Làm thế nào khi bé tránh nói về việc mình sai?
Đã khi nào Ba Mẹ cảm thấy bất lực khi trò chuyện với Bé về những hành vi không tốt mà Bé đã làm? Dù đã áp dụng “công thức” chờ Bé bình tĩnh rồi nói sau, nhưng dường như mọi chuyện chẳng suôn sẻ như tưởng tượng của Ba Mẹ. Thái độ lảng tránh, câu nói “Con không biết” cứ lặp đi lặp lại, và cuối cùng, cuộc trò chuyện kết thúc với sự mệt mỏi và những câu hỏi còn chưa được trả lời.
Việc né tránh những chuyện không thoải mái là điều bình thường đối với tất cả chúng ta. Với các Bé, việc này có thể lại còn khó hơn vì độ tập trung của nhiều Bé quá ngắn đến nỗi có thể quên mất mình đã làm gì. Trong vài trường hợp khác, Bé có thể không chia sẻ với Ba Mẹ vì không nhận thức được mình sai, không biết cách bày tỏ, hoặc vì sợ bị la mắng, vướng phải rắc rối với thầy cô, bạn bè. Bất kể lý do là gì, các Bé sẽ luôn thích chơi, xem video, đùa giỡn hơn là ngồi lại và nói về lỗi sai của mình.
Tuy nhiên, việc trò chuyện về những hành vi không ngoan vẫn rất quan trọng trong việc giúp Bé cư xử đúng mực và trở thành một người tốt, hiểu chuyện khi lớn lên. Vẫn có những tips giúp những chuyện “khó nói” này được chia sẻ hiệu quả hơn. Quan trọng hơn cả, Ba Mẹ cần kiểm soát những kỳ vọng của mình, tìm cách giao tiếp phù hợp với tính cách và độ tuổi của Bé.
Vậy, Ba Mẹ nên lưu ý gì để cuộc trò chuyện với Bé không rơi vào ngõ cụt?
- Hỏi – đáp thật ngắn gọn, ít áp lực: Ba Mẹ hãy giúp quá trình nhận lỗi của Bé dễ dàng và bớt “đau đớn” hơn bằng những câu hỏi ngắn gọn, cảm thông thay vì lớn tiếng. Nếu Ba Mẹ thường nói “Sao hôm nay con dám đánh bạn?” và Bé bắt đầu quấy khóc, hãy thử hỏi “Hôm nay con và bạn giận nhau hả?”, “Bạn có làm gì khiến con giận không?”, từ đó tiếp tục khơi gợi theo câu trả lời của Bé. Điều này giúp Bé thấy an toàn để thành thật với Ba Mẹ.
- Trò chuyện, tương tác đa chiều: Xuyên suốt buổi, Ba Mẹ hãy nhớ hỏi đáp và ngừng nói đủ lâu để Bé có thể nói lên suy nghĩ của mình thay vì “giảng bài” liên tục. Hãy đồng cảm, kiên nhẫn nói chuyện với Bé để Bé không sợ sệt, ấm ức, thậm chí tức giận.
- Tìm hiểu lý do: Liệu Bé có quấy nhiễu vì mệt, đói, hay Bé cắn bạn vì bạn đã lấy đồ đạc của mình? Ba Mẹ cần bình tĩnh để tìm hiểu, nhìn bao quát sự việc, từ đó hiểu vì sao Bé làm như vậy, và hướng dẫn Bé xử sự khác đi trong những lần tiếp theo.
- Bỏ qua những lỗi nhỏ nhặt: Không phải mọi vi phạm đều cần được giải quyết cụ thể. Nếu Ba Mẹ liên tục phân tích mọi lỗi sai, Bé sẽ sợ những cuộc trò chuyện này. Thay vào đó, Ba Mẹ hãy quan sát xem Bé có thường xuyên mắc lỗi gì không để có thể nói một lần, hoặc giải quyết “những việc lớn” và bỏ qua việc ít nghiêm trọng hơn.
- Hạn chế đối mặt với Bé: Bé có thể thấy tủi hổ, nhạy cảm khi phải nhìn vào mắt Ba Mẹ để nói chuyện. Để khiến không khí vui vẻ, thoải mái hơn, Ba Mẹ hãy cho phép Bé nhìn đồ chơi, trò chuyện lúc tắt đèn chuẩn bị ngủ, hoặc biến việc chia sẻ thành một trò chơi thú vị. Ngoài ra, Ba Mẹ cần lưu ý không la mắng Bé nơi đông người, vì điều này rất dễ làm tổn thương lòng tự trọng của Bé.
Với những tips trên, Ba Mẹ hãy thử linh hoạt áp dụng trong những buổi nói chuyện tiếp theo với Bé. Chúc Ba Mẹ thành công!
Daisy Home Preschool