Thực hành giao tiếp với con cùng Daisy Home (Phần 1)

two green moutains
three green moutains

Daisy Home tin tưởng rằng, Ba Mẹ nên chú trọng cách giao tiếp của mình với con trẻ ngay khi bé vừa chào đời. Hãy đừng đợi bé lớn lên để hiểu được một thông điệp vì thực chất, bé đã hoàn toàn có thể cảm nhận được cảm xúc ấm áp, vỗ về hay nghiêm khắc, dứt khoát của Ba Mẹ từ lúc bé xíu rồi. Vì thế, một vài gợi ý sau đây từ Daisy Home giúp Ba Mẹ có một khởi đầu giao tiếp với bé đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Cùng thực hành với Daisy Home nhé.

1. Gọi tên bé thường xuyên

Điều này giúp thu hút sự chú ý của trẻ trước khi Ba Mẹ gửi đi thông điệp. Ví dụ: “An ơi, ba đi làm về rồi nè!” hay “Nhật Minh, (chờ tới khi bé ngừng hành động và nhìn Bố Mẹ) con sẽ chơi thêm 5 phút nữa rồi mình sẽ ăn cơm nhé”. Kết hợp với ánh mắt luôn hướng về bé khi gọi tên con nha Ba Mẹ ơi!

2. Hãy dùng cách diễn đạt khác để thay thế từ “Không” hoặc “Đừng” 

Nếu chúng ta nói ‘Không được làm rơi cốc’ hay ‘Không chạy vào trong’ hay ‘Đừng quét lê áo khoác của con trên sàn’ thì hình ảnh về những việc đó đã xuất hiện và in hằn trong tâm trí bé sẽ khiến làm rơi cốc, chạy vào trong và lê áo khoác trên sàn thường xuyên hơn nữa. Đây sẽ là một trong những điều Ba Mẹ cảm thấy con rất “chống đối”. Thay vào đó, hãy cố gắng nói những gì Ba Mẹ muốn con làm. Ví dụ, ‘Ở trong này, mình đi bộ thôi con nhé’, “Con cầm cốc cẩn thận nhé”, “Lát nữa, khi mình vào thang máy để đi lên nhà bác X, trong thang máy con nói nhỏ nhỏ thôi nha” ,… Phong cách giao tiếp này đòi hỏi Bố Mẹ phải tư duy nhiều và cần có thời gian để luyện tập, những thành quả Bố Mẹ nhận được sẽ xứng đáng với sức bỏ ra.

3. Hãy dùng những từ ngữ tích cực để nhận xét

Những lời nói tích cực giúp trẻ tự tin hơn, hạnh phúc và cư xử tích cực hơn, đồng thời khích lệ trẻ cố gắng hết sức và đạt được thành công. Ví dụ về ngôn từ tích cực là: “Mẹ rất vui vì con nhớ dọn dẹp đồ sau khi chơi”, “Cảm ơn con đã giúp mẹ dọn dẹp đống hỗn độn này”, hay “Con đã chơi cùng với em rất vui, mẹ cảm thấy rất thích khi con làm được như vậy đó”. Nhiều ý kiến cho rằng hãy tiết chế lời khen với trẻ con, nhưng đó là những lời khen cho những hành vi không xảy ra hoặc không có thật. Còn Daisy Home khuyến khích Ba Mẹ, dựa trên chính hành vi vừa hoặc đã xảy ra, mô tả chân thật và ghi nhận những gì bé đã làm, bằng từ ngữ tích cực nhất.

4. Nói bằng âm lượng phù hợp

“Tắt Tivi ngay!”, “Nhanh lên, mặc quần áo vào”, “Coi chừng té kìa”,… có thể Ba Mẹ đang rất vội hoặc cũng ở trong tình huống đột ngột, bất ngờ nên hét lên, lớn tiếng hơn là điều dễ hiểu. Nhưng Ba Mẹ hãy thử thêm từ “đi con” ở phía sau những lời đề nghị có phần rất dứt khoát nói trên. Nào, Ba Mẹ hãy thử lẩm nhẩm thực hành cùng Daisy Home xem! Có phải sự giận dữ của Ba Mẹ đã được tiết chế rất nhiều đúng không?

5. Cho bé lựa chọn và phương án thay thế

Khi Ba Mẹ muốn bé hợp tác, sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu trẻ có thể hiểu tại sao chúng cần làm điều đó và nếu làm thế thì bé được lợi gì. Trẻ cần thấy rằng làm theo hướng dẫn của Ba Mẹ là điều quan trọng.

– Khi con mặc quần áo, con có thể ra ngoài với bố.

– Con muốn mặc bộ nào, bộ màu đỏ hay màu xanh?

– Khi con làm xong bài tập về nhà, con có thể xem tivi.

Sử dụng những từ như “khi” và “cái nào” làm cho trẻ cảm thấy như trẻ có quyền lựa chọn, mặc dù thực sự thì Bố Mẹ và trẻ không thương lượng với nhau điều gì. Những từ này có hiệu quả hơn hẳn so với từ “nếu”. 

(Còn tiếp)

Daisy Home Preschool

Posted in Tin tức

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *