé giỏi hơn, điều đó cũng hỗ trợ sức khỏe và sự phát triển toàn diện của Bé. Dưới đây là một số cách giúp Ba Mẹ xác định năng khiếu của Bé:

  • Quan sát: Ba Mẹ có thể quan sát Bé trong các hoạt động khác nhau và ghi nhận những khuynh hướng, sở thích và điểm mạnh tự nhiên của Bé. Bé thường mê làm gì đến… quên ăn quên ngủ? Bé có thể học và hiểu lĩnh vực gì nhanh chóng? Bé có thường hỏi những câu hỏi sắc bén?
  • Trò chuyện: Ba Mẹ quan tâm, trò chuyện với Bé để tìm hiểu những mong muốn, sở thích của Bé. Bé có thể thay đổi sở thích nhanh chóng: lúc thích vẽ, khi lại thích học toán, hay ca hát. Điều này là hoàn toàn bình thường. Ba Mẹ hãy cứ tự do cho Bé trải nghiệm trước khi tìm ra thứ để chuyên tâm theo đuổi.
  • Tham khảo ý kiến: Tìm kiếm, ghi nhận phản hồi từ giáo viên, huấn luyện viên hay những người thường xuyên tiếp xúc với Bé có thể giúp Ba Mẹ có cái nhìn đa chiều trong việc xác định những sở trường của Bé.
  • Đánh giá từ chuyên gia: Tham vấn ý kiến của các chuyên gia tâm lý hoặc chuyên gia giáo dục cũng là một phương pháp hiệu quả. Với chuyên môn sâu, họ có thể tiến hành đánh giá toàn diện để xác định những tài năng và điểm mạnh đặc biệt của Bé.

Để chuyển hóa thành tài năng, năng khiếu cần được nhận diện và nuôi dưỡng đúng cách. Ba Mẹ cần tạo điều kiện cho Bé trải nghiệm thật nhiều thứ khác nhau dựa trên quan sát của mình và mong muốn của Bé. Trong suốt hành trình học tập, rèn luyện, Ba Mẹ cũng cần bày tỏ sự yêu thương, động viên và hỗ trợ định hướng khi Bé gặp khó khăn.

Ngoài ra, Ba Mẹ có thể cho Bé tham gia các cuộc thi hoặc chương trình tài năng. Nếu Bé giỏi về âm nhạc, Ba Mẹ có thể cho Bé thi hát – múa, hay theo học tại các trung tâm, trường lớp uy tín. Nếu Bé mạnh thể chất, Ba Mẹ có thể cho Bé tham gia các câu lạc bộ thể thao. Nếu Bé có tài năng học thuật, Ba Mẹ cần lựa chọn môi trường đào tạo nâng cao, hoặc có thể cá nhân hóa lộ trình học.

Khám phá và đón nhận năng khiếu của Bé là một hành trình đặc biệt. Bằng cách trân trọng năng khiếu của Bé, Ba Mẹ sẽ góp phần tôn vinh sự độc đáo của Bé, thúc đẩy sự phát triển và giúp Bé đạt đến những tầm cao phi thường, mở đường cho một tương lai trọn vẹn và thành công.

Daisy Home Preschool

Cầm muỗng tưởng chừng như một hoạt động đơn giản, nhưng với Bé trong giai đoạn từ 0-3 tuổi thì không đơn giản tí nào. Đây là một trong những kỹ năng phức tạp, bởi nó đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng và chính xác giữa não bộ, mắt, tay và miệng. Não bộ sẽ nhận tín hiệu từ mắt để xác định vị trí của thức ăn, sau đó điều khiển tay cầm muỗng để múc thức ăn và đưa chính xác vào miệng. Vậy nên, để bắt đầu hành trình tự lập cho Bé, Ba Mẹ hãy có lộ trình cùng cách hướng dẫn phù hợp và sự kiên nhẫn để Bé có cơ hội được luyện tập nhé!

Khi nào Ba Mẹ có thể bắt đầu giới thiệu muỗng cho Bé?

