“Ba/Mẹ ơi, mua cho con món đồ chơi này đi! Các bạn con ai cũng có hết!”

Đây là một tình huống rất quen thuộc trong hành trình nuôi dạy Bé. Bé nhỏ dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè và môi trường xung quanh, đặc biệt là khi thấy bạn bè có một món đồ chơi “hot”. Lúc này, điều quan trọng không phải là vội vàng mua hay từ chối ngay lập tức, đây là cơ hội tuyệt vời để Ba Mẹ dạy Bé cách suy nghĩ về mong muốn của mình và hiểu được giá trị thực sự của đồ vật xung quanh. Daisy Home sẽ mách ba mẹ cách xử lý nhẹ nhàng mà hiệu quả trong bài dưới đây nhé!

🪄 Trước tiên, Ba Mẹ hãy lắng nghe Bé. Khi Bé nói “Bạn con ai cũng có”, có thể Bé thực sự thích món đồ đó, hoặc đơn giản là Bé không muốn bị “lạc lõng” so với bạn bè. Thế nên, thay vì vội từ chối, Ba Mẹ có thể hỏi nhẹ nhàng: “Con thích món đồ này vì điều gì?”. Khi Bé chia sẻ, Ba Mẹ sẽ hiểu rõ hơn mong muốn thật sự của Bé, từ đó có cách hướng dẫn phù hợp.

🪄 Sau đó, hãy giúp Bé suy nghĩ về món đồ chơi này theo cách thực tế hơn. Ba Mẹ có thể cùng Bé cân nhắc: “Nhà mình có món đồ nào tương tự không?”, “Con sẽ chơi món này trong bao lâu?” hay “Nếu không có nó, con còn cách nào khác để chơi vui không?”. Khi Bé bắt đầu suy nghĩ về giá trị của món đồ, Bé sẽ không còn xem nó như một thứ phải có bằng mọi giá. Nếu Bé thực sự thích, Ba Mẹ có thể cân nhắc mua cho Bé, hoặc đề xuất một cách khác để Bé có được nó, chẳng hạn như tiết kiệm tiền lì xì hoặc làm việc nhà để tích điểm đổi quà. Cách này không chỉ giúp Bé trân trọng món đồ hơn mà còn dạy Bé tư duy tài chính từ nhỏ.

🪄 Bên cạnh đó, Ba Mẹ cũng có thể giúp Bé hiểu rằng không phải ai cũng cần có những thứ giống nhau. Mỗi người có sở thích và điều kiện khác nhau, và điều quan trọng là Bé cảm thấy vui với những gì mình đang có. Thay vì chỉ tập trung vào món đồ chơi mới, Ba Mẹ có thể gợi ý Bé thử đổi đồ chơi cho nhau và chơi cùng nhau, tự làm một món đồ chơi khác, hoặc tham gia những hoạt động thú vị như vẽ tranh, nặn đất sét cùng Ba Mẹ; vì đôi khi, điều Bé cần không phải là món đồ chơi, mà là sự quan tâm và thời gian bên Ba Mẹ.

🪄 Ngoài ra, Ba Mẹ có thể đặt ra giới hạn cho việc mua sắm bằng cách thiết lập một số nguyên tắc nhẹ nhàng nhưng rõ ràng, như chỉ mua đồ chơi vào dịp đặc biệt, hoặc khi mua một món mới thì phải tặng lại một món cũ cho bạn khác. Khi có nguyên tắc nhất định, Bé sẽ học cách kiểm soát mong muốn của mình mà không cảm thấy bị từ chối một cách khó chịu.

Khi Bé đòi mua một món đồ vì “bạn ai cũng có,” đó không chỉ là một yêu cầu mà là cơ hội để Ba Mẹ dạy Bé về giá trị của vật chất, tư duy độc lập và cách kiểm soát mong muốn. Thay vì chỉ đơn giản nói “có” hoặc “không,” hãy giúp Bé suy nghĩ, lựa chọn và trân trọng những gì mình có.

Bé con sẽ không nhớ mình đã sở hữu bao nhiêu món đồ, nhưng chắc chắn sẽ nhớ những bài học quan trọng mà Ba Mẹ đã dạy. Và những bài học quý giá đó sẽ theo Bé suốt cả cuộc đời. 

Daisy Home Preschool

Nếp Gấp Thời Gian của Madeleine L’Engle xuất bản vào năm 1962, không chỉ dành cho độc giả nhỏ tuổi, nhưng cuốn sách cũng mở ra nhiều suy ngẫm cho những ai đang đồng hành cùng trẻ em trên hành trình trưởng thành.

Câu chuyện xoay quanh Meg Murry, một cô bé thông minh nhưng nhạy cảm, luôn cảm thấy lạc lõng vì không giống bất kỳ ai. Cô có một người em trai đặc biệt, Charles Wallace, với trí tuệ phi thường nhưng cũng dễ bị tổn thương bởi sự ngây thơ và lòng tin tuyệt đối vào thế giới. Đồng hành cùng họ là Calvin O’Keefe, một cậu bé tưởng chừng có cuộc sống hoàn hảo nhưng thực ra luôn khao khát sự kết nối chân thành.

