Bài học về sự khích lệ, động viên từ câu chuyện của cô bé Totto-chan
“Totto-chan bên cửa sổ” là cuốn tự truyện của nữ nhà văn Nhật Bản Kuroyanagi Tetsuko, kể về tuổi thơ của bà cùng các bạn khi được học ở ngôi trường Tiểu học Tomoe. Trước khi được chuyển đến học tại đây, Totto-chan đã bị đuổi khỏi trường Akamatsu, nơi mà em bị xem là học sinh cá biệt, chỉ biết quậy phá và thường xuyên bị cô giáo phạt.
Thế nhưng, khi được chuyển đến Tomoe học cùng thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku thì quãng thời gian sau đó lại trở thành ký ức đẹp không thể quên trong cuộc đời cô bé. Chính Tomoe đã tạo ra bước ngoặt lớn trong cuộc đời của nữ nhà văn, đúng như lời tâm sự: Nếu không được gặp thầy Kobayashi, có lẽ tôi đã là một người mang đầy mặc cảm tự ti với cái mác “đứa trẻ hư” mà mọi người gán cho”.
Vậy sự thật thì thầy Kobayashi đã thay đổi cuộc đời bà và các bạn như thế nào? Thầy đã dùng tất cả tình yêu thương và sự chân thành để giúp các bạn tin rằng mình đang được lắng nghe, trân trọng, bản thân mỗi trò là điều quý giá nhất. Những điều đó thể hiện rất rõ qua sự động viên, khích lệ mà thầy đã trao đi.
Tất cả chúng ta đều hiểu rằng, lời nói của người lớn có tác động rất lớn đến sự phát triển tâm lý trẻ. Do vậy người lớn hãy để ý hơn đến những phát ngôn của mình, không chỉ trong giao tiếp với trẻ mà còn trong hoạt động sống hằng ngày để tránh gây tổn thương không mong muốn.
Bởi giống hầu hết người lớn, trẻ em cũng rất cần những lời động viên, an ủi khi trẻ gặp khó khăn hay buồn chán. Khi mệt mỏi trẻ cần điểm tựa, ba mẹ nên làm động lực cho con phấn đấu. Có thể con còn chưa ngoan, chưa cố gắng hết sức để thực hiện điều gì, hay đôi lúc thấy nản lòng. Khi nghe được những lời động viên, an ủi của ba mẹ như “Con ngoan lắm!”, “Con đã cố gắng nhiều rồi!”, “Con mẹ mạnh mẽ quá! Thêm một chút nữa thôi là thành công rồi. Đứng lên cùng mẹ nào!”, “Con được việc quá!”… trẻ có thêm niềm tin để đứng dậy sau vấp ngã, giúp em vơi bớt nỗi buồn. Đừng nên làm ngơ khi thấy trẻ khóc, trẻ cũng có tâm trạng giống như người lớn thậm chí còn rất nhạy cảm. Các em dễ bị tổn thương và người lớn hoàn toàn giúp trẻ chữa lành những vết thương đó bằng những lời nói, cử chỉ ân cần.
Ở Tomoe cũng có một vài bạn khuyết tật theo học, các bạn nhỏ nhận được sự quan tâm đặc biệt từ thầy cô giáo trong trường. Để giúp các em vượt lên mặc cảm ban đầu là một quá trình dài. Thầy Kobayashi đã nghĩ ra nhiều trò chơi tập thể phù hợp với học sinh khuyết tật để thu hút các em tham gia, đồng thời tạo sự gắn kết giữa các em nhỏ với nhau. Điều khiến nhiều người không ngờ tới, quán quân trong tất cả các kỳ Đại hội thể thao của trường tiểu học Tomoe chính là Takahashi-kun cậu bé với đôi chân vòng kiềng, rất ngắn. Cũng có đôi lần Takahashi-kun muốn bỏ cuộc, những lúc như vậy thầy Kobayashi lại đến bên động viên: “Không sao đâu! Em sẽ làm được! Nhất định sẽ làm được!” điều đó đã giúp cậu bé tự tin hơn, lần lượt giành chiến thắng trong tất cả các trò chơi ở trường. Không những vậy, lời động viên của thầy đã giúp Takahashi-kun vững bước hơn trên những chặng đường sau này. Nếu tự ti, hẳn Takahashi-kun khó mà học lên được cấp III cũng như đại học, và khi trưởng thành khó có được vị trí cán bộ tư vấn tâm lý “người giữ sự yên bình cho mọi người”.
Còn đối với cô bé Totto-chan hiếu động “quả thật không thể đo đếm được câu nói mà thầy luôn nói với tôi “Em thật là một cô bé ngoan” đã nâng đỡ tôi thế nào để tôi có được ngày hôm nay. Nếu không học ở Tomoe, không gặp được thầy Kobayashi, có lẽ tôi đã là một người mang đầy mặc cảm tự ti với cái mác “đứa bé hư” mà mọi người đã gán cho”.
Đôi khi một lời nói cũng có thể thay đổi suy nghĩ, hành động thậm chí cả cuộc đời một đứa trẻ. Vậy nên, người lớn ơi, thỉnh thoảng đừng tiếc lời khen ngợi, động viên để tiếp thêm động lực niềm tin cho trẻ vững bước nhé!
Daisy Home Preschool