Ba Mẹ nên làm gì khi bé nói trống không?


Có bao giờ Ba Mẹ giật mình khi nghe con nói: “Mở cửa!”, “Cho con bánh!”, “Lấy nước!”
Chỉ vài từ cụt ngủn; không “dạ”, không “Mẹ ơi/Ba ơi”… Với nhiều Ba Mẹ, đây không chỉ là những lời nói thiếu từ – mà còn là nỗi lo lắng sâu xa hơn: “Con mình có đang vô lễ không?”, “Sao con nói chuyện cộc lốc vậy?”
Daisy Home hiểu rõ nỗi băn khoăn này, bởi đây là giai đoạn quan trọng trong việc hình thành nhân cách và cách cư xử của Bé. Nhưng trước khi lo lắng, hãy cùng nhìn nhận lại một cách nhẹ nhàng và đúng đắn hơn.

Ở lứa tuổi từ 2 đến 5 – Bé đang học cách thể hiện nhu cầu bằng lời nói. Nhưng do vốn từ còn hạn chế và chưa hiểu hết những quy ước giao tiếp xã hội, nên Bé thường chỉ nói những gì ngắn gọn nhất để đạt được điều mình muốn.
Tức là khi Bé nói “Lấy nước!”, Bé không cố ý làm Ba Mẹ buồn, Bé chỉ đơn giản đang chưa biết cách nói khác mà thôi.
Điều này không có nghĩa là Ba Mẹ bỏ qua, ngược lại, đây là thời điểm vàng để nhẹ nhàng dạy Bé biết cách nói chuyện lễ phép, có tình cảm và khiến người nghe cảm thấy được tôn trọng. Sau đây, Daisy Home sẽ chia sẻ với Ba Mẹ cách để giúp Bé giao tiếp lịch sự, tránh nói trống lổng.
✅ Không la mắng hay phản ứng gay gắt
Khi Bé nói trống không, đừng la mắng ngay lập tức. Việc quát mắng hay so sánh Bé với người khác dễ khiến Bé mất tự tin và cảm thấy bối rối. Thay vào đó, Ba Mẹ hãy coi đây là một khoảnh khắc dạy Bé, và phản ứng bằng sự nhẹ nhàng, hướng dẫn cụ thể.
✅ Nói lại mẫu câu đúng – và giải thích nhẹ nhàng
Ngay khi Bé nói trống không, Ba Mẹ có thể không đáp ứng ngay, mà dừng lại, mỉm cười và đưa ra mẫu câu chuẩn, ví dụ:
Khi Bé nói: “Lấy nước!”
Ba/ Mẹ có thể mỉm cười và nói: “À, con muốn uống nước phải không? Mình nói là: ‘Ba/ Mẹ ơi, cho con ly nước nha!”
Sau đó, Ba Mẹ đợi Bé nói lại (hoặc nhắc lại cùng con) rồi mới lấy nước cho Bé. Cách này giúp Bé liên kết giữa ngôn ngữ – hành vi – kết quả.
Bởi nếu Ba Mẹ vẫn đáp ứng ngay khi Bé nói trống không, Bé sẽ nghĩ rằng cách đó là đúng và tiếp tục dùng. Việc dừng lại một chút để chỉnh câu và hướng dẫn lại là bước quan trọng nhất.
✅ Nhắc lại nhiều lần – kiên nhẫn mỗi ngày
Không phải chỉ 1 lần là Bé nhớ. Với trẻ nhỏ, lặp lại là cách học tốt nhất.
Khi Bé quên, Ba Mẹ có thể gợi lại mẫu câu:
“Mình nói sao ta, con nhớ không?”
“Con thử lại câu hồi nãy đi!”
Hãy kiên trì, vì sự tiến bộ của Bé luôn bắt đầu từ những điều nhỏ nhất được lặp đi lặp lại bằng yêu thương.
✅ Kể cho Bé hiểu lời nói “trống lổng” có thể làm người khác buồn ra sao
Tuỳ theo độ tuổi, Ba Mẹ có thể tâm sự nhẹ với Bé: “Nãy con nói ‘Lấy nước’ mà không có ‘Mẹ ơi’, Mẹ nghe… hơi buồn á. Mẹ thích nghe con gọi ‘Mẹ ơi’, vì Mẹ thấy con đang cần Mẹ, đang yêu Mẹ…”
Bé chưa hiểu khái niệm “mất lịch sự”, nhưng Bé hiểu cảm xúc của Mẹ. Khi Bé được lớn lên trong cảm xúc chân thành sẽ biết cách nói chuyện mềm mỏng, dễ thương hơn theo năm tháng.
✅ Tăng phản xạ bằng lời khen cụ thể
Mỗi lần Bé nói một câu lễ phép, dù chưa tròn trịa, Ba Mẹ cũng nên khen cụ thể để khuyến khích:
“Con nói hay quá, Mẹ nghe mà vui ghê!”
“Ba thấy con biết xin phép rồi đó, con giỏi lắm luôn!”
Lời khen đúng lúc sẽ làm Bé cảm thấy tự tin và tiếp tục muốn nói hay hơn nữa.
🪞 Chính Ba Mẹ cũng là “tấm gương nói năng” của Bé
Bé học nhanh nhất qua quan sát. Nếu trong gia đình, Ba Mẹ và mọi người nói năng tử tế, hay dùng lời cảm ơn – xin phép – lịch sự, thì Bé sẽ tự nhiên hình thành ngôn ngữ giao tiếp đúng mực.
Ví dụ trong sinh hoạt hằng ngày:
– “Ba ơi, lấy giúp Mẹ cái khăn nha.”
– “Mẹ cảm ơn con vì con đã dọn đồ chơi.”
– “Mình chờ bạn một chút nha, rồi tới lượt con.”
Chính những câu nói hằng ngày như vậy sẽ “thấm dần” vào Bé, tạo nên thói quen giao tiếp lịch sự một cách tự nhiên.
Ngôn ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là chiếc cầu kết nối cảm xúc và tạo nên nhân cách. Bé sẽ không tự nhiên biết cách nói lời “Dạ”, “Thưa”, “Xin”, “Cảm ơn”… Nhưng nếu mỗi ngày được Ba Mẹ lắng nghe – hướng dẫn – làm gương, Bé sẽ lớn lên với sự tử tế, đồng cảm và biết trân trọng người khác bằng từng lời nói nhỏ.
Daisy Home Preschool