Gọi tên cảm xúc giúp con phát triển lành mạnh
Con trai không được buồn khóc, con gái không được phẫn nộ? Đây là những điều mã xã hội thường áp đặt lên giới tính của mỗi người. Tuy nhiên, ngày nay, cảm xúc đang ngày càng được nhìn nhận đúng vai trò hơn dù ở giới tính nào. Đó cũng chính là lý do các nội dung về cảm xúc, cách biểu lộ cảm xúc lành mạnh đang được quan tâm ngày càng nhiều hơn.
Ba Mẹ hãy cùng Bé trang bị kỹ năng đối diện với cảm xúc một cách lành mạnh để giúp Bé giảm lo lắng, nâng cao nhận thức về bản thân, về những gì mang lại cho Bé sự thoải mái và biết đồng cảm hơn. Bước đầu tiên để giúp Bé phát triển cảm xúc của mình, chính là dạy Bé cách gọi tên chúng. Vậy làm sao để Bé nhận diện được cảm xúc của mình? Hãy cùng Daisy Home tìm hiểu nhé.
1. Hỏi và giúp Bé diễn tả cảm xúc của mình
Hỏi đáp là cách giúp Bé học điều mới nhanh nhất, tuy nhiên Ba Mẹ cần lựa chọn những câu hỏi phù hợp, hỏi đúng cách để đạt được hiệu quả như mong muốn. Không nên đặt những câu hỏi đúng – sai, có – không, mang tính gán ghép như “Con giận hả?”, “Con vui à?”, “Con ương bướng quá đó!”. Điều này sẽ làm cho Bé hoặc là mặc định cảm xúc của mình theo lời cha mẹ, hoặc là bị bức bối nhưng không có cách giải tỏa cảm xúc thật sự của mình.
Thay vào đó, Ba Mẹ hãy kiên nhẫn để Bé tự nói ra những cảm xúc của mình bằng câu hỏi khơi gợi như “Chuyện gì đã xảy ra?”, “Con đang thấy thế nào?” “Điều gì làm con cảm thấy như vậy”… Những câu hỏi khơi gợi này sẽ giúp các cảm xúc mà Bé đang có được “lộ diện” một cách chính xác, đồng thời đây cũng là cách để Ba Mẹ thể hiện sự tôn trọng cảm xúc của con.
2. Sử dụng vòng xoay cảm xúc Plutchik
Vòng quay cảm xúc Plutchik là một biểu đồ với những cảm xúc chính ở trung tâm và những cảm xúc cụ thể hơn ở cánh quạt bên ngoài. Đây là một công cụ giúp các Bé có thêm nhiều từ vựng cảm xúc để dễ dàng gọi tên những gì đang cảm thấy. Từ đó, Bé có thể tự nhận thức và xử lý chúng tốt hơn.
3. Tạo điều kiện cho Bé thể hiện cảm xúc của mình
Khuyến khích Bé thể hiện cảm xúc là điều mà Ba Mẹ nên làm. Không có cảm xúc tốt hay xấu, không có cảm xúc tích cực hay tiêu cực, tất cả các cảm xúc đều có ý nghĩa và giúp Bé hiểu bản thân hơn. Tuy nhiên, cách Bé thể hiện cảm xúc là rất quan trọng. Hãy hướng dẫn bé thể hiện cảm xúc như thế nào là phù hợp, giải quyết cảm xúc như thế nào sẽ giúp bé cảm thấy tốt hơn, thay vì chặn dòng cảm xúc của Bé lại Ba Mẹ nhé.
Việc gọi tên được cảm xúc của chính mình, học được cách thể hiện và giải quyết cảm xúc từ nhỏ sẽ giúp Bé hiểu bản thân, tự tin và cởi mở hơn khi gặp vấn đề hay đến môi trường mới. Vì thế, Ba Mẹ hãy tôn trọng và hỗ trợ Bé trên con đường phát triển cả thể chất lẫn tinh thần nhé.
Daisy Home Preschool