  • Đó là lúc Bé đã bốc nhón thành thạo, nhai nuốt tốt, có thể xử lý được các loại thức ăn nhỏ như hạt đậu Hà Lan mà không gặp khó khăn. Điều này cho thấy Bé đã có khả năng điều khiển tay linh hoạt, lúc này Ba Mẹ có thể bắt đầu giới thiệu muỗng cho Bé.

Các bước để Ba Mẹ tập cho Bé dùng muỗng tự xúc ăn:

  • Bước đầu tiên, Ba Mẹ hãy cho Bé làm quen với muỗng, đưa cho Bé cầm chơi. Sau đó, Ba Mẹ làm động tác đưa muỗng lên miệng ăn để cho Bé hiểu được muỗng dùng để làm gì.
  • Tiếp theo, Ba Mẹ có thể bắt đầu tập cho Bé tự xúc ăn vào bữa xế với những thức ăn mềm, sệt. Trước khi Bé xúc ăn, Ba Mẹ cũng dùng một cái muỗng tự xúc thức ăn của mình để làm mẫu cho Bé quan sát, bắt chước và tập xúc theo. Ban đầu, Bé sẽ loay hoay và khó khăn để có thể xúc được và đưa lên miệng, thậm chí Bé có thể khóc lóc và cáu gắt đòi ra khỏi ghế. Điều này hoàn toàn bình thường, Ba Mẹ không nên sốt ruột, cáu gắt hay thúc giục, làm giúp Bé.
  • Lưu ý, trong quá trình tập xúc ăn có 2 kỹ năng chính cơ bản: kỹ năng múc (Bé có thể múc được thức ăn dễ dàng và khéo léo đưa lên nhưng gặp khó khăn để đưa chính xác vào miệng) và kỹ năng gập cổ tay (Bé chưa thể múc được thức ăn nhưng có thể đưa được muỗng vào miệng chính xác). Việc biết được Bé thiên về kỹ năng nào trước sẽ giúp Ba Mẹ có thể hỗ trợ Bé dễ dàng hơn.

Nếu Bé nhà mình thiên về kỹ năng gập cổ tay trước, Ba Mẹ hỗ trợ Bé bằng cách cầm tay Bé và xúc thức ăn rồi để cho Bé tự đưa thức ăn vào miệng.

Đối với những Bé thiên về kỹ năng múc trước, Ba Mẹ cho Bé tự múc thức ăn, sau đó Ba Mẹ nâng tay Bé đưa lên miệng và để Bé tự ăn.

Thời gian luyện tập cho Bé dùng muỗng tự xúc ăn thường mất từ 5 – 6 tháng hoặc có thể lâu hơn tùy vào khả năng của từng Bé. Trong suốt quá trình luyện, Bé có thể gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, Ba Mẹ hãy kiên nhẫn, không nên nóng vội hay hối thúc Bé. Ngoài ra, Ba Mẹ đừng quên khen ngợi, khích lệ để làm cho Bé cảm thấy vui vẻ và hứng thú với việc tập luyện Ba Mẹ nhé!

Daisy Home Preschool

Winnie-the-Pooh hay còn gọi Gấu Pooh Xinh Xắn là một tập hợp các câu chuyện nhỏ về tình bạn và thế giới tưởng tượng mà A.A.Milne đã sáng tạo nên để dành tặng con trai yêu dấu Christopher Robin. Bước ra từ đám đồ chơi của Robin, tất cả các nhân vật Gấu Pooh khờ khạo, Lừa xám Eeyore u sầu, Lợn Con nhát cáy, Cú hiểu biết, Thỏ bắng nhắng,… đã làm một cuộc hóa thân kỳ diệu, với tất cả sự dí dỏm và dễ thương, để giành được tình yêu của bao thế hệ trẻ em và cha mẹ chúng suốt từ 1926 – năm xuất bản lần đầu của Winnie-the-Pooh. Với minh hoạ của E.H.Shepard, từ trang sách tới phim ảnh, Gấu Pooh nay đã thành ra một trong những nhân vật trong trẻo nhất, đại chúng nhất, có sức hút bền bỉ nhất qua thời gian.