Ban đầu, cả ba đều là những đứa trẻ có vết thương lòng riêng. Khi cha của Meg mất tích bí ẩn, ba đứa trẻ bước vào một cuộc hành trình vượt thời gian và không gian để tìm kiếm ông, cùng với sự giúp đỡ của những người dẫn đường kỳ lạ – Bà Ai Đấy, Bà Gì Đó, Bà Cái Nào,…

Hành trình ấy không chỉ là cuộc tìm kiếm cha mà còn là hành trình tìm lại chính mình. Meg phải đối mặt với nỗi sợ hãi sâu thẳm nhất: cảm giác không đủ tốt, không đủ mạnh mẽ. Cô nhận ra rằng không có công thức nào giúp cô trở thành một người khác, mà chỉ có tình yêu thương và lòng tin vào bản thân mới là chìa khóa để vượt qua thử thách. Charles Wallace, với trí thông minh đáng kinh ngạc lại mắc sai lầm khi nghĩ rằng mình có thể thấu hiểu tất cả. Khi bị bóng tối thao túng, cậu bé nhận ra rằng sức mạnh của lý trí không thể cứu cậu, chỉ có tình yêu chân thành và sự kiên nhẫn mới có thể kéo cậu trở lại. Calvin, từ một cậu bé khép kín đã học được cách mở lòng và trân trọng sự gắn kết thực sự.

Tác phẩm của Madeleine L’Engle không chỉ là một câu chuyện phiêu lưu kỳ ảo mà còn là lời nhắn nhủ tinh tế rằng sự khác biệt không phải là khiếm khuyết, mà là điều làm nên giá trị của mỗi con người. Những đứa trẻ như Meg, Charles và Calvin nhắc nhở ta rằng điều quan trọng nhất không phải là trở thành ai đó theo kỳ vọng của người khác, mà là chấp nhận bản thân với tất cả những gì thuộc về mình.

Nếp Gấp Thời Gian cũng khẳng định rằng không phải lúc nào người lớn cũng có câu trả lời, và đôi khi, chính tình yêu thương vô điều kiện từ một đứa trẻ mới là ánh sáng xua tan bóng tối. Trong những khoảnh khắc khó khăn, điều duy nhất giúp ta bước tiếp không phải trí tuệ hay sức mạnh, mà là lòng trắc ẩn, sự kiên nhẫn và niềm tin vào điều tốt đẹp.

Cuộc phiêu lưu của Meg, Charles Wallace và Calvin khép lại không chỉ với việc tìm thấy người cha bị mất tích, mà còn với sự trưởng thành của mỗi nhân vật. Meg không còn nhìn nhận bản thân như một kẻ lạc lõng, Charles Wallace hiểu được rằng sự thông minh không thể thay thế tình cảm, và Calvin tìm thấy một gia đình thực sự trong những người bạn đồng hành. Cuốn sách này, vì thế, không chỉ dành cho trẻ em mà còn dành cho những ai mong muốn nuôi dưỡng một tâm hồn mạnh mẽ và giàu yêu thương.

Daisy Home Preschool

Khi nghe con trẻ thốt lên những từ ngữ không phù hợp, nhiều Ba Mẹ lập tức cảm thấy bối rối, thậm chí hoảng hốt. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi ngôn ngữ là một phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách của Bé. Tuy nhiên, thay vì phản ứng mạnh mẽ, Ba Mẹ cần hiểu rằng đây là một giai đoạn bình thường trong sự phát triển của Bé nhỏ, đồng thời là cơ hội để giáo dục Bé về cách sử dụng ngôn ngữ tích cực. 

Trong bài viết này, Ba Mẹ hãy cùng Daisy Home hiểu rõ hơn và tìm cách xử lý khéo léo khi Bé lỡ nói ra những từ ngữ không được “đẹp”.

🗣 Trước tiên, Ba Mẹ hãy hiểu rằng việc Bé nói bậy không phải là dấu hiệu của sự hư hỏng mà đơn thuần là một phần trong quá trình phát triển. Hành vi này thường xuất phát từ việc bắt chước người lớn, tò mò về ngôn từ, hoặc muốn thu hút sự chú ý. Một số Bé dùng những lời lẽ không hay này để bày tỏ cảm xúc khi không biết cách diễn đạt khác. Vì vậy, thay vì trách mắng ngay, Ba Mẹ cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân và giúp Bé nhận ra vấn đề.

Chẳng hạn, nếu Bé nghe thấy từ ngữ không hay từ TV hay bạn bè và lặp lại, Bé thực ra chỉ đang thử nghiệm, xem từ đó có ý nghĩa gì và liệu nó có “hay” như cách người khác sử dụng hay không. Đây là lúc Ba Mẹ cần giải thích nhẹ nhàng, giúp Bé hiểu rằng: “Những từ này có thể làm người khác buồn hoặc tổn thương, nên chúng ta không nên dùng.”

🗣 Nếu Bé nói bậy vì giận dỗi hay bức xúc, hãy hướng dẫn Bé cách bày tỏ cảm xúc một cách tích cực hơn. Thay vì dùng những lời không hay, Ba Mẹ có thể khuyến khích Bé nói: “Con đang buồn vì điều này,” hoặc “Con muốn mẹ lắng nghe con.” Cách này không chỉ giúp Bé học cách sử dụng ngôn ngữ đúng mực mà còn thể hiện cảm xúc rõ ràng, tránh tích tụ cảm giác tiêu cực.

🗣 Một yếu tố không kém phần quan trọng là môi trường xung quanh Bé. Bé nhỏ như một tờ giấy trắng, dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những gì chúng nghe và thấy. Nếu Bé tiếp xúc thường xuyên với nội dung trên mạng hoặc các cuộc trò chuyện không phù hợp, rất có thể Bé sẽ lặp lại những gì đã nghe. Vì vậy, Ba Mẹ cần chú ý đến các nguồn thông tin mà Bé tiếp cận, đồng thời làm gương bằng cách sử dụng ngôn ngữ tích cực trong giao tiếp hàng ngày.

