Những lá thư không gửi – từ trái tim đến trái tim
Năm mười tuổi, những đứa trẻ thường sẽ thích làm gì? Chạy đua với những con diều, lấp ló chơi trốn tìm, hồ hởi kéo nhau chơi đá bóng hay lén lút trốn học đi chơi. Vậy mà, trong suốt 10 năm, cuộc sống của Ernest Morlaisse đẹp trai, học giỏi, ngoan ngoãn, luôn là tâm điểm của những cô bé học sinh tại trường lại không có gì ngoài vòng lặp cân bằng đến tẻ nhạt: “Cậu bé bước đi chậm rãi về phía căn nhà, mắt không hề nhìn ngó xung quanh. Vẫn con đường ấy. Vẫn bên vỉa hè ấy. Cậu đi thẳng một mạch từ nhà đến trường, rồi lại từ trường về nhà. Không vội vàng, không gấp gáp…”
Nhịp sống thường nhật của cậu bé chỉ có bài tập, quả táo sau giờ học, món xúp buổi tối, bà nội và bà Germaine được thuê để chăm sóc cả hai bà cháu. Không tivi, không điện thoại, thứ duy nhất để giải trí là đống sách cũ kĩ và những lá thư được khóa kỹ trong chiếc tủ ly…
Bí mật xoay quanh Ernest và bà Précieuse được Susie Morgenstern dẫn dắt một cách nhẹ nhàng, từ tốn, giống như nhịp sống của chính họ trong những trang sách. Thứ gây tò mò nhất chính là bức thư bà nội luôn giữ, với những chữ viết không thể luận nổi. Bức thư ấy khiến cả Ernest và độc giả tin rằng nó chứa đựng thứ sức mạnh có thể giải đáp toàn bộ những góc khuất về cuộc đời của cậu bé.
Rồi cuộc đời nhiệm màu đưa Victoire đến. Victoire không chỉ là “chiến công” của cha mẹ cô bé trong cuộc tìm kiếm một đứa con gái sau 13 lần sinh, mà còn là “món quà” đặc biệt nhất khi đính kèm biết bao nhiêu thứ tuyệt vời khuấy động trái tim Ernest. “Trái tim ngủ quên đã bắt đầu được thức tỉnh, trái tim khô khan đã bắt đầu biết vui nhộn, trái tim câm lặng đã có những nhịp đập mới, trái tim trầm tĩnh đã đặt ra những câu hỏi, trái tim từ nay được nối bằng một sợi dây gần như hữu hình với cô bạn hàng xóm có tính cách mạnh mẽ và rất hay cười.” Nhà văn Morgenstern dường như không muốn cậu bé của mình ủ dột, cay đắng lâu. Ernest như mọi đứa trẻ với trái tim ngây thơ, nhiệt thành và dũng cảm khác đã dám dấn thân, đã sống bằng cách đơn giản nhất: dùng ngôn từ để hiểu người khác bằng cách nghe, cách hỏi và khiến người khác hiểu mình khi thành thực mở lời. Bởi đó là lúc cậu hiểu “ngôn từ là những vị sứ giả của tâm hồn”.
Điều đặc biệt của cuốn sách là mỗi chương được đặt tên theo một nhân vật trong truyện giúp lật mở từng bí mật rất đỗi tự nhiên và tài tình, như cách chúng ta nhẹ nhàng mở phong bì thư để khám phá những con chữ trong đó. Dù bắt đầu bằng màu sắc ảm đạm, nhưng câu chuyện không hề đem lại cảm giác u ám mà càng ngày càng điểm xuyết những đóm sáng tươi vui. Hệt cái cách chị Henriette thay những tấm rèm nặng nề màu tối bằng tấm rèm mới “có in hình hoa quả nhỏ xíu đủ màu trên nền màu vàng sáng”.
Mỗi nhân vật, mỗi tình huống mang sắc thái khác nhau, để lại những suy tư khác nhau nhưng chúng luôn thật sự tinh tế khi tâm của con người được đặt vào từng hành động, từng chi tiết nhỏ nhặt nhất, chừng như dễ bỏ qua nhất. Và bạn biết đấy, trẻ em rất thông minh, luôn dành nhiều thời gian để nhìn và nghĩ nên chúng hay có những suy tư khiến người lớn sững sờ.
“Những lá thư không gửi” kết thúc có hậu khi các bí mật được bật mí, khi con người được sống thay vì lại tồn tại tiếp trong nỗi nhớ thương mòn mỏi với lớp bụi phủ mờ những điều khó nói. Chỉ cần dũng cảm một chút thôi, một câu nói, một lá thư có thể làm thay đổi nhiều cuộc đời. Và đó có thể cũng là lúc yêu thương được truyền đi từ trái tim đến trái tim.
Daisy Home Preschool