Trách mắng trẻ con thế nào cho đúng
Trong quá trình nuôi dạy Bé yêu, sẽ có những tình huống khiến Ba Mẹ “bốc hỏa” và khó kiềm chế được cơn nóng giận của mình. Tuy nhiên, Ba Mẹ không thể vì cảm xúc nhất thời mà trách mắng Bé tuỳ tiện, đôi khi điều này sẽ phản tác dụng và tạo ra khoảng cách giữa Ba Mẹ với Bé. Do đó trách mắng con cũng cần có phương pháp và sự khéo léo thì mới đạt hiệu quả và giúp Bé rút ra bài học cho bản thân. Ba Mẹ hãy cùng Daisy Home tìm hiểu một số điều “cần làm” và “nên tránh” khi buộc phải nghiêm khắc với con nhé!
1. Không mắng Bé ở chốn đông người hay những thời điểm nhạy cảm
Việc trách mắng Bé ở nơi đông người sẽ bào mòn lòng tự trọng của con và khiến Bé trở nên rụt rè, tự ti. Bên cạnh đó, một số thời điểm nhạy cảm như khi Bé vừa ngủ dậy, khi Bé đang bị ốm, hay khi đang dùng bữa cùng gia đình,.. Ba Mẹ cũng không nên lớn tiếng trách phạt con. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến thể chất và tâm lý lâu dài của Bé.
2. Không dùng những từ ngữ khó nghe
Việc Ba Mẹ dùng những ngôn từ khó nghe khi trách mắng Bé giống như một liều thuốc độc đối với tâm hồn của trẻ nhỏ. Điều này có thể giúp Ba Mẹ “xả” được cơn giận, nhưng lại vô tình tác động xấu đến quá trình hình thành tính cách của Bé, khiến con khó kiểm soát cảm xúc và trở nên cộc cằn. Do đó Ba Mẹ hãy giữ bình tĩnh để lựa chọn câu từ chuẩn mực khi cần phê bình Bé yêu nhé!
3. Không so sánh Bé với những trẻ khác
Mỗi bạn nhỏ khi đến với cuộc đời đều có những tiềm năng riêng biệt và độc nhất, việc so sánh Bé yêu với “con nhà người ta” sẽ khiến Bé bị tổn thương rất nhiều và gặp trở ngại trong giao tiếp cũng như phát triển tư duy. Ba Mẹ nên tránh mắc phải sai lầm này và kiên trì tìm hiểu cá tính của Bé để có phương pháp giáo dục phù hợp.
4. Trách mắng phù hợp với tính cách Bé
Đây là vấn đề cần Ba Mẹ linh động trong cách xử lý, vì mỗi Bé sẽ có một cách phản ứng khác nhau nên Ba Mẹ không thể quá máy móc khi áp dụng hành vi, ngôn ngữ. Tuy nhiên bên cạnh đó, Ba Mẹ cũng hãy giữ thái độ nghiêm túc và nhìn thẳng vào mắt con khi phê bình, để Bé hiểu được hành vi của mình là sai và tự rút ra bài học cho bản thân.
5. Chia sẻ cho Bé cảm xúc của Ba Mẹ
Trong tình huống cần phê bình Bé, việc Ba Mẹ chủ động nói ra cảm xúc của mình sẽ giúp Bé hiểu và đồng cảm với Ba Mẹ hơn. Con học được cách chọn lọc hành vi để không lặp lại những điều khiến Ba Mẹ buồn, nổi nóng hay thất vọng,… Mối liên kết của Ba Mẹ với Bé sẽ tác động đến việc hình thành nhân cách và phẩm chất của con sau này.
Những gì Bé thể hiện và hành động ở mỗi giai đoạn đều là bản năng mà con cho là đúng, Bé không hề có kinh nghiệm và cũng chưa từng trải để tích lũy vốn sống đa dạng. Do đó, thay vì quát nạt và phẫn nộ với Bé, Ba Mẹ hãy bình tĩnh nhìn nhận vấn đề để tìm hướng giải quyết. Đừng vì những nóng giận nhất thời mà tổn thương con, Ba Mẹ nhé!
Daisy Home Preschool