🗣 Trong trường hợp Bé nói bậy trước mặt người khác, Ba Mẹ có thể cảm thấy xấu hổ, nhưng đừng vội la mắng Bé ngay lúc đó. Hãy giữ bình tĩnh, nhẹ nhàng chuyển hướng sự chú ý của Bé. Sau đó, khi ở riêng, hãy giải thích cho Bé hiểu tại sao hành động đó không phù hợp và hướng dẫn cách ứng xử lịch sự hơn.

Việc giúp Bé từ bỏ thói quen nói bậy không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Ba Mẹ cần kiên nhẫn đồng hành và nhất quán trong cách giáo dục. Sự nhẹ nhàng nhưng kiên định sẽ giúp Bé dần nhận ra ý nghĩa của việc giao tiếp tích cực và biết cách sử dụng từ ngữ đúng mực. Ba Mẹ xem thử thách này như một bước quan trọng trong hành trình giúp Bé trưởng thành, hình thành nhân cách tốt và biết sử dụng ngôn từ để tạo dựng các mối quan hệ lành mạnh.

Daisy Home Preschool

Dạo gần đây, “Túi Mù” (Blind Bag, Mystery Box) đang trở thành món đồ chơi khiến nhiều Bé mê mẩn. Cảm giác hồi hộp khi xé lớp vỏ ngoài, chờ đợi xem bên trong là gì khiến trò chơi này trở nên cực kỳ cuốn hút. Với hàng loạt chủ đề đa dạng, từ búp bê, siêu nhân, nhân vật hoạt hình đến đồ trang trí nhỏ xinh, “Túi Mù” không chỉ kích thích sự tò mò mà còn tạo ra xu hướng sưu tầm trong thế giới của Bé nhỏ.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui háo hức, không ít Ba Mẹ băn khoăn: Liệu trò chơi này có thật sự vô hại? Liệu Bé có bị ảnh hưởng tâm lý hoặc hình thành thói quen mua sắm không kiểm soát? Daisy Home sẽ cùng Ba Mẹ tìm hiểu để có góc nhìn rõ ràng hơn nhé!

✅ Sự bất ngờ và kích thích trí tò mò: Khi Bé chuẩn bị mở một “Túi Mù,” não bộ sẽ giải phóng dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến niềm vui, phần thưởng và động lực. Một nghiên cứu từ Trường Đại học Stanford (2021) cho thấy rằng những trò chơi mang tính bất ngờ có thể kích hoạt hệ thống khen thưởng của não bộ mạnh hơn những phần thưởng cố định. Điều này lý giải vì sao trẻ cảm thấy cực kỳ hào hứng trước khi mở túi.

✅ Tâm lý sưu tầm và kết nối bạn bè: Nhiều bộ sưu tập có cả chục nhân vật khác nhau, khiến Bé muốn thu thập đủ bộ hoặc trao đổi với bạn bè để hoàn thiện bộ sưu tập của mình.

✅ Sự đa dạng, luôn có điều mới mẻ: Búp bê, siêu nhân, xe hơi, nhân vật hoạt hình… đủ mọi loại chủ đề, màu sắc và kiểu dáng khiến Bé không bao giờ cảm thấy nhàm chán.

Với những điểm hấp dẫn như vậy, không khó hiểu khi “Túi Mù” nhanh chóng trở thành món đồ chơi hot hit.

Dù mang lại niềm vui, “Túi Mù” cũng tiềm ẩn một số vấn đề mà Ba Mẹ cần lưu ý:

✅ Dễ tạo tâm lý muốn mua thêm để “thử lại”: Điều đáng lo ngại là, hệ thống khen thưởng này cũng là cơ chế tâm lý đằng sau trò chơi may rủi như máy đánh bạc, xổ số, cá cược. Bé nhỏ có thể chưa biết đến các hình thức cá cược, nhưng trò “Túi Mù” lại tạo ra một phản ứng tương tự: một cảm giác hồi hộp, mong đợi, thậm chí là lo lắng khi mở hộp. Nếu không có được món đồ yêu thích, Bé có thể muốn “thử lại” bằng cách mua thêm. Càng chơi nhiều, não bộ càng học cách liên kết niềm vui với sự rủi ro, dẫn đến hành vi tìm kiếm sự kích thích liên tục. Khi mong muốn thử lại này không được kiểm soát, thói quen phụ thuộc vào cảm giác hưng phấn may rủi dễ dàng hình thành, dẫn đến tâm lý “thử vận may” trong các hoạt động khác sau này.

✅ Tạo cảm xúc tiêu cực nếu không như mong đợi: Bé nhỏ chưa quen với việc đối diện với thất vọng, nên khi mở ra món đồ không thích, Bé có thể buồn bã, cáu gắt hoặc mè nheo đòi mua thêm.

✅ Chất lượng đồ chơi không đồng đều: Không phải “Túi Mù” nào cũng đảm bảo an toàn. Một số món có thể làm từ nhựa kém chất lượng, dễ gãy vỡ hoặc có chi tiết nhỏ gây nguy hiểm cho Bé nhỏ.

“Túi Mù” không hẳn là một trò chơi xấu, nhưng Ba Mẹ cần hướng dẫn con chơi một cách hợp lý để tránh những tác động tiêu cực. Ba Mẹ có thể áp dụng một số cách sau để giúp Bé chơi một cách vui vẻ mà vẫn giữ được sự kiểm soát:

✅ Giới hạn số lần mua: Ba Mẹ có thể thỏa thuận với con về số lần mua “Túi Mù” trong một khoảng thời gian, chẳng hạn 1 tháng/lần hoặc chỉ vào dịp đặc biệt. Điều này giúp Bé học cách chờ đợi và trân trọng hơn mỗi lần chơi.