Kể từ khi nhóm nhân vật Gấu Pooh ra mắt, không ít người đã tìm cách lý giải sức hút của chú gấu vàng ươm, tính tình hiền lành, thật thà (và có phần… ngốc nghếch), mê mật ong và luôn băn khoăn về trí thông minh của mình.

Phải chăng gấu Pooh đại diện cho rất nhiều em nhỏ trên thế gian này, hoặc đúng hơn là đại diện cho một phần tính cách rất thường gặp ở các em. Đó là luôn tò mò với mọi thứ mới lạ, luôn đặt ra những câu hỏi có vẻ ngô nghê, luôn hành động bột phát và rồi nằng nặc đòi sửa sai, như chuyện Gấu Pooh đem giấu mật ong, để dành, rồi nửa đêm lại mò mẫm đi tìm mật ong về vì… bỗng dưng thèm quá.

Không riêng gì Gấu Pooh, những người bạn của chú cũng sở hữu tính cách cực kỳ độc đáo và rất đỗi trẻ con. Có em bé nào lại không có lúc lo lắng, sợ sệt và dễ ỉu xìu như Lừa Xám; có em bé nào lại không sốt sắng, hào hứng đến mức nhảy tưng tưng như bạn Thỏ; hay có cô cậu nhóc nào lại chẳng có lúc tỏ ra mình người lớn, thích giảng giải những điều mới lạ, “cao siêu”, dùng những từ ngữ phức tạp, khó hiểu đến buồn cười như bác Cú Vọ.

Rừng Trăm Mẫu, nơi Gấu Pooh và nhóm bạn sinh sống, cứ như một thế giới đầy màu sắc, đầy nắng, đầy mưa và những bất ngờ ta gặp được, ngay trong mỗi đứa trẻ quanh mình. Mỗi nhân vật dường như là một thông điệp được tác giả A.A.Miline gửi gắm, trong đó có một chút hồn nhiên, một chút tinh thần hào hiệp, về tình bạn, về niềm lạc quan dù gặp tình huống khó khăn. Và tác giả thực sự đã thành công giăng ra được “màn tơ nhện mỏng manh kỳ diệu” xuyên suốt những câu chuyện thường tình xoay quanh Gấu Pooh.

Cái màn tơ dịu dàng ấy được tạo bởi những hành động lúc nào cũng chậm rãi, nhẩn nha, đan xen với rất nhiều “thơ thẩn” và “ngân nga” hồn nhiên của chú gấu Pooh. Bởi cả những lời lẽ thân ái, hành động bộc phát dễ thương mà các nhân vật dành cho nhau, như cách Gấu Pooh và Lợn Con tìm quà sinh nhật tặng bác Lừa Eeyore chẳng hạn.

Dù câu chuyện về Gấu Pooh bắt đầu từ chính những gấu, thỏ, kangaroo nhồi bông và những câu chuyện thủ thỉ bất tận với con trai mình. Thế nhưng, Miline đã giúp Gấu Pooh tồn tại gần một trăm năm với rất nhiều thương mến không đổi. Hãy thử lật bất kỳ một chương truyện và kể với con về những điều diệu kỳ, xinh đẹp từ khu rừng Trăm Mẫu. Cuộc phiêu lưu kỳ thú và ngọt ngào của nhóm bạn bé nhỏ sẽ là một trong những thứ hoàn hảo để nuôi dưỡng trái tim dịu dàng cho con.

Daisy Home Preschool

Việc đọc sách cho Bé không bao giờ là quá sớm, bởi từ khi mới sinh, Bé đã bắt đầu học về thế giới xung quanh. Từ 0-3 tuổi, ngoài việc trò chuyện, Ba Mẹ có thể giúp Bé xây dựng kỹ năng ngôn ngữ sớm thông qua sách. Đọc là một trong những cách tốt nhất để Bé tiếp xúc với ngôn ngữ, cũng như đặt nền tảng cho việc học tập độc lập sau này. Không chỉ giúp phát triển ngôn ngữ và hiểu biết về nhiều chủ đề, đọc cũng là khoảng thời gian quý báu để Ba Mẹ gắn kết với Bé qua giọng nói và cử chỉ gần gũi.

Ở độ tuổi này, đây có thể xem như một hoạt động vui chơi, đồng thời nuôi dưỡng thói quen, sở thích của Bé với sách. Nghe thì đơn giản, nhưng việc đọc cho các Bé trong độ tuổi năng động này đôi khi sẽ không yên bình như tưởng tượng. Hãy để Daisy Home “mách” Ba Mẹ một số tips để việc đọc hiệu quả hơn nhé!

  • Tạo thói quen và không gian yên tĩnh cho việc đọc Ba Mẹ nên tạo một không gian thoải mái, yên tĩnh tại nhà để đọc và duy trì việc đọc cùng Bé ít nhất 1 quyển nhỏ mỗi ngày. Tắt TV, đặt điện thoại ở chế độ im lặng trong giờ đọc để Bé không bị xao nhãng. Ba Mẹ cũng nhớ thường xuyên tự đọc để làm gương cho Bé nhé.
  • Cho Bé quyền quyết định Ba Mẹ hãy ngồi gần để Bé nhìn thấy mặt của Ba Mẹ và cuốn sách trong lúc đọc. Nếu Bé muốn, hãy để Bé chọn sách, cho Bé cầm sách, lật trang. Với những Bé đang tập đi, Bé có thể không ngồi yên. Nhưng Ba Mẹ hãy thả lỏng nhé, vì Bé vẫn đang nghe và học một cách thụ động trong lúc đấy. Ngoài ra, Ba Mẹ cũng không cần đặt mục tiêu đọc hết hay đọc theo thứ tự trang. Ưu tiên thời điểm này là giúp Bé yêu thích sách thay vì tạo áp lực, “nhiệm vụ” cho Bé.
  • Liên tục tương tác và liên hệ với cuộc sống Khi đọc, Ba Mẹ nhớ sử dụng giọng nói, nét mặt biểu cảm để thu hút Bé và giúp Bé hiểu sắc thái từ ngữ. Ba Mẹ hãy lật trang chậm rãi, cho Bé thời gian để xem ảnh, giải thích hoặc hỏi về những gì Bé thấy, liên hệ chúng với cuộc sống của Bé (ví dụ nhân vật đi học, đánh răng, chải tóc giống Bé). Nếu là sách quen, Ba Mẹ có thể cho Bé lặp lại các đoạn quen thuộc, hoặc bỏ lửng câu nói để Bé tiếp tục.

Lựa chọn sách cho Bé dưới 3 tuổi Bé dưới 3 tuổi thường thích những cuốn sách có vần, nhịp và sự lặp lại – những yếu tố giúp trẻ học hỏi và ghi nhớ tốt hơn. Khoảng tập trung của Bé ở độ tuổi này rất ngắn, vì vậy Ba Mẹ nên chọn những cuốn sách đơn giản, có thể đọc trong 4-5 phút.

Một số tiêu chí để Ba Mẹ chọn sách:

  • Những câu chuyện đơn giản, có nguyên nhân – kết quả rõ ràng
  • Sách về nhiều chủ đề như động vật, xe cộ, số đếm, bảng chữ cái,…
  • Sách có hình ảnh lớn, màu sắc nổi bật, ít chữ, có nhiều yếu tố lặp lại.
  • Sách về hoạt động vui chơi, sinh hoạt trẻ em
  • Sách bìa cứng, sách vải thay vì sách giấy để hạn chế rách, cong giấy.

Ngoài ra, Ba Mẹ cũng có thể cùng Bé đọc bất cứ thứ gì có sẵn như tạp chí, hướng dẫn sử dụng, biển hiệu quảng cáo,… để tăng phần thú vị. Đọc sách cho Bé – ở mọi lứa tuổi – sẽ thúc đẩy sự phát triển trí não của Bé, sự gắn kết giữa giữa Bé với Ba Mẹ, và nhiều hơn thế nữa. Tất cả chỉ cần một vài cuốn sách, một chút thời gian, và sự kiên nhẫn của Ba Mẹ!

