Khi bé không thích ba mẹ đi làm
Đã bao giờ Ba Mẹ gặp phải trường hợp Bé đòi Ba Mẹ nghỉ làm để ở nhà chơi với Bé chưa?
Đã bao giờ Bé nói với Ba Mẹ rằng, Bé không thích Ba Mẹ đi làm chưa?
Giải thích về ý nghĩa của việc đi làm với Bé là một việc phức tạp và nhạy cảm. Tuy nhiên, gạt đi cảm xúc, hoặc trả lời qua loa cũng không thể giải quyết vấn đề. Thế thì, để hòa thuận cùng Bé, Ba Mẹ hãy thử tham khảo những gợi ý sau nhé.
1. Dành thời gian cho Bé: ít nhưng chất lượng
Bé giận dỗi vì Ba Mẹ đi làm không có nghĩa là Bé không thích Ba Mẹ đi làm. Đây là biểu hiện để Ba Mẹ thấy rằng, Bé đang thiếu sự quan tâm từ Ba Mẹ. Thế nên khi gặp tình huống này, Ba Mẹ cần nghiêm túc ngồi lại đánh giá thời gian dành cho con của mình.
- Trong ngày, vào những thời gian sinh hoạt chung, Ba Mẹ có thật sự dành thời gian để sinh hoạt chung chưa? Ba Mẹ có đang vừa ăn vừa làm việc không? Ba Mẹ có sử dụng điện thoại lúc cả nhà cùng ngồi trò chuyện không?
- Khi Bé trò chuyện, Ba Mẹ có thực sự lắng nghe và phản hồi phù hợp chưa? Ba Mẹ có gạt đi những câu hỏi của Bé chỉ vì đang bận, và không có một lời hứa hẹn nào sau đó? Ba Mẹ có vừa nghe Bé kể, vừa làm việc khác, gây mất tập trung không?
- Ba Mẹ có dành những thời gian nhỏ, vào lúc Bé vừa thức dậy, hay trước lúc Bé đi ngủ không?
- Ba Mẹ có buổi đi chơi cuối tuần, hay cuối tháng với Bé chưa?
Dù công việc bận đến mấy, nhưng nếu Ba Mẹ có thể trao đổi và thay phiên nhau quan tâm Bé, thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng.
- Hãy thay phiên nhau gọi Bé dậy vào mỗi sáng, đưa Bé ngủ vào mỗi tối.
- Hãy cùng nhau ăn một bữa thật trọn vẹn, để tâm vào câu chuyện mà Bé kể.
- Hãy thay phiên nhau đưa Bé đi chơi vào cuối tuần.
- Hãy cùng nhau đưa Bé về nhà ông bà vào mỗi dịp lễ.
Ba Mẹ hãy thử dành ra một khoảng thời gian tuy ít, nhưng thật chất lượng với Bé; và hãy đan xen những hoạt động nhỏ hàng ngày, với những buổi đi chơi lớn khi có dịp nhé.
2. Tạo hoạt động chất lượng cho Bé:
Cô đơn không chỉ đến từ việc thiếu sự quan tâm, chăm sóc, mà còn có thể đến từ việc thiếu khả năng độc lập, thiếu hoạt động cá nhân. Càng lớn, Bé càng cần nâng cao tính độc lập cũng như sự mạnh dạn thử nghiệm, kết giao. Chính vì vậy, bên cạnh việc quan tâm, chăm sóc, Ba Mẹ hãy tạo điều kiện để Bé được tự học tập, vui chơi nhiều hơn.
- Với những Bé nhỏ tuổi, Ba Mẹ có thể cho Bé tham gia những lớp học liên quan đến khám phá, thủ công đơn giản, hoặc tiếp xúc với tự nhiên.
- Với những Bé lớn hơn, Ba Mẹ có thể cho Bé học những môn năng khiếu, tư duy.
- Hoặc với những Bé đã có sở thích rõ ràng, Ba Mẹ có thể cho Bé đến trung tâm học chính xác bộ môn đó, hoặc đăng ký thầy cô giáo đến dạy tại nhà.
- Nếu có ông bà phụ chăm Bé, Ba Mẹ hãy chuẩn bị các dụng cụ học tập, bộ trò chơi mà Bé thích, để Bé có thể dành thời gian mày mò, khám phá chúng dưới sự hướng dẫn, quan tâm của ông bà.
Sắp xếp lịch trình để Bé tự sinh hoạt, vui chơi phù hợp là một cách để Bé chuyển hướng quan tâm, giảm đòi sự hiện diện của Ba Mẹ. Ba Mẹ hãy cân nhắc để chọn hoạt động phù hợp, và cân bằng thời gian tự học, tự vui chơi, với thời gian sinh hoạt chung nhé.
3. Giải thích về vai trò của công việc trong cuộc sống
Sau hết, trò chuyện để thấu hiểu vẫn là cách tốt nhất để kết nối mọi người với nhau. Giải thích về việc đi làm với một vài gợi ý sau đây:
- Ba Mẹ có thể giải thích đơn giản, rằng ai cũng có việc cần làm. Người lớn đi làm cùng giống như trẻ con muốn vẽ hoặc hát vậy. Tuy nhiên, công việc của người lớn sẽ chuyên nghiệp hơn, nên nó có thể giúp người lớn mang lại giá trị cho người khác.
- Ba Mẹ cũng có thể giải thích theo hướng vai trò và giai đoạn của mỗi người trong gia đình. Vì Bé còn nhỏ nên việc chính của Bé là học tập để phát triển tối ưu; vì Ba Mẹ đã lớn nên việc chính của Ba Mẹ là làm tốt việc của mình, trao đổi giá trị để phát triển gia đình, phát triển xã hội; vì ông bà đã lớn tuổi, và đã xong vai trò xây dựng gia đình, xã hội, nên ông bà sẽ nghỉ ngơi nhiều hơn, và giúp đỡ con cháu có những quyết định và bước phát triển đúng đắn hơn.
- Khi Bé đã có nhiều hiểu biết hơn, Ba Mẹ có thể bắt đầu giải thích với Bé về nguồn gốc và ý nghĩa của tiền, giúp Bé hiểu rằng tiền là một công cụ trung gian, giúp mọi người tin tưởng và trao đổi giá trị với nhau.
Tùy giai đoạn của Bé và triết lý giáo dục mà Ba Mẹ có thể chọn giải thích phù hợp nhất. Khi được lắng nghe và giải thích như vậy, dù chưa hiểu thì Bé vẫn sẽ cảm nhận được sự quan tâm của Ba Mẹ.
Bên cạnh vật chất, thì tình cảm từ Ba Mẹ cũng vô cùng quan trọng với Bé. Dù bận rộn với công việc hay cuộc sống cá nhân đến mấy, thì quan tâm, chăm sóc Bé vẫn là nghĩa vụ của Ba Mẹ. Và chuyện dù khó đến đâu, thì cũng sẽ có cách giải quyết. Daisy tin rằng, bằng tình yêu vô điều kiện, Ba Mẹ sẽ luôn có cách quan tâm và chăm sóc con phù hợp nhất.
Daisy Home Preschool