Mỗi cái tên là một tình thương, mỗi sự việc là món quà to

two green moutains
three green moutains

Người lớn sẽ dạy trẻ con nhiều hơn hay là ngược lại?

Qua lăng kính của cậu bé 10 tuổi, tác giả Nguyễn Ngọc Thuần khơi gợi rất nhiều ký ức tươi đẹp của hầu hết người lớn từng là trẻ con. Mỗi chương là một mẩu chuyện đáng yêu đưa tất cả chúng ta lên một chuyến tàu êm dịu, ở đấy toàn điều đẹp đẽ và thương mến từ cuộc đời. Bạn đã sẵn sàng “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” và đắm mình trong những thanh âm đẹp nhất chưa?

“Năm nay tôi mười tuổi. Có nghĩa là trước đây 10 năm thì tôi vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Mỗi khi đi đâu, mẹ mang tôi đi. Tôi chưa biết khóc. Một đứa trẻ khi nằm trong bụng mẹ chắc chắn là không biết khóc. Tôi muốn các bạn tưởng tượng điều này. Lúc đó chúng ta như thế nào nhỉ? Chúng ta không có ai làm bạn, ngoài mẹ ra. Cho nên bố tôi nói, một đứa trẻ ra đời là một sự may mắn.”

Câu chuyện được bắt đầu bằng sự ra đời của một cái tên, bởi vì “nó là cái tiếng đẹp đẽ nhất mà người ta gọi trong suốt cuộc đời một đứa trẻ. Đứa trẻ này khác đứa trẻ kia bởi một cái tên. Khi nhớ về một người là ta nhớ về một người có cái tên đó… Không có gì đẹp bằng cái tên của mình. Một cái tên là một tình thương lớn”. Vậy nên, Trí Dũng là một thanh âm đẹp và cậu bé cũng được nuôi dưỡng bởi vô số triết lý thú vị từ những người xung quanh.

Không cần phải ghen tị đâu, vì thế giới của Dũng cũng toàn những điều bình dị thôi. Ở đó có bố mẹ, những người hàng xóm thân thiết, cô giáo dạy tiểu học, lũ bạn thân cùng xóm… và một mảnh vườn xinh. Thế nhưng, thương mến từ chú Hùng, ông Tư, cô Hồng, cô giáo Hà, thằng Tí đến cuộc gặp gỡ có phần kỳ quặc với ông cháu lão ăn xin đều khiến những mảnh ký ức tuổi thơ của Dũng trở nên quý báu. Qua mỗi chương, ta lại thấy cậu cứng cỏi hơn, Dũng còn ân cần và kiên nhẫn trước một người lớn gặp chuyện buồn hơn bất cứ ai. Bởi cậu hiểu “một khi ai đó buồn, họ cần rất nhiều người để chia sẻ. Nỗi buồn chỉ vơi đi bằng tình thương chứ không có một phương thuốc nào hết” và cậu bé đã dùng cách đó để xoa dịu mất mát của ông Tư, cô Hồng.

Dù được kể với một chút màu sắc cổ tích nhưng cuộc sống của cậu bé không hề được lý tưởng hoá mà ngược lại vô cùng chân thực. Lần đầu tiên, nỗi buồn, thậm chí cái chết được mô tả một cách không khoan nhượng, nhưng đồng thời cũng thấm đẫm tình yêu, sự cảm thông và lòng trắc ẩn. Người lớn có thể thấy thấp thoáng bóng dáng của chính mình trong những năm chập chững lên mười, vô số ước mơ con con mà ta từng đắm chìm và cả nỗi nhớ về người thân yêu nữa.

Dũng còn có một khu vườn tuyệt đẹp với rất nhiều loại hoa thơm, cậu thích nhất là vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ để cảm nhận hương hoa êm dịu lan tỏa trong không khí. Cậu bé học được từ bố cách tưới tẩm khu vườn trong tâm trí nữa, đó là nơi cậu lưu giữ những gương mặt mà mình thương yêu. “Nhiều lần tôi đã hỏi bố, tại sao người ta không nhớ một bàn tay của ai đó mà phải nhớ khuôn mặt trước tiên. Bố nói bởi vì trên đó có đôi mắt. Chúng ta không thể nhìn ai đó mà không nhìn vào đôi mắt họ. Một đôi mắt sẽ cho ta biết họ yêu mến điều gì và quan trọng hơn nữa, họ đã hy sinh cho điều gì.”

Mỗi đứa trẻ có một điều kỳ lạ riêng. Có người có đôi mắt rất kỳ lạ. Có người có một cái mũi kỳ lạ. Có người lại là một ngón tay. Người lớn hãy cùng con quan sát và gợi mở những điều bí mật về cuộc sống này nhé. Bởi mỗi sự việc đều là một món quà mà, phải không?

Daisy Home Preschool