Daisy Home Preschool

Momo ra mắt tại nước Đức vào năm 1973, là tiểu thuyết đầu tiên đánh dấu tư tưởng nghệ thuật xuyên suốt của Michael Ende: Phá bỏ những thành kiến trong cái nhìn cuộc sống. Tác phẩm đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng với tổng số ấn bản lên tới bảy triệu, nhiều lần được dựng thành phim, đồng thời mang lại nhiều giải thưởng giá trị cho Michael Ende trong đó có giải thưởng Văn học thiếu nhi Đức năm 1974 và Bảng danh dự Giải thưởng văn học châu Âu.

Nguồn hình ảnh: Sưu tầm

Những câu chuyện của Michael Ende luôn hàm chứa những chuỗi nhân sinh quan sâu sắc. Về ý nghĩa của thời gian? Tiền bạc hay vật chất cái nào mới là thứ quan trọng nhất? “Có một bí mật to lớn nhưng cũng hết sức giản dị. Tất cả mọi người đều có phần, ai cũng biết đến nó, nhưng lại rất ít người suy nghĩ về nó, hầu hết mọi người chỉ đơn giản nhận lấy nó và chẳng hề ngạc nhiên chút nào. Điều bí mật ấy là thời gian. Thời gian là cuộc sống. Và cuộc sống ở trong trái tim.” Dù triết lý ấy được trình bày một cách thật đơn giản, thế nhưng liệu rằng trong lúc chảy trôi theo dòng thời đại, có bao người thực sự đang tận hưởng niềm hạnh phúc nhỏ nhoi đó?

Câu chuyện nhỏ này bắt đầu từ một lời kể bình dị như mọi câu chuyện ngụ ngôn khác, về một thành phố với nhà hát lộ thiên cổ, nơi có cô bé Momo – nhân vật chính của chúng ta đang sống. Đó là một cô bé mồ côi đi lang thang khắp nơi để rồi trôi dạt về nhà hát đổ nát. Em nhận được sự yêu thương của những người xung quanh và ngược lại, em trở thành người luôn có thời gian cùng khả năng lắng nghe những phiền muộn của người khác. Chỉ vậy thôi mà bao nhiêu hờn dỗi, thù ghét của mọi người xung quanh đều tan biến hết.

Khi có ai đó hỏi em bao nhiêu tuổi, em luôn thản nhiên trả lời “một trăm linh hai”. Không hẳn vì em chưa đủ lớn để hiểu ý nghĩa những con số, mà đây là cách Momo thể hiện cảm nhận về thời gian không theo bất kỳ sự định lượng và quan niệm thông thường nào. Người lớn chúng ta luôn cân đo đong đếm mọi thứ bằng những con số, còn thế giới của trẻ em thì không như vậy. Vậy nên đôi khi, ta hãy thử dẹp bớt những áp đặt và chấp nhận sự tò mò hay định nghĩa kỳ lạ của các con xem sao. Biết đâu khi nghe con trình bày suy nghĩ và cảm nhận của mình, trái tim người lớn cũng nhẹ đi phần nào lo âu.

Không giống như những đứa trẻ khác, Momo chẳng hề nhiều lời, ngược lại lúc nào cũng im lặng lắng nghe câu chuyện, nỗi lòng của người lớn và cả đám con nít quanh mình. Em chỉ đơn giản là lắng nghe chứ không bình luận, khuyên giải bất cứ điều gì, như thể chỉ riêng sự hiện diện đó đã chứa đựng vô vàn điều tuyệt vời rồi. Cũng chính vì điều này nên mọi người càng thêm yêu quý và thích được ở cạnh Momo để tìm lại sự cân bằng. Thật kỳ diệu làm sao khi những người đang hờn dỗi, cãi vã chỉ cần cùng nhau đến gặp Momo thì mọi mâu thuẫn đều sẽ được hóa giải.

Rốt cuộc thì Momo nhỏ bé đang giấu phép màu gì trong dáng vẻ có phần luộm thuộm của mình? Hay chăng, trẻ con vẫn luôn âm thầm quan sát, để tâm và học theo những hành động của người lớn. Để bố mẹ có những lần vỡ òa vì nhận ra “con đã lớn”, dường như khi ta học được cách xem con như một người bạn thì đứa trẻ ấy sẽ dễ dàng bày tỏ suy nghĩ của mình hơn. Tin tưởng chính là chìa khóa quan trọng để gắn kết giữa ba mẹ và con cái, chẳng phải sao?

Momo có hai người bạn thân đó là anh chàng Gigi “dẻo mỏ” và bác Beppo – phu quét đường. Hai kẻ tốt bụng và đáng mến, dẫu trời long đất lở họ cũng không bao giờ bỏ cô bé ở lại. Một già, một trẻ, một đứa nhóc cứ vậy vui vẻ sống qua ngày, bình yên ngắm nhìn trời sao. Nhưng cuộc sống êm ả ấy nhanh chóng bị xáo trộn khi bọn Màu Xám xuất hiện.

Những gã Màu Xám đã thao túng toàn bộ thị trấn, điều khiển những quan chức tại đây, buộc người dân phải sống như những nô lệ của công việc. Gigi và bác Beppo không phải ngoại lệ, họ cũng bị cuốn theo cơn lốc khắc nghiệt ấy. Momo phải nhanh chóng tìm ra sự thật và nhanh chóng cứu những người bạn của mình trước khi mọi thứ trở nên quá muộn. Tình bạn của họ chưa bao giờ bị ngăn cách bởi tuổi tác hay địa vị, họ chỉ đơn giản ở bên cạnh nhau mọi lúc. Khi cuộc sống diễn ra bình thường thì tận hưởng mọi thứ, lúc khó khăn gian khó họ ra sức bảo vệ nhau. Hãy giúp con hiểu mọi người đều xứng đáng được đối xử công bằng và tình bạn là một thứ tình cảm đẹp đẽ, trong sáng mà mỗi người cần có trong cuộc sống này.

Cô bé Momo là hình ảnh tượng trưng cho phần người đẹp đẽ, được cất giữ sâu thẳm bên trong, nhưng lại chưa từng được mở đường khai phá. Qua nhân vật nhỏ này, Michael Ende đã để lại rất nhiều bài học cho cả trẻ em lẫn người lớn. “Thời gian là vàng bạc” dường như chỉ mang tính nhất thời, bởi chúng ta làm sao có thể hạnh phúc khi mãi lao đầu vào công việc? “Giàu sang phú quý” là gì khi xung quanh chúng ta không có ai để san sẻ, chung vui? Thay vào đó, việc trân trọng giây phút hiện tại và yêu thương chân thành mới là điều đáng quý trong cuộc sống này.

Daisy Home Preschool

Để Bé thoải mái, tự tin học tập, vui chơi, ngoài hành trang là một sức khỏe và tinh thần tốt thì việc chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cần thiết mỗi ngày cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó, để hình thành dần thói quen tự lập, ngăn nắp và gọn gàng, Ba Mẹ cũng có thể tập cho Bé tự chuẩn bị đồ dùng hàng ngày ngay từ những ngày đầu tiên.

Cùng Daisy Home tìm hiểu một số cách để Ba Mẹ có thể đồng hành và tập cho Bé chuẩn bị đầy đủ đồ dùng khi đến trường nhé!