✅ Giúp Bé hiểu về tính ngẫu nhiên: Trước khi mở túi, ba mẹ có thể dặn con rằng “Trò chơi này là ngẫu nhiên, không phải lúc nào cũng có đúng món con muốn, nhưng quan trọng là con có thể tận hưởng sự bất ngờ”. Điều này giúp con đón nhận kết quả một cách nhẹ nhàng hơn. Tránh dùng những từ cảm thán như “Xui quá mới bị nhận…” hay “Quá hên/ may mới được…” Ba Mẹ nên kiểm soát ngôn từ để con hiểu rằng yếu tố ngẫu nhiên mới là quyết định và chính Ba Mẹ cũng vô cùng hồi hộp chào đón một sự bất ngờ đến với chúng ta.

✅ Dạy Bé giá trị của đồ chơi: Hãy giúp Bé hiểu rằng niềm vui không nằm ở số lượng đồ chơi mà ở cách con tận hưởng những gì mình có. Ba Mẹ có thể cùng con sáng tạo trò chơi mới từ những món đồ đã mở, giúp bé hiểu rằng điều quan trọng nhất là trải nghiệm chứ không phải sở hữu thật nhiều món đồ.

✅ Khuyến khích trao đổi thay vì mua thêm: Nếu Bé yêu thích một nhân vật nào đó, Ba Mẹ có thể gợi ý Bé trao đổi với bạn bè thay vì tiếp tục mua nhiều túi khác. Điều này không chỉ giúp Bé tiết kiệm mà còn tăng tính kết nối với bạn bè. Tuy nhiên, điều này cũng có thể làm Bé có cảm giác luôn luôn có giải pháp kể cả khi mình mở trúng món đồ chơi không thích. Vậy nên, vẫn là hiệu quả hơn khi Ba Mẹ kiên định giải pháp giới hạn số lần mua và giúp bé hiểu được giá trị của đồ chơi, cũng như ý nghĩa của việc Ba Mẹ mua/ thưởng cho Bé.

Thực tế, “Túi Mù” không phải là một trò chơi xấu. Nếu được hướng dẫn đúng cách, Bé có thể tận hưởng niềm vui bất ngờ mà không bị cuốn vào tâm lý “mua thêm để có đúng món mình muốn”. Điều quan trọng là Ba Mẹ cần giúp Bé kiểm soát cảm xúc, hiểu được giá trị của đồ chơi và không biến trò chơi này thành một thói quen chi tiêu không hợp lý.

Daisy Home Preschool

Có những cuốn sách mở ra một thế giới khác, nơi trí tưởng tượng được chắp cánh và điều bình dị trở nên nhiệm màu. Xứ Sở Miên Man của Jun Phạm là một tác phẩm như thế, mang đến cho cả trẻ em lẫn người lớn cơ hội bước vào vùng đất của những giấc mơ. Ở đó, ta đồng hành cùng bé Mì Gói, bố Thảo và chú Tò He trong chuyến phiêu lưu đến Minamun, chạm vào những xúc cảm dịu dàng và những bài học sâu lắng về yêu thương.

Một ngày, Mì Gói biến mất, kéo theo những điều kỳ diệu của tuổi thơ.

Hành trình tìm lại Mì Gói cũng là hành trình ông Thảo – bố của Mì Gói học cách mơ mộng trở lại. Cùng với Tò He – người bạn đồng hành bất ngờ – ông dấn bước vào Minamun, nơi đàn cá đầu mèo, tộc Huỳnh Điệp, phú bà rau củ và chú Cuội tồn tại. Ở đó, người ta không sống bằng những quy tắc cứng nhắc mà bằng cảm xúc và sự kết nối giữa trái tim. Càng đi sâu vào Minamun, ông Thảo càng buông bỏ lớp vỏ lý trí, dần tìm thấy phần trẻ thơ đã lãng quên. Khi tìm được Mì Gói, ông không chỉ cứu cô bé, mà còn kéo mình ra khỏi những tháng ngày đơn điệu, hiểu được ý nghĩa thực sự của việc làm cha.

Cuốn sách khiến ta suy ngẫm về cách người lớn đối diện với tuổi thơ của con trẻ. Chúng ta quá bận rộn mà quên rằng trẻ không chỉ cần sự chăm sóc vật chất mà còn cần sự lắng nghe và thấu hiểu. Những câu chuyện tưởng tượng của chúng có thể không thực tế, nhưng lại chứa đựng cả một thế giới cảm xúc. Một đứa trẻ lớn lên không chỉ nhờ cơm áo, mà còn nhờ những giấc mơ được nuôi dưỡng, những khoảnh khắc bên cạnh người thân.

Xứ Sở Miên Man không chỉ là câu chuyện phiêu lưu cho trẻ nhỏ, mà còn là lời nhắc nhở cho người lớn. Ta đã từng tin vào phép màu, từng để trí tưởng tượng bay xa, nhưng rồi lớn lên, bận rộn, ta dần quên mất điều đó. Cuốn sách như một chiếc gương, để ta thấy lại phần trẻ thơ trong mình, để hiểu rằng dù cuộc sống có xô đẩy bao xa, ta vẫn có thể tìm về những giấc mơ và những giá trị yêu thương.

Mỗi người cầm trên tay Xứ Sở Miên Man đều tìm thấy cho riêng mình một điều gì đó – có thể là chút bồi hồi về tuổi thơ, một tia sáng khi nhận ra mình cần dành nhiều thời gian hơn cho con, hay đơn giản là một nụ cười vì những điều ngọt ngào mà Jun Phạm khéo léo gửi gắm. Đây không chỉ là một câu chuyện, mà là cánh cửa mở ra một thế giới nơi yêu thương là phép màu mạnh mẽ nhất, nơi những điều giản dị có thể hóa nhiệm màu nếu ta biết trân trọng.

