Bạn vẫn còn nhớ Pippi chứ? Đúng rồi, chính là cô bé tóc có mái tóc màu cà rốt, tết thành hai bím vểnh ngược lên và gương mặt đầy tàn nhang. Cô bé còn có cách ăn mặc kỳ quái, đôi tất dài, chiếc nọ chiếc kia và đôi giày đen to gấp đôi bàn chân. Thế nhưng, Pippi lại chẳng thấy có vấn đề gì với mái tóc đỏ hay cái mũi nhỏ đầy tàn nhang của mình. Thậm chí trong một lần mua sắm, nhìn cửa hàng có ghi tấm bảng: “Bạn có phải chịu đựng với các nốt tàn nhang không?”, Pippi đã vào thẳng cửa hàng chỉ để nói rằng: “Không ạ, cháu không phải chịu đựng các nốt tàn nhang ạ… Cháu rất yêu chúng”. Mỗi đứa trẻ trên đời này cũng vậy, chúng đều có những nét xinh đẹp rất riêng biệt, điều đó khiến đứa trẻ này khác đứa trẻ kia, nó giống như một dấu ấn cá nhân được khắc họa bằng ngoại hình vậy. Điều này đã nhắc ta rằng người lớn chỉ nên dạy cho trẻ rằng “con đẹp theo cách riêng của con” chứ không phải đưa ra cho chúng một chuẩn mực nào cả.

Bên cạnh một ngoại hình không hoàn hảo, Pippi cũng chịu không ít thiệt thòi so với các bạn đồng trang lứa vì hoàn cảnh đặc biệt của mình. Cô bé “ít học” vì không được hưởng nền giáo dục của gia đình và nhà trường. Những suy nghĩ và hành động của cô bé đều diễn ra một cách rất bản năng. Thế giới của cô bé không có sự ràng buộc bởi những quy tắc, chuẩn mực xã hội mà chỉ “thích thì làm, không thích thì không làm”.

Khi giao tiếp với người lớn tuổi, Pippi luôn chen ngang bằng những câu chuyện tự sáng tác với chất giọng “nam cao” đặc biệt, không cần xin phép, không cần giữ ý và không quan tâm đến thái độ của người đối diện. Pippi gọi cô giáo là “chị” và nhất định không chịu đi học vì trường học chán quá, không thú vị như những vùng đất và con người trong câu chuyện tưởng tượng của cô bé. Pippi viết sai chính tả đến trầm trọng và không tính nhẩm nổi một phép toán đơn giản nhất. Pippi còn tự phát hiện cho riêng mình một từ mới chưa hề có trong từ điển “xì-pung” và nhất định phải tìm cho được ý nghĩa của nó mới thôi.

Tuy sống và lớn lên chỉ có một mình, cô bé Pippi đã có được tấm lòng nhân ái, bao dung, không hề vị kỷ. Giống lời của mẹ Thomas và Annika về Pippi: “Có thể không phải lúc nào Pippi Tất dài cũng cư xử đặc biệt tế nhị. Nhưng cô bé có một trái tim nhân hậu”. Điểm đáng yêu nhất của cô bé Pippi chính là suy nghĩ từ tâm hồn trong trẻo, vị tha và những hành động được chỉ dẫn bởi trái tim giàu nhiệt huyết, luôn khao khát được trao tặng. Hạnh phúc lớn nhất của Pippi chính là cho đi mà không hề đòi hỏi sự đáp lại hay trả ơn. Cô bé trao tặng sự hồn nhiên, lòng vị tha của mình cho hai tên kẻ trộm bằng những điệu nhảy, bằng bữa ăn thịnh soạn và những đồng tiền vàng. Cô bé trao tặng sự sống cho hai em bé mắc kẹt trong hỏa hoạn bằng lòng dũng cảm không giới hạn. Cô bé trao tặng niềm vui cho lũ trẻ nghèo khi biến mơ ước được ăn kẹo thỏa thích của chúng trở thành hiện thực. Và cô bé trao tặng sự yêu đời trở lại cho bà dì Laura. Trong những dịp đặc biệt, Pippi luôn dành tặng cho hai người bạn thân thiết Thomas và Annika những món quà thật đẹp, ngay cả trong sinh nhật của chính mình.

Học vấn và hoàn cảnh sẽ không thể quyết định được văn hóa, phẩm chất của một người. Giống như Pippi vậy, cô bé dù không được đến trường, cư xử vụng về nhưng trong thâm tâm lúc nào cũng cố gắng. Một đứa trẻ luôn vui vẻ, hoạt náo như Pippi đã òa khóc vì tự ti về việc mình không biết cách cư xử: “Cháu đã biết ngay từ đầu rằng cháu không biết cách cư xử mà. Có cố gắng đến mấy cũng vô ích thôi, cháu vẫn sẽ chẳng bao giờ học được cả. Lẽ ra cháu cứ ở lại trên biển mới phải”. Mỗi đứa trẻ đều có tấm lòng thiện ý và nỗ lực rất mực trong sáng. Vậy nên, qua những câu câu chuyện xoay quanh Pippi, Astrid Lindgren đã thầm nhắn nhủ tất cả chúng ta, không chỉ trẻ em mà cả người lớn rằng: “con người cần đối xử tử tế với loài vật. Tử tế với nhau nữa… Chúng ta có mặt trên đời chính là để đối xử tử tế, thân thiện với người khác”.

Thật khó tưởng tượng nếu cuộc sống này không còn tình yêu thương giữa con người với con người. Nuôi dưỡng một đứa trẻ biết cách yêu thương, quan tâm đến mọi người có lẽ là điều quan trọng đầu tiên trong nền tảng giáo dục gia đình và nhà trường. Hãy để trẻ đón nhận bài học ấy một cách tự nhiên nhất từ thế giới trẻ thơ – một thế giới khác hẳn của người lớn.

