Tác hại của việc bé muốn gì được đó
💁♀️Yêu thương, chăm sóc con cái luôn là bản năng của mỗi người làm cha, làm mẹ. Tuy nhiên, ranh giới của việc quan tâm và nuông chiều các Bé nhỏ thường không quá rạch ròi. Đôi khi Ba Mẹ vì xót con nên sẽ muốn thỏa mãn Bé vô điều kiện, không nỡ để Bé phải thiếu thốn bất cứ điều gì. Hoặc một số trường hợp Ba Mẹ quá bận rộn, lại dùng vật chất bù đắp khi không ở có thời gian ở bên Bé.
💁♀️Biểu hiện nuông chiều Bé quá mức dễ nhận thấy nhất ở 3 khía cạnh. Một là cho Bé mọi thứ Bé muốn bao gồm đồ chơi, quần áo đắt tiền. Hai là không để Bé phải làm bất kỳ việc gì như làm bài tập, phụ giúp việc nhà hay tự vệ sinh cá nhân. Ba là không xây dựng kỷ luật cho Bé, điển hình là trường hợp cho Bé chơi điện thoại suốt cả ngày. Bất kể khía cạnh nào, chính sự nuông chiều quá mức của Ba mẹ sẽ vô tình ảnh hưởng không tốt đến tính cách của Bé.
📌Nếu Ba Mẹ mua tất cả món đồ chơi Bé muốn, Bé sẽ nhận ra mọi thứ có được quá dễ dàng. Bé có ngay món đồ mình yêu thích mà không cần bất kỳ nỗ lực nào. Dần dần, Bé sẽ bỏ quên bản năng cố gắng hết sức vì một điều gì đó. Khi cuộc sống có điều không như ý, Bé rất dễ suy sụp bởi khả năng chịu đựng áp lực kém. Khi lớn lên, Bé cũng dễ nản lòng bỏ cuộc trước những mục tiêu của cuộc đời mình.
📌Bên cạnh đó, nhiều Ba Mẹ có thói quen dùng vật chất bù đắp cho thời gian bận rộn không thể ở bên con. Điều này làm cho Bé nghĩ rằng hạnh phúc bắt nguồn từ của cải vật chất. Các Bé sẽ lớn lên với quan niệm tài sản, tiền bạc là tất cả những gì Bé cần để có cuộc sống thỏa mãn hơn. Tuy nhiên nếu chỉ chú trọng vật chất, Bé sẽ dễ bỏ lỡ những niềm vui thật sự khi ở bên gia đình và bạn bè.
📌Về khía cạnh cuộc sống, việc Ba Mẹ làm hết mọi việc cho Bé cũng lấy đi khả năng tự lập của Bé. Ví dụ như nhiều Bé lớn lên vẫn không biết rửa chén, quét nhà hay tự chăm lo sinh hoạt hàng ngày của mình. Điều này khiến Bé bị thiếu các kỹ năng cần thiết để sống tự lập khi lớn lên. Nhiều Bé dễ trở nên khép mình, tự ti và khó đưa ra quyết định khi thiếu vắng hình bóng của Ba Mẹ.
📌Không chỉ vậy, quá trình học kỹ năng sống cũng là quá trình rèn luyện khả năng hòa nhập cho Bé. Việc Ba Mẹ quá bao bọc con sẽ khiến cho Bé không biết cách ứng xử trong cuộc sống hàng ngày. Bé dễ trở nên tự cao và không quan tâm cảm xúc của mọi người xung quanh. Với tính cách này, Bé rất khó hòa nhập với bạn bè và không thể xây dựng mối quan hệ bền chắc.
📌Một điều nữa là khi Bé được đáp ứng mọi mong muốn, Bé có thể đánh mất sự đồng cảm và thấu hiểu với người khác. Bé luôn nghĩ rằng việc hưởng thụ là điều hiển nhiên và vô tâm trước sự yêu thương quan tâm của Ba Mẹ.
📌Ngoài ra, thiếu kỷ luật trong gia đình cũng là một đặc điểm thường thấy của việc quá nuông chiều con. Các quy tắc ở nhà là bước đầu để rèn luyện tính cách của Bé. Nếu thiếu đi các quy tắc này, Bé sẽ khó phân định đúng, sai và thiếu trách nhiệm với các hành động của mình. Ngoài ra, nếu không được rèn luyện tính kỷ luật, Bé sẽ khó từ chối cám dỗ và không thể quản lý cuộc sống trong tương lai. Việc đặt ra ranh giới mới có thể giúp Bé hình thành tính cách quyết đoán và kỷ luật, cho phép Bé vững vàng bước ra thế giới.
️🎯Để một đứa trẻ lớn lên độc lập, tự do và hạnh phúc, giáo dục của gia đình luôn là gốc rễ quan trọng nhất. Vừa đủ quan tâm sẽ giúp Bé tự tin đón nhận mọi yêu thương. Vừa đủ kỷ luật sẽ cho Bé sự quyết đoán và mạnh mẽ trước mọi hành trình. Việc Ba Mẹ từ chối việc nuông chiều Bé quá mức là bước khởi đầu cho Bé con trưởng thành mai sau.
Daisy Home Preschool