Và có lẽ, khi gấp lại cuốn sách này, mỗi bậc phụ huynh sẽ tự hỏi: Lần cuối cùng ta cùng con kể chuyện, cùng con mơ mộng là khi nào? Liệu ta còn đủ kiên nhẫn lắng nghe những câu chuyện ngây ngô của con mà không vội bác bỏ hay chỉnh sửa theo lối suy nghĩ của người lớn?

Daisy Home Preschool

Làm Ba Mẹ, ai cũng mong Bé nhà mình phát triển tốt nhất. Nhưng đôi lúc, việc nhìn thấy một đứa trẻ khác giỏi giang, nhanh nhẹn hơn có thể khiến Ba Mẹ vô tình so sánh với Bé. Điều này có vẻ là động lực, nhưng thực ra lại gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và sự phát triển của Bé. Hãy cùng Daisy Home tìm hiểu tại sao việc so sánh không phải là cách tốt để giúp Bé tiến bộ, và Ba Mẹ có thể làm gì thay thế.

1️⃣ Tự tin và lòng tự trọng của Bé bị ảnh hưởng tiêu cực

Trẻ con, dù nhỏ bé, vẫn luôn có những cảm nhận rất sâu sắc về bản thân. Khi Ba Mẹ so sánh Bé với người khác, dù đó là bạn bè, anh chị em hay ai đó, điều này có thể làm tổn thương lòng tự trọng của Bé. Bé có thể bắt đầu cảm thấy rằng mình không đủ tốt, không đủ giỏi, và điều đó khiến Bé mất tự tin vào bản thân.

2️⃣ Mỗi Bé là một cá thể riêng biệt, không thể áp dụng cùng một thang đánh giá cho tất cả

Mỗi Bé có một tốc độ phát triển riêng, với những ưu điểm và nhược điểm khác nhau. So sánh Bé với người khác đồng nghĩa với việc Ba Mẹ đang bỏ qua điều đặc biệt của con mình. Bé cần được nhận thức theo hướng bản thân có thể vượt trội ở một vài lĩnh vực nhưng gặp khó khăn hơn ở một lĩnh vực khác. Thay vì tập trung vào những gì Bé chưa làm được, hãy nhìn vào những điểm mạnh để khuyến khích Bé phát triển. Điều này không chỉ giúp Bé tự tin hơn mà còn thúc đẩy khả năng của Bé một cách tự nhiên.

3️⃣ Tạo ra áp lực học tập và thành công không lành mạnh

Áp lực từ việc so sánh có thể làm Bé sợ hãi và chán nản khi không thể đạt được những kỳ vọng mà Ba Mẹ đặt ra. Điều này có thể dẫn đến việc Bé cảm thấy thất vọng và mất hứng thú với việc học tập. Thay vì so sánh, Ba Mẹ nên giúp Bé hiểu rằng thành công là một hành trình dài, và mỗi bước nhỏ đều đáng khen ngợi.

4️⃣ Động lực nội tại không đến từ việc so sánh

Động lực nội tại của Bé không đến từ việc so sánh hay ép buộc, mà từ cảm giác được yêu thương, công nhận và tự do khám phá bản thân. Khi cảm thấy mình có giá trị dù không cần phải giống ai, Bé sẽ tự tin thử sức và đặt mục tiêu cho chính mình. Ba Mẹ hãy trở thành người bạn đồng hành để Bé nhận ra những gì mình yêu thích, những gì mình giỏi. Động viên Bé khám phá bản thân, tìm kiếm niềm vui trong những điều mà Bé thấy thú vị. Ba Mẹ không nên so sánh hay đặt áp lực, mà hãy khích lệ sự tự nhận thức, giúp Bé hiểu rằng điểm mạnh của mỗi người là khác nhau. Đó là điều tuyệt vời mà không ai có thể sao chép.

Khi Bé được tự do phát triển trong sự yêu thương và tôn trọng, Bé sẽ tỏa sáng theo cách riêng của mình. Để làm được điều này, Ba Mẹ hãy là những người hiểu biết, tạo ra môi trường phát triển lành mạnh, nơi Bé được khuyến khích phát huy thế mạnh riêng và học hỏi từ những trải nghiệm của bản thân.

Daisy Home Preschool

Chờ đợi đối với Bé nhỏ giống như một “thử thách lớn,” bởi các Bé chưa quen với việc kiểm soát cảm xúc hay hiểu rõ khái niệm thời gian. Tuy nhiên, biết chờ đợi là một kỹ năng quan trọng trong cuộc sống, giúp Bé học được sự kiên nhẫn, tôn trọng người khác, và biết cách xử lý các tình huống khi mọi thứ không diễn ra ngay lập tức như mình mong muốn. 

💁‍♀️ Trong bài viết này, Daisy Home sẽ chia sẻ 4 cách đơn giản nhưng hiệu quả giúp Ba Mẹ hướng dẫn Bé biết chờ đợi, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển tâm lý và kỹ năng sống của Bé.

1️⃣ Tận dụng thời gian chờ đợi vào những điều Bé có thể kiểm soát.

Hầu hết các Bé đều cảm thấy mất kiên nhẫn khi phải đối diện với sự chờ đợi, nhưng thay vì tập trung vào điều mình chưa thể có, hãy hướng Bé đến những thứ mà Bé có thể kiểm soát.

Khi chờ món ăn trong nhà hàng, hãy thử chơi trò “Tìm màu sắc” với Bé: “Con thử tìm xem quanh đây có bao nhiêu đồ vật màu xanh nhé!” Hoặc đơn giản là trò chuyện cùng Bé những chủ đề khác. Các hoạt động này không chỉ khiến thời gian trôi qua nhanh hơn mà còn dạy Bé tập trung vào những thứ mình có thể quan sát, tương tác và kiểm soát, thay vì chỉ chú ý đến việc phải chờ đợi.

2️⃣ Đặt thời gian cụ thể

Khái niệm thời gian như “chờ một chút” hay “một lát thôi” rất mơ hồ. Thay vào đó, Ba Mẹ hãy cụ thể hóa bằng cách dùng đồng hồ, hẹn giờ hoặc bài hát như:

“Con chờ đến khi kim đồng hồ chỉ số 6, rồi mẹ sẽ chơi cùng con.”

“Mẹ sẽ quay lại khi bài hát này kết thúc nhé.”

Cách này không chỉ giúp Bé dễ dàng hình dung mà còn tập thói quen tôn trọng thời gian.

Bên cạnh đó, vì chờ đợi không có nghĩa là chờ đợi mãi mãi, Bé cần được dạy để hiểu rằng nên có giới hạn cho việc chờ đợi, và cách giải quyết khi cảm thấy chờ đợi quá lâu. Ví dụ khi chờ món quá lâu, Ba Mẹ có thể hướng dẫn Bé rằng: “Nếu đồ ăn chưa mang ra sau 15 phút, chúng ta sẽ nhắc nhẹ nhân viên.” Qua đó, Bé học được rằng chờ đợi cần có thời gian cụ thể và có cách giải quyết thay vì mất kiên nhẫn.

3️⃣ Ba Mẹ làm gương cho Bé

Bé thường nhìn vào hành động của Ba Mẹ để làm theo. Nếu Ba Mẹ kiên nhẫn, bình tĩnh khi chờ đợi, Bé cũng sẽ dần học được điều đó. 

Khi phải chờ đợi lâu, Ba Mẹ nên bình tĩnh, tìm cách làm điều gì đó thú vị hoặc chia sẻ với Bé lý do cần kiên nhẫn. Ví dụ, Ba Mẹ có thể nói: “Ba Mẹ biết chờ lâu hơi khó chịu, nhưng nếu mình kiên nhẫn, mình sẽ có một bữa ăn ngon.” Hay khi phải chờ quá lâu, không thể tiếp tục chờ, Ba Mẹ hãy mạnh dạn liên hệ đối tượng đang chờ để hỏi tình hình và điều chỉnh kế hoạch. Bé sẽ học được cách xử lý tình huống linh hoạt từ chính hành động của Ba Mẹ và hiểu rằng bày tỏ, giao tiếp là một cách để giải quyết vấn đề thay vì tức giận.

4️⃣Dạy Bé biết trân trọng thời gian

Chờ đợi không chỉ là bài học về kiên nhẫn mà còn là cách để Bé học được sự quý trọng thời gian của bản thân cũng như người khác.

Ba Mẹ hãy dạy Bé nói lời cảm ơn/ xin lỗi khi người khác chờ mình. Ví dụ, khi Bé đến lớp muộn và cô giáo đã chờ, Ba Mẹ có thể hướng dẫn Bé nói: “Con cảm ơn cô đã chờ con.”

Ba Mẹ cũng hãy làm gương mỗi khi để Bé đợi lâu bằng chính việc xin lỗi chân thành: “Ba Mẹ xin lỗi vì đến trễ. Lần sau Ba Mẹ sẽ cố gắng hơn.” Điều này giúp Bé hiểu rằng sự chờ đợi không phải là điều hiển nhiên, mà cần được tôn trọng.

Dạy Bé biết chờ đợi không phải là một việc khó, nhưng cần sự kiên nhẫn và khéo léo từ Ba Mẹ. Hãy thử áp dụng những cách trên, biến mỗi khoảnh khắc thành cơ hội để Bé học hỏi và trưởng thành.

Daisy Home Preschool

Như một khúc dạo đầu của mùa xuân, chạm khẽ vào lòng người và để lại những rung cảm dịu dàng, Organ Mùa Xuân chứa đựng bao nỗi niềm tinh tế về sự mất mát, tình yêu thương và hành trình trưởng thành của những tâm hồn bé nhỏ.

Tomomi – cô bé trầm lặng, luôn ám ảnh về sự ra đi của bà nội. Trái ngược với chị gái, Tetsu bộc trực và ngang ngạnh hơn. Sự hiện diện của ông nội và bác Sasaki Norie đã thay đổi tất cả. Khi Tomomi hỏi về cái chết, ông không đưa ra những câu trả lời khuôn mẫu mà để cô bé tự cảm nhận, tự đối diện với cảm xúc của chính mình. Khi Tetsu nghịch ngợm, ông không quát mắng mà chỉ quan sát, thấu hiểu. Một người lớn thực sự đồng hành cùng trẻ nhỏ không phải là người chỉ ra sai lầm, mà là người giúp chúng tự tìm ra câu trả lời bằng sự kiên nhẫn và yêu thương.
Bác Sasaki Norie là một hình mẫu khác của tình thương – một người phụ nữ giàu lòng trắc ẩn, dành cả cuộc đời để yêu thương những sinh vật nhỏ bé. Khi cùng bà chăm sóc những chú mèo hoang, Tomomi dần học được cách mở lòng. Những nỗi sợ trong cô bé dịu lại, như những cánh hoa mùa xuân khẽ khàng bung nở. Cô bé nhận ra rằng cái chết không đáng sợ, nếu ta biết trân quý sự sống.

Giữa ông nội, bác Sasaki và hai đứa trẻ có một sự trao đổi vô hình nhưng vô cùng đẹp đẽ. Nếu Tomomi và Tetsu học được cách yêu thương và thấu hiểu, thì ông nội và bác Sasaki cũng nhận lại được điều gì đó ấm áp từ sự hồn nhiên của trẻ thơ. Bác Sasaki, người từng lặng lẽ sống trong thế giới của những chú mèo và ký ức, nay tìm thấy niềm vui mới trong sự hiện diện của hai đứa trẻ. Ông nội cũng vậy, có lẽ lòng ông nhẹ nhõm hơn khi thấy cháu mình trưởng thành, khi nhận ra bản thân vẫn là một điểm tựa vững chãi cho những tâm hồn non nớt đang chập chững bước đi.

