Bé hay ăn vạ – xử lý sao cho nhẹ nhàng mà vẫn hiệu quả ?
Ăn vạ là hành động thường thấy khi các Bé đang tức giận hay muốn đòi một thứ gì đó. Giai đoạn Bé ăn vạ nhiều nhất vào khoảng 1-3 tuổi. Đây là độ tuổi Bé đối mặt với nhiều biến đổi về tâm sinh lý. Tuy nhiên, Bé sẽ gặp nhiều khó khăn khi chưa thể diễn đạt ý mình rành mạch như người lớn. Do đó, Bé sẽ thường xuyên hờn dỗi, gào khóc để truyền đạt nhu cầu và cảm xúc của mình.
💁♀️Vậy Ba Mẹ làm sao để xử lý hiệu quả mà nhẹ nhàng khi Bé hay ăn vạ? Hãy cùng Daisy Home tham khảo một số phương pháp sau đây.
🌼 Xoa dịu cảm xúc của Bé
Mỗi khi Bé khóc lóc, tức giận là lúc Bé cần sự thấu hiểu và đồng cảm nhất từ người lớn. Trong lúc đó, nếu Ba Mẹ răn đe con bằng những lời cấm đoán như “Nín ngay”, “Mẹ cấm nghe chưa?”… chỉ càng làm Bé tổn thương và giận dữ hơn. Thay vào đó, Ba Mẹ hãy cho Bé chút thời gian và dùng lời nói nhẹ nhàng đoán cảm xúc của Bé như “Con không thích cái này đúng không nào?” Việc này sẽ giúp Bé cảm thấy được lắng nghe và dễ dàng chia sẻ ước muốn của mình.
Nếu Bé khó ngừng cơn khóc lại, Ba Mẹ hãy đưa Bé vào một không gian riêng tư làm Bé thấy an toàn như phòng ngủ, phòng của Bé… Sau đó, ôm lấy Bé và nhẹ nhàng xoa lưng để Bé từ từ dịu lại. Nếu Bé không muốn ôm thì Ba Mẹ chỉ cần ngồi cùng Bé để Bé biết mình không đơn độc.
🌼Thấu hiểu và cảm thông lý do Bé ăn vạ
Để gỡ được khúc mắc, trước tiên Ba Mẹ nên chậm lại, quan sát toàn bộ sự việc và tìm ra nguyên nhân làm Bé quấy khóc. Có thể Bé đang khó chịu hay Bé đang muốn điều gì đó mà không nói ra được. Việc trao đổi thẳng thắn sẽ giúp Bé cảm thấy được an ủi, được yêu thương hơn. Đồng thời, còn xây dựng niềm tin cũng như gắn kết tình cảm giữa Ba Mẹ và con cái.
🌼 Đưa ra hướng giải quyết và giải thích cho Bé hiểu
Ba Mẹ sẽ luôn mong muốn đem đến điều tốt đẹp nhất cho con. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Ba Mẹ đáp ứng mọi yêu cầu của Bé. Việc quá chiều chuộng chỉ làm cho Bé dễ cáu gắt hơn.
Tuy nhiên, thuyết phục Bé hiểu cho quyết định của Ba Mẹ là điều không dễ dàng, đặc biệt là khi Bé đang tức giận. Ba Mẹ cần khéo léo giải thích rằng ăn vạ không phải là cách đạt được điều con muốn. Chỉ khi mong muốn của Bé là hợp lý và Bé cố gắng diễn đạt điều mình muốn một cách nhẹ nhàng và bình tĩnh thì mới được mọi người đáp ứng.
🌼Gợi ý cho Bé hoạt động thú vị khác
Ba Mẹ không thể có đủ điều kiện đáp ứng mọi mong muốn của Bé. Do đó, Ba Mẹ có thể dùng cách “đánh lạc hướng” để Bé quên đi mục tiêu ban đầu. Ví dụ như “Hôm nay trời mưa. Mẹ không dắt con đi công viên được, nhưng Mẹ nhớ con có bộ tranh vẽ đẹp lắm. Mẹ con mình cùng nhau tô màu nhé.” Bằng cách đó, Bé có thể vui vẻ trở lại với sở thích khác của mình.
🌼 Đưa cho Bé sự lựa chọn
Thay vì lựa chọn Có hoặc Không, Ba Mẹ hoàn toàn có thể cho Bé nhiều sự lựa chọn. Các Bé không chỉ dứt cơn khóc mà còn thấy được tôn trọng khi tự đưa ra quyết định. Dưới đây là một số ví dụ cụ thể:
- Bé khóc quấy khi ăn: Ba Mẹ có thể thảo luận và cho Bé chọn thực đơn cho bữa sau
- Bé ăn vạ khi không được chơi điện thoại: Ba Mẹ có thể cho Bé lựa chọn giữa việc chơi điện thoại thêm 1 tiếng và việc không được đi công viên chơi.
- Bé ăn vạ khi không mua được đồ chơi: Ba Mẹ có thể dỗ Bé tạm thời bằng một que kem hoặc động viên Bé để dành tiền tiêu vặt để tự mua.
Mỗi tình huống cụ thể có thể đòi hỏi các phương pháp giải quyết khác nhau. Nhưng điều quan trọng nhất là các Bé luôn cần sự lắng nghe và thấu hiểu từ Ba Mẹ. Đôi khi Bé không cố tình quấy khóc mà chỉ vì cảm xúc tủi thân, hờn dỗi bộc phát. Quá trình xử lý khéo léo khi Bé ăn vạ sẽ giúp Bé quản lý cảm xúc tốt hơn. Do đó, Ba Mẹ hãy luôn đồng hành và dẫn dắt Bé trở thành phiên bản tốt nhất của chính Bé nhé.
Daisy Home Preschool