Daisy Home Preschool

Pippi Tất dài của nữ nhà văn Thụy Điển Astrid Lindgren là cuốn sách được hàng triệu trẻ em trên thế giới yêu mến. Câu chuyện được lấy ý tưởng từ một cái tên mà chính cô con gái của bà nghĩ ra. Mỗi tối, Astrid Lindgren đều kể chuyện cho con gái mình nghe, một hôm cô bé nói, mẹ hãy kể về “Pippi Tất dài”. Bà không hề hỏi Pippi là ai mà thực sự đã tạo ra cô bé và câu chuyện theo trí tưởng tượng của mình.

Pippi là một cô bé tóc đỏ, mặt đầy tàn nhang và tinh quái. Dù chỉ mới chín tuổi, Pippi đã phải sống một mình vì mẹ mất sớm và cha là thủy thủ, suốt năm suốt tháng lênh đênh trên biển. Có người nói rằng, bố của cô bé đã bị bão cuốn đi mất nhưng Pippi cứ đinh ninh ông chỉ bị dạt vào một hòn đảo. Trong lúc chờ bố đóng được thuyền và quay trở về, Pippi cùng với một chú ngựa và “ông” khỉ dọn đến ở tại một biệt thự tên Bát Nháo – nơi cô gặp và kết bạn với hai anh em Thomas, Annika.

Qua lăng kính trẻ thơ, tất cả những mất mát, thiệt thòi đã được thi vị hoá bởi hai tiếng tự do “không còn ai có thể nhắc nhở cô bé đã đến giờ đi ngủ giữa lúc nó đang chơi mê mải nhất, cũng chẳng ai có thể bắt nó ăn viên dầu cá trong khi nó khoái chén kẹo hơn”. Điều đặc biệt hơn nữa ở Pippi là cô bé có một sức khỏe phi thường, xách con ngựa hay một người lớn bằng một tay, đánh thắng võ sĩ số một thế giới và cả bò rừng, cá mập… Sức mạnh này đã giúp Pippi làm nên những chiến tích đáng kinh ngạc, đem lại tiếng cười sảng khoái cho độc giả.

Những câu chuyện người lớn thường kể hay viết cho trẻ em đều là về các đứa trẻ ngoan ngoãn và xinh đẹp. Thế nhưng, trong toàn bộ cuốn sách, Pippi luôn là “đầu têu” trong các cuộc dã ngoại, bắt ma, giả làm quái vật, trò đắm tàu và dạt vào hoang đảo… Sự nghịch ngợm đó hoàn toàn không theo bất kỳ chuẩn mực nào. Pippi có thể không phải là đứa trẻ ngoan trong mắt của người lớn, nhưng hãy nhìn các cách lũ trẻ thích mê trước những trò chơi của cô bé mà xem. Thế giới trẻ thơ cần những hoạt động vui chơi, giải trí, ý tưởng ngộ nghĩnh, hồn nhiên để mở rộng tối đa khả năng sáng tạo cũng như học được cách quan tâm đến người khác. Đó phải chăng là bài học đầu tiên về sự yêu thương dành cho trẻ?

Ba mẹ ơi, đây là một câu chuyện rất xứng đáng dành tặng cho con, mỗi ngày một chút một, để con tăng thêm phần kích thích, tò mò và chờ mong giây phút được ngồi cạnh hay nằm cạnh ba mẹ, lắng nghe những chuyến phiêu lưu của Pippi. Chắc chắn Pippi còn mang đến cho bé nhiều tình huống bất ngờ “hết hồn” nữa, ba mẹ và các bé hãy đón chờ tiết lộ tiếp theo từ Góc đọc sách của Daisy Home nha.

Daisy Home Preschool

Winnie-the-Pooh hay còn gọi Gấu Pooh Xinh Xắn là một tập hợp các câu chuyện nhỏ về tình bạn và thế giới tưởng tượng mà A.A.Milne đã sáng tạo nên để dành tặng con trai yêu dấu Christopher Robin. Bước ra từ đám đồ chơi của Robin, tất cả các nhân vật Gấu Pooh khờ khạo, Lừa xám Eeyore u sầu, Lợn Con nhát cáy, Cú hiểu biết, Thỏ bắng nhắng,… đã làm một cuộc hóa thân kỳ diệu, với tất cả sự dí dỏm và dễ thương, để giành được tình yêu của bao thế hệ trẻ em và cha mẹ chúng suốt từ 1926 – năm xuất bản lần đầu của Winnie-the-Pooh. Với minh hoạ của E.H.Shepard, từ trang sách tới phim ảnh, Gấu Pooh nay đã thành ra một trong những nhân vật trong trẻo nhất, đại chúng nhất, có sức hút bền bỉ nhất qua thời gian.

Kể từ khi nhóm nhân vật Gấu Pooh ra mắt, không ít người đã tìm cách lý giải sức hút của chú gấu vàng ươm, tính tình hiền lành, thật thà (và có phần… ngốc nghếch), mê mật ong và luôn băn khoăn về trí thông minh của mình.

Phải chăng gấu Pooh đại diện cho rất nhiều em nhỏ trên thế gian này, hoặc đúng hơn là đại diện cho một phần tính cách rất thường gặp ở các em. Đó là luôn tò mò với mọi thứ mới lạ, luôn đặt ra những câu hỏi có vẻ ngô nghê, luôn hành động bột phát và rồi nằng nặc đòi sửa sai, như chuyện Gấu Pooh đem giấu mật ong, để dành, rồi nửa đêm lại mò mẫm đi tìm mật ong về vì… bỗng dưng thèm quá.

Không riêng gì Gấu Pooh, những người bạn của chú cũng sở hữu tính cách cực kỳ độc đáo và rất đỗi trẻ con. Có em bé nào lại không có lúc lo lắng, sợ sệt và dễ ỉu xìu như Lừa Xám; có em bé nào lại không sốt sắng, hào hứng đến mức nhảy tưng tưng như bạn Thỏ; hay có cô cậu nhóc nào lại chẳng có lúc tỏ ra mình người lớn, thích giảng giải những điều mới lạ, “cao siêu”, dùng những từ ngữ phức tạp, khó hiểu đến buồn cười như bác Cú Vọ.

Rừng Trăm Mẫu, nơi Gấu Pooh và nhóm bạn sinh sống, cứ như một thế giới đầy màu sắc, đầy nắng, đầy mưa và những bất ngờ ta gặp được, ngay trong mỗi đứa trẻ quanh mình. Mỗi nhân vật dường như là một thông điệp được tác giả A.A.Miline gửi gắm, trong đó có một chút hồn nhiên, một chút tinh thần hào hiệp, về tình bạn, về niềm lạc quan dù gặp tình huống khó khăn. Và tác giả thực sự đã thành công giăng ra được “màn tơ nhện mỏng manh kỳ diệu” xuyên suốt những câu chuyện thường tình xoay quanh Gấu Pooh.

Cái màn tơ dịu dàng ấy được tạo bởi những hành động lúc nào cũng chậm rãi, nhẩn nha, đan xen với rất nhiều “thơ thẩn” và “ngân nga” hồn nhiên của chú gấu Pooh. Bởi cả những lời lẽ thân ái, hành động bộc phát dễ thương mà các nhân vật dành cho nhau, như cách Gấu Pooh và Lợn Con tìm quà sinh nhật tặng bác Lừa Eeyore chẳng hạn.

Dù câu chuyện về Gấu Pooh bắt đầu từ chính những gấu, thỏ, kangaroo nhồi bông và những câu chuyện thủ thỉ bất tận với con trai mình. Thế nhưng, Miline đã giúp Gấu Pooh tồn tại gần một trăm năm với rất nhiều thương mến không đổi. Hãy thử lật bất kỳ một chương truyện và kể với con về những điều diệu kỳ, xinh đẹp từ khu rừng Trăm Mẫu. Cuộc phiêu lưu kỳ thú và ngọt ngào của nhóm bạn bé nhỏ sẽ là một trong những thứ hoàn hảo để nuôi dưỡng trái tim dịu dàng cho con.

Daisy Home Preschool

Momo ra mắt tại nước Đức vào năm 1973, là tiểu thuyết đầu tiên đánh dấu tư tưởng nghệ thuật xuyên suốt của Michael Ende: Phá bỏ những thành kiến trong cái nhìn cuộc sống. Tác phẩm đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng với tổng số ấn bản lên tới bảy triệu, nhiều lần được dựng thành phim, đồng thời mang lại nhiều giải thưởng giá trị cho Michael Ende trong đó có giải thưởng Văn học thiếu nhi Đức năm 1974 và Bảng danh dự Giải thưởng văn học châu Âu.

Nguồn hình ảnh: Sưu tầm

Những câu chuyện của Michael Ende luôn hàm chứa những chuỗi nhân sinh quan sâu sắc. Về ý nghĩa của thời gian? Tiền bạc hay vật chất cái nào mới là thứ quan trọng nhất? “Có một bí mật to lớn nhưng cũng hết sức giản dị. Tất cả mọi người đều có phần, ai cũng biết đến nó, nhưng lại rất ít người suy nghĩ về nó, hầu hết mọi người chỉ đơn giản nhận lấy nó và chẳng hề ngạc nhiên chút nào. Điều bí mật ấy là thời gian. Thời gian là cuộc sống. Và cuộc sống ở trong trái tim.” Dù triết lý ấy được trình bày một cách thật đơn giản, thế nhưng liệu rằng trong lúc chảy trôi theo dòng thời đại, có bao người thực sự đang tận hưởng niềm hạnh phúc nhỏ nhoi đó?

Câu chuyện nhỏ này bắt đầu từ một lời kể bình dị như mọi câu chuyện ngụ ngôn khác, về một thành phố với nhà hát lộ thiên cổ, nơi có cô bé Momo – nhân vật chính của chúng ta đang sống. Đó là một cô bé mồ côi đi lang thang khắp nơi để rồi trôi dạt về nhà hát đổ nát. Em nhận được sự yêu thương của những người xung quanh và ngược lại, em trở thành người luôn có thời gian cùng khả năng lắng nghe những phiền muộn của người khác. Chỉ vậy thôi mà bao nhiêu hờn dỗi, thù ghét của mọi người xung quanh đều tan biến hết.

Khi có ai đó hỏi em bao nhiêu tuổi, em luôn thản nhiên trả lời “một trăm linh hai”. Không hẳn vì em chưa đủ lớn để hiểu ý nghĩa những con số, mà đây là cách Momo thể hiện cảm nhận về thời gian không theo bất kỳ sự định lượng và quan niệm thông thường nào. Người lớn chúng ta luôn cân đo đong đếm mọi thứ bằng những con số, còn thế giới của trẻ em thì không như vậy. Vậy nên đôi khi, ta hãy thử dẹp bớt những áp đặt và chấp nhận sự tò mò hay định nghĩa kỳ lạ của các con xem sao. Biết đâu khi nghe con trình bày suy nghĩ và cảm nhận của mình, trái tim người lớn cũng nhẹ đi phần nào lo âu.

Không giống như những đứa trẻ khác, Momo chẳng hề nhiều lời, ngược lại lúc nào cũng im lặng lắng nghe câu chuyện, nỗi lòng của người lớn và cả đám con nít quanh mình. Em chỉ đơn giản là lắng nghe chứ không bình luận, khuyên giải bất cứ điều gì, như thể chỉ riêng sự hiện diện đó đã chứa đựng vô vàn điều tuyệt vời rồi. Cũng chính vì điều này nên mọi người càng thêm yêu quý và thích được ở cạnh Momo để tìm lại sự cân bằng. Thật kỳ diệu làm sao khi những người đang hờn dỗi, cãi vã chỉ cần cùng nhau đến gặp Momo thì mọi mâu thuẫn đều sẽ được hóa giải.

Rốt cuộc thì Momo nhỏ bé đang giấu phép màu gì trong dáng vẻ có phần luộm thuộm của mình? Hay chăng, trẻ con vẫn luôn âm thầm quan sát, để tâm và học theo những hành động của người lớn. Để bố mẹ có những lần vỡ òa vì nhận ra “con đã lớn”, dường như khi ta học được cách xem con như một người bạn thì đứa trẻ ấy sẽ dễ dàng bày tỏ suy nghĩ của mình hơn. Tin tưởng chính là chìa khóa quan trọng để gắn kết giữa ba mẹ và con cái, chẳng phải sao?

Momo có hai người bạn thân đó là anh chàng Gigi “dẻo mỏ” và bác Beppo – phu quét đường. Hai kẻ tốt bụng và đáng mến, dẫu trời long đất lở họ cũng không bao giờ bỏ cô bé ở lại. Một già, một trẻ, một đứa nhóc cứ vậy vui vẻ sống qua ngày, bình yên ngắm nhìn trời sao. Nhưng cuộc sống êm ả ấy nhanh chóng bị xáo trộn khi bọn Màu Xám xuất hiện.

Những gã Màu Xám đã thao túng toàn bộ thị trấn, điều khiển những quan chức tại đây, buộc người dân phải sống như những nô lệ của công việc. Gigi và bác Beppo không phải ngoại lệ, họ cũng bị cuốn theo cơn lốc khắc nghiệt ấy. Momo phải nhanh chóng tìm ra sự thật và nhanh chóng cứu những người bạn của mình trước khi mọi thứ trở nên quá muộn. Tình bạn của họ chưa bao giờ bị ngăn cách bởi tuổi tác hay địa vị, họ chỉ đơn giản ở bên cạnh nhau mọi lúc. Khi cuộc sống diễn ra bình thường thì tận hưởng mọi thứ, lúc khó khăn gian khó họ ra sức bảo vệ nhau. Hãy giúp con hiểu mọi người đều xứng đáng được đối xử công bằng và tình bạn là một thứ tình cảm đẹp đẽ, trong sáng mà mỗi người cần có trong cuộc sống này.

Cô bé Momo là hình ảnh tượng trưng cho phần người đẹp đẽ, được cất giữ sâu thẳm bên trong, nhưng lại chưa từng được mở đường khai phá. Qua nhân vật nhỏ này, Michael Ende đã để lại rất nhiều bài học cho cả trẻ em lẫn người lớn. “Thời gian là vàng bạc” dường như chỉ mang tính nhất thời, bởi chúng ta làm sao có thể hạnh phúc khi mãi lao đầu vào công việc? “Giàu sang phú quý” là gì khi xung quanh chúng ta không có ai để san sẻ, chung vui? Thay vào đó, việc trân trọng giây phút hiện tại và yêu thương chân thành mới là điều đáng quý trong cuộc sống này.

Daisy Home Preschool

Hoàng Tử Bé có tựa gốc là “Le Petit Prince” được sáng tác bởi một phi công người Pháp có tên Antoine de Saint-Exupéry. Câu chuyện bắt đầu trên Trái Đất với người kể chuyện là một phi công bị rơi và mắc kẹt ở sa mạc Sahara. Anh đang cố gắng sửa chiếc máy bay của mình với hy vọng thoát khỏi sa mạc. Một ngày nọ, khi đang sửa chữa, anh gặp một cậu bé, ăn mặc kỳ dị, từ đâu xuất hiện và đòi anh vẽ cho cậu một con cừu. Phi công đã làm theo yêu cầu kỳ quặc của cậu và thế là cả hai cùng chia sẻ cho nhau những câu chuyện của riêng mình.

Nguồn hình ảnh: Nhã Nam

Ban đầu, Saint-Exupéry đã muốn bắt đầu câu chuyện của mình như thế này: “Ngày xửa ngày xưa, có một chàng hoàng tử sống trên một hành tinh không lớn hơn cậu là bao, và cậu cần có một người bạn.” bởi ông luôn tin rằng “Với những người thấu hiểu về cuộc sống, kiểu mở đầu như thế sẽ thật hơn bất kỳ cách nào khác.”

Nhưng ông đã không bắt đầu như vậy. Ông không thể làm thế. Bởi vì, bạn thấy đó, những người lớn sẽ không hiểu. Họ sẽ chẳng hiểu gì cả. Với họ, nếu hoàng tử bé có thật thì phải có bằng chứng nào đó khác. Tốt hơn hết là nên có số. Như kết luận mà Hoàng tử bé đã rút ra được khi gặp gỡ nhiều người lớn khác nhau: Người lớn thích chữ số. Khi bạn nói chuyện với họ về một người bạn mới, không bao giờ họ hỏi bạn về cái chính đâu. Họ không bao giờ hỏi: “Giọng hắn ta thế nào? Hắn thích chơi trò gì? Hắn ta có sưu tầm bươm bướm không?”. Họ chỉ hỏi bạn: “Hắn ta bao nhiêu tuổi? Có mấy anh chị em? Hắn ta bao nhiêu cân? Bố hắn ta lương bao nhiêu. Thế. Sau đó, họ cho là họ hiểu hắn ta rồi.”

Đó là một trong những điểm khác biệt lớn giữa người lớn và trẻ con, hoặc có thể do người lớn đã bỏ quên điều thú vị ấy khi vượt qua chặng đường dài đằng đẵng để trưởng thành. Còn thế giới của trẻ con thì lúc nào cũng lộng lẫy, đầy màu sắc, ảo diệu, phong phú, các em luôn tạo ra những khoảnh khắc tuyệt vời trong suy nghĩ và vẽ nên một thế giới mà ai cũng muốn trở về. Có những việc dù người lớn không hiểu và cho đó là trò vô bổ, nhưng đối với trẻ con, đó là tất cả những cảm nhận, quan sát bằng cả trái tim và tâm hồn thơ ngây, sáng tạo của mình. Và tất cả những điều trẻ nói hay làm đều có thể là một loại ngôn ngữ mà người lớn đã lãng quên, vậy nên thay vì phản bác hãy lắng nghe con thật chậm rãi.

Trong thế giới của Saint-Exupéry, người lớn luôn là một sinh vật phi lý vì họ lớn lên với nhiều trải nghiệm nên cũng giỏi trong việc kiểm soát bản thân, đòi hỏi tư duy và sở hữu những khát vọng về con số. Cũng giống như việc họ hoàn toàn có thể nhìn thấy một con trăn căng phồng thay vì một cái mũ, nhưng họ đã không lựa chọn làm thế. Tuổi thơ của bạn hẳn đã chứa đựng rất nhiều chi tiết sặc sỡ như màu sắc của những ngôi nhà, tính cách người hàng xóm, mùi vị của một loại quả nào đó trước hiên, con đường rợp bóng cây hoặc khoảnh sân cùng bè bạn nô đùa… Khi là một đứa trẻ, mọi thứ đều tươi mới, mọi thứ đều thú vị, mọi thứ đều kích thích trí tò mò.

Mong mỗi cha mẹ sẽ ở bên cạnh, tạo điều kiện tốt nhất để các con tự khám phá thế giới mà con lựa chọn chứ không phải cách mà người lớn muốn con thấy, ủng hộ con được khám phá theo cách mà các con muốn Chỉ như thế, các con mới thực sự cảm nhận được những điều mà mình gặt hái chứ không phải điều người lớn chúng ta “cho rằng”.

Daisy Home Preschool

Dù có hơi phù phiếm khi nhắc đến phép màu trong cuộc sống đời thực, thế nhưng dường như tình yêu thương chính là thứ như thế. Tác phẩm “Khu vườn bí mật” của Frances Hodgson Burnett sẽ bạn và con mở ra một cánh cửa thần kỳ đến với xứ sở nhiệm màu, nơi những đứa trẻ “chưa ngoan” lớn lên bằng sự vun đắp đủ đầy của tình yêu thương.

Nguồn hình ảnh: Nhã Nam

Sáng tác năm 1888 và xuất bản lần đầu vào năm 1911, “Khu vườn bí mật” được xem là một trong những tác phẩm hay nhất mà Hodgson Burnett viết cho thiếu nhi. Cuốn tiểu thuyết xoay quanh Mary Lennox, một cô bé mồ côi, cáu kỉnh, không ai ưa, được đưa tới sống tại nhà ông bác ở vùng đồng hoang Yorkshire, nước Anh, nơi có rất nhiều bí mật. Ban đêm, cô nghe thấy tiếng khóc của ai đó từ hành lang cạnh phòng. Còn ban ngày, cô gặp Dickon, một cậu bé biết thuần dưỡng và nói chuyện cùng loài vật. Rồi một ngày, nhờ sự giúp đỡ của một con chim ức đỏ, Mary khám phá ra một nơi bí ẩn nhất trên thế gian này – Khu vườn bí mật. Mọi thứ dường như đã chết trong khu vườn mười năm qua khóa kín. Cùng với Colin, vị chủ nhân ốm yếu của tiếng khóc bí ẩn kia, và Dickon, cậu bé mà tất cả mọi người đều yêu mến, Mary đã tìm ra những thứ sẽ làm thay đổi cuộc đời cô mãi mãi, khi mùa xuân về đánh thức cả khu vườn tuyệt đẹp.

Sự diệu kỳ của tình bạn, tình yêu cuộc sống chính là điều quan trọng đã gắn kết những đứa trẻ, đưa mọi người đến gần nhau hơn và hồi sinh từ con người đến cảnh vật tại trang viên. Ba nhân vật chính cũng được xây dựng mang những nét tính cách đại diện thường gặp ở trẻ em – dần thay đổi theo một chiều hướng tích cực hơn nhờ vào sự chăm sóc và vun đắp chân thành từ tình yêu thương.

Nhờ có lời khuyên chân thành của Martha – người hầu gái tốt bụng, Mary đã chịu ra vườn dạo chơi. Nhờ con chim ức đỏ, Mary đã phát hiện ra cả một khu vườn bí mật bị đóng cửa bỏ hoang. Kể từ đó, Mary đã quyết tâm cùng Dickon hồi sinh khu vườn. Cô bé trồng rất nhiều khóm hồng, lưu ly, anh túc và thạch thảo cùng với cả một đài phun nước kết bằng hoa hồng. Nhờ sự chuyển đổi này, Mary đã trở nên hồng hào và xinh đẹp hơn rất nhiều, em cũng góp một phần không nhỏ trong việc hồi sinh Colin ốm yếu, bác Archibald u sầu lẫn trang viên Misselthwaite hoang vu.

Trước khi có sự chuyển biến tích cực này, cả Mary và Colin dù không thiếu thốn về vật chất nhưng do chưa nhận đủ đầy tình yêu thương mà biến thành những đứa trẻ ốm yếu và tiêu cực. Trong khi Dickon sinh ra trong một gia đình nghèo khó lại giàu tình yêu thương và hạnh phúc, cậu bé lúc nào cũng hoạt bát và luôn mang đến những cảm xúc tích cực cho mọi người. Cuộc sống được hòa mình vào thiên nhiên, muông thú, cây cỏ và người bạn tốt để có thêm cơ hội sẻ chia đã dần thổi bừng lên trong Mary, Colin những cảm xúc tốt lành. Khơi gợi trong hai em tình yêu thiên nhiên, yêu mọi người và dường như lúc này “phép màu” đã thực sự xuất hiện.

Với tác phẩm đặc biệt này của Hodgson Burnett, bà dường như đang khuyến khích các bậc phụ huynh hãy cho trẻ cơ hội được học cách tự lập và trưởng thành trong môi trường gần gũi hơn với sự vật quanh mình. “Mẹ tôi vẫn bảo, có hai điều tồi tệ có thể xảy đến với những đứa trẻ, đó là không bao giờ có được điều mình muốn, hoặc là luôn luôn có được điều mình muốn. Nhưng chính bà cũng không biết cái nào sẽ tệ hại hơn.” Vậy nên, là cha mẹ, đôi khi ta nên thử thả lỏng tay để con được lớn.

Daisy Home Preschool

“Thật dễ dàng để yêu thương và chấp nhận một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương một ai đó khác mình thực sự rất khó khăn”.

Trên đây là một trong những trích dẫn nổi tiếng của Chuyện con mèo dạy hải âu bay của nhà văn Chile Luis Sepúlveda. Câu chuyện về hành trình đầy nỗ lực của chú mèo Zorba để hoàn thành lời hứa với cô hải âu Kengah: “Không ăn quả trứng. Chăm sóc cho tới khi nó nở. Dạy cho con hải âu bay”.

Nguồn hình ảnh: Sưu tầm

Cô hải âu Kengah bị nhấn chìm trong váng dầu – thứ chất thải nguy hiểm mà những con người xấu xa bí mật đổ ra đại dương. Với nỗ lực đầy tuyệt vọng, cô bay vào bến cảng Hamburg và rơi xuống ban công của con mèo mun, to đùng, mập ú Zorba. Trong phút cuối cuộc đời, cô sinh ra một quả trứng và con mèo mun hứa với cô sẽ thực hiện đúng những lời đã lời hứa, điều chừng như không tưởng với loài mèo.

Ngay sau đó, những lời hứa của Zorba đã trở thành trách nhiệm của toàn bộ mèo trên bến cảng, từ ngài mèo Đại Tá đầy uy tín, mèo Secretario nhanh nhảu đến mèo Einstein uyên bác và cả mèo Bốn Biển đầy kinh nghiệm đều quyết tâm hợp sức giúp nó hoàn thành trách nhiệm này. Bạn biết đấy, việc chăm sóc, dạy dỗ một con hải âu quả chẳng phải chuyện đùa với loài mèo, hàng trăm rắc rối nảy sinh và những kế hoạch được bàn bạc kỹ càng đã biến điều không tưởng ấy thành sự thật. Nhưng sau tất cả, chính lòng kiên nhẫn và sự đồng cảm, yêu thương chân thành đã tiếp thêm sức mạnh cho chú hải âu con hiểu rằng: “Chỉ những kẻ dám mới có thể bay”.

Khi nuôi dạy một đứa trẻ, chúng ta luôn nỗ lực để con được phát triển trong môi trường đủ đầy nhất về cả vật chất và tinh thần. Thế nhưng, đôi khi chính sự yêu thương không đúng cách lại vô tình trở thành những điều ám ảnh trong tâm trí, bởi con được bảo bọc quá nhiều đến nghẹt thở hoặc vì chúng ta mải miết kiếm tiền để cuộc sống tốt nhất về vật chất mà quên việc phải dành thời gian ở bên cạnh con.

Lucky vốn dĩ là một cô hải âu, nếu không có sự đồng hành của Zorba và những người bạn mèo khác tại bến cảng thì có lẽ nó vẫn sẽ học được cách đập cánh, bay lên. Một đứa trẻ sẽ lớn lên và học mọi thứ rất nhanh dù có chúng ta bên cạnh hay không. Tuy nhiên, những điều Zorba đã làm cho Lucky không đơn thuần dành tặng con bé kỹ năng bay, mà chính sự ấm áp và chân tình trong cách dạy dỗ.

  • Zorba kiên nhẫn dạy Lucky quý trọng những điều nhỏ bé xung quanh: “Trong cuộc đời, con sẽ có rất nhiều lý do để hạnh phúc. Một trong những thứ đó là nước, thứ khác là gió, thứ khác nữa là mặt trời, và đó luôn là món quà đến sau những cơn mưa. Hãy cảm nhận mưa đi. Dang đôi cánh của con đi.” Không phải chỉ khi nhìn lên cao mới thấy điều to lớn, bởi lúc quan sát kỹ hơn mọi thứ ta sẽ dễ dàng bắt gặp những hạnh phúc nhỏ nhoi luôn len lỏi trong cuộc sống này. Bài học này sẽ giúp con trở nên tinh tế và tích cực hơn khi cư xử với mọi người, cũng thêm trân trọng bản thân mình.
  • Là một chú mèo, Zorba có thể sẽ không đủ lý lẽ để giải thích cặn kẽ với một con hải âu về tầm quan trọng của việc học bay và chú cũng không cố ép cô bé tin vào điều này. “Với bản tính kiên nhẫn của loài mèo, chúng chờ cho con hải âu tự nói lên mong ước được bay lượn, bởi có một câu châm ngôn truyền đời đã dạy chúng rằng bay lượn là một quyết định hoàn toàn cá nhân.” Con trẻ cũng cần có quyền được quyết định, vậy nên người lớn thay vì áp đặt hãy để con được đưa ra ý kiến, điều ta cần làm là dạy con phải có trách nhiệm với những lựa chọn của mình.
  • Cuối cùng, bài học lớn nhất mà Zorba đã dành tặng cho Lucky sau khi cô hải âu có thể bay chính là tình yêu thương không phân biệt. “Tất cả chúng ta đều yêu con, Lucky. Và chúng ta yêu con bởi vì con là một con hải âu. Một con hải âu xinh đẹp… Chúng ta đã không cứu được mẹ con, nhưng chúng ta có thể giúp con. Chúng ta đã bảo vệ con từ khoảnh khắc con mổ vỡ lớp vỏ trứng ra đời. Chúng ta đã dành cho con sự chăm sóc mà không hề nghĩ tới việc biến con trở thành một con mèo. Chúng ta yêu con như yêu một con hải âu. Chúng ta cảm thấy con cũng yêu chúng ta như vậy, chúng ta là bạn con, là gia đình của con, và chúng ta muốn con biết rằng nhờ con, chúng ta đã học được một điều đáng tự hào: chúng ta học được cách trân trọng, quý mến và yêu thương một kẻ không giống chúng ta!”

Giống như cách Zorba chăm sóc cho Lucky, chúng ta luôn cần rất nhiều nỗ lực để chăm sóc một đứa trẻ, nhưng cách tốt nhất vẫn là để con được tự do khám phá và chọn lựa trong môi trường đủ đầy tình yêu thương.

Daisy Home Preschool

“Charlotte và Wilbur” là một cuốn sách thiếu nhi kinh điển về tình bạn viết bởi E.B. White và được xuất bản lần đầu vào năm 1952. Câu chuyện tập trung vào một con heo tên là Wilbur và một con nhện tên là Charlotte. 

Wilbur, chú lợn xuân cứ đinh ninh mình sẽ vui hưởng thái bình mãi trong trang trại nhà Zuckerman, thế nên, chú tưởng như phát cuồng lên được khi biết rằng người ta sẽ giết thịt chú khi mùa đông tới. Mọi hy vọng của chú, giờ đây, chỉ còn biết đổ dồn vào Charlotte, chị nhện xám vẫn tĩnh tại giăng mắc ở trên chuồng lợn…

Nguồn hình ảnh: Sưu tầm

Charlotte quyết định giúp Wilbur thoát khỏi số phận buồn tẻ của một con heo chăn nuôi bằng cách viết những câu chữ trên một cái lưới của mình. Những từ mà Charlotte viết trên lưới, như “Some Pig” (Một số con heo), “Terrific” (Tuyệt vời) và “Radiant” (Tỏa sáng), thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh và khiến Wilbur trở nên nổi tiếng, chính việc này đã giúp lại mạng sống của Wilbur. Sau khi Charlotte không còn nữa, Wilbur đã giúp cô chăm sóc những chú nhện con mới nở như lời cảm ơn vì tất cả mọi điều cô làm.

Thông qua tình bạn đáng quý này, chúng ta có thể giúp trẻ hiểu được rằng tình yêu thương và sự tử tế là một phần rất quan trọng trong hành trình lớn lên của con, bởi những điều đó sẽ có thể giúp ai đó tốt hơn. Cha mẹ có thể cùng con nuôi dưỡng hạt giống này bằng một số gợi ý nho nhỏ như: 

  • Nuôi dưỡng tình bạn và lòng trung thành: Để con hiểu hơn về tầm quan trọng của sự kết nối với mọi người xung quanh, cha mẹ có thể bắt đầu bằng việc đối xử nhẹ nhàng, chia sẻ và giúp đỡ người khác. Từ tấm gương của cha mẹ, ta có thể khuyến khích con hỗ trợ những bạn trong lớp, chia sẻ kiến thức hoặc đứng về phía người cần giúp đỡ như cách Charlotte đã làm với Wilbur.
  • Nuôi dưỡng sự tự tin: Charlotte đã rất nỗ lực viết những điểm tốt của Wilbur lên lưới để mọi người biết. Điều này chứng tỏ mỗi người đều là một cá thể đặc biệt, có giá trị riêng vậy nên hãy thử khuyến khích con tự do thể hiện cá tính bản thân và bộc lộ khả năng của mình.
  • Nuôi dưỡng sự yêu thương: Cuộc sống của Wilbur đã hoàn toàn thay đổi nhờ có sự quan tâm và chăm sóc từ cô bé Fern cũng như Charlotte. Vậy nên hãy khuyến khích con thể hiện sự quan tâm và chu đáo với những người xung quanh và cả động vật. Việc tham gia vào các hoạt động thiện nguyện cũng là một cách tốt để con biểu đạt tình thương và sự san sẻ với cuộc sống của người khó khăn hơn.
  • Nuôi dưỡng sự can đảm: Khi Charlotte qua đời, Wilbur đã phải học cách đối diện với sự mất mát để tiếp tục sống và chăm sóc cho những đứa con của cô ấy. Cha mẹ có thể kể với con những điều tương tự để trẻ biết rõ hơn và chấp nhận sự thay đổi. Hãy để con hiểu rằng cha mẹ sẽ luôn ở bên cạnh hỗ trợ, nhưng đến một thời điểm nhất định nào đó chính trẻ phải can đảm giải quyết những vấn đề không như ý trong cuộc sống này.

Một trong những hành trang quý giá nhất mà người lớn có thể dành cho trẻ chính là tình yêu thương. Vậy nên hãy chú ý việc tạo ra một môi trường có đủ sự ủng hộ và đồng hành để giúp con thêm trân trọng bản thân, đồng thời cũng biết lan tỏa sự tử tế đến mọi người xung quanh.

Daisy Home Preschool

“Mẹ ơi, đáng lẽ con không nên được sinh ra trên đời này”, đó là câu nói được thốt ra từ một đứa trẻ chỉ mới 5 tuổi –  Zezé, trong cuốn tiểu thuyết Cây cam ngọt của tôi.

Zezé sinh ra trong gia đình mà mọi người luôn tìm cớ trút sự bực tức lên người em vì những trò nghịch ngợm của em – một cậu bé 5 tuổi. 

Nguồn hình ảnh: Sưu tầm

Thỉnh thoảng họ quên mất rằng chính bởi những điều đó đã vô tình biến em thành đứa trẻ lớn nhanh. Mới 5 tuổi em đã biết đọc, biết chăm em, biết đi đánh giày vào ngày Giáng sinh để mua quà tặng cho cha và em có những suy nghĩ rất trưởng thành. Đồng thời, em lại nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng hơn những đứa trẻ cùng tuổi. 

Một đứa trẻ nhạy cảm nghĩa là? Những đứa trẻ với độ nhạy cảm cao không chỉ thể hiện sự sáng tạo, nhận thức và cởi mở hơn, mà chúng còn có một phẩm chất ít được chú ý, đó là sự đồng cảm. Tâm hồn nhạy cảm của Zezé không được những người lớn khắc khổ xung quanh thấu hiểu, chỉ biết quanh quẩn với nỗi tự ti rằng mình là đứa trẻ xấu xa và trút bầu tâm sự với cây cam nhỏ sau nhà.

Vậy nếu là người cha kia, thì ta có thể làm gì để an ủi sự nhạy cảm ấy?

Thay vì luôn lớn tiếng ra lệnh, hãy thử để con được bày tỏ cảm xúc của mình và lắng nghe con.

Thay vì dùng đòn roi khi con phạm lỗi, hãy thử để trẻ hiểu được phần thiếu sót và giúp các em sửa chữa nó từng chút một.

Thay vì để con tự lớn, hãy chậm rãi chấp nhận, hướng dẫn con cách điều tiết cảm xúc, xoa dịu con bằng sự khen thưởng đúng lúc và hiện diện khi con bộc phát cơn giận.

Những đứa trẻ như Zezé thường được gắn mác là “hiểu chuyện” và điều này làm chúng ta dễ lãng quên việc các em cũng cần nhận được sự quan tâm, bảo ban đúng với lứa tuổi của mình. Chỉ tiếc Zezé không nhận được những điều đó, đến mức phải lựa chọn “giết chết cha trong tim mình” và chọn cây cam ngọt làm bạn. Vậy nên, mong bạn đừng phớt lờ sự nhạy cảm của trẻ mà hãy dùng thật nhiều dịu dàng và tình yêu thương để lấp đầy tâm hồn non nớt ấy.

Daisy Home Preschool

Totto-chan bên cửa sổ” là cuốn tự truyện của nữ nhà văn Nhật Bản Kuroyanagi Tetsuko, kể về tuổi thơ của bà cùng các bạn khi được học ở ngôi trường Tiểu học Tomoe. Trước khi được chuyển đến học tại đây, Totto-chan đã bị đuổi khỏi trường Akamatsu, nơi mà em bị xem là học sinh cá biệt, chỉ biết quậy phá và thường xuyên bị cô giáo phạt. 

Thế nhưng, khi được chuyển đến Tomoe học cùng thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku thì quãng thời gian sau đó lại trở thành ký ức đẹp không thể quên trong cuộc đời cô bé. Chính Tomoe đã tạo ra bước ngoặt lớn trong cuộc đời của nữ nhà văn, đúng như lời tâm sự: Nếu không được gặp thầy Kobayashi, có lẽ tôi đã là một người mang đầy mặc cảm tự ti với cái mác “đứa trẻ hư” mà mọi người gán cho”.

Nguồn hình ảnh: Sưu tầm

Vậy sự thật thì thầy Kobayashi đã thay đổi cuộc đời bà và các bạn như thế nào? Thầy đã dùng tất cả tình yêu thương và sự chân thành để giúp các bạn tin rằng mình đang được lắng nghe, trân trọng, bản thân mỗi trò là điều quý giá nhất. Những điều đó thể hiện rất rõ qua sự động viên, khích lệ mà thầy đã trao đi.

Tất cả chúng ta đều hiểu rằng, lời nói của người lớn có tác động rất lớn đến sự phát triển tâm lý trẻ. Do vậy người lớn hãy để ý hơn đến những phát ngôn của mình, không chỉ trong giao tiếp với trẻ mà còn trong hoạt động sống hằng ngày để tránh gây tổn thương không mong muốn. 

Bởi giống hầu hết người lớn, trẻ em cũng rất cần những lời động viên, an ủi khi trẻ gặp khó khăn hay buồn chán. Khi mệt mỏi trẻ cần điểm tựa, ba mẹ nên làm động lực cho con phấn đấu. Có thể con còn chưa ngoan, chưa cố gắng hết sức để thực hiện điều gì, hay đôi lúc thấy nản lòng. Khi nghe được những lời động viên, an ủi của ba mẹ như “Con ngoan lắm!”, “Con đã cố gắng nhiều rồi!”, “Con mẹ mạnh mẽ quá! Thêm một chút nữa thôi là thành công rồi. Đứng lên cùng mẹ nào!”, “Con được việc quá!”… trẻ có thêm niềm tin để đứng dậy sau vấp ngã, giúp em vơi bớt nỗi buồn. Đừng nên làm ngơ khi thấy trẻ khóc, trẻ cũng có tâm trạng giống như người lớn thậm chí còn rất nhạy cảm. Các em dễ bị tổn thương và người lớn hoàn toàn giúp trẻ chữa lành những vết thương đó bằng những lời nói, cử chỉ ân cần.

Ở Tomoe cũng có một vài bạn khuyết tật theo học, các bạn nhỏ nhận được sự quan tâm đặc biệt từ thầy cô giáo trong trường. Để giúp các em vượt lên mặc cảm ban đầu là một quá trình dài. Thầy Kobayashi đã nghĩ ra nhiều trò chơi tập thể phù hợp với học sinh khuyết tật để thu hút các em tham gia, đồng thời tạo sự gắn kết giữa các em nhỏ với nhau. Điều khiến nhiều người không ngờ tới, quán quân trong tất cả các kỳ Đại hội thể thao của trường tiểu học Tomoe chính là Takahashi-kun cậu bé với đôi chân vòng kiềng, rất ngắn. Cũng có đôi lần Takahashi-kun muốn bỏ cuộc, những lúc như vậy thầy Kobayashi lại đến bên động viên: “Không sao đâu! Em sẽ làm được! Nhất định sẽ làm được!” điều đó đã giúp cậu bé tự tin hơn, lần lượt giành chiến thắng trong tất cả các trò chơi ở trường. Không những vậy, lời động viên của thầy đã giúp Takahashi-kun vững bước hơn trên những chặng đường sau này. Nếu tự ti, hẳn Takahashi-kun khó mà học lên được cấp III cũng như đại học, và khi trưởng thành khó có được vị trí cán bộ tư vấn tâm lý “người giữ sự yên bình cho mọi người”.

Còn đối với cô bé Totto-chan hiếu động “quả thật không thể đo đếm được câu nói mà thầy luôn nói với tôi “Em thật là một cô bé ngoan” đã nâng đỡ tôi thế nào để tôi có được ngày hôm nay. Nếu không học ở Tomoe, không gặp được thầy Kobayashi, có lẽ tôi đã là một người mang đầy mặc cảm tự ti với cái mác “đứa bé hư” mà mọi người đã gán cho”. 

Đôi khi một lời nói cũng có thể thay đổi suy nghĩ, hành động thậm chí cả cuộc đời một đứa trẻ. Vậy nên, người lớn ơi, thỉnh thoảng đừng tiếc lời khen ngợi, động viên để tiếp thêm động lực niềm tin cho trẻ vững bước nhé!

Daisy Home Preschool