Hành trình của Tomomi và Tetsu khiến người đọc nhận ra rằng việc nuôi dạy một đứa trẻ chưa bao giờ là điều đơn giản. Tổn thương không thể chữa lành chỉ bằng những lời khuyên hay bài học lý thuyết. Một đứa trẻ cần thời gian, cần một không gian an toàn để tự mình khám phá, cần những người lớn kiên nhẫn và không vội vã phán xét. Chính sự có mặt của ông nội và bác Sasaki đã cho hai đứa trẻ khoảng trống cần thiết để đối diện với cảm xúc của mình, để rồi từ đó, chúng tự tìm ra con đường trưởng thành một cách tự nhiên nhất.

Organ Mùa Xuân không chỉ là câu chuyện dành cho trẻ nhỏ, mà còn là câu chuyện dành cho tất cả những ai đang trên hành trình làm cha mẹ, làm người đồng hành cùng trẻ thơ. Trong từng trang sách, người ta sẽ tìm thấy sự tinh tế, sự dịu dàng của Kazumi Yumoto trong cách bà miêu tả tâm lí nhân vật, trong những chi tiết rất nhỏ nhưng lại đầy sức nặng. Cũng như tiếng đàn organ trong những ngày xuân ấm áp, tình yêu thương luôn có cách lan tỏa, chạm đến những tâm hồn mong manh nhất, giúp con người tìm thấy ánh sáng dịu dàng ngay cả trong những ngày tháng tăm tối nhất.

Daisy Home Preschool

Ba nói một kiểu, Mẹ dạy một kiểu; lúc thì cứng nhắc, lúc lại dễ dãi. Các Ba Mẹ có từng rơi vào tình huống này? Đây không chỉ là câu chuyện thường gặp mà còn là nguyên nhân khiến Bé dễ bối rối, khó hình thành thói quen tốt, thậm chí mất niềm tin vào các quy tắc trong gia đình.


Vậy vì sao sự nhất quán trong cách dạy Bé lại quan trọng? Và làm thế nào để Ba Mẹ có thể phối hợp hiệu quả, dù tính cách hay quan điểm khác nhau?

✅ Nhất quán mang lại cảm giác an toàn cho Bé
Bé nhỏ cần một môi trường ổn định để phát triển. Khi Ba Mẹ đồng lòng về các quy tắc và cách xử lý, Bé sẽ cảm thấy yên tâm vì hiểu được điều gì sẽ xảy ra nếu chúng làm đúng hoặc sai.
Ngược lại, nếu hôm nay Mẹ cấm xem TV, nhưng Ba lại cho phép, Bé sẽ không biết nên nghe ai. Điều này dễ khiến Bé loay hoay và thử phá vỡ các giới hạn, dẫn đến những hành vi tiêu cực là có khả năng xảy ra.

✅ Tránh gây mâu thuẫn hoặc tranh cãi trước mặt Bé
Bé nhỏ rất nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi bầu không khí trong gia đình. Khi Ba Mẹ không thống nhất trong cách dạy con, Bé có thể cảm nhận được sự căng thẳng và dễ bị lo lắng. Ba Mẹ hãy thảo luận riêng về các phương pháp dạy Bé trước khi áp dụng, tránh tranh cãi hoặc mâu thuẫn ngay trước mặt Bé.

✅ Giúp Bé hình thành thói quen và tính kỷ luật
Khi các quy tắc được áp dụng đồng nhất, Bé sẽ dễ dàng nhận thức được giới hạn và biết cách tuân thủ. Ngược lại, nếu quy tắc liên tục thay đổi tùy theo tâm trạng hoặc cách ứng xử của từng người, Bé sẽ cảm thấy rối và khó duy trì thói quen tích cực. Ví dụ như khi cả Ba và Mẹ cùng nhắc và cổ vũ Bé đánh răng trước khi ngủ mỗi ngày, Bé sẽ nhanh chóng biến việc này thành thói quen.

✅ Xây dựng lòng tin giữa Ba Mẹ và Bé
Sự nhất quán giúp Bé tin tưởng rằng Ba Mẹ luôn đồng lòng vì lợi ích của chúng. Điều này giúp Bé cảm thấy được yêu thương và tôn trọng. Nếu Ba Mẹ có quan điểm khác nhau, hãy cùng nhau tìm giải pháp chung trước khi nói chuyện với Bé.

👉 Một số tips để Ba Mẹ duy trì sự nhất quán:

  • Thống nhất các quy tắc cơ bản: Ba Mẹ nên ngồi lại cùng nhau để xác định các nguyên tắc quan trọng trong gia đình, như giờ ăn, giờ chơi, cách xử lý hành vi không đúng.
  • Giao tiếp thường xuyên: Khi có tình huống mới phát sinh, hãy trao đổi trước để tránh những quyết định mâu thuẫn.
  • Hỗ trợ lẫn nhau: Nếu một người vô tình làm không đúng quy tắc, hãy nhẹ nhàng nhắc nhở thay vì phê bình.
  • Đánh giá và điều chỉnh: Quy tắc không phải lúc nào cũng đúng mãi mãi. Ba Mẹ nên cùng nhau theo dõi và thay đổi nếu cần thiết để phù hợp hơn với sự phát triển của Bé.

