Có một miền ký ức mà bất kỳ ai khi chạm vào cũng thấy trái tim mình dịu lại, nhẹ bẫng như những giọt sương sớm còn vương trên lá. Miền ký ức ấy, tưởng đã chìm sâu dưới lớp bụi thời gian đã được Nguyễn Phan Quế Mai khẽ khàng nhấc lên, thổi hồn vào qua từng câu chữ trong “Những ngôi sao trên bầu trời thành phố”.

Bằng ngôn ngữ giàu nhịp điệu và đậm chất thơ, cuốn sách nhỏ đã vẽ nên bức tranh rực rỡ nhưng dung dị của làng quê Việt Nam. Ở đó có tiếng xào xạc của những rặng tre, ánh trăng rải vàng trên tán lá, và đàn đom đóm lập lòe trong đêm. Nhưng trên hết, những buổi trưa hè không ngủ, những trò chơi dân gian rộn rã như bịt mắt bắt dê, chọi cỏ gà, hay trốn tìm mới là “những ngôi sao” sáng nhất giữa bầu trời tuổi thơ ấy. Chính những điều giản dị ấy là ký ức đẹp đẽ mà nhà thơ Quế Mai muốn lưu giữ cho bao thế hệ trẻ thơ mai sau.

Giữa guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, giữa ánh sáng lấp lánh của màn hình điện tử, chúng ta dường như đã quên mất cách kể cho con một câu chuyện, quên mất cách cùng con trải nghiệm những điều bé nhỏ nhưng đong đầy ý nghĩa. Vậy nên, không chỉ khơi gợi những ký ức, cuốn sách còn là lời nhắn nhủ: hãy dành thời gian bên con nhiều hơn và cùng con tạo nên những câu chuyện của riêng mình.

Trong mỗi câu chuyện, tác giả đều khéo léo lồng ghép những bài học giản dị nhưng sâu sắc. Từ hình ảnh chiếc bút gỗ chấm mực, chị nhắc nhở rằng những điều tưởng chừng nhỏ nhặt lại có thể rèn cho trẻ sự cẩn thận và kiên nhẫn. Hay câu chuyện về việc “cho chuồn chuồn cắn rốn tập bơi” không chỉ là trò nghịch ngợm tuổi thơ mà còn là cách để dạy con trẻ vượt qua nỗi sợ hãi và hướng tới ước mơ. Và còn biết bao thông điệp khác, được gói ghém trong từng trang sách, chỉ chờ người đọc khẽ mở ra để chiêm nghiệm.

Nguyễn Phan Quế Mai đã đi qua nhiều nơi, chạm vào nhiều nền văn hóa, nhưng với chị, làng quê Việt Nam vẫn là miền ký ức thiêng liêng nhất. Chị viết: “Những điều bình dị nhất của làng quê mình chính là di sản văn hóa của chúng ta. Dù con có đi đâu và là ai chăng nữa, con hãy đem theo những di sản ấy.” Đây chính là lời dặn dò đầy yêu thương mà bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng nên khắc ghi khi nuôi dạy con.

Nếu thế giới công nghệ đang kéo chúng ta xa nhau hơn, thì cuốn sách này là một lời nhắc nhở rằng kết nối thật sự không nằm ở những thông báo hay tin nhắn, mà ở những khoảnh khắc bên nhau, kể cho nhau nghe một câu chuyện, lắng nghe nhau bằng cả tấm lòng. Với các bậc cha mẹ, “Những ngôi sao trên bầu trời thành phố” chính là cơ hội để bạn tạo nên sợi dây liên kết vô hình nhưng bền chặt với con cái mình.

Khi gấp cuốn sách lại, có lẽ bạn sẽ nhận ra rằng những điều đẹp đẽ nhất đôi khi chỉ là những phút giây ngồi bên nhau, kể cho nhau nghe một câu chuyện, hay chỉ đơn giản là cảm nhận hơi ấm gia đình. Như ánh trăng rải vàng trên tán lá, cuốn sách này sẽ chiếu sáng trái tim bạn một cách dịu dàng.

Daisy Home Preschool

Xuất phát từ ao ước được “làm vui” đứa trẻ bên trong chính mình nên những câu chuyện mà Astrid Lindgren viết đều quá đỗi tự nhiên, hồn nhiên, không phải một người lớn đóng vai con trẻ. Niềm mến yêu của trẻ thơ tạo nên sức sống tươi xanh cho truyện của Astrid Lindgren. Và Lũ trẻ làng Ồn Ào là một bức tranh tuổi thơ đầy màu sắc như thế, nơi sáu đứa trẻ sống trong một ngôi làng nhỏ, cùng tạo nên những ngày hè không thể nào quên.

Lisa, cô bé dẫn chuyện, là cầu nối để chúng ta bước vào thế giới của những đứa trẻ làng Ồn Ào. Cùng với Lisa, Anna, Britta, Lasse, Bosse và Olle, độc giả được chứng kiến những trò đùa ngây thơ, những cuộc phiêu lưu tưởng chừng chẳng có hồi kết, từ thi nhau tỉa củ cải, nhảy vào đống cỏ khô cho đến kế hoạch “bỏ nhà ra đi.”

Cuộc sống trong ngôi làng nhỏ này được xây dựng trên sự gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau. Sáu đứa trẻ không chỉ chơi đùa mà còn học cách chăm sóc ông, người già mắt kém không thể tự đọc sách; chúng tự tay nấu cháo, dọn giường và mang bánh quế đến nhà cô giáo khi cô bị ốm. Những hành động nhỏ nhưng đầy ấm áp này là bài học nhẹ nhàng về sự quan tâm, lòng trắc ẩn và trách nhiệm – những phẩm chất quan trọng để trẻ trưởng thành thành những con người tử tế.

Người lớn trong làng đóng vai trò như những người dẫn dắt, nhưng họ không áp đặt, chỉ đơn giản là tạo không gian cho lũ trẻ được tự do khám phá và học hỏi. Ông nội của Lisa là biểu tượng của sự kiên nhẫn, yêu thương; ông lặng lẽ lắng nghe lũ trẻ đọc sách, cùng chúng chia sẻ những khoảnh khắc ý nghĩa. Cô giáo, dù chỉ xuất hiện ngắn ngủi, lại là hình ảnh của sự dịu dàng, nhắc nhở chúng ta rằng tình yêu thương có thể khơi dậy lòng biết ơn và sự gắn bó.

Những thay đổi của lũ trẻ trong câu chuyện cũng chính là lời nhắn nhủ của Astrid Lindgren về cách nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Dẫu những trò nghịch ngợm vẫn hiện hữu, chúng dần biết đặt người khác lên trước bản thân mình, biết chia sẻ niềm vui và sự giúp đỡ từ những điều giản dị nhất. Sự trưởng thành ấy không đến từ những bài giảng khô khan mà từ chính trải nghiệm sống động của cuộc sống hàng ngày.

Làm cha mẹ, đôi khi chúng ta lo lắng đến mức muốn kiểm soát mọi khía cạnh cuộc sống của con trẻ. Nhưng những gì mà Lũ trẻ làng Ồn Ào nhắc nhở là hãy để trẻ được tự do khám phá, học hỏi từ cả niềm vui và những sai lầm. Hãy là người đồng hành, chứ không phải người áp đặt. Trẻ nhỏ, với sự nhạy cảm tự nhiên, sẽ cảm nhận được tình yêu thương thông qua hành động hơn là lời nói.

Bằng cách kể lại một tuổi thơ đầy sắc màu, Astrid Lindgren như muốn nhắn nhủ: hãy luôn giữ cho đứa trẻ trong mình. Trong guồng quay hiện đại, khi nhiều phụ huynh bị cuốn vào những lo toan, cuốn sách chính là một nhịp nghỉ để chúng ta nhìn lại, lắng nghe và kết nối sâu sắc hơn với con.

Daisy Home Preschool

Có những cuốn sách mang lại cảm giác như một cơn gió lành, mơn man và xoa dịu tâm hồn ta trong những ngày cần một điểm tựa. Người bà tài giỏi vùng Saga của Yoshichi Shimada chính là một trong những tác phẩm như vậy. Bằng lối kể chuyện chân thực mà giàu cảm xúc, cuốn sách khơi gợi ký ức tuổi thơ, đồng thời nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của tình thân, niềm lạc quan, và cách tìm kiếm hạnh phúc từ những điều giản dị nhất.

Tokunaga Akihiro – nhân vật chính của câu chuyện – được gửi về vùng quê Saga sống với bà Osano trong hoàn cảnh gia đình khốn khó sau chiến tranh. Cậu bé mang theo mình nỗi buồn rời xa mẹ, lòng tự ti vì sự nghèo khổ, bỡ ngỡ trước một thế giới mới. Nhưng Saga, với những con người mộc mạc và tình cảm, đã nhanh chóng trở thành nơi lưu giữ những kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong tuổi thơ của cậu.

Vượt lên tất cả, nổi bật nhất trong bức tranh ấy chính là người bà Osano – nhân vật trung tâm và linh hồn của câu chuyện. Bà, dù nghèo đến đâu, vẫn cố gắng biến bữa ăn thành một niềm vui nho nhỏ. Bà luôn dạy cậu một triết lý giản đơn mà sâu sắc: “Hạnh phúc không phải thứ được định đoạt bằng tiền. Hạnh phúc phải được định đoạt bằng tâm thế của mỗi chúng ta.”

Không chỉ là người chăm sóc, bà Osano còn là người thầy lớn của Akihiro. Khi cậu bị bạn bè trêu chọc vì sự nghèo khó, bà không nói những lời an ủi sáo rỗng mà kể cho cậu nghe câu chuyện về con gà nhỏ không thể bay nhưng vẫn tự tin nhảy múa đầy kiêu hãnh. Qua câu chuyện ấy, bà khuyên cậu rằng, thay vì so sánh mình với người khác, hãy tự tin sống theo cách riêng.

Những ngày tháng sống cùng bà ở Saga đã trở thành nền tảng tinh thần vững chắc cho Akihiro. Trong những thử thách, cậu học được sự kiên cường. Giữa cuộc sống tưởng như nghèo nàn, cậu phát hiện vẻ đẹp tiềm ẩn từ những điều bé nhỏ, và qua sự chăm sóc âm thầm của bà, cậu hiểu rằng tình yêu không cần được thể hiện qua lời nói mà luôn hiện diện trong từng hành động giản đơn.

Người bà tài giỏi vùng Saga không chỉ là câu chuyện của riêng Akihiro mà còn là một bài học lớn dành cho tất cả chúng ta: hãy biết trân trọng những điều mình có và tìm thấy hạnh phúc trong chính tâm hồn mình. Cuốn sách với sự giản dị và sâu sắc, là một món quà đặc biệt dành cho những ai đang kiếm tìm sự an yên giữa những ồn ào của cuộc sống. Đối với các bạn nhỏ, tác phẩm là tấm gương sáng về tình yêu thương gia đình, giúp các em hiểu rằng giá trị đích thực không nằm ở vật chất, mà chính ở sự sẻ chia và quan tâm giữa con người với nhau.