  • Thời gian đầu, để tránh việc Bé quên hoặc không biết chuẩn bị gì, Ba Mẹ nên cùng Bé chọn những đồ dùng học tập, đồ dùng cá nhân. Trong lúc đó, Ba Mẹ sẽ đặt những câu hỏi và giải thích cho Bé: vì sao món đồ này lại cần thiết, công dụng của nó là gì. Ngoài ra, thay vì chọn sẵn cho Bé, Ba Mẹ hãy khuyến khích Bé tự lựa chọn quần áo, sách vở mà Bé yêu thích, việc Bé được tự do chọn cái mình thích sẽ giúp Bé cảm thấy dễ chịu và tự tin khi đến lớp.
  • Hướng dẫn Bé gấp gọn và sắp xếp ngay ngắn các đồ dùng tương ứng với vị trí của các ngăn trong balo. Một balo được sắp xếp chỉn chu không chỉ giúp Bé có thể lấy ra, cất vào một cách nhanh chóng, dễ dàng, mà còn hình thành cho Bé tính gọn ghẽ, ngay ngắn. Ba Mẹ cũng đừng quên khen ngợi và tạo sự thoải mái khi Bé chuẩn bị quần áo, sách vở. Với sự động viên của Ba Mẹ, Bé sẽ cảm thấy được công nhận và có động lực để tiếp tục cố gắng.
  • Khi Bé đã sắp xếp đồ dùng đầy đủ, ngăn nắp vào balo, Ba Mẹ hãy hướng dẫn Bé đặt nó ở một nơi cố định và tiện lợi. Việc này sẽ tạo cho Bé thói quen tự quản lý đồ dùng của mình, cất giữ nó đúng nơi và tránh việc Bé phải mất thời gian tìm kiếm, hoặc quên đem theo vào mỗi sáng trước khi đi học.

Một lưu ý nhỏ, Ba Mẹ nên cùng Bé chuẩn bị những thứ cần thiết trước khi đi ngủ để tránh hối hả vào buổi sáng hôm sau. Vội vàng sẽ dễ gây ra những thiếu sót và cảm xúc không tốt cho cả Bé và Ba Mẹ. Vậy nên không chỉ Bé, mà Ba Mẹ cũng hãy học cách chuẩn bị thật tốt sức khỏe, tinh thần và hành trang để đưa Bé đến trường thật vui vẻ, thuận lợi nhé!

Daisy Home Preschool

Lòng tự trọng là sự yêu thích, tin tưởng bản thân, và sự hiểu biết về giá trị của bản thân. Lòng tự trọng có thể được hình thành ngay từ khi Bé còn nhỏ và phát triển chậm theo thời gian. Nó có thể bắt đầu đơn giản khi Bé cảm thấy an toàn, được yêu thương, được chấp nhận bởi gia đình và mọi người xung quanh.

Khi có lòng tự trọng, Bé sẽ tự tin để:

  • Thử những điều mới và thử lại nếu chưa thành công.
  • Không ngại đối diện với nỗi sợ và thách thức.

Càng nhiều lần thử và sai, Bé sẽ càng học hỏi và trưởng thành tốt hơn. Điều này giúp Bé thể hiện tốt các việc ở trường, ở nhà, và cả khi vui chơi với bạn bè. Ngược lại, Bé dễ trở nên nhút nhát, tự ti, dễ bị tác động bởi lời nói của người khác. Vì thiếu lòng tin vào bản thân, Bé có thể hoài nghi về năng lực của mình, từ đó thiếu chính kiến và thiếu kiên định khi gặp khó khăn.

Với tầm quan trọng như thế, Daisy Home gợi ý một số cách để Ba Mẹ có thể nuôi dưỡng lòng tự trọng của Bé mỗi ngày:

  • Cho Bé quyền quyết định trong những tình huống đơn giản: Ba Mẹ hãy để Bé tự lựa chọn đồ chơi, trang phục, thức ăn mình muốn trong phạm vi an toàn.
  • Cho Bé cơ hội nói “không”: Trong những tình huống phù hợp, nếu Bé từ chối một yêu cầu, Ba Mẹ có thể để Bé làm theo ý muốn. Khi đó, Bé có thể tự học từ những hành động, quyết định của mình.
  • Cho Bé tự do khám phá: Ba Mẹ hãy để Bé tự do khám phá môi trường xung quanh, nhưng nhớ quan sát Bé và phản hồi, hỗ trợ khi cần.
  • Tôn trọng tiếng nói và nỗ lực của Bé: Ba Mẹ cần lắng nghe quan điểm của Bé và ghi nhận, khen ngợi các nỗ lực của Bé thay vì chỉ tập trung vào kết quả (thắng hoặc thua).

Lòng tự trọng là một thành tố quan trọng, giúp Bé vượt qua những khó khăn, thách thức trong quá trình khôn lớn và trưởng thành. Ba Mẹ hãy luôn yêu thương, ghi nhận Bé đúng cách để Bé luôn tự tin và hạnh phúc trong cuộc sống nhé!

Daisy Home Preschool

Bé đến tuổi tập đi, hay vui chơi chạy nhảy thì sẽ không thể tránh khỏi những vấp ngã làm Ba Mẹ lo lắng. Với tình yêu thương và bản năng bảo vệ, Ba Mẹ thường vội vã chạy đến dỗ dành mỗi khi bé vấp ngã, kèm theo đó là những câu xoa dịu, “đánh chừa” nhằm an ủi để Bé nín khóc. Tuy nhiên, những hành động đó của Ba Mẹ sẽ vô tình gieo vào Bé thói quen dựa dẫm, đổ lỗi cho một đối tượng khác thay vì tự lập và chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

Vậy, Ba Mẹ nên làm thế nào là tốt nhất khi Bé bị vấp ngã?

  • Đầu tiên, Ba Mẹ cần quan sát mức độ nghiêm trọng của cú ngã. Nếu Bé không tự đứng dậy được, hãy đưa Bé đến nơi an toàn để quan sát khắp người xem vết thương ra sao để có cách xử lý kịp thời. Thông thường, khi Bé ngã về phía trước sẽ ít nguy hiểm hơn những cú đập đầu về phía sau.
  • Nếu cú ngã không để lại vết thương chảy máu, Bé ngã trên mặt đất phẳng thì thường không để lại vấn đề gì lớn. Ba Mẹ không nên quá hốt hoảng, hãy tập trung vào Bé và động viên Bé tự đứng dậy, hỏi xem Bé khó chịu hay đau chỗ nào. Đồng thời, Ba Mẹ hãy “khéo xoa” bằng lời nói nhẹ nhàng nhưng cứng rắn “Con chú ý (hoặc cẩn thận) hơn thì sẽ không bị ngã đau nữa nhé”. Đặc biệt, lúc này, không nên hỏi Bé “có đau không?”,”đau chỗ nào?”,”vì sao ngã?”,… Những câu hỏi dồn dập và trong âm lượng to, nhanh của Ba Mẹ sẽ làm bé thêm hoảng hốt, tội lỗi và ít chịu trách nhiệm.
  • Tuyệt đối không nên để người khác can thiệp vào việc này. Chẳng hạn, nếu Ba Mẹ áp dụng những cách trên nhưng ông bà lại áp dụng ngược lại (như chạy đến dỗ giành, xoa dịu…) thì sẽ phản tác dụng. Ông bà thường có xu hướng thương xót cháu hoặc chiều chuộng cháu quá mức, điều này, có thể dẫn đến những mâu thuẫn trong việc nuôi dạy Bé. Ba Mẹ hãy giải thích cho ông bà hiểu nếu làm như vậy Bé sẽ khóc và có xu hướng tìm đến ông bà để dựa dẫm hoặc ăn vạ. Ngoài ra, Ba Mẹ nên thảo luận và thống nhất cách giáo dục Bé với ông bà để tránh xảy ra mâu thuẫn do những khoảng cách về thế hệ.

Những bước đi đầu vẫn còn nhiều vấp ngã và vụng về sẽ khiến Ba Mẹ lo lắng, thương xót và muốn bảo bọc con. Tuy nhiên, Ba Mẹ hoàn toàn có thể giúp Bé “tự đứng lên” để phát triển những tính cách tốt đẹp trong tương lai.

Vậy nên, thay vì chở che Bé quá mức, Ba Mẹ hãy cho Bé quyền được vấp ngã và rồi học cách tự đứng dậy. Việc này sẽ giúp cho Bé biết cách tự lập sớm, trưởng thành và sống có trách nhiệm với sự đồng hành của Ba Mẹ nhé!

Daisy Home Preschool