Ba Mẹ không phải lúc nào cũng có thể hoàn hảo, nhưng việc nỗ lực thống nhất trong cách dạy con chính là món quà vô giá mà Ba Mẹ có thể dành cho Bé. Đó không chỉ là cách dạy Bé phân biệt đúng sai, mà còn là cách xây dựng cho Bé một gia đình yêu thương, an toàn và đầy cảm hứng.


Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, như cùng thống nhất giờ ngủ, cách khen thưởng hay xử lý khi Bé phạm lỗi. Mỗi bước đi vững chắc hôm nay sẽ giúp Bé con tự tin hơn trên hành trình trưởng thành.

Daisy Home Preschool

Công nghệ ngày nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, từ học tập, làm việc đến giải trí. Đối với Bé nhỏ, việc tiếp xúc với điện thoại, máy tính bảng hay máy tính là điều gần như không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, không ít Ba Mẹ lo lắng rằng nếu để Bé tiếp cận sớm mà không có sự kiểm soát, Bé sẽ dễ rơi vào tình trạng n.g.h.i.ệ.n thiết bị điện tử, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện.

Vậy làm sao để giúp Bé tiếp cận công nghệ an toàn, tránh lệ thuộc mà vẫn tận dụng được tối đa lợi ích? Hãy cùng Daisy Home khám phá những cách hiệu quả dưới đây.

1️⃣ Xây dựng thói quen sử dụng hợp lý từ sớm
Ba Mẹ cần giúp Bé thiết lập thói quen sử dụng công nghệ ngay từ sớm. Thời điểm thích hợp để tiếp xúc với thiết bị điện tử là sau 18 tháng tuổi, khi Bé đã phát triển một số kỹ năng như nhận diện hình ảnh, âm thanh và khả năng tập trung ngắn. Đối với Bé dưới 2 tuổi, Ba Mẹ nên hạn chế tiếp xúc hoàn toàn hoặc giới hạn ở mức tối thiểu, chủ yếu với những ứng dụng mang tính giáo dục.

Từ 2-5 tuổi, Ba Mẹ có thể cho Bé sử dụng thiết bị công nghệ, nhưng cần giới hạn thời gian hợp lý, chẳng hạn như dưới 1 giờ mỗi ngày. Thời gian này nên chia nhỏ thành 2-3 lần mỗi ngày, không nên để Bé sử dụng liên tục.
Khi cho Bé sử dụng, hãy chọn thời điểm phù hợp, chẳng hạn sau khi Bé hoàn thành bữa ăn, giờ chơi ngoài trời, hoặc trước khi đi ngủ một khoảng thời gian đủ xa để tránh ảnh hưởng giấc ngủ.

2️⃣ Chọn nội dung chất lượng và phù hợp với độ tuổi
Không phải tất cả nội dung trên thiết bị đều an toàn hoặc hữu ích. Ba mẹ cần lựa chọn kỹ những ứng dụng, video hoặc trò chơi phù hợp với độ tuổi và mục đích giáo dục. Ví dụ: Ứng dụng học màu sắc, chữ cái, số đếm,… hay video kể chuyện nhẹ nhàng, giúp Bé rèn tư duy và sự tập trung.
Việc định hướng này không chỉ giúp Bé học hỏi mà còn hạn chế việc tiếp xúc với nội dung không phù hợp.

3️⃣ Đồng hành cùng Bé trong quá trình sử dụng
Bé con rất thích cảm giác được Ba Mẹ tham gia vào các hoạt động của mình. Khi Bé sử dụng công nghệ, hãy ngồi cạnh, cùng Bé khám phá và giải thích những điều thú vị.
Chẳng hạn, khi xem một video về động vật, Ba Mẹ có thể hỏi: “Con có thấy con cá màu gì không?” hoặc “Con nghĩ con thỏ này ăn gì nhỉ?”. Những câu hỏi này không chỉ tăng sự tương tác mà còn giúp Bé phát triển ngôn ngữ và tư duy.

4️⃣ Tạo sự cân bằng giữa công nghệ và hoạt động thực tế
Dù công nghệ mang lại nhiều sự thú vị, Bé vẫn cần thời gian để khám phá thế giới thực. Hãy khuyến khích Bé tham gia các hoạt động như vẽ tranh, chơi xếp hình, đọc sách cùng Ba Mẹ, hoặc chơi ngoài trời.
Những trải nghiệm này giúp Bé phát triển thể chất, kỹ năng xã hội và giảm sự phụ thuộc vào thiết bị điện tử. Ba Mẹ có thể đặt nguyên tắc đơn giản: Sau mỗi giờ chơi ngoài trời, Bé sẽ được thưởng 10 phút dùng thiết bị, tạo động lực để Bé yêu thích cả hai loại hoạt động.

5️⃣ Làm gương trong cách sử dụng công nghệ
Bé học hỏi chủ yếu qua quan sát, nếu ba mẹ thường xuyên sử dụng điện thoại hoặc máy tính trong thời gian ở cạnh, Bé sẽ dễ bắt chước. Thay vào đó, hãy cố gắng dành thời gian chất lượng với Bé, tránh sử dụng thiết bị khi ăn cơm, chơi cùng Bé hoặc trước giờ đi ngủ.
Khi Ba Mẹ thể hiện rằng công nghệ là công cụ hữu ích và được sử dụng có kiểm soát, Bé sẽ dần hình thành thói quen tốt từ sớm.

Khi được hướng dẫn đúng cách, công nghệ sẽ trở thành một công cụ hỗ trợ tuyệt vời, giúp Bé học hỏi và phát triển tư duy. Và điều quan trọng nhất, Ba Mẹ chính là “người bạn lớn” giúp Bé cân bằng giữa thế giới số và những trải nghiệm quý giá trong cuộc sống hàng ngày.

Daisy Home Preschool