Ba mẹ nên làm gì khi bé mắc lỗi
Lỗi sai là điều không chỉ Bé mà cả người lớn đều có thể mắc phải. Tuy nhiên, có Bé mắc lỗi thì sẽ rất sợ hãi, kèm theo những hành vi nói dối, đổ lỗi; có Bé thì lại bình tĩnh, đối diện và chịu trách nhiệm. Những phản ứng này được xây dựng phần lớn từ phản ứng của Ba Mẹ khi bắt gặp lỗi sai của Bé. Vậy để giúp Bé tự tin phát triển trong tương lai, Ba Mẹ có thể làm gì khi Bé mắc lỗi:
1. Cảm thông với năng lực và cảm xúc của Bé
La mắng sẽ không giải quyết được vấn đề, thậm chí còn khiến Bé cảm thấy mắc lỗi là một việc rất tệ, không được phép xảy ra. Vì vậy, thay vì nhìn vào việc cần phải làm để giải quyết lỗi sai của Bé, hãy nhìn vào cảm xúc của Bé trước để cảm thông và giúp Bé khắc phục.
Trước khi tập trung giải quyết vấn đề, Ba Mẹ có thể đặt những câu hỏi giúp Bé giải tỏa cảm xúc trước. Ví dụ:
– Con có bị làm sao không?
– Con cảm thấy như thế nào?
– Con có cần Ba Mẹ giúp gì không?
– Bây giờ, mình bình tĩnh để cùng giải quyết vấn đề nhé?
2. Tìm hiểu mong muốn và suy nghĩ của Bé
Khi còn nhỏ, đặc biệt là trong Giai đoạn vàng, Bé sẽ dễ mắc những lỗi sai do năng lực vận động hoặc tư duy còn hạn chế. Để giúp Bé cải thiện và phát triển lành mạnh, Ba Mẹ hãy dành thời gian để tìm hiểu mong muốn và suy nghĩ của Bé sau những lần mắc lỗi. Một số câu hỏi sau có thể hữu ích:
– Tại sao con làm điều đó? Con làm điều đó để làm gì?
– Con có biết vì sao mình gây ra lỗi không? Con có biết nguyên nhân khiến con mắc lỗi không?
– Con cảm thấy như thế nào sau khi làm điều ấy?
– Con nghĩ sao về việc mắc lỗi?
Dựa vào câu trả lời của Bé, Ba Mẹ có thể hiểu hơn về tình trạng hiện tại cũng như tính cách và xu hướng của Bé. Từ đó, Ba Mẹ có thể giúp Bé điều chỉnh hoặc phát triển một cách phù hợp và lành mạnh.
3. Gợi ý hướng giải quyết
Lỗi sai sẽ không phải là vấn đề nếu Bé ý thức được năng lực của bản thân và có tư duy cải thiện. Ba Mẹ hãy giúp Bé có thói quen giải quyết vấn đề và suy nghĩ cách khắc phục, bộ đôi kỹ năng này sẽ giúp Bé tự tin hơn không chỉ khi gặp lỗi sai, mà còn là khi gặp những sự cố, khó khăn.
“Con có thể làm gì để làm việc này tốt hơn” và “Con muốn cải thiện điểm nào để không lặp lại lỗi sai này nữa” – đặt câu hỏi và gợi ý cho Bé nhiều hơn, thay vì ra lệnh hay giải quyết giúp phần Bé là cách hiệu quả giúp kích thích tư duy giải quyết vấn đề, cải thiện năng lực của Bé.
Để xây dựng cho Bé một nền tảng tự tin, chủ động, Ba Mẹ hãy học cách cân bằng giữa việc giúp con giải quyết nhanh vấn đề với việc kiên nhẫn đặt câu hỏi, giúp con suy nghĩ sâu sắc hơn nhé.
Daisy Home Preschool