4 gợi ý đẩy lùi chứng biếng ăn ở bé từ 1 đến 6 tuổi
Trẻ biếng ăn khiến cho không ít Ba Mẹ lo lắng trong quá trình chăm sóc con. Quan trọng hơn, tình trạng biếng ăn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về tầm vóc và trí tuệ của Bé. Lúc này, việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ biếng ăn cũng vất vả, khó khăn hơn. Vậy Bé biếng ăn phải làm sao?
Trong phần trước, Daisy Home đã đưa ra những gợi ý giúp Ba Mẹ xác định nguyên nhân Bé biếng ăn. Hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những cách khắc phục giúp Bé ăn ngon miệng, khỏe mạnh mỗi ngày nhé.
✅ Nạp đủ dinh dưỡng cho Bé: Mỗi loại thực phẩm khác nhau sẽ cung cấp một lượng năng lượng khác nhau. Do đó, Ba Mẹ nên bổ sung đa dạng các loại thực phẩm cho Bé. Thay vì chỉ một vài nguyên liệu lặp lại sẽ khiến cho Bé chán ăn và thiếu dinh dưỡng cần thiết. Thực đơn của Bé luôn phải đảm bảo 4 nhóm thực phẩm chính:
– Tinh bột: Cơm, bún, mì, nui…
– Đạm: Thịt, trứng, cá…
– Chất béo: Dầu thực vật, các loại đậu…
– Vitamin và khoáng chất: rau củ tươi, trái cây tươi…
Bổ sung đầy đủ các nhóm chất trên là điều kiện tiên quyết để Bé hấp thu tốt, tiêu hóa khỏe và luôn ăn ngon miệng.
✅ Cho Bé ăn chỉ khi thực sự đói: Các Bé thường mè nheo không chịu ăn vì chưa thực sự cảm thấy đói. Vì thế, Ba Mẹ không cần phải quá thúc ép, hãy gợi ý cho Bé chủ động đòi ăn khi thực sự đói. Ba Mẹ có thể thử trong vài ngày liên tục không ép Bé ăn. Hãy đợi đến khi tự Bé phải nhắc đến bữa ăn của mình. Cách này sẽ giúp Ba Mẹ xác định “thời gian biểu đói bụng” của con. Những bữa ăn sau, Ba Mẹ chỉ cần cho Bé ăn vào những khung giờ cố định đó. Khi đó, Ba Mẹ sẽ không phải mất hàng giờ để bắt ép con ăn và Bé cũng không áp lực khi ăn uống nữa.
✅ Cho Bé ăn thức ăn phù hợp với lứa tuổi: Từ lúc Bé được 6 tháng tuổi, Ba Mẹ có thể bắt đầu cho Bé tập ăn dặm những loại thực phẩm cần thiết theo khuyến cáo của chuyên gia dinh dưỡng. Khi Bé được 8 – 12 tháng tuổi, Bé bắt đầu mọc răng. Lúc này, Ba Mẹ nên cho Bé tập ăn những thức ăn đặc hơn như cháo, nui, bún, phở, cơm nát… giúp Bé phát triển khả năng nhai nuốt. Bé cũng sẽ ít từ chối nếu được thử món ăn mới ở lần sau.
✅ Khuyến khích Bé đề xuất món ăn: Sau khi kết thúc mỗi bữa ăn, Ba Mẹ có thể hỏi Bé xem bữa sau con muốn ăn gì. Hãy lắng nghe sở thích của con và chuẩn bị món đó vào buổi ăn tiếp theo. Khi đó, Bé sẽ hào hứng chờ đợi bữa ăn hơn và ăn nhiều món khác nhau. Dần dần, chứng biếng ăn sẽ dần được cải thiện.
Vậy, nếu làm sao khi Bé không thích những thực phẩm bổ dưỡng? Ba Mẹ có thể đổi “chiến thuật” một chút, ví dụ, thay vì cho ăn thịt với cơm, hãy cho Bé ăn thử Hamburger kẹp thịt. Nếu Bé không thích rau củ, Ba Mẹ có thể cho Bé ăn trái cây hoặc uống nước ép để bổ sung chất xơ. Những sự biến tấu nho nhỏ sẽ khiến Bé hứng thú hơn với bữa ăn.
✅ Hạn chế các thói quen gây xao nhãng: Khi đã bắt đầu bữa ăn, Ba Mẹ không nên cho Bé xem tivi, điện thoại, ipad,… vì sẽ làm Bé mất tập trung. Nếu bé xem trong khi ăn sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, Bé không nhai kỹ hoặc ngậm đồ ăn, dẫn đến chán ăn. Thay vào đó, Ba Mẹ có thể tạo hứng thú cho Bé bằng cách trang trí món ăn đầy màu sắc. Hoặc trò chuyện khuyến khích Bé khám phá món ăn và trao đổi cảm nghĩ của Bé về món ăn đó.
Để bữa ăn cùng Bé dễ dàng hơn, Ba Mẹ hãy thử áp dụng những kinh nghiệm hữu ích trên đây nhé. Nếu tình trạng biếng ăn kéo dài, Ba Mẹ có thể tham khảo ý kiến từ người có chuyên môn. Chúc các Bé luôn ăn ngon và Ba Mẹ nuôi con nhàn tênh nha.
Daisy Home Preschool