Ba câu hỏi giúp ba mẹ kết nối với bé sau giờ học
Một ngày đi học của Bé có rất nhiều sự kiện và cảm xúc. Để hiểu và kết nối hơn với Bé trên hành trình trưởng thành, Ba Mẹ hãy giao tiếp để biết Bé đã trải qua những sự kiện gì và cảm giác như thế nào bằng những câu hỏi cụ thể. Thay vì hỏi “Hôm nay con đi học có vui không ?” hay “Ở trường hôm nay thế nào ?”, hãy thử những câu hỏi sau:
1. Hôm nay con học được những gì?
Tạo điều kiện cho Bé kể lại những gì được học là cách giúp Bé ôn lại bài học một cách tự nhiên và hiệu quả. Ba Mẹ có thể hỏi chi tiết xoay quanh nội dung (Tại sao lại như thế? Cái đó nghĩa là sao?) để Bé giải thích chi tiết hơn. Nếu Bé hứng thú khi được đóng vai là một giáo viên, hay một người chia sẻ lại kiến thức như thế, hãy thường xuyên hỏi để Bé được phát triển khả năng hệ thống thông tin và diễn đạt của mình.
Để tạo thêm không khí vui vẻ, Ba Mẹ có thể gợi ý bằng “để Ba/Mẹ đoán xem là hôm nay cô dạy con cái gì nha!….. Hmmmmm, là về biển đúng không nè…. “. Bé sẽ rất bất ngờ và thích thú vì tại sao Ba Mẹ lại đoán trúng phóc. Vậy thì Ba Mẹ tiếp tục những câu hỏi gợi mở như là “Biển thì có gì ta?”, hoặc đậm chất thi đua với lời đề nghị “Ba/Mẹ với con kể thử biển có gì, xem ai hơn ai nha!”. Vậy là mình đã có một buổi trò chuyện vui nhộn và gần gũi rồi đó ạ.
2. Hôm nay con chơi với bạn nào? Điều gì ở thầy cô hoặc các bạn mà con thích?
Lớp học và bạn bè là một xã hội thu nhỏ. Khi đi học, Bé không chỉ học những kiến thức, kỹ năng từ giáo viên mà còn học cả cách ứng xử, giao tiếp thông qua việc vui chơi với bạn bè. Ba Mẹ hãy quan tâm đến những mối quan hệ của Bé, giúp Bé nhận ra được xu hướng chọn bạn, xu hướng hành vi để hỗ trợ Bé có những giờ học và vui chơi lành mạnh.
Ba Mẹ cũng nên ghi nhớ tên bạn/ bạn thân/ bạn mà con cảm thấy không thích chơi cùng… để cuộc trò chuyện thân mật, tin tưởng hơn nhé.
3. Hôm nay con có chuyện gì vui?
Thông qua những câu chuyện cảm xúc của Bé, Ba Mẹ có thể hiểu hơn điều gì khiến Bé hứng thú, kiên nhẫn, điều gì không nằm trong vùng quan tâm. Từ đó, Ba Mẹ sẽ dễ dàng xác định được sở thích, sở trường để tạo điều kiện giúp Bé phát triển các ưu thế, khắc phục điểm hạn chế.
Đồng thời, cảm xúc của Bé chính là dấu hiệu để Ba Mẹ biết rằng Bé có đang cần sự can thiệp từ Ba Mẹ hay không. Quan tâm đến cảm xúc của Bé cũng là cách hiệu quả để khuyến khích và hướng dẫn Bé yêu cầu sự giúp đỡ khi cần thiết.
Hãy bắt đầu từ câu hỏi “vui” và sau đó dịch chuyển qua “con có chuyện gì không vui lắm không?” hoặc “con có chuyện gì không hài lòng hả”, nếu như Ba Mẹ nhìn thấy nét mặt, ánh mắt của Bé trầm tư, ủ rũ, Ba Mẹ nhé.
Bên cạnh đó, Ba Mẹ có thể dùng những câu hỏi để gợi mở, hướng dẫn Bé tiếp cận với suy nghĩ, hành động mang tính phát triển, có ích như:
– Hôm nay con có giúp đỡ được bạn nào không?
– Hôm nay con có tự hào điều gì không?
– Có việc gì con nghĩ rằng mình có thể làm tốt hơn vào lần sau không?
– Có điều gì mà con muốn bản thân không lặp lại lần nữa?
Dù Bé ở bất cứ giai đoạn nào, giao tiếp luôn là chìa khóa để kết nối, giáo dục và chia sẻ. Ba Mẹ hãy dành thời gian và kiên nhẫn để Bé có một nền tảng phát triển vững vàng, đồng thời cũng có một chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy để chia sẻ mọi khía cạnh cuộc sống nhé.
Daisy Home Preschool