Câu chuyện kết thúc, nhưng những dư vị ngọt ngào của nó vẫn còn đọng lại mãi trong lòng độc giả. Akihiro đã lớn lên, nhưng những bài học từ người bà và cuộc sống ở Saga vẫn là hành trang quý giá trên hành trình đời cậu. Và với mỗi người chúng ta, khi khép lại trang sách cuối cùng, sẽ cảm thấy như vừa được trở về với một miền ký ức tuổi thơ – nơi chứa đựng tất cả sự giản đơn nhưng luôn đong đầy yêu thương.

Daisy Home Preschool

Trong một thị trấn nhỏ, yên tĩnh, nơi cuộc sống trôi qua chẳng khác gì nhau, đã xuất hiện một cô bé với đôi mắt sáng như sao và trái tim tràn đầy yêu thương – Pollyanna.

Là một đứa trẻ mồ côi, em chuyển đến ở với dì Polly. Người dì dù có vẻ không thích thú việc sẽ đón đứa cháu gái này cho lắm, nhưng bà vẫn thực hiện những gì mình nên làm – vì thứ gọi là trách nhiệm mà bà vẫn hay nhắc đến. Pollyanna là tên ghép từ Polly và Anna – hai người em gái của mẹ cô bé, song dầu rằng đó là một hành động yêu thương và đầy trân trọng người thân, dì Polly cũng chẳng thấy cảm động gì. Vậy mà, Pollyanna lại vui đến nhảy cẫng lên khi gặp được dì, mặc kệ sự nghiêm khắc và căn phòng áp mái nóng nực mà bà đã chuẩn bị cho cháu gái.

Pollyanna luôn biết cách thổi vào mọi thứ xung quanh mình một nguồn năng lượng tươi mới, mạnh mẽ và đầy sức sống với “trò chơi vui mừng” kỳ diệu mà cha đã dạy em trước khi rời xa thế giới này – một trò chơi đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc: tìm ra điều đáng mừng trong mọi tình huống. Căn phòng áp mái nóng bức và trống trải? Thật may vì cô bé có thể ngắm nhìn cảnh vật bên ngoài qua ô cửa sổ. Những lời phê bình của dì Polly nghiêm khắc? Đó là điều tuyệt vời vì dì Polly luôn quan tâm đến từng cử chỉ của cô bé. Pollyanna lớn lên, không chỉ bằng tình thương mà còn nhờ những thử thách, vì mỗi khoảnh khắc khó khăn đều được cô bé chạm tới bằng tinh thần yêu đời, và từ đó, em càng trở nên rạng rỡ, mạnh mẽ như một bông hoa luôn hướng về mặt trời.

Pollyanna khiến người đọc thấy rung động, không chỉ vì sự lạc quan đáng yêu mà còn bởi cách cô bé lan tỏa niềm vui ấy đến mọi người. Dì Polly có thể khô khan, trầm lặng, tưởng như chẳng có chút dịu dàng nào trong lòng, nhưng sự hiện diện của Pollyanna đã dần làm mềm lòng bà. Trong trái tim của dì, một tia sáng nhỏ đã le lói khi nhìn thấy cháu gái mình vui sướng nhảy nhót, ríu rít và biến những thử thách thành niềm hân hoan. Cách giáo dục của dì Polly, dù không quá ấm áp, nhưng lại giúp Pollyanna phát triển trong một môi trường không chỉ có yêu thương mà còn cả sự nghiêm nghị, cứng rắn. Bà dạy cho Pollyanna cách sống trong khuôn khổ, còn Pollyanna dạy bà cách yêu thương thật sự. Đó là một bài học quý giá mà bố mẹ có thể học hỏi: đôi khi, những đứa trẻ không chỉ cần tình yêu vô điều kiện mà cũng cần sự định hướng để trở nên độc lập và mạnh mẽ.

Điều đặc biệt ở Pollyanna là em không chỉ tự vun đắp sự lạc quan cho mình, mà còn truyền niềm tin ấy đến từng con người trong thị trấn nhỏ. Bà cụ buồn bã vì cô đơn, người đàn ông khổ sở vì bệnh tật, hay chú làm vườn già nua còng lưng vì tuổi tác… tất cả đều tìm thấy một phần sức mạnh của mình trong trò chơi “thấy mừng” của cô bé. Pollyanna đã trở thành “mặt trời bé con” của cả thị trấn, bởi cô bé sưởi ấm tâm hồn người khác không bằng những lời khuyên to tát, mà bằng niềm vui giản đơn, hồn nhiên và tình thương vô điều kiện.

Pollyanna như đang nhắc mỗi người rằng, cuộc sống sẽ luôn có lúc u ám, nhưng hãy nhớ rằng, có một mặt trời bé con bên trong mỗi chúng ta.

Daisy Home Preschool

Cuộc đời có những bước ngoặt bất ngờ – những ngày trời đang yên bình bỗng hóa thành những thử thách không lường trước. Nhưng chính những thử thách ấy lại mang đến cho trẻ con, và cả chúng ta, những bài học về lòng dũng cảm, sự kiên nhẫn và khả năng thích nghi. Trong “Dưới bóng trăng ngà”, câu chuyện của Cải Xoong không chỉ là hành trình của một cô thỏ nhỏ tìm kiếm sự an toàn giữa khu rừng kỳ bí, mà còn là một bức tranh tinh tế về cách trẻ em đối diện với những thay đổi không mong muốn trong cuộc sống.

Khi gia đình Thỏ buộc phải chuyển khỏi ngôi nhà cũ, mẹ con Cải Xoong bước vào một cuộc sống mới với đầy rẫy những khó khăn. Việc Thỏ Bố biến mất như một lỗ hổng không thể lấp đầy trong trái tim họ. Nhưng như Thỏ Mẹ đã từng nhẹ nhàng nói: “Chúng ta phải sống tiếp thôi. Chúng ta có việc phải làm.” Lời nói ấy không chỉ là sự nhắc nhở về bổn phận, mà còn là lời an ủi, giúp Cải Xoong hiểu rằng, dẫu thế giới có nhiều biến đổi, chỉ cần tình yêu và sự chăm sóc của gia đình thì mọi thứ rồi sẽ ổn.

Cải Xoong, cô thỏ nhỏ vốn chỉ quen với bình yên, nay phải đối mặt với muôn vàn khó khăn của cuộc sống mới, từ việc phải tự mình chăm sóc em trai Kip, đến việc khám phá khu rừng kỳ lạ và đầy bất trắc. Trong từng bước chân của mình, cô bé gặp gỡ những người hàng xóm kỳ lạ nhưng đầy tình cảm, như Ông Cú Titus Gối Ngủ với giọng điệu khàn khàn và lạnh lùng, dần trở thành một biểu tượng của sự bảo vệ, hay Quý Cô Agatha Bắp Cải – một nhân vật có vẻ kiêu kỳ nhưng lại luôn xuất hiện đúng lúc để giúp đỡ gia đình nhà thỏ. Mỗi nhân vật trong khu rừng như một phần của bức tranh lớn về cuộc sống, mang đến cho Cải Xoong những bài học khác nhau, giúp cô bé nhận ra rằng, dù cuộc sống có thay đổi ra sao, luôn có những tấm lòng tử tế đồng hành.

Những bậc cha mẹ có lẽ sẽ nhìn thấy hình ảnh của mình trong Thỏ Mẹ – một người mẹ mạnh mẽ nhưng cũng đầy nhạy cảm, luôn tìm cách bảo vệ và hướng dẫn con cái vượt qua những khó khăn. Dù cuộc sống có nhiều biến động, bà không bao giờ từ bỏ hy vọng và tình yêu dành cho các con.

Sự tinh tế của “Dưới bóng trăng ngà” còn nằm ở cách mà Gregory Maguire đã xây dựng nên một câu chuyện dành tặng cả những người lớn muốn hiểu thêm về thế giới nội tâm của con trẻ. Những câu hỏi ngây thơ của Cải Xoong, như “Mẹ ơi, liệu có phải lão cáo đã bắt được bố không?”, là điều mà bất cứ đứa trẻ nào cũng sẽ có khi đối mặt với biến cố lớn. Chính sự bình thản, dù đau lòng, trong câu trả lời của Thỏ Mẹ giúp con trẻ nhận ra rằng, đôi khi không phải mọi câu hỏi đều có câu trả lời rõ ràng, nhưng tình yêu và sự bảo vệ của cha mẹ sẽ luôn là điểm tựa vững chắc.

Cuốn sách này không chỉ là một câu chuyện về sự mất mát và hồi sinh, mà còn là hành trình của việc học cách sống chung với những thay đổi. Ông Manfred Cua Cỏ, với sự khôn ngoan của một người già, đã giúp Cải Xoong hiểu thêm về thế giới đầy hiểm nguy nhưng cũng đầy yêu thương này. Những câu chuyện của ông về các nhân vật kỳ bí trong khu rừng không chỉ là trò giải trí, mà còn giúp Cải Xoong hiểu rằng, mọi thứ đều có quy luật của nó, và sự sống luôn tiếp diễn, dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra.

Cuối cùng, “Dưới bóng trăng ngà” không phải là một câu chuyện cổ tích có phép màu hay một cái kết hạnh phúc. Nó là câu chuyện của cuộc sống thực, nơi những đau thương có thể vẫn đang tồn tại song song với hy vọng. Cuốn sách này như một lời thì thầm dịu dàng: dù những thử thách có thể đến bất cứ lúc nào, bạn luôn có thể giúp con mình vượt qua bằng tình yêu và sự chăm sóc. Trong những đêm đen, ánh sáng từ bóng trăng ngà sẽ luôn dẫn lối cho chúng ta.

“Ngày mai sẽ đủ tốt thôi”, câu nói của ông Cú vọng xuống ở cuối truyện như một lời nhắn nhủ dành cho tất cả chúng ta.

Daisy Home Preschool

Billy trong tác phẩm của Helen Rutter là một cậu bé can đảm. Bởi dù phải đối mặt với sự chế giễu từ bạn bè và những nỗi sợ bên trong thì cậu bé vẫn không ngừng mơ về một tương lai khác – nơi cậu có thể đứng trên sân khấu, trước mọi người và khiến họ cười, không phải do sự khập khiễng trong lời nói mà vì chính những câu chuyện hài hước cậu mang lại. Cậu bé mắc chứng cà lăm với hành trình của lòng dũng cảm và tình yêu thương liệu có đủ sức để biến giấc mơ ấy thành sự thật không?

Nguồn hình ảnh: Sưu tầm

Từ những trang đầu tiên của câu chuyện, ta cảm nhận rõ nỗi đau và sự cô đơn mà Billy phải chịu đựng. Việc mắc chứng cà lăm khiến cậu luôn cảm thấy mình lạc lõng, khác biệt và sợ hãi trước cái nhìn của người khác. Cậu bé luôn cố gắng tránh giao tiếp, giữ cho mình im lặng với hy vọng điều này sẽ giúp cậu thoát khỏi sự chế giễu từ bạn bè. Thế nhưng, nỗi sợ hãi không phải là điều có thể tránh né. Cảm giác tự ti luôn đè nặng trong lòng Billy, khiến cậu ngày càng khép kín và xa rời mọi người.

Điều tuyệt vời của câu chuyện nằm ở chỗ Billy không dừng lại ở việc chấp nhận mình là người yếu đuối hay mãi né tránh vấn đề. Cậu đã thay đổi, từ một cậu bé rụt rè trở thành một người dũng cảm, dám đối mặt với nỗi sợ của chính mình. Với sự hỗ trợ từ mẹ và những người bạn tốt bụng như Egg, Billy dần nhận ra rằng mình không cô đơn trong cuộc hành trình này. Cậu không chỉ tin tưởng, mở lòng và chấp nhận sự giúp đỡ của những người xung quanh mà còn học được cách sử dụng chính giọng nói cà lăm của mình trong các tiết mục hài hước, biến điều mà cậu nghĩ là khuyết điểm trở thành điểm mạnh độc đáo. Cậu bé đã biến nỗi sợ hãi và tự ti thành động lực để phát triển, và cuối cùng là dũng cảm đứng trước đám đông, khiến mọi người cười bằng chính bản thân mình.

Tình yêu và niềm tin của mẹ là nguồn động lực lớn lao cho Billy. Chính tình thương vô điều kiện của mẹ, cùng sự tin tưởng vào khả năng của con trai, đã giúp Billy nhận ra bản thân có giá trị và rằng mình có thể vượt qua mọi khó khăn. Không chỉ có mẹ, mà những người bạn như Egg và những nhân vật xung quanh cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Billy. Sự chân thành, không phán xét của họ giúp Billy nhận ra rằng cậu không cần phải thay đổi để trở nên giống mọi người, mà hãy tự tin với chính con người mình. Từ đó, cậu dần phá vỡ những rào cản mà mình tự đặt ra, và bước ra thế giới với một tâm hồn tràn đầy năng lượng.

Với mỗi cha mẹ, cuốn sách này còn mang lại bài học về cách nuôi dưỡng sự tự tin của con. Giống như mẹ của Billy, việc luôn ủng hộ, lắng nghe và tạo niềm tin cho con là cách tốt nhất để giúp trẻ vượt qua những khó khăn. Sự hiện diện của tình yêu thương và niềm tin không chỉ giúp trẻ phát triển về mặt tinh thần, mà còn góp phần vào sự hình thành tính cách độc lập, mạnh mẽ sau này.

Daisy Home Preschool

Vẫn lối kể chuyện dí dỏm mà ta đã từng đọc về Pippi tất dài, Emil cũng hội tụ đầy đủ những phẩm chất của một đứa trẻ con thực thụ. Cậu bé đặc biệt không chỉ bởi “năm tuổi và khỏe như một con bò mộng nhỏ” mà vì cậu là tác giả của loạt trò nghịch oái oăm không dứt tại một trang trại ở Thụy Điển. Tại sao lại như vậy? Ông bố thì bứt tóc kêu trời, bà mẹ thì cầu nguyện và ghi nhật ký, dân làng thì thấy vợ chồng họ thật đáng thương, bởi Emil nghịch quá thể.

“Lại thằng nhóc Emil!” – mỗi lần nghe dân làng Lonneberga thốt lên câu ấy, người ta có thể tưởng tượng ngay ra cảnh cậu nhóc Emil đang nhảy vào một trò tinh nghịch mới. Emil Svensson, với đôi mắt tròn xoe, gương mặt hồn nhiên nhưng tinh quái, là biểu tượng không thể thiếu trong ngôi làng nhỏ Smaland, nơi mà dường như không có ngày nào yên bình khi cậu xuất hiện.

Emil là hình ảnh của một đứa trẻ hiếu động, bướng bỉnh nhưng ẩn sâu bên trong là một tâm hồn trong sáng và giàu lòng yêu thương. Những trò nghịch ngợm “để đời” của Emil – từ việc chui đầu vào liễn súp, nhúng em gái Ida vào thùng mứt, hay treo em gái lên đỉnh cột cờ – đều xuất phát từ sự tò mò, lòng hiếu kỳ và mong muốn khám phá thế giới xung quanh. Đây là những phẩm chất của một đứa trẻ tự do trong tư tưởng, không bị ràng buộc bởi những quy tắc khô khan của người lớn. Chính sự tự do ấy đã nuôi dưỡng cho Emil một trí tưởng tượng bay bổng và khả năng giải quyết vấn đề sáng tạo, điều mà những đứa trẻ ngày nay thường bị thiếu hụt trong môi trường giáo dục khuôn khổ.

Từ câu chuyện của Emil, chúng ta thấy rõ một điều: mỗi đứa trẻ đều có tiềm năng, chỉ cần được dẫn dắt đúng cách. Trong trang trại Katthult, Emil không chỉ gây ra những tình huống dở khóc dở cười mà còn khiến người lớn phải suy ngẫm về cách đối xử với trẻ em. Cha của Emil, người thường bứt tóc vì những trò nghịch ngợm của con trai, dù luôn la mắng, nhưng lại có cách cư xử khác. Ông thường giam cậu vào nhà kho để cậu có thời gian tự suy ngẫm và thú vị là Emil luôn tận dụng những lúc như vậy để điêu khắc những bức tượng nhỏ bằng gỗ. Những hình phạt không hề ngăn cản Emil, ngược lại, chúng trở thành cơ hội để cậu bé thể hiện bản thân theo cách sáng tạo và tích cực. Cách giáo dục không áp đặt ấy chính là một trong những điều rất quý giá đối với sự phát triển của trẻ.

Một nhân vật khác có ảnh hưởng rất lớn đến sự hành trình lớn lên của Emil là mẹ. Mẹ Emil luôn tin tưởng vào lòng tốt của con trai, luôn bênh vực và ghi chép lại những trò tinh nghịch của cậu vào cuốn nhật ký. Ở bà, ta thấy một người mẹ kiên nhẫn, thấu hiểu và tin tưởng vào bản chất tốt đẹp của con mình, dù cậu bé có nghịch ngợm đến đâu. Khi ta đặt niềm tin vào con cái, để chúng thấy rằng mình được yêu thương và tin tưởng, dù đôi khi có phạm sai lầm sẽ giúp trẻ phát triển hết tiềm năng của mình mà không sợ hãi.

Những trò nghịch ngợm của Emil có thể khiến người lớn phải đau đầu, nhưng thực chất, đó là cách cậu bé khám phá thế giới và phát triển kỹ năng xã hội. Khi Emil nhổ răng hàm cho cô Lina, hay tự mình kiếm tiền tại lễ hội Hultsfred, cậu đang học cách giúp đỡ người khác và trở thành một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng. Qua mỗi trò nghịch ngợm, Emil không chỉ gây ra rắc rối mà còn đem lại những niềm vui và sự hứng khởi cho mọi người xung quanh. Và cuối cùng, chính Emil đã cứu sống chú Alfred, một hành động đầy quả cảm mà sau này giúp cậu trở thành thị trưởng của ngôi làng. Chúng ta có thể sẽ quên rằng, những đứa trẻ nghịch ngợm nhất, đôi khi lại là những người có tiềm năng lớn nhất trong tương lai.

Mỗi trang sách của Lại thằng nhóc Emil không chỉ là tiếng cười vui vẻ, mà còn là những thông điệp sâu sắc về giá trị gia đình, sự trưởng thành và trách nhiệm của cha mẹ. Emil, với tất cả sự tinh nghịch của mình, đã trở thành biểu tượng cho một tuổi thơ tự do, nơi mà sự sáng tạo và lòng hiếu kỳ được khuyến khích. Nhờ tình yêu thương của mẹ và sự bao dung của những người xung quanh, Emil không chỉ lớn lên trong sự an yên của làng Lonneberga mà còn phát triển thành một cậu bé có tấm lòng nhân hậu.

Daisy Home Preschool

Điều Kỳ Diệu của nhà văn Mỹ R.J. Palacio mở ra một thế giới mà ở đó lòng dũng cảm và sự tử tế đã giúp các nhân vật chiến thắng tất cả mọi thứ. Bằng góc nhìn của một người mẹ, từng trang sách không chỉ chan chứa tình thương, mà còn đầy ắp sự ấm áp dành cho cậu bé thiếu may mắn – August Pullman, đứa trẻ có khuôn mặt dị tật bẩm sinh. Mặc dù phải trải qua 27 lần phẫu thuật để có thể sống sót, thì với cậu vẻ ngoài ấy là điều mà không một ai có thể chịu đựng được: “Tôi sẽ không miêu tả về ngoại hình của mình đâu, dù bạn có cố hình dung kiểu gì đi nữa thì trông tôi còn tệ hơn thế nhiều.”

Nguồn hình ảnh: Sưu tầm

Nhưng chính từ đây, điều kỳ diệu đã bắt đầu. Bạn sẽ được chứng kiến cách August đối diện với những thử thách trong cuộc sống, không chỉ bằng trí thông minh và sự hài hước, mà còn có lòng dũng cảm phi thường. Cậu biết những ánh mắt chằm chằm nhìn về cậu mỗi khi ra đường, biết cả vẻ mặt hoảng hốt và khiếp sợ của những người lần đầu thấy cậu, biết hết những lời bàn tán xấu xí hay cả sự dị nghị của mọi người về bản thân cậu. Nhưng cậu cũng đã quen với điều đó rồi, August đã sống như một cây xương rồng kiên cường trên sa mạc khô cằn, cùng ý chí mãnh liệt và trái tim rộng mở.

August đã không ngừng đấu tranh và mạnh mẽ vượt lên chính mình để bước tới trường học dù cho nơi ấy “khó nhằn” hơn cậu nghĩ. May mắn là giữa rất nhiều khoảnh khắc đau lòng, cậu vẫn tìm thấy rất nhiều người tốt bụng và thật lòng yêu quý mình như những người bạn Jack, Summer và các thầy cô của Trường tư thục Beecher.

Đầu tiên là qua tình bạn với Jack Will và Summer. Jack Will ban đầu chơi với August vì lời yêu cầu từ thầy hiệu trưởng, nhưng dần dần, cậu ấy thực sự quý mến và cảm thông với em. Còn Summer, cô bé tự nguyện làm bạn với August mà không cần ai yêu cầu. Tình bạn chân thành của họ đã tạo nên một điểm sáng trong cuộc sống của August, giúp cậu bé mở lòng hơn, và bắt đầu tin rằng không phải ai cũng nhìn cậu bằng ánh mắt phân biệt.

Một nhân vật khác cũng có tác động lớn đến August là chị gái của cậu, Via. Là người luôn yêu thương và bảo vệ em trai, nhưng Via cũng có những nỗi niềm riêng. Cô bé cảm thấy mình thường bị lãng quên trong gia đình vì mọi sự quan tâm đều dồn hết cho August. Nhưng dù có cảm thấy như thế nào, Via vẫn luôn là người em có thể dựa vào. Tình yêu thương và sự thấu hiểu của Via đã giúp August rất nhiều trong việc chấp nhận bản thân và vượt qua những khó khăn.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến thầy hiệu trưởng Tushman, người đã luôn dõi theo và hỗ trợ August trong suốt thời gian em học tại Beecher. Thầy cũng chính là người đã gieo vào lòng August và những đứa trẻ khác bài học về lòng tử tế, về cách mà sự tốt bụng có thể thay đổi cuộc đời của mỗi người.

Khi khép lại quyển sách này, mỗi người đều phải đồng ý rằng sự tồn tại của August không phải là một sai lầm của tạo hóa, mà đó là điều kỳ diệu cuộc sống đã ban tặng. Từ câu chuyện của August, các em nhỏ có thể học được rất nhiều bài học quý giá. Trước hết là bài học về lòng dũng cảm, bởi dù biết rằng mình không giống bất kỳ ai khác và có thể phải đối diện với sự kỳ thị, August vẫn chọn cách bước ra thế giới bên ngoài và đối mặt với tất cả. Sự dũng cảm này không chỉ đáng khâm phục mà còn là nguồn cảm hứng để các em nhỏ học cách đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống của mình. Bài học thứ hai là về sự tử tế, trong suốt câu chuyện, August đã gặp phải không ít sự bất công, nhưng em luôn chọn cách đối xử tử tế với mọi người. Điều này cho thấy rằng sự tử tế không chỉ là một đức tính tốt mà còn là cách giúp chúng ta xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp và tạo ra những điều kỳ diệu trong cuộc sống.

Daisy Home Preschool

Heidi là tác phẩm nổi tiếng nhất của Johanna Spyri, tác giả của những cuốn sách đầy màu sắc về vùng thôn quê yên bình. Cuốn sách được yêu mến không chỉ bởi bối cảnh diễn ra trên dãy núi Alm (Alps) tươi đẹp mà còn bởi sự thấu hiểu và cảm thông với tâm tư trẻ con và cách mà các em cảm nhận thế giới. Cùng với văn phong giản dị, trong sáng, Heidi mang đến cho người đọc một bức tranh lớn về thiên nhiên thơ mộng và hùng vĩ của đất nước Thuỵ Sĩ, bên cạnh vô vàn điều đẹp đẽ từ tâm hồn trẻ thơ.

Câu chuyện kể về cô bé Heidi khi 5 tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống cùng bà ngoại và người dì. Khi bà ngoại mất, vì vội vã đi kiếm việc làm mới, người dì đã gửi Heidi cho ông nội của cô bé, đang sống cô độc, xa lánh loài người trên vùng núi cao. Ai cũng ái ngại cho Heidi khi phải sống với ông già lập dị và cục cằn. Nhưng ai ngờ được rằng, Heidi bé bỏng với sự thơ ngây, vui vẻ và tấm lòng nhân hậu tự nhiên, chẳng những đã giúp ông nội tìm lại lòng yêu cuộc sống, mà còn mang đến nhiều đổi thay kỳ diệu cho cuộc sống của bao người quanh em.

Khi Heidi từ dãy núi Alm chuyển đến Frankfurt, em mang theo không chỉ sự trong sáng của tuổi thơ mà còn là nguồn năng lượng tích cực và tình yêu thương vô điều kiện để sưởi ấm trái tim Klara – một cô bé khuyết tật, sống trong cảnh xa hoa nhưng lại thiếu vắng niềm vui và sự tự do. Sự xuất hiện của Heidi cùng với vô vàn câu chuyện sống động đã mang lại niềm vui và ánh sáng mới cho Klara. Qua mối quan hệ giữa hai cô bé, Spyri dường như đang muốn nhắc đến sức mạnh của tình bạn chân thành và nhắn nhủ rằng mỗi chúng ta đều có thể trở thành nguồn động lực, niềm an ủi cho người khác chỉ bằng sự hiện diện của mình.

Mỗi nhân vật, từ người bà già yếu của Peter, đến ông bác sĩ tốt bụng ở Frankfurt, đều để lại ấn tượng sâu sắc với tính cách và câu chuyện riêng của họ. Người bà của Peter là biểu tượng cho sự kiên trì và niềm tin, dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, bà vẫn luôn tin vào những điều tốt đẹp. Ông bác sĩ ở Frankfurt, dù sống trong môi trường thành thị hiện đại, nhưng lại mang trong mình một trái tim nhân hậu và luôn mong muốn giúp đỡ người khác. Những nhân vật này không chỉ làm phong phú thêm câu chuyện mà còn giúp Heidi hiểu rõ hơn về giá trị của tình người, về lòng tốt và sự đồng cảm.

Bên cạnh các nhân vật, dãy núi Alm hiện lên qua ngòi bút của Johanna Spyri đã góp phần tạo nên một bức tranh vô cùng sống động, nơi mỗi mùa trong năm đều mang đến những vẻ đẹp và cảm xúc riêng biệt. Chính không gian thiên nhiên này đã nuôi dưỡng tâm hồn Heidi, khiến cô bé luôn giữ được sự hồn nhiên, lạc quan và yêu đời. Spyri đã tinh tế cho thấy rằng thiên nhiên không chỉ là bối cảnh mà còn là nguồn cảm hứng, là nơi mà con người có thể tìm thấy sự bình yên và sức mạnh tinh thần. Thật khó để không cảm thấy rung động trước hình ảnh những cánh đồng hoa nở rộ, những buổi chiều hoàng hôn trên đỉnh núi hay những ngày tuyết trắng phủ đầy, tất cả đều gợi lên trong lòng người đọc một cảm giác yên bình và êm dịu.

Không chỉ giúp các em hiểu thêm về thiên nhiên, Heidi còn là tác phẩm đẹp về tình yêu thương, lòng nhân hậu và sự sẻ chia. Không có bài học nào ý nghĩa hơn việc giúp trẻ hiểu rằng hạnh phúc không nằm ở những thứ xa hoa, mà là ở những điều giản dị và chân thành nhất. “Trong cuộc sống, điều gì đem lại niềm vui cho cháu thì cháu cứ làm đi, mặc kệ người khác nói gì.”

Daisy Home Preschool

“Cáo Pax” của Sara Pennypacker là kể về tình bạn không lời giữa cậu bé Peter và chú cáo nhỏ Pax. Mối liên kết đặc biệt này được tác giả khắc họa một cách tinh tế, đến mức khi chia cắt, nó có sức mạnh lay động cả thế giới nội tâm của người đọc. Từng câu chữ không chỉ tái hiện hình ảnh về sự chân thành mà còn là hành trình tràn đầy nghị lực và lòng dũng cảm để vượt qua mọi khoảng cách và khó khăn.

Chiến tranh đã khiến Peter và Pax bị buộc phải chia xa. Bố của Peter lên đường nhập ngũ và cậu phải chuyển đến sống với ông nội, để lại người bạn bốn chân thân thiết của mình trong rừng. Nhưng nỗi âu lo và dằn vặt khi bỏ lại người bạn lông xù đã thôi thúc Peter quay về tìm lại Pax. Đây là một hành trình đầy thử thách, nơi cậu phải vượt qua 300 dặm với bao khó khăn để tái ngộ với người bạn trung thành.

Đối với một cậu bé như Peter, việc đơn độc vượt qua hành trình ấy chẳng hề dễ dàng. Cậu phải đối mặt với rét lạnh, thương tích, và thậm chí là gãy chân. Nhưng may mắn thay, Peter gặp được bà Vola – một người phụ nữ lớn tuổi thông thái, người đã giúp đỡ cậu cả về vật chất lẫn tinh thần. Qua những ngày tháng sống cùng Vola, Peter không chỉ được chữa lành vết thương thể xác mà còn học được những bài học quý giá về lòng nhân ái và sự tha thứ. Vola cũng dần mở lòng để kể về những trải nghiệm đau thương và nỗi ám ảnh khi đối diện với cái giá của chiến tranh. Chính qua những câu chuyện ấy, Peter dần nhận ra thế giới kinh hoàng khi có chiến tranh và trân trọng hơn giá trị thực sự của hòa bình.

Trong khi đó, Pax cũng có những trải nghiệm riêng, khi gặp gỡ và kết bạn với đồng loại của mình, những chú cáo có cái nhìn và hiểu biết về con người rất khác với cậu. Pax thường đặt cho những người bạn mới của mình những cái tên ngộ nghĩnh. Bác cáo có bộ lông xám được gọi là “Bác Xám”, một cô cáo luôn cáu kỉnh và khó gần được gọi là “Cáu Kỉnh” và chú cáo nhỏ nhất trong bầy được gọi là “Còi Gí”. Cùng với những người bạn này, Pax dần tìm về những bản năng nguyên thủy của loài cáo và bắt đầu hiểu hơn về “con người” – loài của cậu chủ, và “chiến tranh” – thứ đã tách rời cậu và Peter.

Thông qua nhân vật Bác Xám, tác giả còn đặt ra câu hỏi: “Con người, những kẻ bị cuốn vào vòng xoáy của chiến tranh, họ có thực sự hiểu điều gì mình đang đánh mất không?” Từ góc nhìn của cáo Pax và những người bạn, ta phần nào thấy rõ câu chuyện về loài vật cũng chính là câu chuyện về con người. Có bao nhiêu trẻ mồ côi như chị em Còi Gí? Có bao nhiêu cậu bé bị thương tật vì bom đạn như chú cáo con ấy, để rồi không thể di chuyển bình thường được nữa? Thiên nhiên bị tàn phá, sông suối bị bom nổ đến mức đục ngầu, đất đai thì nhiễm độc… Nỗi đau chiến tranh không chỉ ám ảnh con người, mà nó thực sự có sức tàn phá đáng sợ đến mọi loài trên hành tinh này.

Pax thuộc về rừng sâu, còn Peter thuộc về loài người. Thế nhưng, sợi dây vô hình của tình yêu thương đã gắn kết cả hai. Tác giả Sara Pennypacker đã tạo nên áng văn đẹp đẽ về lòng chung thủy và sự mất mát trong thời chiến. Mỗi câu từ đều ẩn chứa những cảm xúc chân thực nhất, ở đó có giọt nước mắt của sự chia ly, nụ cười của sự đoàn tụ, và cả những vấp ngã cần thiết để lớn lên. Tình yêu thương thật kỳ lạ, nó đã phá vỡ ranh giới giữa người và mọi giống loài trên đời.

Daisy Home Preschool