Có nên cho bé chơi “túi mù” – trò chơi đang hot hiện nay?

Posted on
two green moutains
three green moutains

Dạo gần đây, “Túi Mù” (Blind Bag, Mystery Box) đang trở thành món đồ chơi khiến nhiều Bé mê mẩn. Cảm giác hồi hộp khi xé lớp vỏ ngoài, chờ đợi xem bên trong là gì khiến trò chơi này trở nên cực kỳ cuốn hút. Với hàng loạt chủ đề đa dạng, từ búp bê, siêu nhân, nhân vật hoạt hình đến đồ trang trí nhỏ xinh, “Túi Mù” không chỉ kích thích sự tò mò mà còn tạo ra xu hướng sưu tầm trong thế giới của Bé nhỏ.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui háo hức, không ít Ba Mẹ băn khoăn: Liệu trò chơi này có thật sự vô hại? Liệu Bé có bị ảnh hưởng tâm lý hoặc hình thành thói quen mua sắm không kiểm soát? Daisy Home sẽ cùng Ba Mẹ tìm hiểu để có góc nhìn rõ ràng hơn nhé!

✅ Sự bất ngờ và kích thích trí tò mò: Khi Bé chuẩn bị mở một “Túi Mù,” não bộ sẽ giải phóng dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến niềm vui, phần thưởng và động lực. Một nghiên cứu từ Trường Đại học Stanford (2021) cho thấy rằng những trò chơi mang tính bất ngờ có thể kích hoạt hệ thống khen thưởng của não bộ mạnh hơn những phần thưởng cố định. Điều này lý giải vì sao trẻ cảm thấy cực kỳ hào hứng trước khi mở túi.

✅ Tâm lý sưu tầm và kết nối bạn bè: Nhiều bộ sưu tập có cả chục nhân vật khác nhau, khiến Bé muốn thu thập đủ bộ hoặc trao đổi với bạn bè để hoàn thiện bộ sưu tập của mình.

✅ Sự đa dạng, luôn có điều mới mẻ: Búp bê, siêu nhân, xe hơi, nhân vật hoạt hình… đủ mọi loại chủ đề, màu sắc và kiểu dáng khiến Bé không bao giờ cảm thấy nhàm chán.

Với những điểm hấp dẫn như vậy, không khó hiểu khi “Túi Mù” nhanh chóng trở thành món đồ chơi hot hit.

Dù mang lại niềm vui, “Túi Mù” cũng tiềm ẩn một số vấn đề mà Ba Mẹ cần lưu ý:

✅ Dễ tạo tâm lý muốn mua thêm để “thử lại”: Điều đáng lo ngại là, hệ thống khen thưởng này cũng là cơ chế tâm lý đằng sau trò chơi may rủi như máy đánh bạc, xổ số, cá cược. Bé nhỏ có thể chưa biết đến các hình thức cá cược, nhưng trò “Túi Mù” lại tạo ra một phản ứng tương tự: một cảm giác hồi hộp, mong đợi, thậm chí là lo lắng khi mở hộp. Nếu không có được món đồ yêu thích, Bé có thể muốn “thử lại” bằng cách mua thêm. Càng chơi nhiều, não bộ càng học cách liên kết niềm vui với sự rủi ro, dẫn đến hành vi tìm kiếm sự kích thích liên tục. Khi mong muốn thử lại này không được kiểm soát, thói quen phụ thuộc vào cảm giác hưng phấn may rủi dễ dàng hình thành, dẫn đến tâm lý “thử vận may” trong các hoạt động khác sau này.

✅ Tạo cảm xúc tiêu cực nếu không như mong đợi: Bé nhỏ chưa quen với việc đối diện với thất vọng, nên khi mở ra món đồ không thích, Bé có thể buồn bã, cáu gắt hoặc mè nheo đòi mua thêm.

✅ Chất lượng đồ chơi không đồng đều: Không phải “Túi Mù” nào cũng đảm bảo an toàn. Một số món có thể làm từ nhựa kém chất lượng, dễ gãy vỡ hoặc có chi tiết nhỏ gây nguy hiểm cho Bé nhỏ.

“Túi Mù” không hẳn là một trò chơi xấu, nhưng Ba Mẹ cần hướng dẫn con chơi một cách hợp lý để tránh những tác động tiêu cực. Ba Mẹ có thể áp dụng một số cách sau để giúp Bé chơi một cách vui vẻ mà vẫn giữ được sự kiểm soát:

✅ Giới hạn số lần mua: Ba Mẹ có thể thỏa thuận với con về số lần mua “Túi Mù” trong một khoảng thời gian, chẳng hạn 1 tháng/lần hoặc chỉ vào dịp đặc biệt. Điều này giúp Bé học cách chờ đợi và trân trọng hơn mỗi lần chơi.

✅ Giúp Bé hiểu về tính ngẫu nhiên: Trước khi mở túi, ba mẹ có thể dặn con rằng “Trò chơi này là ngẫu nhiên, không phải lúc nào cũng có đúng món con muốn, nhưng quan trọng là con có thể tận hưởng sự bất ngờ”. Điều này giúp con đón nhận kết quả một cách nhẹ nhàng hơn. Tránh dùng những từ cảm thán như “Xui quá mới bị nhận…” hay “Quá hên/ may mới được…” Ba Mẹ nên kiểm soát ngôn từ để con hiểu rằng yếu tố ngẫu nhiên mới là quyết định và chính Ba Mẹ cũng vô cùng hồi hộp chào đón một sự bất ngờ đến với chúng ta.

✅ Dạy Bé giá trị của đồ chơi: Hãy giúp Bé hiểu rằng niềm vui không nằm ở số lượng đồ chơi mà ở cách con tận hưởng những gì mình có. Ba Mẹ có thể cùng con sáng tạo trò chơi mới từ những món đồ đã mở, giúp bé hiểu rằng điều quan trọng nhất là trải nghiệm chứ không phải sở hữu thật nhiều món đồ.

✅ Khuyến khích trao đổi thay vì mua thêm: Nếu Bé yêu thích một nhân vật nào đó, Ba Mẹ có thể gợi ý Bé trao đổi với bạn bè thay vì tiếp tục mua nhiều túi khác. Điều này không chỉ giúp Bé tiết kiệm mà còn tăng tính kết nối với bạn bè. Tuy nhiên, điều này cũng có thể làm Bé có cảm giác luôn luôn có giải pháp kể cả khi mình mở trúng món đồ chơi không thích. Vậy nên, vẫn là hiệu quả hơn khi Ba Mẹ kiên định giải pháp giới hạn số lần mua và giúp bé hiểu được giá trị của đồ chơi, cũng như ý nghĩa của việc Ba Mẹ mua/ thưởng cho Bé.

Thực tế, “Túi Mù” không phải là một trò chơi xấu. Nếu được hướng dẫn đúng cách, Bé có thể tận hưởng niềm vui bất ngờ mà không bị cuốn vào tâm lý “mua thêm để có đúng món mình muốn”. Điều quan trọng là Ba Mẹ cần giúp Bé kiểm soát cảm xúc, hiểu được giá trị của đồ chơi và không biến trò chơi này thành một thói quen chi tiêu không hợp lý.

Daisy Home Preschool