Khi bé đòi mua đồ chơi nằm ngoài kế hoạch chi tiêu của ba mẹ

two green moutains
three green moutains

Đồ chơi đối với các Bé chưa bao giờ là đủ. Chú gấu xinh xinh của bạn bè hay chiếc xe mô hình trong siêu thị đều có sức hấp dẫn khó cưỡng lại được. Chính vì thế, các Bé nhỏ thường năn nỉ, mè nheo hay khóc lóc, ăn vạ để đòi Ba Mẹ mua đồ chơi cho. Nếu món đồ đó vượt kế hoạch chi tiêu của gia đình, liệu Ba Mẹ xử lý như thế nào là phù hợp nhất? Hãy để Daisy Home gợi ý cho Ba Mẹ một số cách xử hiệu quả dưới đây nhé.

🌟Bản tính các Bé rất ngây thơ, vô tư nên chỉ muốn có được thứ mới lạ cho thỏa trí tò mò. Rất nhanh sau đó, Bé sẽ cảm thấy nhàm chán và không còn trân trọng, giữ gìn món đồ chơi của mình. Do đó, Ba Mẹ có thể thử đánh lạc hướng qua thứ Bé thích mà không tốn nhiều chi phí. Ví dụ như nhắc về món đồ chơi đã có sẵn ở nhà: “Con có nhớ búp bê công chúa mới mua tuần trước không? Mình mua đồ nhanh rồi về trang điểm, làm tóc cho công chúa nhé!” Hoặc đề xuất một hoạt động thú vị mà Bé có thể làm khi về nhà như thử bộ quần áo mới, vẽ nàng Elsa hay đến nhà bạn bè chơi. Như vậy, Bé vừa vui vẻ chơi đùa, vừa quên đi món đồ muốn đòi ban đầu.

🌟Để tránh việc Bé mỗi ngày đều đòi mua đồ chơi, Ba Mẹ có thể đưa ra một vài thỏa thuận với Bé như chỉ mua 1 món đồ chơi mỗi tháng. Lúc này, Bé sẽ được tự do lựa chọn món đồ chơi yêu thích và đương nhiên là phù hợp ngân sách Ba Mẹ cho. Nếu món đồ Bé thích quá số tiền cố định, hãy khuyên Bé thử cân nhắc món đồ khác hoặc tiết kiệm số tiền này để mua.

🌟Bên cạnh đó, Ba Mẹ có thể gợi ý Bé mang theo đồ chơi và trao đổi với các bạn. Mỗi Bé đều có kho tàng đồ chơi độc nhất của riêng mình. Các Bé thường thấy đồ chơi của bạn sao lúc nào cũng hấp dẫn hơn đồ chơi của mình. Việc chia sẻ sẽ giúp Bé ít đòi mua đồ chơi mới hơn. Đặc biệt, việc chơi chung với nhau còn tạo cơ hội cho Bé dễ kết bạn, có nhiều niềm vui hơn và giao tiếp tốt hơn.

🌟Lúc Bé đòi đồ chơi cũng là cơ hội để Ba Mẹ dạy con hiểu về công sức lao động. Ba Mẹ hãy đưa ra một “bảng niêm yết” thù lao cho mỗi việc vặt mà Bé phụ giúp gia đình. Ví dụ giúp mẹ rửa chén sẽ được 10.000 đồng, lau nhà 20.000 đồng. Thù lao sẽ được Ba Mẹ cho vào ống heo tiết kiệm, từ đó, Bé sẽ có chi phí để mua đồ chơi. Đồng thời, Bé còn trân trọng sức lao động của mình và giữ gìn món đồ chơi mua được bằng rất nhiều sự cố gắng.

🌟Trong trường hợp đi siêu thị, các Bé rất dễ bị hấp dẫn bởi các món đồ chơi đang được nhiều bạn nhỏ yêu thích. Do đó, Ba Mẹ nên nói trước với Bé về kế hoạch hôm nay mua gì và tổng số tiền mang theo. Sau đó, có thể đề xuất cho Bé là người phụ trách mua hàng dưới sự hỗ trợ của Ba Mẹ. Khi muốn mua đồ chơi, Bé sẽ tự biết được là có đủ tiền hay không. Nếu không đủ, Ba Mẹ có thể gợi ý Bé ghi lại và để dành lần sau mua.

Việc các Bé đòi mua đồ chơi là điều hết sức bình thường. Ở độ tuổi còn nhỏ, các Bé sẽ chưa hiểu được về tiền, về kế hoạch chi tiêu hay cách kiểm soát cảm xúc của mình. Vì thế, Ba Mẹ không cần phải quá gay gắt. Thay vào đó, có thể tạo điều kiện cho Bé mua đồ chơi bằng cách tạo động lực tiết kiệm hay lao động. Đây chính là thời điểm tốt nhất để giúp Bé trưởng thành hơn về cảm xúc của mình.

Daisy Home Preschool

Posted in Tin tức

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *