Giáo dục và kết nối với bé thông qua trò chơi nhập vai

two green moutains
three green moutains

Nhập vai, hay còn gọi là đóng vai, là một trong những trò chơi phổ biến nhất đối với trẻ. Ngay cả khi Ba Mẹ không hướng dẫn, thì với bản năng học theo, bắt chước, Bé sẽ tự hình thành bối cảnh và xác định vai diễn cho chính mình. Vì vậy, nếu có thể dành thời gian tham gia trò chơi nhập vai cùng Bé, thì ngoài việc có thể gần gũi, kết nối hơn với Bé, Ba Mẹ còn có thể quan sát được nhiều điều thú vị, cần thiết cho định hướng giáo dục trong tương lai.

Trong bài viết này, hãy cùng Daisy đi qua một vài điểm chính giúp Bố Mẹ tận dụng trò chơi đơn giản này để giáo dục và kết nối với Bé nhé!

1. Tính chất của trò chơi nhập vai

Nhập vai là trò chơi mà những người tham gia đóng giả thành một vai khác, hoặc hành động trong một bối cảnh tưởng tượng. Trò chơi không chỉ giúp Bé hoạt động, giải trí, tăng khả năng tưởng tượng, mà còn giúp Bé hiểu hơn cách vận hành của một công việc, một môi trường, hay rộng hơn là của xã hội. Vì vậy, Ba Mẹ có thể thông qua trò chơi để hướng dẫn Bé cách ứng xử, giải quyết vấn đề, hoặc giúp Bé có một cái nhìn cơ bản về các ngành nghề, vai trò trong xã hội.

Một vài bối cảnh đặc biệt để Bé tập cách xử lý:

_ Khi gặp người lạ cho bánh kẹo hoặc rủ đi chơi

_ Khi bạn làm hư đồ của Bé

_ Khi ông bà nói hoặc làm điều Bé không thích

_ Khi Bé được giúp đỡ

_ Khi Bé đang buồn hoặc giận,…

Một vài công việc để Bé trải nghiệm:

_ Cô giáo

_ Bác sĩ

_ Người soát vé

_ Cảnh sát

_ Bán hàng

_ Ca sĩ,…

2. Tận dụng tối đa trò chơi nhập vai

Để tận dụng tối đa trò chơi, Ba Mẹ hãy cùng Bé nhập vai và để Bé đóng vai chính. Ở vai phụ, Ba Mẹ hãy tạo những bối cảnh, những vấn đề khác nhau để kích thích khả năng tưởng tượng và giải quyết vấn đề của Bé.

– Với trường hợp tưởng tượng bối cảnh: Ở lần giải quyết đầu tiên, hãy để Bé tự hành động, Ba Mẹ sẽ hiểu được cách mà Bé nghĩ, cũng như xu hướng giải quyết vấn đề của Bé. Từ đó, Ba Mẹ có thể đặt câu hỏi, hoặc chỉ ra những góc nhìn khác để Bé hiểu vấn đề hơn và có một cách giải quyết tốt hơn. Sau khi đã có cách tốt hơn, Ba Mẹ hãy cùng Bé đóng lại bối cảnh cũ để Bé được thực hành và ghi nhớ cách giải quyết vấn đề mới.

– Với trường hợp nhập vai nghề nghiệp: quan sát độ chăm chú và cách làm việc của Bé, Ba Mẹ sẽ biết được Bé hiểu và thích công việc đó ở mức nào. Từ đó, Ba Mẹ có thể giải thích thêm để Bé hiểu hơn, hoặc đặt ra nhiều trường hợp, nhiều câu hỏi hơn để Bé trải nghiệm sâu công việc mà Bé hứng thú.

3.Vài điều lưu ý

Với mục tiêu kết nối và giáo dục thông qua trò chơi, Ba Mẹ hãy lưu ý 3 điều sau

– Để kết nối hiệu quả, hãy tập trung, dành trọn vẹn thời gian cho Bé. Không dễ để Ba Mẹ có thời gian cùng Bé, và đây cũng chính là thời điểm để Bé cảm nhận được sự quan tâm, tình yêu thương, nên Ba Mẹ hãy sắp xếp và ưu tiên Bé trong quãng thời gian chơi này. Hạn chế vừa chơi vừa dùng điện thoại di động, hoặc vừa chơi vừa giải quyết công việc.

– Để hiểu suy nghĩ và hành vi của Bé, hãy thong thả quan sát và giải thích những điều Bé chưa hiểu, chưa đúng. Những suy nghĩ, hành động đầu tiên có thể chưa đúng, chưa tốt, và điều này là hoàn toàn bình thường. Để chúng diễn ra chính là cách để Ba Mẹ biết và giúp con điều chỉnh tốt hơn.

– Để tạo điều kiện tối ưu cho Bé, hãy chấp nhận sở thích và tính cách của Bé. Chấp nhận là bước đầu tiên để Ba Mẹ có thể đưa ra định hướng giáo dục phù hợp, giúp Bé phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm.

Tuy nhiên, không phải lúc nào trò chơi diễn ra cũng để Ba Mẹ quan sát và giáo dục. Ba Mẹ hãy cân bằng giữa mục tiêu chơi để vui, để dành thời gian cùng con với mục tiêu chơi để giáo dục nhé.

Daisy Home Preschool

Posted in Tin tức

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *