Thực hành giao tiếp với con cùng Daisy Home (Phần 3)
Bé vẫn đang học cách làm quen với cuộc sống nên đôi khi bé sẽ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, chán chường và khóc. Trong những lúc này, ba mẹ nên thấu hiểu và đồng cảm với cảm xúc của bé để xoa dịu. Những tình huống trẻ “gặp khó” và được ba mẹ trấn an, kề bên như vậy chính là nền tảng vững chắc cho mối quan hệ của con cái và phụ huynh về sau, kể cả khi bé lớn hơn và có xu hướng tách rời gia đình của mình. Tuy nhiên, một số trường hợp như bé mè nheo, ăn vạ,… sẽ khiến ba mẹ bị mất kiểm soát và lớn tiếng với con, nặng nề hơn và dùng đòn roi… Daisy Home chia sẻ với phụ huynh một số giải pháp sau đây để giao tiếp với bé mà không gây áp lực hay uy hiếp con nhé.
“Nín khóc ngay!” không bao giờ có tác dụng.
Khi ba mẹ nói câu này chỉ khiến cảm xúc của bé trở nên tồi tệ hơn cũng đồng nghĩa với việc ba mẹ không tôn trọng và thấu hiểu cảm xúc của bé. Bé có thể không khóc nữa vì sợ ba mẹ nổi giận hơn nhưng về mặt cảm xúc bên trong, con vẫn không cảm thấy hài lòng với điều này. Nếu lâu dài như vậy, bé sẽ có những cảm xúc tiêu cực với ba mẹ.
Thay vì những câu nói mang cảm xúc tiêu cực như vậy, ba mẹ hãy thử giao tiếp khi con có những cảm xúc không ổn như:
- “Ba mẹ hiểu cảm xúc của con mà, con cứ khóc đi nhé.”
“Không sao hết, việc có gì đâu mà con khóc?” hay “Tại sao lại khóc?”, … những câu chất vất xuất phát từ lời nói của ba mẹ sẽ khiến bé cảm thấy không thoải mái, vì vấn đề của bé đang bị coi nhẹ. Hơn nữa, những câu hỏi dồn dập của ba mẹ lúc này chỉ làm bé khổ sở hơn. Thay vì vậy, “Ba mẹ hiểu mà, con cứ khóc đi” – câu nói này giúp con nhanh chóng cảm nhận được sự thấu hiểu, thông cảm của ba mẹ.
- “Có ba/ mẹ đây rồi!”
Đôi khi bé có quá nhiều chuyện nhỏ nhặt nhưng dồn lại thành cảm xúc tủi thân khiến ba mẹ không biết chính xác lí do khiến bé khóc nhè. Trong trường hợp này, ba mẹ nên ôm bé vào lòng và an ủi rằng ba mẹ luôn ở bên cạnh con và con không phải dồn những cảm xúc này trong lòng.
- “Ba mẹ hiểu con rất mệt/ rất tức giận/ rất thất vọng/…”
Những bé con khi bị khó chịu, mệt mỏi cũng sẽ dẫn đến việc khóc lóc. Ví dụ khi bé mệt vì đi bộ đường dài và ba mẹ không chịu bế. Lúc này, ba mẹ nên nói với bé “Ba mẹ hiểu con rất mệt. Chúng ta đã đi bộ khá nhiều nhưng về đến nhà mình sẽ được nghỉ ngơi”. Ba mẹ cần thể hiện được là ba mẹ cũng biết bé mệt và sẽ khích lệ tinh thần bé để bé thấy khá hơn.
Hoặc bé đi học về và oà khóc vì một điều phi lý (trong suy nghĩ của bé tại trường), thay vì hỏi lý do, diễn biến, kết quả và bé xử lý vấn đề ra sao rồi đánh giá đúng – sai, ba mẹ hãy xác nhận “hình như là con rất thất vọng/ giận… đúng không?” Sau đó thì ba mẹ hãy ngồi xuống cạnh con, lau nước mắt và “nhường quyền kể lể” cho con. Còn ba mẹ, hãy chỉ lắng nghe và đã đến lúc để giải thích cho con rồi ạ!
Ba mẹ thân mến, “làm ba mẹ” không hề dễ chút nào nhưng cũng thật là thú vị. Hãy cùng khám phá và thực hành với Daisy Home Preschool về những chuyên đề nho nhỏ nhưng lợi ích lâu dài nhé.
Daisy Home Preschool