Làm thế nào để bé “hợp tác” một cách tích cực?
Đã bao nhiêu lần Ba Mẹ phải lặp đi lặp lại một yêu cầu, hay giải thích rất nhiều lần Bé không chịu làm theo lời mình? Điều này có thể xảy ra bởi rất nhiều lý do khách quan và chủ quan. Nhưng dù thế nào, những bất hòa tiếp diễn lâu dài rất dễ làm Ba Mẹ mệt mỏi và mất kiên nhẫn. Hôm nay, Daisy Home sẽ “mách” một số cách giúp Bé hợp tác hơn với Ba Mẹ nhé.
Ra lệnh hay cho Bé quyền lựa chọn?
Hai câu nói “Con muốn mặc áo khoác không?” và “Con mặc áo khoác vào.” mang 2 sắc thái khác nhau. Câu đầu mang tính hỏi ý, cho Bé suy nghĩ, lựa chọn và kiểm soát tình huống. Trong khi đó, câu thứ 2 hàm ý bắt buộc, được dùng khi cần đảm bảo an toàn cho Bé. Cả 2 loại câu này đều quan trọng. Ba Mẹ nên kết hợp cả 2, nhưng hãy cố gắng sử dụng câu hỏi ý thường xuyên hơn để Bé vui vẻ hơn, đồng thời học cách tự ra quyết định nhé!
Vì sao Bé không chịu hợp tác?
Ba Mẹ ơi, trước khi tức giận, hãy biết rằng có thể Bé không cố ý phớt lờ Ba Mẹ đâu. Bé có thể làm vậy vì mất tập trung, không muốn bị ép buộc, hoặc đơn giản là muốn tiếp tục việc mình đang làm. Bé cũng có thể vì đói, mệt, sợ mà trở nên bướng bỉnh, hay đôi khi vì yêu cầu đang quá sức với Bé. Vì vậy, Ba Mẹ cần thấu hiểu tình trạng của Bé, đồng thời giúp Bé hiểu vì sao cần làm điều Ba Mẹ muốn. Mặc dù tình trạng này có thể giảm khi Bé lớn lên, Ba Mẹ hãy hạn chế hành vi này từ nhỏ bằng cách điều chỉnh lời nói của mình cho thật hiệu quả và tích cực.
Tips hỏi ý và ra lệnh cho Bé hiệu quả
- Gần gũi: Chỉ nói với Bé khi Ba Mẹ ở gần Bé để đảm bảo Bé chú ý lắng nghe. Sau đó, Ba Mẹ nhớ chờ vài giây cho Bé “xử lý” thông tin để hiểu điều Ba Mẹ muốn nhé.
- Sử dụng câu từ rõ ràng, tích cực: Ba Mẹ cần làm rõ hành động, đối tượng trong câu nói của mình để Bé hiểu. Đồng thời, Ba Mẹ hãy nói với giọng bình tĩnh, tích cực để khuyến khích Bé hợp tác. Ví dụ: hãy nói “Con hãy khép miệng lại khi nhai” thay vì “Đừng có ăn như vậy”.
- Đưa ra lựa chọn: Khi đưa ra yêu cầu, Ba Mẹ có thể cho thêm những lựa chọn cho Bé. Điều này cho Bé cơ hội để suy nghĩ và lựa chọn thứ mình muốn.
- Giải thích kết quả (với Bé trên 3 tuổi): Ba Mẹ có thể mô tả thêm về kết quả của hành động Bé cần làm để thuyết phục Bé, như “Con soạn đồ nhanh thì sẽ được chơi lâu hơn”, thay vì”Con soạn đồ nhanh lên!”
- Đưa ra yêu cầu phù hợp với độ tuổi: Nếu Bé còn nhỏ, vốn từ chưa nhiều, hãy dùng từ đơn giản và chỉ yêu cầu 1 việc mỗi lần. Với những Bé lớn hơn, Ba Mẹ có thể đưa ra yêu cầu phức tạp hơn.
Những tips trên có thể không hiệu quả ngay từ lần đầu, nhưng Ba Mẹ hãy kiên trì nhé. Daisy Home tin rằng sự kiên nhẫn, lòng bao dung và tình yêu thương của Ba Mẹ chính là nền tảng để nuôi dạy những em bé ngoan và ấm áp.
Daisy Home Preschool